Nhân vật bi kịch

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật vầ con người và thế giới nhân vật trong sáng tác của nguyễn minh châu sau 1975 luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 58 - 66)

“Văn học là nhân học”, câu nói nổi tiếng của M. Gorki luôn ngự trị ở mọi thời đại văn học, đặc biệt là văn học Việt Nam sau 1975. Có thể nói được soi sáng bởi tinh thần đổi mới, văn học Việt Nam thời kì này đã thực sự quan tâm đến con người, đến thân phận con người và có nhiều khám phá mới về con người. Một trong những biểu hiện của sự khám phá đó là các tác giả đã nhìn thấy được bi kịch của con người thời hậu chiến.

Từ những đổi mới cơ bản trong tư duy nghệ thuật, văn học sau 1975 đã bám sát vào cuộc sống, miêu tả sâu sắc số phận cá nhân con người, làm nổi bật bi kịch của con người thời hậu chiến. Nhân vật Quy trong Chim én bay của Nguyễn Trí Huân đã phải chịu nhiều bi kịch. Chiến tranh không chỉ cướp đi sinh mạng của những người ruột thịt, của đồng bào, đồng chí và mảnh đất quê hương mà còn cướp đi khả năng làm vợ, làm mẹ của Quy. Những cảnh tượng thương tâm đó đã gieo vào lòng Quy sự uất hận và trả thù. Đất nước đã hòa bình, nhưng lòng Quy không thanh thản. Quy luôn bị ám ảnh, dằn vặt, trăn trở bởi Quy đã giết chết người chồng, người cha của vợ con kẻ thù. Chiến tranh đã qua đi nhưng nó để lại trong lòng Quy một vết thương sâu thẳm không gì hàn gắn nổi. Thân phận Hai Hùng (Ăn mày dĩ vãng) của Chu Lai cũng không kém phần xót xa. Sau 20 năm vùi trong lửa đạn đã khiến anh từ một thanh niên tráng kiệt thành một người có hình dáng đáng sợ, chỉ còn “nặng chưa đầy năm tư kilogam”, “hốc hác”, thân hình tiều tụy, già nua, “bắt đầu có dấu hiệu thần kinh”. Hơn nữa, “Không vợ, không con, không tương lai, không hiện tại, không cắc bạc dính túi, chỉ có mảnh quá khứ phập phồng đập trong lồng ngực ọp ẹp, đầu trần chân đất”. Bên cạnh nỗi đau của nhân vật Quy (Chim én bay), Hai Hùng (Ăn mày dĩ vãng) là nỗi đau của Kiên (Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh với “mười năm lặn lội ở chiến trường đắm mình trong máu, trong đau thương”, trải qua bao nhiêu trận đánh, Kiên trở về với thân thể lành nguyên nhưng tâm hồn thì mang những thương tật vĩnh viễn. Chiến tranh đã cướp đi tất cả: Tuổi trẻ, tình yêu và cuộc sống bình thường của Kiên. Ngoài ra còn nhiều nhân vật trong tác phẩm khác như Giang Minh Sài (Thời xa vắng), Thân (Đời thường), Thắm (Bến không

chồng)...đều là những bi kịch đau đớn của cuộc đời, đặc biệt những di chứng của

chiến tranh.

Trong các nhà văn đi sâu khám phá bi kịch của con người sau chiến tranh phải nói đến Nguyễn Minh Châu. Mang nặng trong mình một tình yêu thương vô

bờ bến đối với con người, một tình yêu như “là một nỗi đau đớn, khắc khoải, một mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người chung quanh mình” [27, 100]. Nguyễn Minh Châu đã viết bằng cả nỗi quan hoài sâu sắc về những mất mát, bi kịch của con người. Trước 1975, ngay trong không khí hào sảng của Cửa sôngDấu chân người lính, Nguyễn Minh Châu đã dành những góc riêng cho chuyện đời tư trắc trở của nhân vật bác Thỉnh, cho cái góc tối âm thầm trong số phận của Xiêm, tạo cho người đọc một cảm giác bất ổn, ngậm ngùi. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh chiến tranh nhà văn chưa có điều kiện đi sâu vào những số phận bi kịch khuất lấp đó. Sau 1975, hoàn cảnh xã hội thay đổi mạnh mẽ, tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật” đã mở ra không khí dân chủ cho các văn nghệ sĩ phản ánh những bi kịch của con người trước kia còn ít nhiều né tránh. Cùng với những đổi mới sâu sắc trong quan niệm nghệ thuật về con người, Nguyễn Minh Châu đã đi sâu khai thác những khía cạnh bi kịch của con người và xây dựng được những nhân vật bi kịch đầy sức ám ảnh.

Là nhà văn quân đội, Nguyễn Minh Châu đã nói lên những nỗi đau, những bi kịch của con người bằng tiếng nói chia sẻ của của người trong cuộc từng sống trải, từng tận mắt chứng kiến những gì chiến tranh gây ra cho con người. "Có lẽ không ai có thể nói về những di chứng của chiến tranh, những mất mát, éo le, những bi kịch khủng khiếp của chiến tranh hằn sâu vào số phận con người một cách da diết, đau đớn và sâu sắc được như Nguyễn Minh Châu" [23, 37]. Chiến tranh đã cướp đi người chồng của Khơi (Mảnh đất tình yêu), người yêu của Quỳ

(Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành), đứa con thân yêu của lão Khúng (Phiên

chợ Giát), để lại nỗi đau điên dại, âm ỉ, dai dẳng như muối xát trong lòng họ suốt

cuộc đời. Chiến tranh đã chia cắt mẹ con bà Thiện Linh, hủy hoại nhân cách và tình máu mủ của Toàn, để người mẹ đáng thương phải đầy đọa thân già trong gió bụi (Mùa trái cóc ở miền Nam). Toàn là một sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn được cấp trên cưng chiều, được cấp dưới nể sợ. Vậy mà sau hai năm bà mẹ gặp lại đứa con

của mình “đứa con trai chung đúc nên cùng với máu thịt của đoạn đời lần đầu tiên làm vợ, làm mẹ đầy đói khổ, nhục nhã... Bà đã nhào đến ôm lấy Toàn, gục đầu vào mái tóc Toàn, những dòng nước mắt đầy hạnh phúc lẫn cay đắng của bà đã ướt đẫm mái tóc Toàn”, nhưng Toàn đón mẹ với vẻ thờ ơ và nghiêm khắc. Toàn đã biến cuộc hội ngộ thiêng thiêng thành “phiên tòa đại hình” vì anh ta luôn nhớ người mẹ không đi cùng con đường chính trị với mình nên Toàn đã “đưa những ngón tay dính nước mắt mẹ lên mũi ngửi”, khiến cho người chứng kiến cảnh ấy phải thầm kêu “Hỡi trời đất, đã có ai trên đời này nhìn thấy đứa con đang ngửi giọt nước mắt của người mẹ”. Qua đó, nhà văn muốn nói một điều, chiến tranh là cái lò lửa để tạo nên những tính cách. Chiến tranh đã làm cho nhiều người trở nên anh hùng nhưng nó cũng làm cho nhiều người trở nên thô bạo, ích kỉ, xấu xa. Nhân vật Toàn đã gặp phải bi kịch của sự tha hóa nhân cách, tự đánh mất mình.

Số phận của cả ba nhân vật Lực – Thai – Toàn trong Cỏ lau đều đầy bi kịch. Chiến tranh như một nhát dao phạt ngang cuộc đời Lực thành hai nửa, chiến tranh khiến người phụ nữ thủy chung như Thai phải tiếp tục một cuộc sống vô nghĩa, mỏi mòn, sống mà như chết. Chiến tranh thật tàn khốc. Nó mang lại sự mất mát, chết chóc và những điều ngang trái. Với Lực nó là vết thương không bao giờ hàn gắn được. Chiến tranh qua đi, anh trở về quê hương, anh nhận thấy sự thật trớ trêu là sự trở về của mình là nguy cơ đem lại những cú sốc và đau khổ cho người khác. Vợ anh đã “có một cuộc đời khác, một người chồng khác với một lũ con cái, nỗi đau khổ ghê gớm vì mất tôi cũng đã qua đi từ lâu” [23, 703]. Dù thế nào anh và Thai cũng không thể thay đổi được hoàn cảnh, không thể tìm lại được hạnh phúc của chính mình, vì lúc này hạnh phúc của người này lại chính là bất hạnh, khổ đau của người kia. Hơn hai mươi năm cống hiến cho cách mạng, cuối cùng anh chấp nhận sự cô đơn, thiệt thòi về mình để Thai tiếp tục chăm sóc cho gia đình hiện tại.

Nhân vật Quỳ trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành đã gặp rất nhiều bi kịch được thể hiện thông qua những "nỗi khắc khoải chiêm nghiệm tình cảm", "tìm kiếm trăn trở", "đau khổ mất mát”, Quỳ "đã khát khao kiếm tìm vô vọng những giá trị tuyệt đối hoàn mỹ, nhưng càng đi tìm chị chỉ cảm thấy chua chát thêm cho nỗi thất vọng của mình". Qua lời kể lại câu chuyện của đời mình Quỳ đã vấp phải nhiều sai lầm, những sai lầm đó đã dẫn Quỳ rơi vào bi kịch. Bi kịch còn được tạo nên bởi sự vênh lệch giữa khát vọng cao xa và thực tại tầm thường, khiến Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành suốt đời cô đơn trong sự tìm kiếm vô vọng. Nhiều người đã vì cô mà thay đổi số phận của mình và chính cô cũng nhận ra mình phải trả giá cho sai lầm cuối cùng là căn bệnh mộng du. Quỳ luôn ở trong tình trạng hối hận khi đã muộn và đó là điều đã theo cô dù chiến tranh đã qua đi. Khi Quỳ còn là cô y sĩ tiền phương, cô yêu trung đoàn trưởng Hòa, nhưng bao nhiêu ưu điểm về con người tài năng, ý chí của anh lại không xua đi được những ám ảnh khó chịu của cô về những điều bình thường ở anh, đặc biệt là “hai bàn tay lúc nào cũng dấp dính” mồ hôi. Rồi câu chuyện giữa cô với Hậu, vì tính “đa cảm ngu xuẩn” của cô mà Hậu hi sinh. Sai lầm cuối cùng của cô là từ chối tình yêu của bác sĩ Thương, người đã gắn bó và chờ đợi cô cho đến khi chiến tranh kết thúc. Cô đã lấy Ph, cô muốn mình là thánh nhân khi cứu rỗi linh hồn Ph. Cuộc đời của Quỳ hiện tại ở trạm quân y với một phần thời gian ban ngày tỉnh táo, thời gian đêm sống trong cõi mộng du là kết quả của sự lựa chọn ấy. Nhìn lại cuộc đời mình, Quỳ thấm thía những nỗi đau riêng, những vết thương lòng do chính mình gây ra. Tất cả những sai lầm của Quỳ đã tạo nên bi kịch cuộc đời Quỳ. Đó là bi kịch khi muốn tìm một thánh nhân giữa đời thường, bi kịch do cái nhìn quá đơn giản về con người, bi kịch do mâu thuẫn giữa tình yêu và trách nhiệm.

Bi kịch của nhà văn T trong Sắm vai là bi kịch của người bị mất dần phong cách, thay đổi lối sống một cách gượng gạo và máy móc. Trong cuộc sống cũng

như sáng tạo văn chương, T. luôn ở thế bị động, chạy theo xu thế xung quanh, cũng là đánh mất cái bản thể, dấu ấn riêng của mình. Ban đầu nhân vật T là người “duy nhất không sống theo cái thời khóa biểu tự giác và vô cùng nghiêm ngặt cũng như thói quen của mọi người trong ngôi nhà... trong lúc hàng trăm con người thức dậy hối hả tập thể dục, ăn sáng và chải tóc thì anh T vẫn cứ ngồi viết... Anh là một người vừa có cái tài lại vừa có nghị lực” [25, 388]. Anh không chen vào nhịp sống xô bồ đều đặn của những người cùng khu ấy một cách tự nhiên, thư thái. Là một nhà văn chỉ thích làm theo cảm hứng, âm thanh mà anh ta thích nhất là sự yên tĩnh, sự trang trí mà anh ta thích nhất là không gian phòng với những bức tường không vướng bận những đồ đạc rườm rà. Anh có phong cách sống riêng “dám tự tước bỏ đi hết mọi cái phù phiếm, những lớp vỏ bề ngoài vô bổ, tất cả những cái gì lấp lánh có thể lừa dối mình và người khác” [25, 384]. Sau đó vì để làm hài lòng người vợ từ nước ngoài về, anh ta đã thay đổi hoàn toàn từ hình thức đến các thói quen sinh hoạt theo sở thích và yêu cầu của vợ. Sự đột ngột điều chỉnh nếp sống của anh ta là một màn kịch khoác lên mình đầy những thứ giả dối: động tác giả, niềm vui giả, hàm răng giả, mái tóc đen giả, những trò âu yếm giả... Anh ta trở thành một cái máy mà chị vợ là người nhấn nút điều khiển. Đánh mất vẻ riêng của mình, nhà văn T trở thành một con người khác với những giằng xé, không làm được những việc theo ý muốn của mình. Anh mang bộ mặt của “một người còn hóa trang dở chưa xong”. Nhà văn T trong Sắm vai đã lâm vào bi kịch tự đánh mất cá tính của chính bản thân mình. Câu chuyện của nhà văn T cũng đem đến cho con người đương thời cái nhìn về một hiện trạng lối sống tưởng chừng văn minh, hiện đại nhưng thực chất là sự đánh mất mình. Điều đó càng nguy hiểm hơn khi anh là một người sáng tác ra những sản phẩm mang giá trị tinh thần cho xã hội. Nguyễn Minh Châu đã đặt vấn đề cảnh báo con người trước xu thế đánh mất cái tôi cá tính của mình.

Trong sự chi phối chung của những di chứng chiến tranh và sự nghèo đói lạc hậu, những số phận cá nhân còn bị vùi dập, xô đẩy đến bi kịch bởi những nguyên nhân trực tiếp, cụ thể hơn. Trong Chiếc thuyền ngoài xa sự tàn nhẫn của đồng loại đã đẩy người đàn bà vùng biển đến bi kịch phải cam chịu một cuộc sống cơ cự, tủi nhục: Vì hạnh phúc và cuộc sống của đàn con mà phải ràng buộc cả cuộc đời mình vào một kẻ vũ phu độc ác. Với Phiên chợ Giát, nhà văn đã trăn trở, xót xa cho cuộc đời lão Khúng bị sự đói nghèo ném trở lại thời hồng hoang, vắt kiệt thân mình tưới bón cho đất đai hoang dã mà suốt đời không hơn gì một kiếp trâu bò. Qua bản “di chúc khắc khoải, đẫm máu” [20, 177] ấy người đọc cay đắng nhận thức được rằng: Một cuộc sống tối tăm, tù đọng có thể dập tắt mọi niềm vui sống, vùi những khát khao xuống vũng bùn tuyệt vọng, ghê gớm hơn, vô nghĩa hóa một kiếp người.

Nguyễn Minh Châu đã chỉ ra nhiều con đường đẫn đến bi kịch đau khổ, nhưng chung quy là do con người không chiến thắng được hoàn cảnh. Trong cảm hứng văn học sử thi trước đây, con người là một thực thể vĩ mô đầy sức mạnh, luôn có khả năng vượt lên trên hoàn cảnh, làm chủ thiên nhiên, xã hội và bản thân mình. Nhưng thực tế, con người không phải lúc nào cũng vượt lên và chiến thắng được hoàn cảnh. Mâu thuẫn giữa ước muốn và khả năng, hoàn cảnh sẽ nảy sinh bi kịch. Nguyễn Minh Châu đã cho người đọc thấy được bi kịch của con người trong cuộc sống đời thường. Những trang viết của ông không phải được tráng bởi “một lớp men trữ tình hơi dày” [27, 17] mà được chắt gạn từ những điều gan ruột tâm huyết của nhà văn. Mỗi con chữ trăn trở, vật vã, cồn lên nỗi xót xa về thân phận con người để lại nỗi day dứt ám ảnh không nguôi trong lòng người đọc.

Một điều thật đáng quý, đáng trân trọng ở Nguyễn Minh Châu đó là, một mặt thể hiện bi kịch của con người, mặt khác nhân vật vẫn ý thức vươn lên, gồng mình tự giải thoát ra khỏi bi kịch để sống tốt hơn. Điều này thể hiện Nguyễn

Minh Châu luôn có niềm tin tưởng sâu sắc và mãnh liệt vào bản chất tốt đẹp của con người và cuộc sống dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Trong một số sáng tác của Nguyễn Minh Châu, tự ý thức về bi kịch, bất hạnh trong số phận cũng đồng nghĩa với sự thức tỉnh sâu sắc của ý thức cá nhân. Nhà văn đã hướng người đọc về với cội nguồn tư tưởng của chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng là sự “giải phóng cá nhân” [15, 76], “bênh vực quyền lợi và nhân cách của cá nhân” [59, 650], khơi dậy khát vọng sống bình yên, hạnh phúc của con người. Sau chiến tranh, từ cuộc “chiến đấu cho quyền sống của cả dân tộc”, ngòi bút Nguyễn Minh Châu chuyển sang cuộc “chiến đấu cho quyền sống của từng con người” [20, 390]. Trong Bức tranh, Nguyễn Minh Châu đã phản ánh sâu sắc bi kịch tự tha hóa một người lính – họa sĩ. Vốn là một họa sĩ tài ba, từng phác thảo thành công chân dung người lính ở chiến trường, họa sĩ đã hứa sẽ chuyển bức ký họa chân dung đến người mẹ của người lính trẻ. Nhưng trở lại miền Bắc, do mải đóng gói bức kí họa chân dung người lính để đem đi dự triển lãm ở nước ngoài, người họa sĩ đã “lờ quên cái người mẹ đang ôm ấp mối đau khổ” [25, 185] vì ngộ nhận con trai mình đã hi sinh tại chiến trường, để sau này phải ăn năn sám hối khi thấy bà mẹ đã lòa đôi mắt vì khóc thương con. Những lí lẽ tự biện “vì mục đích phục vụ số đông”, “cho cái đích lớn lao hơn” [25, 187] của người họa sĩ đã lụi tàn xám ngắt trước lẽ đời thấm thía. Trước tòa án lương

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật vầ con người và thế giới nhân vật trong sáng tác của nguyễn minh châu sau 1975 luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 58 - 66)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(136 trang)
w