Trong công trình Những đổi mới của văn xuôi nghệ thuật Việt Nam sau 1975, tác giả Nguyễn Thị Bình đã nhận xét: “Chưa bao giờ ngôn ngữ văn chương gần gũi với ngôn ngữ sinh hoạt thế sự đến thế. Chưa bao giờ trong văn chương (kể cả thơ), trong nghệ thuật (như kịch và phim), những câu chửi thề, chửi tục, lối nói trần trụi, vạch vòi xuất hiện nhiều đến thế. Để chống lại lối văn chương mang tính hành chính khô khan hoặc du dương, thi vị nhưng ít cá tính là
một ngôn ngữ dung nạp nhiều khẩu ngữ, cố tình coi thường cú pháp... ” [5, 144].
Lời nhận xét trên cũng phù hợp với ngôn ngữ nghệ thuật trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu sau 1975. Trong đời sống hàng ngày ngôn ngữ hoạt động giao tiếp của con người hết sức phong phú và đa dạng. Việc đưa ngôn ngữ gần gặn của đời sống vào trong tác phẩm một cách chân thực mà cũng hết sức
sinh động đã tạo nên văn phong đặc sắc riêng của Nguyễn Minh Châu. Theo cách đánh giá của Lại Nguyên Ân “Đặc sắc của ngôn ngữ này là ở chỗ nó miêu tả lời ăn tiếng nói ngoài đời, miêu tả một ngôn ngữ sống chứ không chỉ dùng ngôn ngữ đơn thuần ấy như một phương tiện kể chuyện” [1, 8]. Chính việc sử dụng ngôn ngữ đời sống một cách tự nhiên tưởng như không dụng công gì đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu.
Trong giao tiếp hàng ngày, khẩu ngữ là một yếu tố hết sức quan trọng, bởi đó là những từ ngữ giao tiếp ít trau chuốt, lựa chọn. Nó chứa đựng tất cả những yếu tố thông tục, những đặc điểm của lời nói hàng ngày, nói cách khác đó là ngôn ngữ nói thông thường. Vì thế sử dụng khẩu ngữ là điều không thể thiếu trong sáng tác văn học. Đặc biệt là khi tạo dựng hội thoại cho nhân vật, nhờ sử dụng khẩu ngữ mà sáng tác của Nguyễn Minh Châu sau 1975, nhất là trong truyện ngắn, trở nên cụ thể, sinh động, dễ hiểu. Nhà văn như nắm bắt được ưu thế của khẩu ngữ và đã vận dụng một cách đặc sắc, hiệu quả trong tác phẩm của mình.
Trong Mẹ con chị Hằng, một trong những sáng tác viết về đề tài đời tư thế sự nổi bật của Nguyễn Minh Châu sau 1975, người đọc có thể nhận ra mỗi lời nói của nhân vật đều mang đậm chất đời thường. Nhà văn đã vận dụng thành công những khẩu ngữ trong cuộc sống. Trong đoạn đối thoại giữa chị Hằng và mẹ, những lời nói bình thường đã bộc lộ những suy nghĩ, thái độ, tính cách nhân vật:
“- Cái gì mẹ cũng kêu nỏ biết, nỏ biết. Đến những người đàn ông người ta
còn biết nấu miếng ăn cho ngon lành cơ mà. Từ nay trở đi mẹ cứ ngồi bế cháu
cho con, con nấu nướng làm lụng lấy.
- Không được mô Hằng. Mi vừa ở cữ xong, phải kiêng khem con ạ!
- Con không kiêng khem gì nữa! ngồi một chỗ mà kiêng khem rồi đến lúc
Trong đoạn hội thoại này, người đọc cảm nhận được một bà mẹ hết lòng vì con, còn chị Hằng lại quá vô tư, trở thành vô tâm trước sự quan tâm chăm sóc của người mẹ. Ở những đoạn hội thoại như vậy, khẩu ngữ trong đời sống hàng ngày được tác giả vận dụng thường xuyên, tự nhiên và hiệu quả.
Khẩu ngữ đôi khi còn được sử dụng với lối nói so sánh, làm cho ngôn ngữ nhân vật giàu hình ảnh, dễ hiểu và thú vị. Việc vận dụng một cách linh hoạt những câu nói mang màu sắc hài hước, dí dỏm cùng lối so sánh ví von vào trong tác phẩm khiến ngôn ngữ trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu trở nên cụ thể, sinh động gần gũi, dễ hiểu, tạo cho người đọc một sự tiếp nhận rõ ràng và cũng góp phần tạo nên chất giọng rất riêng của Nguyễn Minh Châu.
Ngoài việc sử dụng khẩu ngữ nhà văn còn sử dụng những từ ngữ địa phương, từ láy một cách dày đặc trong tác phẩm. Nguyễn Minh Châu là nhà văn sinh ra ở miền Trung và từng đi thực tế ở rất nhiều vùng miền. Vì vậy, dấu ấn về lời ăn tiếng nói hàng ngày của từng địa phương, đặc biệt của dải đất miền Trung từ Thanh Hóa, Nghệ An vào Quảng Trị đã xuất hiện nhiều trong sáng tác của nhà văn. Tất cả đều được Nguyễn Minh Châu thể hiện một cách tự nhiên và sinh động, đặc biệt những từ ngữ mang đậm chất xứ Nghệ quê hương nhà văn. Trong
Mẹ con chị Hằng, đoạn hội thoại giữa hai mẹ con:
“- Hai chiếc áo len của con để ở nhà làm sao chúng nó dám lấy đem đi là thế nào nhỉ? Mà tại sao mẹ lại để cho chúng nó lấy đem đi?
- Thì tau có biết chi mô, bữa đó con Quyền viền lấy đi một chiếc, chỉ còn một chiếc, tau đã đem phơi cất kín trong rương, con Gio viền lục rương lấy đi nốt.
- Cái gì con gửi mẹ phải biết giữ cho con chứ ? - Thì tau có biết chi mô” [11, 239].
Trong đoạn hội thoại trên nhà văn sử dụng một loạt từ ngữ đậm chất địa phương, khiến cho câu văn và lời của nhân vật trở nên mộc mạc, giản dị.
Khẩu ngữ và những từ ngữ địa phương được sử dụng trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu không chỉ tạo cho tác phẩm tính chân thật, “đời” hơn mà còn thể hiện được nét văn hóa riêng của ngôn ngữ từng vùng. Dù vậy nếu lạm dụng việc sử dụng từ ngữ địa phương sẽ làm ảnh hưởng đến tính chất trang trọng trau chuốt của ngôn ngữ nghệ thuật. Chính vì thế, Nguyễn Minh Châu sử dụng hài hòa, khéo léo trong một số tình huống để tạo cho ngôn ngữ nhân vật phong phú giàu hình ảnh hơn chứ không nhất thiết lớp từ này phải gắn liền với mọi lời nói của nhân vật.
Ngôn ngữ văn chương của Nguyễn Minh Châu gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày còn là do biệt tài sử dụng từ láy và yếu tố dân gian như thành ngữ của nhà văn. Có thể nói, mỗi từ láy đặt vào một bối cảnh đặc biệt sẽ tạo cho câu văn sức biểu cảm cao, đem đến hứng thú cho người đọc. Láy trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu sau 1975 chủ yếu là láy đôi. Trong tác phẩm vừa có láy phụ âm đầu, láy phần vần và láy hoàn toàn: Xúng xính, sạch sẽ, luôn luôn, lúi húi,
buồn bã... trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành; các từ: heo hút, khô
khan, cằn cỗi, màu mỡ... trong Cơn going; từ lững thững, chậm chạp, động đậy,
thỉnh thoảng, ram ráp, lam lũ... trong Phiên chợ Giát...Theo thống kê, chỉ với 44 trang truyện Phiên chợ Giát, Nguyễn Minh Châu đã sử dụng hơn 400 từ láy. Mật độ dày đặc của các từ láy đã góp phần không nhỏ khắc họa quá trình phát sinh, phát triển và chuyển hóa tình cảm, tâm lý và tư tưởng con người một cách nhuần nhị và sinh động. Cũng như vậy, trong Cơn giông có tới gần 200 từ láy miêu tả hành động, màu sắc, tâm trạng. Nhờ sử dụng từ láy một cách khéo léo, lời văn của Nguyễn Minh Châu có thể diễn tả một cách tinh tế, tài tình những trạng thái tâm lý phức tạp của con người và sự vật.
Sử dụng thành ngữ vào ngôn ngữ văn chương cũng thể hiện được sự nắm bắt trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhà văn rất tinh tế. Có nhiều sự vận dụng thích hợp các thành ngữ vào các ngữ cảnh cụ thể, tạo cho câu văn thêm
phần sinh động, hàm súc nhấn mạnh được ý cần diễn đạt, thể hiện kinh nghiệm sống của nhà văn. Trong sáng tạo nghệ thuật mỗi nhà văn lại có cách sử dụng thành ngữ khác nhau. Thành ngữ trong tác phẩm Mùa lạc của Nguyễn Khải được sử dụng trực tiếp qua lời nói của nhân vật Đào. Nguyễn Minh Châu sử dụng thành ngữ một cách gián tiếp qua chủ thể trần thuật: “Vào hồi gia đình nhà cô Hoằng dọn đến, ngôi nhà ở đầu dãy đã vắng như chùa bà đanh” [11, 287], “vùng đất đó là một triền phía Tây của miền Trung, chó ăn đá gà ăn sỏi. Giá mà không có bàn tay của những người như lão Khúng, lão cháu ruột của Định kia thì vẫn mặc sức ngủ dưới lốt chân hổ báo, dưới gió Lào, dưới giông bão, dưới bom đạn” [11, 372]. “Người con gái nổi tiếng gan vàng dạ sắt đêm ấy phải đi ra ngoài vào hàng chục bận cho nên than ôi đã chịu sa vào cái bẫy của hắn để làm vợ hắn” [11, 209]. Có những khi thành ngữ xuất hiện trong chính lời nói của nhân vật “Nhưng gia đình tôi vẫn nuôi nó, âu yếm rồi đoạn sau các bạn sẽ thấy cũng như xưa nay con người ta vẫn thường nuôi ong tay áo, vẫn thường nuôi nấng và âu yếm những mầm mống duyên cớ của tai họa” [11, 502].
Nguyễn Minh Châu đã vận dụng linh hoạt thành ngữ vào câu nói của chủ thể trần thuật và ngôn ngữ trực tiếp của nhân vật tạo nên sự chủ động linh hoạt cho câu văn. Cũng chính nhờ những câu nói đậm chất đời sống như vậy mà tính cách của nhân vật được bộc lộ rõ nét hơn. Việc vận dụng thành ngữ để miêu tả vùng đất mà cả gia đình lão Khúng dắt díu nhau lên khai hoang lập nghiệp cũng vì thế mà đậm chất hiện thực hơn. Đó là sự đối lập của không gian hiện thực cằn cỗi và sức sống bất diệt của con người.
Nguyễn Minh Châu là nhà văn có ý thức trong việc nâng cao nghệ thuật cho ngôn ngữ tác phẩm của mình. Câu văn của ông giàu hình ảnh với những từ ngữ trau chuốt, sống động và kết cấu câu đa dạng. Câu văn chủ yếu là câu đơn, sử dụng ngôn từ linh hoạt và chắt lọc trong đời sống hàng ngày. Một mặt nhà văn đã nâng cấp tính bác học cho câu văn của mình, mặt khác ông kéo gần sáng
tác lại với đời sống. Đó là lý do khiến ngôn ngữ trong tác phẩm của ông giàu giá trị biểu cảm.