Miêu tả ngoại hình sinh động làm nổi bật tính cách nhân vật

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật vầ con người và thế giới nhân vật trong sáng tác của nguyễn minh châu sau 1975 luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 74 - 79)

Thực tế, trong sáng tác của mình, Nguyễn Minh Châu không chú tâm đi sâu vào miêu tả ngoại hình nhân vật như những tác giả khác, đặc biệt là đối với những nhân vật tư tưởng, nhân vật đời tư- thế sự thì việc miêu tả ngoại hình càng ít được chú ý. Tác giả chỉ đi sâu vào những ngóc nghách tâm linh của con người, khám phá những bí ẩn của đời sống nội tâm hơn là phác họa đôi ba nét ngoại hình. Tuy nhiên trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu những chi tiết về ngoại hình ít ỏi của các nhân vật hầu hết đều mang tính nội dung sâu sắc và thực chất đều góp phần khắc họa những chân dung tâm lí, tính cách...thể hiện dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Chỉ cần quan sát những chi tiết ngoại hình sinh động, nổi bật nhất cũng có thể cảm nhận được nhân vật ấy là con người như thế nào

Trong văn học trước đây khi miêu tả ngoại hình nhân vật nhà văn thường đồng nhất theo quy luật một chiều: Nội tâm tốt thì ngoại hình đẹp và ngược lại. Cũng có khi ngoại hình của nhân vật xấu xí để làm tương phản nổi bật với một nội tâm đẹp đẽ thánh thiện. Với Nguyễn Minh Châu dù ít chú ý hơn đến các chi

tiết ngoại hình, nhưng trong lúc miêu tả, nhà văn thường dùng những chi tiết khắc họa hết sức đặc sắc, gây ấn tượng mạnh mẽ đối với người đọc. Nhân vật Toàn trong Mùa trái cóc ở miền Nam là một trong những nhân vật được Nguyễn Minh Châu đặc biệt chú ý khắc họa tính cách qua những chi tiết ngoại hình. Đó là một người có "vẻ đẹp đầy thanh tú" với "hai bàn tay mềm mại, đẹp đẽ", nhưng không một ai không có chung cảm giác "khó thở" với những người phải chứng kiến "cái bàn tay phù thủy” của y với "những ngón tay dài và trắng như ngón tay đàn bà lúc thì đan vào nhau, lúc thì ngọ nguậy vờn giỡn... có ngón tay cứ mát rượi trong những cái vuốt ve, có ngón cứ thít chặt lấy như một sợi dây buộc, trong lúc ngón cái vô cùng rắn chắc cứ quắp chặt và như mỏ của một con chim ác" [11, 398]. Bàn tay ấy mỗi khi ngồi nói chuyện với người khác đã không ngừng "mân mó một vật gì". "Nó gây cho tất cả những ai ngồi trước nó có một cảm giác như ngồi trước móng vuốt của một con mèo hoặc một con hổ đang đùa

giỡn con mồi". Hai bàn tay đáng sợ ấy cùng với cách quan sát nhà nghề của một

nhà báo thì Toàn đã được "định dạng" với dáng người quái gở: "Nửa người trên mềm oặt như thân rắn nhoài về phía trước, nửa người dưới từ thắt lưng trở xuống

vẫn cứng và thẳng đơ như một chiếc com pa" đã tạo ra sự phản cảm với vẻ điển

trai của Toàn, khiến người đọc có cảm giác ghê sợ và kinh tởm hơn cả khi chứng kiến những biểu hiện tính cách của y, một kẻ nịnh nọt, cơ hội, bất chấp tất cả, kể cả tình mẫu tử.

Đến với Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, người đọc bắt gặp hình ảnh "đôi bàn tay dấp dính mồ hôi "của người Trung đoàn trưởng dũng cảm và "tài năng trác tuyệt". Đây không phải là nét ngoại hình thuần túy mà là hình ảnh mang ý nghĩa biểu trưng cho cái chưa hoàn thiện luôn tồn tại trong mỗi con người, con người không phải là toàn bích.

Đặc biệt với truyện ngắn Bức tranh chân dung tự họa của nhân vật chính được đặc tả nhiều lần với: "Một cái mặt người rất lớn...một nửa cái đầu tóc tốt

rợp như một khu rừng đen bí ẩn và một nửa mái tóc đã cắt thoạt trông như một bộ óc màu xám vừa bị mổ phanh ra...một cặp mắt mở to nhìn trừng trừng vào luồng ánh sáng, một cái nhìn khắc khoải, bồn chồn, kinh ngạc và đầy nghiêm khắc... cái khuôn mặt đó thoạt nhìn thật xấu xí và lạ lùng nhưng càng nhìn lâu

càng giống tôi. Đó là khuôn mặt của mình, khuôn mặt bên trong của chính mình"

[11, 374]. Bức chân dung này đương nhiên không nhằm miêu tả ngoại hình, cái khuôn mặt "xấu xí" ấy "lạ lùng" với cả bản thân nhân vật, đó là "khuôn mặt bên trong" mà đến giờ họa sĩ mới tự nhận thức được. Để nhận ra mình trong chân dung, tính cách ấy, họa sĩ đã phải trải qua quá trình tự ý thức với những dằn vặt đau đớn. Với bức họa "tự thú", bức họa sám hối, ông đã nhận ra cả "rồng phượng và rắn rết" ngay trong tâm hồn và tính cách của mình, nhận ra để "tự suy nghĩ về chính mình" trong quá trình hướng thiện.

Sau này, trong truyện ngắn Bất hạnh của tài hoa, Đặng Thư Cưu cũng đặc tả khá công phu những chiếc mặt nạ khi "nhăn nhúm, méo mó đến ghê rợn", khi "trơn phẳng không mắt, mũi, miệng" [55, 87] như biểu tượng của "những lớp giả tạo nối tiếp nhau" trong cuộc đời mỗi con người. Và nếu những chiếc mặt nạ tinh xảo trong truyện ngắn của Đặng Thư Cưu là sự che đậy giả dối thì bức chân dung tự họa trong Bức tranh của Nguyễn Minh Châu là sự lột trần bản chất thật của con người.

Với lão Khúng - nhân vật tâm huyết nhất của mình, Nguyễn Minh Châu cũng đã chú ý trong việc lựa chọn những nét ngoại hình đặc biệt gây ấn tượng. Để miêu tả lão Khúng trong vai trò một nhân vật tính cách, bức hoạ của Nguyễn Minh Châu trong Khách ở quê ra thật sắc sảo và chân thật. Đó là bàn tay “chẳng còn là hình thù một bàn tay của con người nữa! Hai bàn tay lão đầy những chỗ nổi u nổi cục, các ngón tay vặn vẹo và bọc một lớp da giống như một thứ vỏ cây

và cả bàn tay lão giống y như một tòa rễ cây vừa mới đào dưới đất lên”. Đó là

nét gãy khúc đầy khắc khổ, với những khoảng lồi lõm y như những tảng đất cày đắp lên và từ sau hàng lông mày rậm rì và cứng, lúc nào cũng chiếu ra chung

quanh một cái nhìn ngang bướng và đầy ngờ vực" [11, 318]. Đó là chân dung

đích thực của một lão nông lam lũ và kiên cường, vắt kiệt mồ hôi, sức lực để biến đất hoang, rừng rậm thành ruộng nương, sắn gạo, là hòn đá tảng vừa vững chãi vừa kiên cố, là chân dung điển hình của những tính cách nông dân luôn hoài nghi, bảo thủ, nhất nhất chỉ tin vào bản thân mình.

Đến lão Khúng trong Phiên chợ Giát, nhân vật số phận này không còn được miêu tả ngoại hình một cách bình thường, chỉ có hai bức họa khủng khiếp của mộng mị, ảo giác, hình ảnh của cái tiềm thức hoang dã, nguyên sơ. Trong cơn ác mộng đầu tiên, lão Khúng thấy mình hiện ra là "một lão già thân hình cao vỏng lại lủng củng đầy những xương cùng xẩu, mái tóc cắt ngắn cứng như rễ tre, mớ đổ phải mớ đổ về phía trước trán, sợi đen sợi trắng loang lổ, mặt mũi gồ ghề, những con mắt nhìn gườm gườm với những mảng tiết bò còn ướt hoặc đã khô dính bết trên các bắp thịt nổi cuộn ở bả vai và bắp tay". Giấc mơ thứ hai lại phác họa hình ảnh lão Khúng trong hình dạng kỳ quái "nửa bò nửa người... máu me

đầm đìa" đang bị đánh bằng búa tạ! Hai bức chân dung của ảo giác ấy đương

nhiên không phải là nét vẽ ngoại hình - đấy chỉ là hình ảnh tượng trưng cho những giả thuyết về số phận của người nông dân: họ vừa có thể là nạn nhân, vừa có thể là "hung thần" của cuộc sống. Soi rọi tiềm thức sâu kín của con người bằng những nét nhòe của ảo giác, Nguyễn Minh Châu đã chỉ ra cả bản tính thiện lẫn cái hoang dã, u tối đầy bản năng của người nông dân, chỉ ra thân phận "nửa bò nửa người" nhọc nhằn, tủi nhục của họ.

Đối với nhân vật nữ vừa có nét dịu dàng, đoan trang ở nhan sắc và tính tình, vẻ đẹp đó thường được toát lên qua thần thái, cử chỉ, thậm chí là một đặc điểm ngoại hình. Nhưng không phải nhà văn đi sâu vào miêu tả ngoại hình nhân vật mà tùy thuộc vào từng nhân vật nhà văn chọn lấy một "điểm sáng" về ngoại

hình hoặc cử chỉ phù hợp để từ đó trong suốt truyện đặc điểm đó trở đi trở lại nhằm bộc lộ tính cách của nhân vật. Trong tác phẩm Mùa trái cóc ở miền Nam, chúng ta nhận thấy thái độ nhẫn nhục và cam chịu của sư bà Thiện Linh được thể hiện qua đôi mắt của nhân vật. Khi thì "với một cái nhìn cầu khẩn" [11, 520] hay "với những dòng nước mắt và cay đắng". Khi thì "dòng nước mắt bà mẹ lỡ để chảy ra đã khô hết, đặc quánh lại, với cái nhìn vỗ về", "cái nhìn biểu lộ một vẻ cam chịu đầy thấu hiểu lại như muốn bộc bạch" trên "khuôn mặt già nua đẫm

nước mắt". Mang ý thức về thiên chức đàn bà như nhiều nhân vật nữ khác, bà

cho rằng mọi tội lỗi trên mặt đất này chung quy lại cũng chỉ tại đàn bà: đàn bà sinh ra cả thiên thần và ác quỷ nữa. Cho nên để trả giá cho việc đẻ ra những đứa con tội lỗi, đứa con không hề có tình thương với mẹ, bà đã làm kẻ hành khất, ngửa tay ăn mày tình thương của thiên hạ. Khuôn mặt “im lìm bất động, có cái gì cách biệt và siêu thoát như khuôn mặt của một bức tượng gỗ cũ kỹ từ trăm năm

để lại” đã khắc họa cuộc đời bi kịch đến tê tái của sư bà Thiện Linh. Trong tác

phẩm Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, nhân vật Quỳ được miêu tả là một người đàn bà đẹp về hình thức và thông minh, nhưng về sau cô mắc phải căn bệnh mộng du được hiện lên qua "khuôn mặt luôn thay đổi sắc thái". Trong

Chiếc thuyền ngoài xa, sự từng trải, vất vả khổ cực của người đàn bà làm nghề

sông nước đã được nhà văn thể hiện ngay trên ngoại hình của người đàn bà hàng chài cao lớn với "đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ...".

Tóm lại, phần lớn những chi tiết miêu tả ngoại hình trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu đều mang ý nghĩa tượng trưng. Ngoại hình không còn là nét vẽ trang trí mà đã trở thành những chân dung tâm lý tính cách. Việc dùng ngoại hình để khắc họa nội tâm nhân vật hoàn toàn không phải là thủ pháp nghệ thuật mới mẻ. Điều đáng nói là Nguyễn Minh Châu đã biến một số chi tiết ngoại hình

thành những bức họa tự ý thức của nhân vật, đặc biệt đối với những nhân vật hướng nội, khiến cho sự tự nhận thức của Bản Ngã càng trở nên sâu sắc.

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật vầ con người và thế giới nhân vật trong sáng tác của nguyễn minh châu sau 1975 luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 74 - 79)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(136 trang)
w