Đặc điểm của học sinh cấp 2-3 (trung học)

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý công tác giáo dục đạo đức cho học sinh ở các trường phổ thông cấp 2 3, huyện bù gia mập, tỉnh bình phước (Trang 41 - 44)

6. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1.3.1. Đặc điểm của học sinh cấp 2-3 (trung học)

1.3.1.1. Giới hạn phạm vi lứa tuổi học sinh Trung học:

Theo các nhà nghiên cứu về sự phát triển tâm lí người, cuộc đời của con người có thể phân ra một cách tương đối thành các giai đoạn phát triển khác nhau. Nếu nói rằng cuộc đời con người có hai cao trào sinh trưởng và phát triển, thì cao trào thứ nhất là giai đoạn từ “thai nhi” đến “sơ sinh” còn cao trào kia là thời kì “dậy thì”.

Ở các quốc gia khác nhau, sự bắt đầu và kết thúc thời kì dậy thì có khác nhau, song nhìn chung ở vào khoảng 10-12 tuổi đến 17-18 tuổi. Đó là thời kì trưởng thành sinh dục, theo đó, con người phải trải qua những biến đổi lớn về cấu trúc cơ thể, về các chức năng cũng như các hành vi. Đây là một sự cải tổ, một bước ngoặt cơ bản trong đời sống của mỗi người. Giới hạn của tuổi này cũng như ý nghĩa của nó đối với sự phát triển cá nhân có thể thay đổi tùy theo giới tính, đặc điểm cá nhân và môi trường sống (khí hậu, địa lí, kinh tế - xã hội, văn hóa). Tuổi dậy thì ở nam và ở nữ có sự khác nhau. Nhìn chung, nữ dậy thì sớm hơn nam khoảng 2 tuổi. Các em gái có thể bước vào giai đoạn này từ 10 đến 12 tuổi và kết thúc vào 15-16 tuổi. Các em trai bước vào và kết thúc chậm hơn so với các em nữ khoảng 2 năm. Trong giai đoạn này ngự trị quy luật về tính không đồng đều của sự phát triển cá nhân: một học sinh này đã đạt được sự chín muồi về giới tính (đã qua giai đoạn dậy thì), trong khi đó một em khác lại mới chỉ ở đoạn giữa của thời kì dậy thì. Tương tự, tính không đồng đều còn thể hiện ở sự phát triển trí tuệ, xã hội và đạo đức. Quan trọng hơn, trình độ phát triển của các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống cũng không trùng hợp. Một nam thanh niên có thể đã là một người lớn về mặt thể chất, trong khi đó, về mặt trí tuệ và đạo đức thì vẫn còn là một thiếu niên, hoặc ngược lại.

Theo cách phân giai đoạn nêu trên, học sinh Trung học – từ lớp 6 đến hết lớp 12 - tương ứng với thời kì tuổi “dậy thì”, và bao gồm trong đó: lứa tuổi “thiếu niên” (học sinh THCS) và lứa tuổi “đầu thanh niên” (học sinh THPT). Giai đoạn này được xem là giai đoạn quá độ, chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn, khi đứa trẻ không còn là trẻ con nữa, nhưng cũng chưa đạt được trình độ phát triển của một người lớn trưởng thành. Nói đến tuổi dậy thì là nói đến giai đoạn ở trẻ bắt đầu có những biến đổi quan trọng về thể chất cũng như tâm lí. Giai đoạn tuổi này được chia thành 3 giai đoạn nhỏ là:

* Giai đoạn “tiền dậy thì”: ở nữ là 10-12 tuổi, còn ở nam là 12-14 tuổi. * Giai đoạn “dậy thì chính thức”: ở nữ là 13-15, còn ở nam là 15-17 tuổi. * Giai đoạn “sau dậy thì”: từ 14-15 đến 17-18.

1.3.1.2. Một số vấn đề tâm lý lứa tuổi học sinh trung học

Tâm lí là hiện tượng tinh thần, vì thế không thể “cân, đong, đo, đếm” trực tiếp như đối với các hiện tượng vật chất. Nhưng tâm lí con người được bộc lộ trong quá trình hoạt động và giao tiếp, vì thế, có thể đánh giá tâm lí con người một cách gián tiếp thông qua suy nghĩ, tình cảm và hành vi. Đối với học sinh trung học, nhân cách con người được biểu hiện ở cấp độ cá nhân – trong mối quan hệ với chính bản thân; ở cấp độ nhóm – trong mối quan hệ liên nhân cách (với bạn bè cùng tuổi, gia đình, giáo viên…); ở cấp độ xã hội – trong mối quan hệ với các quy tắc, chuẩn mực chung của xã hội. Quá trình hình thành nhân cách cho học sinh trung học là quá trình mỗi học sinh chịu sự tác động từ các môi trường giáo dục khác nhau như: gia đình, nhà trường, xã hội bên ngoài, đồng thời là quá trình học sinh hoạt động tích cực để chiếm lĩnh nền văn hóa xã hội – lịch sử, trong đó, hoạt động của cá nhân có ý nghĩa quyết định. Điều này có thể cho phép xác định lĩnh vực cần tìm hiểu để hiểu về tâm lí học sinh, đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp.

Các nhà giáo dục học và tâm lý học thế giới đã đúc kết: lứa tuổi Tiểu học là lứa tuổi mà trí não học sinh chỉ tư duy một bước: ghi nhận, học hỏi; lứa tuổi trung học cơ sở là tư duy hai bước: ghi nhận và phân tích đúng sai; lứa tuổi trung học phổ thông: tư duy phản biện (còn gọi là tư duy tới hạn, hay tư duy nhiều bước): ghi nhận, phân tích đúng sai và đưa ra giải pháp để giải quyết những sự kiện. Nếu trẻ Mầm non và Tiểu học thường bắt chước, làm theo thì ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông các em đã phát triển tốt hơn về tư duy suy luận, cá tính bộc lộ rõ hơn, cùng với xu hướng tự

khẳng định mình ngày càng rõ nét. Do đó, lúc này quá trình giáo dục thành công chính là làm sao để các em tự giáo dục, tự nhận thức và rút ra bài học cho bản thân. Vì vậy, trước hết cần để học sinh phải tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình. Hiện nay, ở một số nước phát triển đã đưa vào nhà trường những chương trình giáo dục phát triển các kĩ năng khác nhau ở học sinh nhằm giúp các em có những ứng xử phù hợp trong các tình huống xung đột.

Từ góc độ giáo dục, cần phải hiểu rằng, mâu thuẫn của trẻ tuổi dậy thì ngày nay thể hiện ở chỗ, một mặt, các em rất thực dụng, nhưng mặt khác lại luôn có nhu cầu về lí tưởng. Đây là hai mặt của một vấn đề dường như không thể tồn tại song song và dung hòa với nhau. Một số trẻ đề cao xu hướng thứ nhất, kiên quyết quên đi nhu cầu thứ hai. Một số khác thì ngược lại – tuyệt đối hóa nhu cầu thứ hai. Các em này theo đuổi cuộc sống lí tưởng theo những chuẩn mực xã hội và thường bị các bạn cùng lứa cho là cổ hủ, không “sành điệu”. Tuy nhiên, trong thâm tâm, các bạn cùng tuổi của những em này lại vô cùng nể trọng và thậm chí có phần hơi ghen tị đối với các em. Nhưng, có một phần đông trong số học sinh tuổi dậy thì có phần thiếu cương quyết tìm kiếm cho mình một hướng đi, hoặc không đủ sức tự giải quyết những vấn đề của bản thân và “buông xuôi ”. Vấn đề giúp thanh thiếu niên xác định được đúng đắn mục đích và ý nghĩa cuộc sống là việc vô cùng quan trọng. Đây chính là mục tiêu cần đạt đến trong công tác GDĐĐ cho học sinh.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý công tác giáo dục đạo đức cho học sinh ở các trường phổ thông cấp 2 3, huyện bù gia mập, tỉnh bình phước (Trang 41 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(125 trang)
w