Không gian trần thuật trong Sông Côn Mùa Lũ

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết sông côn mùa lũ của nguyễn mộng giác luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 39 - 44)

6. Cấu trúc luận văn

1.3.1. Không gian trần thuật trong Sông Côn Mùa Lũ

Trong Thi pháp học, khái niệm không gian nghệ thuật là một phạm trù của hình thức nghệ thuật, là phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Nếu thế giới nghệ thuật là thế giới của cái nhìn và mang ý nghĩa thì không gian nghệ thuật là trường nhìn mở ra từ một điểm nhìn, cách nhìn. Không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện qua niệm nhất định về cuộc sống. Do đó, không thể đồng nhất không gian trong tác phẩm văn học với không gian địa lí, không gian vật lí được. “Không gian nghệ thuật là mô hình nghệ thuật về cái thế giới mà con người đang sống, đang cảm thấy vị trí, số phận mình ở trong đó. Không gian nghệ thuật gắn liền với quan niệm về con người và góp phần biểu hiện cho quan niệm ấy” và “Không gian nghệ thuật có thể xem là một không quyển của tinh thần bao bọc cảm thức của con người, là hiện tượng tâm linh nội cảm, chứ không phải hiện tượng địa lí và vật lí” (Thi pháp Truyện Kiều). Vế mặt cấu trúc của không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học được chia làm hai loại:

Không gian trần thuật

Không gian trần thuật là người trần thuật nhập vào thế giới đang được trần thuật, là sống trong không gian của truyện. Khi kể chuyện, giữa người kể chuyện với thế giới xung quanh hình thành một khối không gian ảo với nhiều mối tương quan lẫn nhau. Tương quan giữa người kể với thế giới các nhân vật, các sự kiện, các quan hệ…; giữa người kể và ngôn ngữ của nhân vật; giữa người kể với ngôn ngữ của chính mình.

Tác phẩm văn chương có khả năng gợi ra một không gian liên tưởng và tưởng tượng có biên độ rộng lớn hơn không gian thực. Truyện có khả năng rút gọn hoặc kéo dài khoảng cách bằng sự tham gia của người kể vào từng hành vi, động tác của nhân vật.

Không gian được trần thuật

Không gian được trần thuật: là không gian được kể, được tả trong truyện. Nó bao gồm: không gian bối cảnh, không gian sự kiện và không gian tâm lí.

Không gian bối cảnh: là môi trường hoạt động của nhân vật, một địa điểm nào đó có đủ các yếu tố thiên nhiên, xã hội, con người. Không gian bối cảnh có 3 loại:

Không gian bối cảnh thiên nhiên. Bao gồm những hiện tượng thiên nhiên bao quanh con người như: trời, đất, núi, sông…làm khung cảnh rộng lớn, đa dạng. Thiên nhiên một mặt gắn liền với nhân vật và hoạt động của nhân vật, mặt khác cũng gắn liền với tâm trạng người kể truyện. Cùng viết về mùa thu nhưng khung cảnh mùa thu trong thơ Nguyễn Khuyến khác với khung cảnh mùa thu trong bài thơ Đây mùa thu tới của Xuân Diệu, khác với khung cảnh mùa thu trong bài thơ Đất Nước của Nguyễn Đình Thi. Bối cảnh mùa thu cũng gắn liền với tâm trạng khác nhau của từng nhân vật mà tác giả muốn thể hiện.

Không gian bối cảnh xã hội: Bối cảnh xã hội bao gồm cuộc sống của những tầng lớp người, từng cá nhân, từng thế hệ… tạo thành bầu không khí

xã hội phức tạp. Bối cảnh xã hội của truyện ngắn Vợ Nhặt là xã hội nghèo đói, loạn lạc Việt Nam những năm trước Cách mạng tháng Tám, bối cảnh của tác phẩm Chí Phèo là làng quê nông thôn Vũ Đại đầy những bất công, ngang trái.

Không gian bối cảnh tâm trạng: Bối cảnh tâm trạng là thế giới nội tâm của nhân vật. Đó có thể là những dòng hồi ức, những niềm vui, nỗi buồn, những ước mơ, những ám ảnh, băn khoăn được miêu tả trong tác phẩm. Cụ thể như bối cảnh tâm trạng trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam là sự buồn chán, cô đơn, lặng lẽ của hai đứa bé nơi phố chợ, trong Chí Phèo là những ước mơ, khao khát cuộc sống lương thiện như bao người nông dân khác của Chí Phèo.

Không gian sự kiện: Là những sự kiện xảy ra trong đời sống hàng ngày có thể tác động đến đời sống nhân vật gây ra những sự kiện khác nhau theo quan hệ nhân quả thành một chuỗi sự kiện mà có khi, truyện chỉ là một mắt xích quan trọng trong sự kiện ấy. Đây là kiểu không gian sự kiện bao gồm những sự kiện giống nhau, xảy ra nối tiếp nhau theo một trình tự nhất định.

Không gian tâm lí: Là những trạng thái tâm lí của nhân vật mà chủ yếu là những tâm trạng: trạng thái tình cảm vui buồn, hồi ức, mộng mị, ám thị, mơ hồ. Trong tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, không gian tâm lí là sự hồi tưởng của nhân vật Kiên về chiến trường xưa, về cuộc chiến tranh, những mất mát, đau thương mà anh đã chứng kiến.

Không gian cũng là một hình tượng nghệ thuật đặc sắc đem lại thành công lớn cho cuốn tiểu thuyết lịch sử này. Trong Sông Côn Mùa Lũ, Nguyễn Mộng Giác xây dựng một không gian không đơn giản là tái hiện lại một bối cảnh lịch sử ở nước ta mà không gian đó còn có ý nghĩa chúng ta phải đặt mình vào để hình dung nhân vật của chúng ta. Cái khung cảnh đó chỉ đơn giản là một trong những hoàn cảnh quyết định kinh nghiệm của nhân vật chính về cuộc đời, tức là không gian đó không còn mang tính khách quan nữa mà mang tính chủ quan của nhà văn. Do đó, cấu trúc hình tượng không gian

trong Sông Côn mùa lũ là một hình tượng nghệ thuật chứa đựng nhiều ý nghĩa.

Nguyễn Mộng Giác trong Sông Côn mùa lũ đã lựa chọn một không gian nghệ thuật riêng cho mình. Nhìn tổng thể, Sông Côn Mùa Lũ bao quát được một bức tranh không gian rộng lớn từ Nam ra Bắc. Đó là không gian kinh đô Phú Xuân của chúa Nguyễn, kinh đô Thăng Long của vua Lê chúa Trịnh mà “một hòn đá một gốc cây cũng có một gia phả riêng của nó”, không gian Gia Định “miền đất tương đối hoang dã và hung bạo”. Có không gian núi rừng Tây Sơn Thượng, không gian sông nước hoang sơ vùng kinh rạch phương Nam. Trong bức tranh không gian rộng lớn ấy, tác giả đã dừng lại miêu tả kỹ hơn không gian Tây Sơn Thượng. Việc lựa chọn không gian nào làm nền cho sự kiện lịch sử cũng đều nằm trong dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Tây Sơn Thượng là thế đất “rồng ẩn, hổ ngồi”, là một nơi “Cuộc đất tốt vì bằng phẳng, chung quanh lại có núi bao bọc, ấm áp như một cái nôi. Sữa cho em bé là nước sông Ba, và những dòng suối như Rộc Tùng, Hầm Bia, Rộc Môn, Suối Cái. Dãy núi cao kéo dài trùng điệp từ hướng Nam vắt qua đông ngăn cách vùng này với đồng bằng tên là Trụ Lĩnh. Kia là ngọn Hãnh Hót ở đó có một buôn thượng đông lắm. Kia là ngọn Mò O, phía mặt trời là Hòn Lớn và hòn Gia Dụa. Núi phía Tây Bắc là hòn Cong” [20, 239]. “Cuộc đất này giống như nhà trời. Mái là bầu trời xanh. Vách tường là các dãy núi cao bao bọc, nền là thung lũng bằng phẳng. Cửa là đèo An Khê, mở ra nhìn ngay cái sân đồng bằng Tuy Viễn. Hàng rào là một dải biển xanh”[ 21, 239]. Việc dừng lại miêu tả kỹ không gian này cùng với sự kiện viết về quá trình khởi nghiệp của nhà Tây Sơn cho thấy nhà văn muốn đề cao con mắt tinh đời của nhà quân sự Nguyễn Nhạc đã phát hiện ra một căn cứ quân sự hoàn hảo, an toàn. Đồng thời đây cũng là không gian để thử thách lòng kiên nhẫn, ý chí của con người “nếm mật nằm gai”, mưu toan nghiệp lớn. Có viết kỹ về điều này mới thấy được vai trò quan trọng của Nguyễn Nhạc ở giai đoạn đầu làm nên sự nghiệp cho nhà Tây Sơn. Viết về không gian khởi nghiệp nhà Tây Sơn một cách “vi

mô” mà biểu đạt được cái vĩ mô của một thời kỳ lịch sử đầy biến động. Tương tự như vậy, lựa chọn không gian hoang dã, lạ lẫm với mọi người, với những địa danh mà quân Tây Sơn lần đầu mới được nghe, được thấy về vùng kinh rạch sông nước phương Nam, Nguyễn Mộng Giác muốn khẳng định cái tài dùng binh của vị tướng trẻ Nguyễn Huệ. Tuy lạ lẫm với mọi người nhưng Nguyễn Huệ nhìn ngay ra vị trí chiến lược, lợi dụng được địa hình địa vật vùng sông nước này mà bài binh bố trận nên chỉ trong một trận đánh cũng làm cho quân Xiêm thua tan tác. Không gian Thăng Long, trung tâm của quyền lực, bề dày của truyền thống giúp Nguyễn Huệ nhìn ra sự vận hành của cỗ xe lịch sử và ý chí thống nhất đất nước. Thu hẹp hơn là không gian của những đường xá khi xô bồ của cuộc sống, khi tiêu điều xơ xác qua những trận đánh, không gian của những xóm ấp, những bến sông, những quán xá nơi cuộc sống đời thường được tái hiện. Nhà văn đưa đẩy người đọc đi khắp nơi từ nơi dễ nhìn thấy đấn tận hang cùng ngõ hẻm để tận mắt chứng kiến tất toàn bộ sự kiện lịch sử từ cái hào quang lấp lánh đến cái khổ sở tầm thường; không gian trần thuật ấy có khi trùng khớp với không gian địa lý, không gian của sự kiện lịch sử. Có lúc nhà văn mở rộng nó ra mênh mông rộng lớn của một vùng, một miền, thậm chí một nước, có khi thu hẹp nó lại thật nhỏ trong một góc phòng tối tăm của ông giáo, của An, có khi đưa lên cao: trên đỉnh đèo nhìn xuống phía Nam, hay đỉnh núi Bân trong thời điểm sắp đăng quang của Nguyễn Huệ để rồi lại hạ xuống thấp xuôi dòng trên những con sông.

Bên cạnh cái không gian hiện thực ấy còn có không gian của hoài niệm, không gian tâm tưởng. Loại không gian này nhằm biểu hiện tâm lí nhân vật, giúp người đọc nhận ra chiều sâu nội tâm của nhân vật. Chẳng hạn không gian Phú Xuân thời ấu thơ đối với An, thời vàng son đối với lớp nho sĩ như giáo Hiến. Không gian An Thái đối với An và Huệ đó là không gian kỷ niệm in đậm trong kí ức của họ với “căn nhà quay về hướng tây đó, chái nhà học, cái chợ gần bến sông, cây gạo “thơm tho”, cái miễu giữa đồng trống...”[20, 272]. Loại không gian hoài niệm, tâm tưởng giúp người đọc khám phá đời

sống tâm hồn của nhân vật, làm cho nhân vật dù thuộc tuyến đời thường hay lịch sử đều có chiều sâu nội tâm. Như vậy, sự lựa chọn không gian trong Sông Côn Mùa Lũ là một thành công nghệ thuật làm tăng thêm giá trị cho tác phẩm.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết sông côn mùa lũ của nguyễn mộng giác luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 39 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(127 trang)
w