Thơ ca thời chống Mỹ vươn tới những hình ảnh kỳ vĩ lớn lao, những cảm hứng lạc quan khoẻ khoắn, ca ngợi lý tưởng, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, cuộc sống lao động gian lao vất vả mà vẻ vang của nhân dân, cuộc chiến đấu thần kỳ của dân tộc. Hình tượng trung tâm là người chiến sĩ đánh giặc bảo vệ Tổ quốc: anh bộ đội cụ Hồ, cô thanh niên xung phong, là chiến sĩ lái xe, là anh nuôi quân, cô giao liên... họ hiện lên thật đẹp và sáng ngời, với những phẩm chất hy sinh anh dũng, kiên cường, với niềm tin lạc quan vào cách mạng.
Trong dàn đồng ca của thế hệ, Lưu Quang Vũ đã tự tách mình ra, đứng một mình, âm thầm cất lên tiếng nói riêng từ cõi lòng sâu thẳm. Sự lựa chọn ấy đã “cởi trói” cho thơ của ông. Không bị gò vào một cái khuôn đúc sẵn của một quy tắc sáng tác, ông dễ dàng phơi bày tấm lòng, lựa chọn cách biểu đạt riêng. Tâm hồn thơ phong phú của ông đã kéo theo sự phong phú trong cách diễn đạt và thể hiện.
Nhìn chung chặng thơ đầu của ông mang đặc điểm chung của thi pháp thơ chống Mỹ, cảm hứng thơ chủ yếu là hướng ngoại. Từ những năm 1970 trở đi, thơ ông nghiêng nhiều về hướng nội, trình bày những suy tư trước hiện thực cuộc sống. Sự nới rộng đường biên đề tài đã quy định thi pháp thơ của ông. Nếu giai đoạn trước, thơ của ông đang còn đậm dấu vết của thi pháp thơ cũ (thể thơ 7 chữ, 8 chữ, chia khổ...), lúc này, ông sử dụng thể thơ tự do là chủ yếu. Giọng thơ thơ thành kính trang trọng được thay thế bởi giọng thơ suồng sã, thân mật, mang nhiều tính chất đời thường. Hình tượng đời thường và hình tượng chiến tranh
được kết hợp một cách nhuần nhuyễn... Càng về những năm cuối, thơ ông có một dấu hiệu rất đặc biệt, chữ cái đầu các dòng thơ rất hiếm khi thấy ông viết hoa, có lẽ đó là một dấu hiệu đặc biệt mang tính cá thể của thi pháp thơ Lưu Quang Vũ. Về mặt thi pháp, có thể nói đó là sự đổi mới sớm sủa của ông so với các nhà thơ cùng thời.
Chương 2