Điểm nhìn trần thuật trong tiểu thuyết Sông Côn Mùa Lũ

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết sông côn mùa lũ của nguyễn mộng giác luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 59 - 64)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.2.Điểm nhìn trần thuật trong tiểu thuyết Sông Côn Mùa Lũ

Điểm nhìn trần thuật thường gắn với quan niệm của nhà văn. Theo M. Bakhtin người đọc có thể đoán được âm sắc tác giả qua đối tượng của câu chuyện kể cũng như chính câu chuyện và hình tượng người kể chuyện bộc lộ trong quá trình kể. Có nghĩa ở người kể chuyện khúc xạ bóng dáng và quan điểm của tác giả, thể hiện ở “điểm nhìn”, “tầm nhận thức”, ở thái độ của người kể chuyện đối với thế giới câu chuyện được kể lại. Đương nhiên không phải hoàn toàn trùng khít bởi người kể chuyện cũng là một hình tượng ít nhiều tồn tại độc lập, ở đó vừa có thái độ chủ quan thừa hưởng ở tác giả, vừa mang một phần nội dung khách quan của thế giới được phản ánh vào tác phẩm. Làm rõ điều này ta sẽ thấy được ý nghĩa thông điệp rõ nét trong Sông Côn Mùa Lũ, tác phẩm viết về một thời nhưng ý nghĩa mọi thời, trong đó có thời tác giả sống (giai đoạn viết 1978-1981).

Nguyễn Mộng Giác đã luân chuyển điểm nhìn từ người trần thuật sang nhân vật một cách hiệu quả khi trần thuật về các trận đánh của Nguyễn Huệ chống giặc ngoại xâm Xiêm La và Mãn Thanh. Tác giả trần thuật các trận đánh rất nổi tiếng của Quang Trung - Nguyễn Huệ thông qua những trang ghi chép nhật kí chiến trường của nhân vật Lãng. Với cách này, tác giả đã chuyển điểm nhìn của người trần thuật sang điểm nhìn nhân vật. Bằng cách để cho nhận vật Lãng kể, nhận xét trận đánh hình ảnh Nguyễn Huệ anh hùng có tính khách quan hơn mà tránh được cái nhìn sử thi mà các nhà văn trước ông thường sử dụng. Cùng với nghệ thuật luân chuyển điểm nhìn là cách tổ chức nhiều điểm nhìn. Nghĩa là cùng một lúc, một sự kiện tồn tại nhiều điểm nhìn để người đọc tự khám phá ra bản chất của vấn đề. Trong tác phẩm Sông Côn Mùa Lũ có nhiều đoạn nhà văn sử dụng nhiều điểm nhìn như vậy. Chẳng hạn,

đoạn viết về anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đánh nhau. Trước sự kiện “nồi da xáo thịt” ấy, tác giả đã đưa ra nhiều sự đánh giá khác nhau. Nguyễn Mộng Giác viết: “Lỗi về ai? Các sử quan nhà Nguyễn, lạ lùng thay, đã đổ hết trách nhiệm lên đầu Nguyễn Nhạc. Nào là Nhạc đắc chí nên sinh ra buông tuồng hiếu sát, giết hại viên cộng sự ban đầu của mình là Nguyễn Thung, lại nhẫn tâm làm điều ép uổng dâm loạn với cả em dâu là vợ Nguyễn Huệ. Mọi người đều ghê tởm”[22, 112]. Sự kiện ấy qua điểm nhìn khác là những người chép sử Bắc Hà lại đỗ lỗi cho Nguyễn Huệ “bao nhiêu quân tướng, khí giới, các vật báu lấy được của Bắc Hà đem về, thượng công đều chứa vào một chỗ, vua Tây cho người ra vời, thượng công cũng không chịu vào chầu. Rồi khi phong quan ban chức, thượng công đều tự quyết định, không hỏi gì đến vua Tây. Vua Tây cho người đem ấn ra phong thượng công là Bắc Bình vương, và hỏi các thứ của báu bắt được ở phủ chúa Trịnh. Thượng công cũng không chịu trả lại. Vua Tây giận lắm, vì thế anh em mới gây ra cuộc binh đao” [22, 113]. Đến cái nhìn của người kể chuyện sau khi chỉ ra bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ rồi cho rằng “nếu không có vụ nồi da xáo thịt, thì cái cơ thống nhất cũng không thể thành tựu được” và “phải xem biến cố “nồi da xáo thịt” là chuyện “chẳng đặng đừng” để tiến tới viễn tượng thống nhất. Không nên đổ lỗi cho Nguyễn Nhạc “dâm, bạo” như sử quan nhà Nguyễn. Tất cả trách nhiệm của biến cố này thuộc về Nguyễn Huệ: một mình Nguyễn Huệ”[22, 113]. Lấy sự kiện anh em Nguyễn Huệ đánh nhau làm đối tượng, tác giả đã sử dụng nhiều điểm nhìn chồng lên nhau, nhìn nhiều góc độ khác nhau để người đọc có những khám phá mới về đối tượng. Có khi, để người đọc khám phá một hình tượng nghệ thuật nào đó từ nhiều góc độ khác nhau, Nguyễn Mộng Giác lại dùng nhiều điểm nhìn. Nhân vật Nguyễn Huệ được tác giả khắc hoạ nhiều điểm nhìn như vậy. Ngoài điểm nhìn của người kể chuyện, nhà văn còn dùng các điểm nhìn của nhân vật trong truyện về Nguyễn Huệ. Dưới cái nhìn của Nguyễn Nhạc: “Chú vẫn quen thói rắn mắt, liều lĩnh (...), anh nuôi chú từ nhỏ còn lạ gì tính chú”. Qua các đoạn đối thoại khác người đọc nhận thấy

dưới cái nhìn của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ là người có khát vọng lớn, ý chí lớn. Với cái nhìn của An, Nguyễn Huệ hiện lên là người tinh tế, thông minh nhận xét con người sự việc hết sức chính xác. “An nghĩ điểm đáng ghét của Huệ là sự thông minh chuẩn xác đó. ...Đôi mắt lúc nào cũng chứa một ánh nhìn xoi mói và giễu cợt...”[20,170]. Còn ông giáo thừa nhận: “Tôi dạy anh Huệ bao năm, tôi biết. anh ấy không phải là kẻ dễ dàng chịu thua cuộc.Trí thông minh và ý chí anh ấy thật khác thường”. Trần Văn Kỷ lại có cái nhìn về Nguyễn Huệ tổng hợp hơn cả. “Qua mấy tháng gần gũi với Nguyễn Huệ, ông nhận thấy viên tướng 35 tuổi này vừa có sự thâm trầm chín chắn của người từng trải, lại vừa có cái gan dạ liều lĩnh của một thanh niên, có cái bộc trực của dân lao động, lại có sự tế nhị của kẻ ăn học”[22]. Điều dễ nhận thấy là qua nhiều cái nhìn của các nhân vật về Nguyễn Huệ, người đọc nhận thấy sự đánh giá thống nhất về một Nguyễn Huệ thông minh, có ý chí và tinh tế, nhạy cảm trong cuộc sống. Đó là sự kết tinh của những phẩm chất tốt đẹp và cao quý của người Việt Nam. Trong Sông Côn Mùa Lũ có nhiều đoạn tác giả sử dụng hiện tượng nhiều điểm nhìn như vậy, nhất là những vấn đề, những sự kiện chưa có sự đánh giá thống nhất như Tây Sơn là chính thống hay nguỵ triều? Quan điểm của nhà nho lúc bấy giờ về chữ “trung” thế nào cho thoả đáng, thái độ của người dân trước những biến động lịch sử... Dùng thủ pháp nhiều điểm nhìn tạo được sự dân chủ hoá cho người đọc, “bắt” độc giả đọc một cách tích cực và tiếp nhận tác phẩm có hứng thú. Điểm nhìn nghệ thuật không phải là điều mới lạ đối với mọi người, nhưng ở Sông Côn Mùa Lũ là sự sáng tạo trong việc tổ chức nghệ thuật của nhà văn khi viết về đề tài lịch sử. Luân chuyển điểm nhìn đã tạo cho Sông Côn Mùa Lũ có một phong cách riêng, độc đáo không giống với bất cứ tác phẩm nào từ trước tới nay viết về nhà Tây Sơn và người anh hùng Nguyễn Huệ.

Đọc kỹ tác phẩm thấy rõ một điều điểm nhìn của người kể chuyện xoáy sâu vào những người dân bình thường, những thân phận nhỏ nhoi chịu đựng áp lực nặng nề của chiến tranh và tâm trạng trí thức thời loạn, những người

nhạy cảm nhất trước những vấn nạn chính trị chứ không phải tô đậm những chiến công, có nghĩa điểm nhìn không chỉ dừng lại ở sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử mà quan trọng hơn là đời sống dân chúng, những người trực tiếp hay gián tiếp chịu sự tác động của lịch sử, đi sâu tâm trạng của họ trước, sau mỗi biến cố lớn của thời đại, trong đó có tâm trạng trí thức thời loạn để từ đó thấy được nỗi niềm chung của con người trong và sau chiến tranh của bất cứ thời tao loạn nào. Đặc biệt ở phần Kết từ (dấu vết cả một thời loạn ly). Càng đọc, càng ngẩm nghĩ càng xót xa, hóa ra đằng sau những chiến công không phải lúc nào cũng nụ cười, cũng niềm vui. Nhân vật Lãng thuộc típ người mẫn cảm, trung thực, luôn hướng đến những điều lí tưởng thuần khiết, là người bạn người thư kí trung thành gần gũi của Huệ (ngoài người kể chuyện có lẽ nhân vật này thể hiện rõ nhất bóng dáng tác giả) luôn gắn với những chiến công nhưng rồi chính anh lại chẳng nhận được điều gì từ niềm vui chiến thắng, trở thành người vô gia cư, người thừa. Lãng được giao cho nhiêm vụ ghi chép lại những trận đánh và điều mà Lãng mong muốn là sự ghi chép phải phản ánh cả những ý khác quan lẫn chủ quan, những âm vang hào hùng và cả những thực tế phủ phàng, thậm chí đưa cả cảm xúc của người viết. Điều đó đã dẫn đến sự phản ứng, thái độ không hài lòng của Huệ. Say mê Chiếu khuyến nông nhưng chính Chiếu khuyến nông lại đẩy anh vào hạng du thử du thực. Hóa ra giữa lí tưởng và hiện thực, giữa cái vĩ đại và cái thường ngày đôi khi còn khoảng cách khá xa. Dẫu rằng nhân vật vẫn một lòng tin tưởng, ngưởng mộ Huệ, vẫn một lòng hướng về lí tưởng nhưng cái kết cục của nó vẫn gợi nhiều ngậm ngùi xót xa.

Trí thức thời loạn cũng là đối tượng được người kể chuyện quan tâm, thông qua hành trình nội tâm đầy phức tạp, biện chứng của đám trí thức Thuận Hóa, Bắc Hà và đặc biệt là tâm trạng giáo Hiến, người kể chuyện đã hé mở một sự thật tưởng như hiển nhiên mà không hề đơn giản: lẽ chính thống. Thế nào là chính thống, thế nào là ngụy triều, quá trình chuyển biến tâm lí nhận thức để xác lập ý nghĩa đích thực của hai chữ chính thống hóa ra thật

gian nan. Với một mớ chữ nghĩa đậm màu triết lí, những nhân vật trí thức này trải qua một quá trình sàng lọc, cân nhắc kĩ lưỡng, tĩnh tại và đầy suy tư nhưng vẫn không dễ gì tìm được lời đáp. Cái chính thống mà giáo Hiến luôn đề cao là tôn thờ một đấng minh quân, tôn phò Hoàng tôn Dương. Điều đó được giáo Hiền tìm cách đưa vào tư tưởng cuộc khởi nghĩa Tây Sơn trong quá trình phụ giúp Nhạc. Chính tư tưởng chính thống đã từng kéo ông giáo đến gần phong trào Tây Sơn cũng là tư tưởng khiến ông bị đánh bật ra khỏi xã hội của những người áo vải kia. Có những chính ông cũng hoài nghi về những điều mình đã nghĩ, đã tôn thờ, đã tự hào.Tâm trạng chung là dùng dằng, bất quyết, do dự thậm chí còn sợ hãi. Một mặt nhút nhát không đuổi kịp bước đi của thời đại (Bùi Huy Bích), một mặt luyến tiếc cái đã qua (giáo Hiến), không dám tin vào cái mới, chần chừ chờ đợi (Trần Bá Lãm), cẩn trọng đến mức cố chấp (La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp), thậm chí ngu trung mù quáng (Lí Trần Quán, Nguyễn Đăng Trường). Chỉ một số ít thức thời: Trần Văn Kỷ, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Hữu Chỉnh nhưng mỗi người lại có một cách thức thời khác nhau. Trần Văn Kỷ và Ngô Thì Nhậm thì mạnh dạn, vững bước ủng hộ cái mới tiến bộ theo chiều hướng tích cực, xây dựng thúc đẩy lịch sử làm nền móng cho cái chung, trong khi Nguyễn Hữu Chỉnh lại phụng sự chủ nghĩa cá nhân cơ hội, mưu mô xảo quyệt làm đảo lộn lịch sử theo chiều hướng tiêu cực.

Một điểm nhìn nữa không thể bỏ qua là ở số phận người phụ nữ trong thời loạn, những suy nghĩ của họ về lịch sử về những cuộc chiến. Đã bao lần An không hiểu tại sao họ, những người đàn ông xung quanh cô lại hăng say, thích thú với những trận đánh, những chiến công để làm gì? Khẳng định mình, thể hiện bản thân chăng? An thao thức với những lo lắng khi Huệ xuất binh, khi Lợi háo hức báo tin đươc cùng Lữ Nam tiến, rồi lại Bắc tiên cùng Huệ trong khi vợ đang mang thai, con đang bệnh… rồi đến tâm trạng của người vợ có chồng đã lớn tuổi mà vẫn còn háo hức xin đi lính, hay như số phận của Thọ Hương, em gái Nhật, Ngọc Hân, An khi bị lấy hạnh phúc cả đời

cô con cờ chính trị. Hình ảnh của vợ viên cai cơ, hình ảnh của vợ anh lính trẻ, …đã được tái hiện qua cái nhìn của tác giả một người chứng kiến lịch sử lột tả lịch sử, qua cái nhìn nhau của những nhân vật.

Dường như mỗi vấn đề: chiến tranh, tâm trạng người trí thức, số phận người phụ nữ; tư tưởng chính trị, tư tưởng cầm quân… đề được nhìn nhận qua nhiều điểm nhìn.

Điểm nhìn bên trong, nghĩa là những suy tưởng, những ý nghĩ hay quan điểm của nhân vật trước các biến cố cuộc sống; đồng thời là con người xã hội trong tương tác đa phương đa chiều với hoàn cảnh, với tha nhân. Tóm lại, ông quan tâm đến cách xây dựng những "hiện thực tâm lý và xã hội" của nhân vật.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết sông côn mùa lũ của nguyễn mộng giác luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 59 - 64)