Nhân vật số phận

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật vầ con người và thế giới nhân vật trong sáng tác của nguyễn minh châu sau 1975 luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 49 - 58)

Không phải chỉ sau 1975 nhân vật số phận mới xuất hiện trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu mà ngay từ trước năm 1975 ông đã chú ý đến số phận bi kịch của cụ Phang, cô Xiêm trong Dấu chân người lính. Họ là những con người nhỏ bé, là những nạn nhân của chiến tranh, của những hoàn cảnh éo le khắc nghiệt. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh chiến tranh, do sự chi phối của cảm hứng sử

thi, do mục tiêu ngợi ca, cổ vũ kháng chiến, Nguyễn Minh Châu và các nhà văn khác chưa thể đi sâu vào phần chìm khuất của hiện thực với bao nỗi bi kịch éo le, bất hạnh trong số phận của con người. Những góc khuất trong số phận của nhân vật mới chỉ được nhìn nhận ở góc độ hạn hẹp hoặc chỉ là một vài nét phác họa thoáng qua như những "âm trầm nốt lặng" giữa bản anh hùng ca của dân tộc. Những năm cuối đời, điều kiện khách quan và chủ quan đã cho phép Nguyễn Minh Châu dành trọn vẹn sự quan tâm đối với con người và bởi thế, nhân vật số phận trở thành kiểu loại nhân vật tâm huyết, nơi nhà văn thể hiện tư tưởng nghệ thuật độc đáo của mình cũng như những vấn đề của đời sống nhân sinh, thế sự.

Vì vậy, có thể nói, nhân vật số phận là kiểu loại nhân vật ám ảnh nhất trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu sau 1975, là hệ quả của công cuộc đổi mới văn học, đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người. Đồng thời là sự kết tinh nồng mặn từ một “tâm hồn sáng tạo đang độ chín” của nhà văn thể hiện rõ rệt sự đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người và hiện thực của nhà văn trong việc “lấy số phận cá nhân làm khởi điểm, làm mục tiêu hướng tới và đồng thời cũng là trung tâm lăng kính nghệ thuật” [23, 36], “lấy số phận cá nhân làm gương soi lịch sử” [39, 47] và “lấy đời tư con người làm mảnh đất khám phá những quy luật vĩnh hằng của các giá trị nhân bản” [35, 287].

Trong sáng tác sau 1975 của Nguyễn Minh Châu, Cỏ lau là truyện ngắn thể hiện sâu đậm và đầy ám ảnh nhất những vết hằn khắc nghiệt của chiến tranh lên số phận của con người. Cả ba nhân vật Lực, Thai, Quảng đều là nạn nhân của chiến tranh với số phận đầy éo le ngang trái. Chiến tranh như một nhát dao phạt ngang cuộc đời Lực thành hai nửa khiến vết thương khủng khiếp ấy chảy máu suốt cuộc đời. Cả tuổi trẻ vùi chôn ở chiến trường, khi trở về người lính ấy lại hoàn toàn trắng tay, bất lực trước sự thực tàn nhẫn: em trai hi sinh, cha già sống nhờ ở gửi, người vợ yêu dấu thủy chung đã có một gia đình khác. Ngôi mộ “của ông” còn đó, Lực đã thành người thiên cổ từ lâu trong tâm trí mọi người. Mất

những người thân, Lực mất luôn cả quyền hiện diện. Còn nỗi đau nào hơn khi người lính từ cõi chết trở về không dám nhận cha, không dám gặp người vợ xưa dù cả hai còn tình sâu nghĩa nặng. Những gì chờ đợi Lực chỉ là tuổi già khắc khoải cô đơn trong thung lũng vắng, chỉ bạt ngàn cỏ lau với những đêm day dứt về quá khứ với những hình người đàn bà bằng đá câm lặng như bằng chứng trần trụi về sự độc ác của chiến tranh. Cơn lốc chiến tranh cũng xô đẩy cuộc đời ông Quảng trong những thăng trầm: Bị giặc pháp bắt đi tù, vợ ở nhà phản bội. Số phận éo le lại gắn kết đời ông với Thai- người đàn bà đã dành trọn trái tim cho người chồng cũ, khiến bao năm ông sống trong ghen tuông, đau khổ, nhục nhã như sống với một cái xác không hồn. Sự trở về đột ngột của Lực, tâm thế bất ổn và ước nguyện tái hợp với Lực của Thai lại đẩy ông đến tình thế bi kịch: Hoặc mất người vợ ông hằng yêu thương và quý trọng, hoặc chấp nhận một sự chung sống vốn không hạnh phúc nay tất sẽ càng bất hạnh hơn. Số phận của Thai trong

Cỏ lau là số phận đau đớn của người chinh phụ. Thai vừa có nét xinh đẹp dịu

dàng, vừa có tính cách mạnh mẽ và cũng có cuộc gặp gỡ đầy duyên phận giống với nhân vật Hạnh (Bên đường chiến tranh). "Xây dựng nhân vật Thai, Nguyễn Minh Châu muốn hội tụ lại ở nơi chị những nét nổi trội trong tính cách, số phận của nhân vật nữ trước đó" [34, 91]. Ngay giữa những ngày hạnh phúc bên chồng mới cưới, Nguyễn Minh Châu đã để cho người đọc dự cảm về một số phận không may khi Thai sống giữa một vùng rừng núi Đợi với "bốn phía đầy những hòn vọng phu". Tám năm xa cách, Thai vừa công tác xã hội vừa bị tù đày, vừa chăm sóc bố chồng, tự tay chôn cất đứa em chồng rồi "chôn luôn cả chồng". Bi kịch đó cũng không gây được ấn tượng, nếu Thai không có một phẩm chất đặc biệt, "suốt đời chỉ có thể yêu được một người". Bi kịch ấy càng được đẩy lên cao trào khi Lực- chồng cũ của cô trở về sau hai mươi tư năm xa cách. Bây giờ anh là trung đội trưởng phụ trách thu gom hài cốt liệt sỹ. Nguyễn Minh Châu đã đặt Thai giữa mối tình của hai người đàn ông vốn rất đặc biệt, một người gần như

"hai mươi tư năm nay không hề yêu một ai" và một người luôn cảm thấy "khổ sở nhục nhã" vì không được vợ yêu nhưng lại càng yêu càng quý vợ vì anh đã nhìn thấy ở Thai kiểu mẫu “những người đàn bà chờ chồng có thể hóa đá” [25, 735], thân xác đã gửi cho người chồng khác mà linh hồn còn trăn trở vật vã bởi tình cũ người xưa suốt hai mươi bốn năm.

Qua tình huống bi kịch không thể giải quyết ổn thỏa của Lực, Thai, Quảng trong Cỏ lau, Nguyễn Minh Châu nhìn thấy nỗi đau lớn nhất của bao con người đã trải qua chiến tranh là những di chứng nặng nề trong thời hậu chiến. Nó ăn sâu nhức nhối, âm ỉ trong tâm khảm mỗi người. Với “quá khứ hạnh phúc quá ngắn ngủi, hiện tại bất hạnh trớ trêu, tương lai càng đắng cay, cô đơn” [70, 78], cuộc đời Lực, Thai, Quảng đều là những mảnh vỡ số phận dưới sự chà xát của chiến tranh mà không thứ keo nào gắn kết lại được. Chính từ những mảnh vỡ ấy đã lấp lánh ánh xạ tư tưởng nhân văn của tác giả.

Nguyễn Minh Châu còn dành mối quan tâm hàng đầu trong việc thể hiện nhân vật nữ trong chiến tranh được nhìn nhận ở góc độ số phận riêng tư. Hơn ai hết trong chiến tranh khi những người chồng phải tham gia chiến đấu rồi hy sinh thì người vợ ở nhà phải là trụ cột của gia đình. Chiến tranh đó là hình ảnh những người mẹ góa bụa: Mẹ Êm (Miền cháy), Phượng, Bà Lập (Lửa từ những ngôi nhà), Bà Việt (Bên đường chiến tranh) và hình ảnh những người phụ nữ có người yêu hi sinh ở chiến trường: Quỳ (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành), Khơi

(Mảnh đất tình yêu). Chiến tranh đem đến cái tang thương chết chóc, cái đau khổ

mất mát của những bà mẹ mất con, của những người vợ mất chồng, chiến tranh mang "bộ mặt đàn bà xót xa khắc khoải".

Viết về đề tài nông thôn và người nông dân có thể nói, Nguyễn Minh Châu là người có biệt tài trong việc thể hiện sinh động kiểu nhân vật số phận. Trong bối cảnh một đất nước nông nghiệp lạc hậu bao năm bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, cuộc sống nghèo đói cũng đẩy con người đến bên bờ vực thẳm.

Là một giả thuyết về số phận của người nông dân, Phiên chợ Giát đã lột tả đến đáy cùng nỗi tuyệt vọng của “một kiếp người nhọc nhằn, tủi nhục, mất mát tất cả, để cuối cùng chỉ còn thấy xung quanh một màu máu đỏ” [20, 179]. Cuộc đời của lão Khúng gắn liền với xứ sở của một vùng đất nhọc nhằn, lịch sử của một dân tộc đau thương, của một kiếp người lam lũ, trì trệ, u tối. Trong sự phân thân đầy tính huyễn tưởng, lão vẫn nhận ra kiếp người của mình khổ cực vất vả không hơn gì kiếp trâu bò. Hơn bao giờ hết, lão Khúng khao khát một sự giải thoát cho chính bản thân mình như chính lão muốn giải thoát cho con bò khoang đen về với kiếp sống hoang dã tự nhiên đích thực của nó. Nhưng cuối cùng cũng không thoát ra nổi. Hình ảnh sự trở về của con bò khoang đen càng làm cho khát khao mơ ước của lão Khúng lụi tàn. Đó cũng chính là sự luẩn quẩn bế tắc của số phận lão Khúng. Là một người nông dân, hai bàn tay xương xẩu cóc cáy của lão cùng với vợ con đã khai phá vùng đất hoang sơ không dấu chân người. Lão đã biến sỏi đá thành thóc gạo, trâu bò, nhà cửa và mang trên vai gánh nặng của chiến tranh, của những đói nghèo lạc hậu. Đói nghèo đã đẩy lão ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình, đưa lão trở về thời hồng hoang của khai sơn lập địa với tất cả gian nan của sự bắt đầu. Nhưng dù đã vắt cạn kiệt sức lực, cuộc đời lão vẫn chìm đắm trong bóng tối dày đặc đầy nhọc nhằn cay đắng. Chiến tranh đã cướp mất thằng con trai đích thực mang dòng máu của lão, cướp mất của lão cái lòng tin "mong manh", "trùng triềng" và những gì thiêng thiêng nhất trên đời. Lão không còn kỷ vật gì của đứa con, kể cả nắm xương cho tới tấm ảnh. Có chăng chỉ là "cái ba lô bẩn thỉu rách rưới y như cái đãy của đứa ăn mày" như là một bằng chứng vô nghĩa cho sự độc ác của chiến tranh. Cảm thông sâu sắc với cuộc số phận một lão Khúng bị nhấn chìm trong bóng đêm, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện sự thức nhận cay đắng về số phận con người: Có những con người chỉ hiện hữu, tồn tại mà chưa phải là sống, chưa bao giờ được sống. Cả một đời cùng vợ con vắt kiệt sức cho đất đai, những gì lão Khúng được hưởng chỉ là một cuộc sống kham khổ

về vật chất, mông muội về tinh thần và một tuổi già hay lú lẫn, hoài nghi, ngớ ngẩn.

Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa là một hướng tìm tòi khám phá về số phận con người trong sáng của Nguyễn Minh Châu, khi trở về với đời thường, với mảnh đất miền Trung cằn cỗi và cơ cực, đau đáu đi tìm câu hỏi cho những số phận con người trong cuộc sống đời thường trăm đắng ngàn cay. Trên tinh thần quyết liệt đổi mới, Nguyễn Minh Châu đã lấy con người làm đối tượng phản ánh thay cho hiện thực đời sống. Mặc dù không phủ nhận văn chương gắn với cái chung, với cộng đồng nhưng Nguyễn Minh Châu còn muốn thể hiện một quan niệm văn chương trước hết phải là câu chuyện của con người, với muôn mặt phức tạp phong phú, với tất cả chiều sâu của nó. Hiện thực của tác phẩm Chiếc

thuyền ngoài xa không phải là bức tranh hoành tráng của mảnh đất chiến trường

xa A So từng ghi dấu bao chiến công, cũng không phải là những con người tạc dáng đứng hào hùng của mình vào lịch sử mà là một sự thật gắn với cuộc sống của những người dân chài lam lũ. Từ cuộc sống ấy, những bi kịch tiềm ẩn khiến con người phải ngỡ ngàng. Trong Chiếc thuyền ngoài xa, số phận bất hạnh của người đàn bà vùng biển không chỉ do hoàn cảnh nghèo đói, lạc hậu tạo nên mà còn do sự tàn nhẫn của đồng loại và ít nhiều do thói quen nhịn nhục. Sự bần cùng và tối tăm, mông muội luôn đồng hành với tội ác và sự cam chịu- quy luật khắc nghiệt ấy bao đời đã gây ra nỗi khổ nhục của con người. Người đàn bà rách rưới, lam lũ, xác xơ sau những đêm thức trắng kéo lưới đã nhẫn nhục chịu đựng những trận hành hung man rợ, thậm chí thà bị tòa án “bắt tội”, “bỏ tù” chứ không chịu bỏ người chồng vũ phu. Nghịch lí khi được lí giải bởi hoàn cảnh khiến người đọc suy ngẫm mà xót xa: Để duy trì sự sống của con cái, của chính mình, biết bao người đàn bà đã phải âm thầm chấp nhận một sự ràng buộc nghiệt ngã, một số phận đầy éo le ngang trái, bất hạnh? Một câu chuyện đơn giản nhưng đã chứa đựng những phát hiện mới mẻ hàm chứa quan niệm văn chương hướng

về con người của Nguyễn Minh Châu. Nếu chỉ nghĩ suy một cách xuôi chiều đơn giản, cuộc sống khi có ánh sáng cách mạng sẽ đổi đời cho số phận người lao động, sẽ xóa tan những bất hạnh đè nặng lên kiếp người. Thế nhưng Nguyễn Minh Châu đã chỉ rõ cho chúng ta: Cách mạng không thể giải quyết bi kịch, bất hạnh của con người trong một sớm một chiều, con người vẫn phải đối diện với những bi kịch đời mình, dung hòa với nó. Cách lí giải về con người của Nguyễn Minh Châu còn ẩn chứa những suy ngẫm về số phận dân tộc phải trải qua những khổ đau để đối diện với hiện thực đầy thách thức. Nguyễn Minh Châu đã cho thấy rõ ý tưởng về một “cuộc đời thì đa đoan, con người thì đa sự” ngay trong một gia đình dân chài.

Nếu như trước kia, trong văn học 1945 – 1975, khi đề cập đến số phận bất hạnh của con người thì bao giờ các nhà văn cũng đề cao khả năng con người vượt qua nghịch cảnh và những tác động của môi trường, của xã hội mới sẽ giúp con người tìm thấy hạnh phúc. Khi diễn tả sự vận động của tính cách con người, các nhà văn cũng thường nói về sự vận động theo chiều hướng tích cực, từng bước vượt lên hoàn cảnh, hồi sinh tâm hồn. Cách minh họa tư tưởng ấy không tránh khỏi có phần giản đơn và phiến diện. Nguyễn Minh Châu đã không đi theo con đường mòn đó. Trong Chiếc thuyền ngoài xa, nhà văn đã nói về những nghịch lí tồn tại như một sự thật hiển nhiên trong đời sống con người. Bằng thái độ cảm thông và sự hiểu biết sâu sắc về con người, ông đã mang đến cho người đọc cái nhìn toàn diện về cuộc sống, hiểu cả bề mặt lẫn chiều sâu. Nguyễn Minh Châu đã từng phát biểu: “Nhà văn tồn tại ở trên đời có lẽ trước hết là vì thế: để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn con người ta đến chân tường, những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đọa đày đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời, để bênh vực cho những con người không có ai để

Chiếc thuyền ngoài xa như một minh chứng cho tấm lòng hướng về con người, khả năng giải mã những mặt phức tạp của cuộc đời.

Cũng do sự tàn nhẫn của đồng loại và tác động của chiến tranh mà sư già Thiện Linh trong Mùa trái cóc ở miền Nam phải nếm trải bao nỗi đắng cay, nhục nhã, thất vọng ê chề. Người đàn bà từng moi đất vùi xác chồng trong nạn đói 1945, lặn lội bươn chải để chuộc con, nuôi con khôn lớn lại bị chính núm ruột của mình hắt hủi, ghẻ lạnh. Sau hai mươi năm xa cách, lặn lội kiếm tìm, cuộc gặp gỡ mà người mẹ hằng mong mỏi đã biến thành “một phiên tòa đại hình” [25, 817] khi Toàn - đứa con của bà đã bị chiến tranh làm xơ cứng chất người - nhẫn tâm tra tấn mẹ như hỏi cung một phạm nhân. Nỗi khát khao tình máu mủ, hi vọng chứa chan, niềm xúc động tội nghiệp... của bà nhanh chóng bị dập tắt bởi thái độ sắt đá, cạn nghĩa cạn tình của người con. Nhà văn đã bộc lộ nỗi đau đớn, xót xa vô hạn cho tình cảnh và số phận đáng thương của người mẹ. Thời trẻ phải tha phương cầu thực, tuổi già lại lang thang hành khất, một cuộc đời vắt qua nhiều chế độ chính trị ấy khiến người đọc thấm thía cái phù du, được mất của một kiếp người. Dù ở chế độ nào, những số phận bất hạnh như sư già Thiện Linh

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật vầ con người và thế giới nhân vật trong sáng tác của nguyễn minh châu sau 1975 luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 49 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(136 trang)
w