Văn học Việt Nam giai đoạn trước 1975 đã đem đến cho độc giả nhiều hình tượng nhân vật đẹp, ấn tượng như nhân vật anh hùng Núp, chị Út Tịch, các nhân vật trong tác phẩm Mẫn và tôi, Dấu chân người lính... Họ là những hình mẫu lý tưởng, đại diện cho các thế hệ con người Việt Nam trong những ngày "cả nước lên đường" đánh Mỹ. Những nhân vật văn học trước 1975 là nhân vật mang khuynh hướng sử thi, đại diện cho con người trong cộng đồng. Sau chiến tranh, kiểu nhân vật này đã dần dần phai nhạt. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng đó là do khi hướng tới những nét tâm lý, tính cách cần có, các nhà văn chưa có kiều kiện đảm bảo tính xác thực để những trạng thái tâm lý nhân vật bộc lộ. Trong tác phẩm Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu ta có thể thấy tính xác thực của các sự kiện lịch sử. Nhưng về mặt nội tâm và nét tâm lý chân thực của nhân vật vẫn có cái gì đó mơ hồ, mang vẻ đẹp của những hạt ngọc nhưng xa vời, hư ảo, thiếu đi cái góc cạnh xù xì của cuộc sống thực, thiếu đi cái quanh co uẩn khúc, bí ẩn của tâm linh. Ở các tác phẩm Dấu chân người lính,
Mảnh trăng cuối rừng...Nguyễn Minh Châu cũng đã miêu tả tâm lý nhân vật
thoáng qua, miêu tả nó như một âm thanh đơn lẻ và nhanh chóng chìm lấp đi trong cái không khí của bản đồng ca hùng tráng lên đường của cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Với cách mô tả từ bên ngoài, tâm lý nhân vật chưa thực sự được bộc lộ một cách tự nhiên chân thật như vốn có của nó. Như vậy ta có thể thấy Nguyễn Minh Châu trước 1975 chưa chú trọng quan tâm nhiều đến việc đi sâu khai thác tâm lí nhân vật.
Sau 1975, Nguyễn Minh Châu đã thực sự quan tâm đến miêu tả tâm lí của nhân vật, xem đó là một phương thức quan trọng, như một lợi thế trong sáng tác. Trong các tác phẩm ra đời sau 1975, đặc biệt từ những năm 80, nhân vật của
Nguyễn Minh Châu luôn có một quá trình diễn biến tâm lý sâu sắc. Ông để cho nhân vật tự ý thức về bản thân mình trong mối quan hệ với những người xung quanh, nhân vật tự bộc lộ những cảm xúc, tình cảm chân thực nhất vốn có của nó. Có thể nói, các nhân vật sau 1975 của Nguyễn Minh Châu được tập trung khắc họa chủ yếu ở đời sống nội tâm, thông qua việc miêu tả tâm lý.
Một trong những đối tượng nhân vật được ông quan tâm miêu tả tâm lý là người lính. Chiến tranh đã lùi xa, giống như các nhà văn khác, Nguyễn Minh Châu đã có sự thay đổi lớn lao trong tư duy nghệ thuật. Ông có cái nhìn toàn diện thấu đáo hơn về chiến tranh và người lính. Sự phản ánh của ông được thể hiện qua cái nhìn đa diện hơn, nhất là nhìn nhận người lính ở phương diện tâm lý. Nhà văn đã miêu tả tâm lý người lính hết sức chân thực, tâm lý nhân vật được bộc lộ gần gũi hơn, chân thật hơn ở giữa cuộc đời thường. Nhân vật Lực trong
Cỏ lau là một người lính đã dạn dày với bom đạn chiến tranh, cống hiến cho
chiến tranh cả tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc. Sau chiến tranh, từ cuộc cuộc chiến khốc liệt trở về Lực lại tiếp tục làm những công việc cao cả thiêng liêng. Anh đã trở thành một hình mẫu lý tưởng được mọi người kính trọng. Thế nhưng con người của anh có lúc là nạn nhân của chiến tranh, có lúc lại là "Con người của chiến tranh" với tất cả sự ích kỷ hèn nhát, tàn nhẫn, gây ra cái chết vô nghĩa, oan uổng cho một người lính trẻ. Nhà văn muốn nói một điều, con người chẳng ai là thánh nhân, con người không bao giờ có sự hoàn hảo tuyệt đối, mà thường xuyên có những giây phút "hoàn toàn không giống bản thân mình". Nguyễn Minh Châu đã miêu tả rất xác thực tâm lý của nhân vật. Từ hành động đối với Phi đến nỗi đau đớn bất lực về những linh cảm hậu quả việc làm tàn nhẫn của mình. Mang cái cảm giác của một con người phạm tội, của "một người bị chính mình trói mình...chỉ muốn tự cởi trói để vùng chạy đi cứu lấy một cái gì rất mực quý giá" [11, 464]. Tâm lý của Lực được miêu tả rất tinh tế trong buổi lễ truy điệu, thể hiện sự am hiểu sâu sắc tâm lý con người của Nguyễn Minh Châu. Khi hình ảnh
của Phi hiện về trong tâm trí, lương tâm của Lực đã tự xỉ vả, tố cáo mình một cách dữ dội trước tội lỗi mà mình gây ra cho Phi.
Người họa sỹ trong Bức tranh cũng đã xúc động trước tình cảm và việc làm của người lính trẻ. Người họa sỹ đã đồng ý vẽ tặng anh lính bức chân dung và hứa sẽ gửi đến tận tay bà mẹ ở quê nhà đang ngày đêm mong ngóng đứa con bức tranh của người lính. Nhưng rồi vòng quay của cuộc sống, công việc, sự thành đạt đã cuốn anh ta quên mất lời hứa. Để rồi sau này khi đối mặt với quá khứ, với người lính anh ta đã tự dằn vặt bản thân mình, hối hận trước tội lỗi mà anh đã gây ra đối với bà mẹ già của người lính
Những diễn biến tâm lý của Quỳ trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành cũng được Nguyễn Minh Châu miêu tả chân thực. Quỳ là một người đàn bà có sự hấp dẫn về ngoại hình, hơn nữa lại là người thông minh và đầy kiêu hãnh. Với những tố chất đó tưởng chừng như cô ta có thể đứng trên mọi thứ tình yêu. Thế nhưng con người ấy lại bị chinh phục bởi gương mặt lạnh lùng " không hề mảy may xúc động" của người trung đoàn trưởng dũng cảm. Nhưng rồi tình yêu đó của Quỳ cũng chỉ là những hình bóng hư ảo, xa vời. Khi tình yêu hiện hình bằng xương bằng thịt bên chị, chiều chuộng, âu yếm, chị lập tức cảm thấy hụt hẫng bởi những trần trụi đời thường. Cái cảm giác của chị khi phải "chịu đựng" bàn tay dấp dính mồ hôi của người yêu, là một chi tiết chứa đựng tâm lý đặc sắc: "Mỗi lần anh ấy đặt bàn tay lên vai, lên mái tóc tôi, tôi phải tự nghĩ thầm trong lòng rằng đó là bàn tay của anh ấy, người mình đang dốc lòng yêu, bàn tay của một người mà mình đã thấy không thể thiếu được trong cuộc đời này, tuy vậy, vẫn không thể xua đuổi cái cảm giác dấp dính trên bờ vai và mái đầu" [11, 136]. Chỉ đến lúc cái chết sắp cướp đi tất cả, từ tài năng, trí tuệ, tâm hồn đến cả bàn tay dấp dính mồ hôi của anh, tình yêu của Quỳ mới lại bùng lên lần thứ hai, dữ dội và điên dại, dẫu có muộn màng và bất lực. Nguyễn Minh Châu đã phân tích diễn biến tâm lý của Quỳ một cách tinh tế và chân thực: Một con người có tâm hồn
cao đẹp và cá tính mạnh mẽ hóa ra lại luôn luôn bất lực. Chị đã bất lực khi cố thuyết phục người khác và chính mình phải tin rằng: "Chúng tôi sống với nhau rất hòa thuận, quý trọng nhau và có hạnh phúc. Với một người chồng, tôi không mong ước gì hơn", nhưng cái "ấp úng" của chị khi nói về chồng đã bộc lộ tất cả những bất ổn trong tâm hồn người đàn bà nhiều khát vọng ấy.
Tình cảm gắn bó máu thịt của lão Khúng với con Khoang đen- người bạn nhọc nhằn của lão cũng đã được Nguyễn Minh Châu biểu hiện qua những chi tiết miêu tả và phân tích tâm lý tinh tế, chính xác. Con người suốt đời thu vén, chắt bóp, thậm chí trong giờ phút chia tay với bò khoang vẫn còn suy tính để giữ lại cuộn dây chão mới cũng chính là con người tự nguyện giải thoát con bò vào rừng sâu với một cảm giác sung sướng "tự thỏa mãn" dù cả gia đình lão và thằng con trai ở vùng kinh tế mới đang trông chờ vào số tiền bán bò. Con người cục súc và độc đoán luôn tỏ ra cứng rắn ấy lại cũng là con người yếu đuối vô cùng trong cõi lòng đầy yêu thương với vợ con, với cuộc đời...Sự việc bán con bò đối với lão Khúng là một việc rất quan trọng nhưng lão luôn tỏ ra bình thản, luôn lảng tránh nỗi đau đớn bằng cách tỏ ra bất cần, nghiệt ngã và tàn nhẫn. Lạnh lùng lão giục giã con bò "Rảo bước đi nhanh lên mà chết cho sớm sủa, để người ta nện một búa vào đầu mày cho nhanh lên đồ quỷ ạ" [11, 585]. Cái giọng giục giã, gắt gỏng ra vẻ tàn nhẫn lạnh lùng ấy còn đau đớn hơn cả tiếng khóc mà lão không khóc được. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã nhìn thấu được tâm tư thật của con người, thấy được bản chất và tình cảm sâu sắc của người nông dân đang cố tỏ ra cục cằn, lạnh lùng ấy.
Trạng thái tâm lý và tình cảm của con người luôn có sự không đồng nhất trong những diễn biến phức tạp của cuộc sống. Thâm nhập vào bên trong đời sống tâm lý của nhân vật, Nguyễn Minh Châu đã mô tả hết sức thành công diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật. Mặt khác để khai thác tâm lý và tính cách của
nhân vật thì độc thoại nội tâm cũng được tăng cường sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật hữu hiệu.
Độc thoại nội tâm là tiếng nói bên trong của nhân vật, là lời nhân vật tự nói với mình, nhân vật tự bộc lộ những suy tư thầm kín, "thể hiện trực tiếp quá trình tâm lí, nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó" [15, 108]. Độc thoại nội tâm không phải là thủ pháp mới mẻ. Ở văn học trung đại Nguyễn Du rất thành công với thủ pháp độc thoại nội tâm nhằm bộc lộ tính cách của các nhân vật trong Truyện Kiều. Trong văn học hiện thực phê phán 1930-1945, nhà văn Nam Cao đã rất thành công với thủ pháp độc thoại nội tâm để làm nổi bật tính cách của Chí Phèo, Bá Kiến và các nhân vật trí thức.
Văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 do hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, con người luôn gắn mình với hoàn cảnh của lịch sử dân tộc. Tất cả mọi người đều phấn đấu cho một mục tiêu với một lý tưởng cao đẹp là chiến đấu chống thực dân, đế quốc giải phóng dân tộc. Con người do đó thường hướng ngoại hơn là hướng nội, tính cách thường được biểu hiện ở hành động. Bởi thế khi mô tả tính cách nhân vật nhà văn thường chú ý đến hành động của nhân vật, quan sát nhân vật theo diễn biến của hoàn cảnh bên ngoài mà chưa đi sâu khám phá nội tâm của nhân vật. Nguyễn Minh Châu cũng nằm trong quỹ đạo chung đó của văn học trước 1975.
Sau 1975, đặc biệt là những năm tám mươi, công cuộc đổi mới diễn ra trong văn học toàn diện và sâu sắc, con người trong văn học được soi chiếu nhìn nhận một cách toàn diện hơn. Nhà văn quan sát nhân vật không chỉ ở những hành động hướng ngoại, mà còn để cho nhân vật tự soi chiếu mình, tự bộc lộ mình trong các mối quan hệ đời sống. Để làm được điều đó thì độc thoại nội tâm là thủ pháp nghệ thuật đã phát huy được hiểu quả giúp nhà văn Nguyễn Minh Châu miêu tả nội tâm nhân vật với cuộc sống tinh thần bên trong đầy bí ẩn và
phức tạp "Không thể biến con người sống thành một khách thể câm lặng, khách thể của một nhận thức vắng mặt, một nhận thức hoàn kết. Ở con người bao giờ cũng có một cái gì đó mà chỉ bản thân nó mới có thể khám phá bằng hoạt động tự do của sự tự ý thức và của lời nói, điều này không thể nào xác định được từ bên ngoài" [4, 259]. Có thể nói, trong các sáng tác sau 1975 của Nguyễn Minh Châu, dòng độc thoại nội tâm tuy không dày đặc nhưng dường như lại là phương tiện chính yếu của ngôn ngữ nhân vật đề thể hiện ý tưởng của tác giả.
Sử dụng thủ pháp độc thoại nội tâm, cảm hứng nhân văn của Nguyễn Minh Châu trước hết thể hiện ở khát vọng “tìm ra con người trong con người... miêu tả toàn bộ chiều sâu của tâm hồn con người” [4, 263]. Có thể thấy điều đó trong các tiểu thuyết ra đời ngay sau chiến tranh của ông. Cuộc đối thoại trong nội tâm của Cúc (Miền cháy) đã hé mở cho độc giả thấy ý muốn trả thù những kẻ đã đầu hàng cách mạng ẩn sâu trong thâm tâm của cô – người lãnh đạo chính quyền xã. Dù trái với chủ trương, chính sách cách mạng, tâm lí ấy vẫn thuộc về con người, dễ hiểu và phổ biến. Đặc biệt cuộc đối thoại nội tâm của Thuần ở cuối tiểu thuyết Những người đi từ trong rừng ra đã soi tỏ cái phần khuất lấp trong con người một chiến sĩ cách mạng. Mặc dù đã nhận ra con người thật của Sương, Thuần vẫn không sao quên được dư vị ngọt ngào của mối tình đầu: “Em ăn gian nói dối, em lừa đảo, em “phe phẩy”, em tham tiền mù quáng, làm tay sai
cho địch, em là cô gái hư xấu, thậm hư xấu, anh ghét em thậm tệ, anh có thể cầm
súng bắn chết em, nhưng trong chỗ sâu kín nhất của lòng anh, anh vẫn yêu em,
vẫn còn yêu em” [24, 754].
Trong việc sử dụng độc thoại nội tâm để miêu tả nhân vật, cảm hứng nhân văn của Nguyễn Minh Châu còn thể hiện ở sự thấu hiểu và cảm thông với những vui buồn số phận, những nỗi niềm, ẩn ức bên trong con người. Qua những lời bộc bạch tự đáy lòng của lão Khúng, qua sự bừng ngộ đầy ám ảnh về số kiếp nửa người nửa vật trong cơn ác mộng của lão, người đọc nhận ra tấm lòng trắc ẩn của
nhà văn. Ông đã nhập thân trọn vẹn vào thể phách, linh hồn nhân vật để đau nỗi đau xé ruột của người cha mất con, thấm thía cùng tận nỗi đắng cay, mặc cảm của người nông dân tự ý thức sâu sắc về thân phận của mình. Lời lão Khúng tự hỏi mình cứ xót xa như lời chất vấn của Nguyễn Minh Châu trước cuộc đời:
“Chả lẽ đời của lão, cái số phận của lão, của vợ chồng, con cái lão phải như vậy,
cứ phải như vậy?” [25, 867]. Nguyên Hồng từng nghẹn ngào khóc thương cho
các nhân vật Tám Bính, Gái Đen của mình, Nguyễn Minh Châu đã “khóc đầm đìa vì thương cuộc đời cơ cực của lão Khúng” [20, 212]. Theo dòng chảy của độc thoại nội tâm trong Phiên chợ Giát, ông thực sự đã “lấy những đầy vơi của lòng mình mà lắng, mà cảm thấu và sẻ chia những đầy vơi của đồng loại” [23, 39].
Bộc lộ nội tâm là để nhân vật tự nói về bản thân mình, đó cũng chính là đổi mới đầu tiên trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Minh Châu. Qua dòng độc thoại nội tâm, nhân vật phân thân và tự soi xét, tự đối thoại với chính mình trong sự trăn trở nhằm tìm kiếm chân lý, tiến tới sự hoàn thiện mình. Dòng độc thoại nội tâm nhân vật được Nguyễn Minh Châu sử dụng rất đắc địa nhằm khắc họa tính cách, tâm lý nhân vật. Thủ pháp độc thoại nội tâm được Nguyễn Minh Châu sử dụng thành công nhất là ở kiểu nhân vật tư tưởng và nhân vật số phận. Để khám phá tâm hồn, tính cách qua độc thoại nội tâm, các nhà văn thường thông qua nhân vật ở ngôi thứ ba hơn là ngôi thứ nhất. Nhân vật "tôi" của Nguyễn Minh Châu được thể hiện trong nhiều tác phẩm như Một lần đối chứng,
Bức tranh, Chiếc thuyền ngoài xa...vừa là sự tiếp nối nhưng cũng là sự sáng tạo
của Nguyễn Minh Châu trong việc sử dụng độc thoại nội tâm để khắc họa nhân vật.
Trong Một lần đối chứng, nhân vật người kể chuyện trong vai một ông bố- một nhà văn nhạy cảm. Trong một lần quan sát những biến cố, sự kiện nhỏ