Giọng điệu trần thuật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết sông côn mùa lũ của nguyễn mộng giác luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 108 - 109)

6. Cấu trúc luận văn

3.3.Giọng điệu trần thuật

Trong nghệ thuật kể chuyện, giọng điệu (voice) cũng là một yếu tố cơ bản. Phản ánh quan điểm, thị hiếu thẩm mĩ của người sáng tạo, giọng điệu có vai trò quan trọng trong việc thể hiện cá tính sáng tạo của tác giả (gián tiếp qua hình tượng người kể chuyện). Giọng điệu được thiết lập từ mối quan hệ giữa người kể với người nghe từ thế giới sự kiện được miêu tả và tạo thành giọng điệu trần thuật.

Văn học sau năm 1975 có nhiều thay đổi cách tân đặc biệt thể loại tiểu thuyết. Với nhà văn trong sự đổi mới thể loại cũng làm mới giọng điệu, góp phần cách tân nghệ thuật tổ chức truyện kể.

Nhiều tác giả đã khẳng định mình qua giọng điệu trần thuật như Nguyễn Khải, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, … Khảo sát giọng điệu trần thuật chính là cách để xác định khuôn mặt nhà văn. Bởi giọng điệu là một trong những yếu tố quan trọng để khu biệt phong cách tác giả, là “một yếu tố đặc trưng của hình tượng tác giả trong tácphẩm”.Giọng điệu tiểu thuyết Việt Nam đương đại rất đa dạng.

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường, đạo đức của nhà văn với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm… Giọng điệu là một yếu tố đặc trưng của hình tượng tác giả trong tác phẩm. Nếu như trong đời sống, ta thường chỉ nghe giọng nói nhận ra con người thì trong văn học, giọng điệu giúp chúng ta nhận ra tác giả. Người đọc có thể nhận thấy tất cả các chiều sâu tư tưởng, thái độ, vị thế, phong cách, tài năng cũng như sở trường

ngôn ngữ, cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ thông qua giọng điệu. Nền tảng của giọng điệu là cảm hứng chủ đạo của nhà văn. Trong khi trần thuật, tác giả sử dụng nhiều giọng điệu, nhiều sắc thái trên cơ sở một giọng điệu cơ bản chủ đạo, chứ không đơn điệu.

Sau 1986, trong sự chuyển đổi của xã hội, trong cuộc sống “hậu hiện đại” ngổn ngang, chồng chất nhiều mặt đối lập, bản hợp âm pha tạp của đời sống đã xâm nhập vào tiểu thuyết, quyết định một giọng riêng của thời đại. Mỗi nhà văn trong sự đổi mới thể loại cũng làm mới giọng điệu, góp phần cách tân nghệ thuật tổ chức truyện kể.

Tiểu thuyết Việt Nam đương đại (kể cả truyện ngắn mà giới nghiên cứu gọi là đoản thiên tiểu thuyết) có một số giọng điệu như: giọng điệu trữ tình sâu lắng của Nguyễn Huy Thiệp (Chảy đi sông ơi), Nguyễn Ngọc Tư (Cánh đồng bất tận); giọng điệu suy ngẫm, triết lý với cảm quan nhìn nhận lại hiện thực của Bảo Ninh (Nỗi buồn chiến tranh), Dương Hướng (Bến không chồng), Nguyễn Khải (Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người…) Ma Văn Kháng (Ngược dòng nước lũ); giọng điệu hài hước, giọng điệu diễu nhại trong văn chương của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp; lại có giọng điệu dung tục đời thường trong tiểu thuyết của Chu Lai (Ăn mày dĩ vãng)… Nói chung tiểu thuyết là đa thanh, nhiều bè, nhiều giọng điệu. Tạo được giọng điệu đa dạng, phong phú là đánh dấu một bước trưởng thành trong tư duy nghệ thuật.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết sông côn mùa lũ của nguyễn mộng giác luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 108 - 109)