Kết cấu tiểu thuyết Sông Côn Mùa Lũ

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết sông côn mùa lũ của nguyễn mộng giác luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 27 - 33)

6. Cấu trúc luận văn

1.1.4. Kết cấu tiểu thuyết Sông Côn Mùa Lũ

Sông Côn Mùa Lũ gồm 101 chương, chia làm 7 phần lớn (I-Về An Thái: 12 chương; II-Tây Sơn thượng: 5 chương; III-Hồi hương: 20 chương; IV-Phương Nam: 18 chương; V-Vượt đèo Hải Vân: 16 chương; VI-Phú Xuân: 25 chương; VII-Kết từ: 5 chương).

Mở đầu năm 1765 là hình ảnh gia đình giáo Hiến đi tránh nạn, đó là một hành trình mà giáo Hiến- một nhà nho vừa trốn nạn Trương Phúc Loan chuyên quyền, từ Phú Xuân lánh vào quê vợ (An Thái). Ở đây, giáo Hiến đã nhận hai anh em Lữ và Huệ làm học trò… và kết thúc năm 1792 khi Nguyễn Huệ mất, An (con giáo Hiến, người yêu của Nguyễn Huệ) ra Phú Xuân dự đám tang vua Quang Trung.

Tác giả Sông Côn Mùa Lũ đã mượn câu chuyện thăng trầm, tan hợp đầy sóng gió của gia đình ông giáo Hiến và gia đình ba anh em Tây Sơn để tái hiện lịch sử dân tộc ta trong suốt gần ba thập kỷ cuối thế kỷ 18, chứ không chỉ miêu tả cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và những chiến công của Nguyễn Huệ.

Có thể nói tác phẩm Sông Côn Mùa Lũ là một tác phẩm khá thành công về mặt kết cấu.

Trước hết toàn bộ câu chuyện về triều đại Tây Sơn được xây dựng theo kết cấu trình tự thời gian. Các sự kiện trong truyện được sắp xếp theo một trật tự tuyến tính từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc. Tác phẩm tái hiện biến cố lịch sử cuộc khởi nghĩa Tây Sơn từ lúc khởi dấy cho đến khi Quang Trung (Nguyễn Huệ mất) từ năm 1765- 1792. Với thời gian 27 năm được tái hiện trong 2000 trang sách nhà văn đã tạo nên một khoảng thời gian với nhiều biến đổi.

Phần I nhà văn tái hiện biến cố gia đình giáo Hiến từ khi ở Phú Xuân sau phải lưu lạc về An Thái tạm cư với sự giúp đỡ của gia đình Hai Nhiều. Ở đây gia đình giáo Hiến bắt đầu cuộc sống mới trên vùng đất mới, với cuô ̣c hội ngộ giữa giáo Hiến và Nguyễn Nhạc, tình trò với Huệ, mối nhân duyên giữa An và Huệ . Trong thời gian sống ở An Thái, An nhận ra sự quan tâm của Lợi

cho gia đình mình, mâu thuẫn của Kiên ở Tây Sơn thượng và kết thúc ở chương 12 là việc Huệ đem cả gia đình ông giáo lên Tây Sơn thượng. Tất cả các diễn biến tuần tự diễn ra theo một trật tự qua lời trần thuật.

Phần II tiếp nối tái hiện cuộc sống ở Tây Sơn thượng. Những ngày tháng gia đình An ở Tây Sơn thượng từ (1771- 1772), tại đây An đã chứng kiến bao biến đổi: cuộc hành quyết để thị uy qui quyền của Nhạc, những chuẩn bị cho một quá trình khởi nghĩa của phong trào Tây Sơn, những mâu thuẫn về tư tưởng của Nhạc, Huệ, giáo Hiến… cùng những thất bại ban đầu của cuộc khởi nghĩa. Đan xen trong những diễn biến của phong trào là diễn biến tình yêu mơ hồ của An và Huệ.

Phần III từ 1773 lực lượng Tây Sơn lớn mạnh bắt đầu những cuộc kéo binh trở lại Kiên Thành của Nhạc và việc sắp xếp lại lực lượng trong nghĩa quân Tây Sơn. Vượt lệnh anh dẫn binh tiến sâu xuống An Thái, Huệ ghi nhận thái độ của Nhạc, Huệ hân hoan trong ngày giải phóng An Thái. Nhạc chuẩn bị đánh chiếm và trở lại Qui Nhơn của anh em Tây sơn, những vụ phản bội của các thế lực, Nhạc xưng vương ở Qui Nhơn. Những thay đổi mới trong cuộc đời khiến An, Kiên, Lợi, Thọ Hương suy nghĩ hoang mang. Tâm trạng Huệ đối với cuộc hôn nhân của An. Sự xuất hiện của Chỉnh tạo nên sự bấp bênh vị thế của giáo Hiến.

Phần IV khi giáo Hiến thất chí, An dần thích nghi với cuộc sống vợ chồng, nhưng phải đối diện với một loạt biến cố: An thấp thỏm lo âu khi sinh con đầu lòng, tai biến Lợi biển thủ khi lo việc cấp lương, ông giáo mất, Lợi được phóng thích, Chinh bỏ mạng tại Cần thơ, Huệ cưới em gái Bùi Văn Nhật. Thời điểm bấy giờ sự bất đồng của Huệ và Nhạc về việc đánh Gia Định, sự thay đổi của Kiên và Lữ trong suy nghĩ về cuộc đời. Sau khi được phóng thích Lợi cũng có sự biến đổi về “kĩ thuật” sống, làm thân với Hữu Chỉnh. Kết thúc chương 55 là trận đánh vang dội trong lịch sử: Rạch Gầm- Xoài Mút.

Phần V Trong thời điểm mới vị trí của Lãng, Lợi, Huệ cũng có nhiều bấp bênh. Huệ đánh chiếm Phú Xuân, tại đây Huệ chiêu mộ Trần Văn Kỷ, sau tiến công ra Bắc dẹp họ Trịnh, Nguyễn Huệ kết duyên cùng công chúa Ngọc Hân. Trở lại Bắc Hà, Chỉnh cảm thấy đắc chí nhưng e ngại thái độ cố chấp của sĩ phu Bắc hà. Vua Lê băng hà, thái độ của dân chúng Thăng Long trước các biến cố. Chỉnh nhận ra sự thất sủng của mình.

Trong các phần của tác phẩm thì phần VI chiếm dung lượng nhiều nhất, chủ yếu tập trung tái hiện khúc quanh quan trọng trong cuộc đời Huệ. Mâu thuẫn giữa anh em Huệ, Nhạc đẫy lên đến mức căng thẳng . Công cuộc cai trị, chế độ chính trị, tư tưởng chiêu một nhân tài (La Sơn Phu Tử, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích…) và hình ảnh rực rỡ của hoàng đế Quang Trung. Bên cạnh ánh hào quang của Nguyễn Huệ thì hình ảnh cuộc đời các nhân vật cũng bắt đầu bước vào giai đoạn cao trào. Nguyễn Nhạc có thái độ dứt khoát hơn với Huệ và các tướng lĩnh theo Huệ, Lữ và Kiên thực sự bước vào con đường mới theo đuổi thế giới tâm linh, tình yêu của Lãng đi vào bế tắc, An đối diện với biến cố Lợi bị hành quyết. Ở phần V có thể xem là phần trung tâm của toàn bộ tác phẩm.

Phần kết từ chủ yếu tập trung vào tuyến nhân vật hư cấu sau khi vua Quang Trung mất. An phải đương đầu với số phận vì con, Lãng dần dần bị đào thải, sống kiếp sống lang bạt rồi mất tích. Hình ảnh kết thúc là cuộc sống của ba mẹ con An ở bến Ván.

Không chỉ kết cấu theo trật tự thời gian mà tác giả còn sử dụng kết cấu đảo ngược thời gian trong nghệ thuật trần thuật. Điều đó được thể hiện trước hết ở chương hai trần thuật quá trình lánh nạn của gia đình qua việc nhớ lại “Đã nửa tháng qua từ ngày ông giáo may mắn quá giang được một chiếc ghe bầu về cửa giã!” [20,44]. Hay như việc để cho nhân vật bác Năm kể về “chuyện tuồng Tàu” của gia đình Hai Nhiều, gốc gác từ thời ông ngoại và cuộc đời của Hai Nhiều. Rồi việc thuật lại nguyên nhân Kiên bị hành hung trên trường trầu qua lời kể của Lãng.

Kiểu kết cấu thứ ba có thể nhận thấy trong tác phẩm là kết cấu theo tuyến nhân vật. Thông thường với tác phẩm tự sự kết cấu theo hai tuyến đối lập nhưng trong Sông Côn Mùa Lũ nhà văn tạo ra hai tuyến nhân vật song song làm cơ sở đối chiếu và hỗ trợ cho nhau. Đối với tiểu thuyết lịch sử khi khai thác những sự kiện lịch sử tác giả phải tôn trọng tính sự thật về các nhân vật lịch sử. nhà văn giữ lại đúng những gì mà nhân vật lịch sử có, nhưng nếu chỉ dừng lại ở chỗ lịch sử là lịch sử thì rõ ràng tác giả đã đem văn chương làm phương tiện ghi sử. Bên cạnh tuyến nhân vật lịch sử tác giả đã xây dựng tuyến nhân vật hư cấu, và khai thác thêm những khía cạnh khác trong tính cách, tư tưởng tình cảm của cả nhân vật lịch sử. Tuyến nhân vật lịch sử là Nhạc, Huệ, giáo Hiến, Lữ, Chỉnh, Nhậm, Tuyết, Diệu, Sở…là những người tạo ra sự kiện lịch sử, dẫn dắt lịch sử vận động theo tính khách quan. Tuyến nhân vật hư cấu là An, Lợi, Lãng, Kiên, Thọ Hương… là những nhân vật hư tưởng, đời thường, thế sự, là cái nền cái hồn, cái sâu thẳm của tiểu thuyết lịch sử. Những nhân vật hư cấu góp mặt vào những sự kiện làm cho sự kiện sống động hơn, chân thực hơn, gần gũi với người đọc hơn. Ngoài ra nhân vật hư cấu có thể chi phối diễn biến câu chuyện nhanh hơn hoặc chậm lại tậm chí có thể dừng lại ở một thời điểm nào đó. Tác giả tạo ra hai tuyến nhân vật với những mối quan hệ , những mâu thuẫn, đan xen nhau được đặt trong bối cảnh thời gian không gian của diễn biến sự kiện. Đó là tình tình yêu giữa An và Huệ, mối quan hệ giữa hai gia đình Nhạc và giáo Hiến, mối quan hệ chủ tớ giữa Lợi và ba anh em Tây Sơn, sự cưu mang của Huệ dành cho Lãng, sự đồng cảm giữa Lữ và Kiên… tình yêu, tình bạn, tình vợ chồng, tình thầy trò… tất cả như một sợi dây trói buộc các nhân vật lại trong một thể thống nhất của lịch sử. Khi nghiên cứu kết cấu này ta thấy nó có điểm tương quan với kiểu kết cấu đa tuyến.

Tiểu thuyết lịch sử là phản ánh bức tranh cuộc sống phong phú đa dạng về con người về lịch sử và điều làm nên sự đa dạng đó là sự đa dạng về nhân vật, đa dạng về số phận, cuộc đời… Với gần cả trăm nhân vật, mỗi nhân vật

không kể có danh hay vô danh đều có một số phận, một cuộc đời riêng, những hạnh phúc, những tai ương bất hạnh của họ đều được tác giả tái hiện trong tác phẩm khi họ xuất hiện trong tác phẩm. Tác giả để cho những câu chuyện được kể ra có khi qua lời người trần thuật ngôi thứ ba (người kể toàn tri), có khi lại mượn lời nhân vật hoặc các nhân vật này kể lại lời kể của nhân vật kia…nhữg số phận này đan chéo vào nhau tạo nên một bức tranh xã hội dưới thời Tây Sơn đa dạng phong phú.

Trong kết cấu hai tuyến nhân vật chính tác giả chia ra những tuyến nhân vật nhỏ theo từng đặc điểm riêng của từng nhóm: có thể là những người cùng gia đình như gia đình giáo Hiến: giáo Hiến, An, bà giáo, Kiên, Chinh, Lãng; gia đình Nguyễn Nhạc: Nhạc, Huệ, Lữ, Thọ Hương, Vũ Văn Nhậm, em gái Bùi Văn Nhật, công chúa Ngọc Hân..; nhóm gia đình Hai Nhiều. những nhân vật cùng chung chí hướng: Huệ, Sở, Diệu, Ngô Thì Nhậm, Trần Văn Kỷ, Phan Huy Ích..; Nhạc, Tuyên, Nhật, Tập Đình, Lí Tài…; Những nhân vật nữ số phận của cuộc khởi nghĩa: An, Thọ Hương, Ngọc Hân, Em gái Nhật, Cúc…; những người tìm lối giải thoát cho cuộc đời bằng đạo hạnh như Lữ, Kiên…. Mỗi người một tâm trạng, mỗi người một đặc điểm riêng, hòa nhập vào dòng chảy, vào tiến trình của lịch sử để làm nên một thể thống nhất trong

Sông Côn Mùa Lũ, làm nên một phong cách riêng của Ngyễn Mộng Giác. Mỗi nhân vật, mỗi gia đình khi xuất hiện thì đồng thời cũng bắt đầu cho những câu chuyện khác hiện ra. Truyện dược lồng trong truyện nhưng không nhập nhằng mà trái lại càng phản ánh rõ cuộc sống của con người của các tầng lớp, giai cấp, nó đẩy những mâu thuẫn trong lịch sử trở nên gay cấn hơn, nó tạo nên bức tranh lịch sử giàu màu sắc của cuộc đời. Câu chuyện lịch sử được tái hiện qua hai gia đình tiêu biểu là giáo Hiến và gia đình biện Nhạc. Trong câu chuyện nhà giáo Hiến mở ra hàng loạt câu chuyện lồng chuyện với nhau:câu chuyện về giáo Hiến, bà giáo, An, về Chinh, về Kiên, rồi Lãng… một loạt những chuyện được kể chồng lên nhau như chuyện giáo Hiến với quan nội hữu, với sự cụ chùa Hà Trung; câu chuyện về vợ chồng Hai Nhiều,

về con cái Hai nhiều và mối quan hệ với Lợi; khi kể về Kiên là sự lồng ghép về câu chuyện năm Ngạn, gia đình viên cai cơ, những chiêm nghiệm về cuộc đời; với Lãng là câu chuyện tình yêu với Thọ Hương, với Cúc… Kể về Huệ tác giả lại xây dựng lồng ghép chuyện của vua Lê, của công chúa Ngọc Hân, ... Cái hay của nhà văn là sự sắp xếp các câu chuyện theo một tuần tự tự nhiên hợp lí không gò bó, những câu chuyện đan xen vào câu chuyện chính không làm cho người đọc có cảm giác cụt hứng mà trái lại nó có nhiệm vụ dẫn dắt lôi cuốn người đọc trôi theo diễn biến câu chuyện. Tất cả rất thật rất hợp lí như chính người đọc đang đi, đang chạy theo sự lôi cuốn đó.

Về mặt kết cấu tâm lý có lẽ tác giả tập trung vào diễn biến tâm lý của nhân vật An, giáo Hiến, Huệ, Lãng là nhiều. Giáo Hiến một người luôn dằn vặt, trăn trở về cái gọi là trung quân của một lớp nho sĩ lúc bấy giờ, chính cái trung quân ấy đã đưa đẩy cuộc đời giáo Hiến và cả gia đình biến đổi theo dòng lịch sử từ Phú Xuân đi An thái, lên Tây Sơn thượng xuống Kiên Thành, từ một chính khách của Trương Văn Hạnh đến thầy giáo của Huệ, Lữ, rồi quân sư của Nhạc và cuối cùng quẫn trí vì thất sủng. Đến An từ một người con gái với những suy nghĩ về biến cố gia đình, đến những rung động xao xuyến bâng khuâng trước Huệ, thẹn thùng hãnh diện trước sự săn đón của Lợi, những lo sợ của buổi đầu trở thành thiếu nữ, những hoang mang trong đêm tân hôn và cuộc sống vợ chồng, để rồi bị cuốn vào cuộc sống đời thường như bao phụ nữ khác, nhưng vẫn thoáng đâu đó tồn tại những rung cảm đam mê của tình yêu đầu đời. Một Huệ biết nghi ngờ qua lời thầy giảng về chính nghĩa về anh hùng, những trăn trở về lịch sử, chính trị, những run rẩy của tình yêu với An, sự cảm thông bao bọc chở che với Lãng. Và Lãng một nhân vật không ít tâm trạng và tâm trạng ấy chi phối khá nhiều trong hành động của Lãng để rồi làm cơ sở cho những diễn biến tiếp nối nhau.

Như vậy với kỹ thuật đan xen những kiểu kết cấu trong tiểu thuyết nhà văn đã biến một sự kiện lịch sử thành sự kiện cuộc đời, những trang viết thành những hoàn cảnh cụ thể trong đời thường. Lịch sử hào hùng đã phản

ánh được hiện thực cuộc đời, hiện thực cuộc đời càng làm cho ánh hào quang lịch sử rực rỡ hơn.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết sông côn mùa lũ của nguyễn mộng giác luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 27 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(127 trang)
w