Cũng như các nhà thơ cùng thế hệ chống Mỹ, Lưu Quang Vũ cũng có những dòng thơ viết về quê hương, đất nước rất hay và rất say, mang âm hưởng thời đại.
Cảm xúc về đất nước vốn là cảm xúc nổi trội xuyên suốt trong văn học ta xưa nay. Nguồn cảm xúc ấy cảm xúc càng đặc biệt sâu đậm trong những thời kỳ lịch sử oanh liệt, hào hùng chống giặc ngoại xâm. Văn học thời kỳ chống Mỹ là một giai đoạn bừng sáng rực rỡ của cảm hứng dân tộc. Chưa bao giờ lịch sử chống giặc ngoại xâm với nhiều chiến công vang dội, với những nhân vật lịch sử đã trở nên huyền thoại như Thánh Gióng, Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung... lại sống dậy mạnh mẽ như thời kỳ này. Âm hưởng chủ đạo của dàn đồng ca giai đoạn văn học này là khẳng định, ngợi ca, tha thiết tự hào: “Tổ quốc tôi như một thiên đường” (Tố Hữu), “Tổ quốc bao
giờ đẹp thế này chăng” (Chế Lan Viên), là hào hùng, anh dũng, hy sinh, chấp
nhận cái chết của bản thân để dành cái sống cho dân tộc: “Ôi Tổ quốc nếu cần
ta chết” (Chế Lan Viên), trước bom đạn của kẻ thù cận kề với cái chết, vẫn
lạc quan yêu đời, ung dung, tự tại: “Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất,
nhìn trời, nhìn thẳng”. Có một âm hưởng như vậy là xuất phát từ một tinh
thần tập thể, tinh thần dân tộc và thời đại cả nước lên đường đi đánh giặc làm rung động mọi tâm hồn yêu nước, khiến quân thù phải run sợ.
Gắn với trách nhiệm cao cả của một người lính, ngay từ buổi đầu vào quân ngũ, những vần thơ của Lưu Quang Vũ cũng được cất lên với âm hưởng
trẻ trung, trong sáng, tràn đầy sinh lực của một người lính trẻ tuổi. Thời điểm đầu vào lính, tình yêu nước và tình yêu quê hương của ông có sự thống nhất tuyệt đối. Cũng như nhiều nhà thơ cùng thế hệ, những vần thơ đầu tay của Lưu Quang Vũ là tiếng nói tha thiết yêu quê hương và gửi trao tin cậy trước cuộc đời. Có khác chăng, ở ông, tiếng thơ ấy được cất lên với cung bậc trầm lắng và da diết hơn:
“Sao tên sông lại là Thương Để cho lòng anh nhớ?”
Đi từ những gì gần gũi thân thương nhất để viết về quê hương, đất nước - một chủ đề lớn của thơ ca cách mạng nói chung và thơ chống Mỹ nói riêng - Lưu Quang Vũ ngay từ đầu đã tạo được dấu ấn về một lối viết tài hoa, nồng nàn cảm xúc. Thiên nhiên trong Hương cây thấm đẫm hương sắc hoa trái cỏ cây của một xứ sở “hoa tươi nắng đẹp”. Thiên nhiên ấy đồng nghĩa với quê hương - đất nước. Trong những ngày đánh Mỹ, trên những chặng đường hành quân, cảm xúc của ông vẫn thiên về việc đi tìm chất thơ qua hương vị đất đai, sông nước, hoa lá quê nhà. Phải yêu lắm cảnh sắc thiên nhiên đất nước mình, Lưu Quang Vũ mới viết nên những câu thơ đậm đà bản sắc Việt Nam qua một hình tượng thời gian tươi tắn và sinh động. Hình hài đất nước hiện lên trong thơ ông qua một dòng sông Thương “nước chảy đôi dòng”, một phố huyện
“bồi hồi bao kỷ niệm”, một thôn Chu Hưng “trăng sao rơi đầy giếng/ Nằm giữa bốn bề rừng rậm nứa lao xao...”. Song có lẽ ấn tượng nhất vẫn là Hà
Nội, trái tim của Tổ quốc, thủ đô của “niềm tin yêu và hy vọng” chung cho tất cả mọi người và của riêng ông:
“Trong thành phố có một vườn cây mát Trong triệu người có em của ta...
Vườn em là nơi đọng gió trời xa Hoa tím chim kêu bàng thưa lá nắng
Con nhện đi về giăng tơ trắng Trái tròn căng mập nhựa sinh sôi”
(Vườn trong phố)
Tình yêu đó là sự hoà hợp giữa cái tình riêng trong cái tình chung của cuộc đời rộng lớn: “Em ơi, em là Hà Nội/ Anh chưa bao giờ yêu Hà Nội như
hôm nay”. Ông coi quê hương là điểm tựa tinh thần, là nguồn sức mạnh và
gửi gắm tình cảm của chính mình. Chính vì vậy, ở tập thơ đầu tay này, không cao giọng, không trực tiếp lặn lội trên những nẻo đường Trường Sơn hay những mảnh đất vùng tuyến lửa như nhiều bạn thơ cùng thế hệ, thơ Lưu Quang Vũ vẫn mang vẻ đẹp lý tưởng và nặng tình yêu quê hương đất nước:
“một con sông chảy qua thời gian chảy qua lịch sử
chảy qua triệu triệu cuộc đời chảy qua mỗi trái tim người”
(Sông Hồng)
Mỗi dòng thơ viết ra là một lời tâm sự yêu nước xuất phát từ đáy lòng: “Ta đi giữ nước yêu thương lắm/ Mỗi xóm thôn qua mỗi nghĩa tình”. Hoà chung khí thế cả nước cùng ra trận, tiếng thơ của ông cất lên thật hùng hồn khoẻ khoắn, tràn ngập âm hưởng sử thi của thời đại:
“Mùa chiến dịch bừng muôn ánh đuốc Rung núi chuyển rừng bộ đội hành quân Súng giặc khuân về vui chuyện dân công Tù binh Pháp hàng đoàn run rẩy
Mẹ dắt con ra vẫy chào bộ đội Bố ghé qua nhà áo ướt sương khuya Hôn vội con rồi lại hành quân đi”.
Gác bút nghiên lên đường ra trận tuyến, cũng như bao nhà thơ cùng thế hệ, Lưu Quang Vũ nhận thức được rằng chỉ khi nào lý tưởng của dân tộc thực hiện được thì lý tưởng của mỗi cá nhân mới có cơ hội để phát triển. Dân tộc ta đang bị đe doạ, “Đến đốt lúa đồng ta là giặc Mỹ/ Mẹ ký vào đơn xin cho con
tòng quân”. Cho nên, dù con đường cách mạng hiểm nguy, “dấn thân vô là chịu cảnh tù đày”, nhưng chí khí của họ đã lấn át mọi hiểm nguy, dưới con mắt
của người lính trẻ, mọi cái đều đẹp một cách thi vị: “Đường ra trận mùa này
đẹp lắm”. Cũng mang một cách nhìn chung của người lính thời chống Mỹ, Lưu
Quang Vũ trong buổi đầu vào quân ngũ, lời thơ của ông đã hoà vào dàn đồng ca của thơ dân tộc:
“Tiếng ai hò? dáng lạ cũng thân quen Đường nào vui bằng đường ra trận tuyến? Nam Bắc lòng ta chung tiếng gọi mẹ hiền Ta náo nức như suối về sông biển”.
(Đêm hành quân) “Con đường quê hương, con đường yêu thương Nối với vạn nẻo đường đất nước
Náo nức ngày đêm xe xuôi xe ngược Đi ra tiền tuyến xa gần...”
(Những con đường)
Cảm hứng về quê hương, đất nước trong thơ Lưu Quang Vũ còn được thể hiện ở lòng tự hào về dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Ngợi ca Tổ quốc tươi đẹp là giọng ca chung của cả nền thơ thời kháng chiến. Dưới cặp mắt thi sĩ của ông, hình ảnh quê hương hiện lên thật đẹp: “Đất nước mình tươi hoa đẹp nắng / Ta cùng gìn giữ phải không anh?”
(Gửi tới các anh). Trong bài Đất nước đàn bầu, Lưu Quang Vũ đã tái hiện lại
một bức tranh toàn cảnh hoành tráng, đậm chất sử thi của dân tộc ta từ thuở hồng hoang cho tới hiện tại. Có thể nói, Đất nước đàn bầu như là một bức
chân dung của dân tộc Việt Nam được Lưu Quang Vũ chọn lọc những chi tiết điển hình nhất, tiêu biểu nhất của dân tộc ta trên mọi phương diện ở mọi thời điểm để khắc tạo nên: những dòng đầu tiên của bài thơ đã tái hiện lại lịch sử dân tộc trong buổi đầu dựng nước thời tiền sử: “Thuở biển cả điên cuồng gầm
thét”, “Những bộ lạc mình vẽ đầy rồng rắn / Quần hôn trên bờ bãi sông Hồng” (Đất nước đàn bầu); những làn chèo, điệu hát, sinh hoạt văn hoá... của
người dân được tái hiện lại một cách sinh động: “Gánh hát chèo tỉnh Đông /
Điệu hát con gà rừng / Cô Xuý Vân giả dại”... “Vạt áo tứ thân lau nước mắt / Bà hát tôi nghe những điệu buồn / Đưa tôi về làng quan họ”... “Con trai chinh chiến liên miên / Con gái mong chồng hoá đá / Mỵ Châu chết không sao hiểu được”... “Nón quai thao, áo màu bay rực rỡ / Những lò rèn phập phù bễ lửa / Phường chạm bạc, phường đúc đồng / Phố Hàng Hài thêu những chiếc hài cong”...; những chiến thắng hào hùng trong quá khứ chống giặc ngoại xâm:
“Vọng quanh thành tiếng trống thúc xa xôi / Muôn cờ xí trập trùng đuốc lửa /
Những đề đốc những tướng quân áo đỏ / Nhứng Đông Bộ Đầu, Chương Dương Độ, Hàm tử Quan”...; sự gian lao vất vả của dân tộc trong buổi đầu
dựng nước...
Niềm tự hào dân tộc, tình yêu đất nước còn được biểu hiện ở sự ngợi ca vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc. Tiếng Việt không chỉ là phương tiện vật chất dùng để giao tiếp trong cuộc sống, nó còn là nỗi lòng của con người, của hồn dân tộc, gắn bó với bao nhọc nhằn, cay đắng, cơ cực của con người. Bởi vậy tiếng Việt có sức lay tỉnh tâm thức con người “phiêu bạt nơi chân trời góc bể”:
“Ai ở phía bên kia cầm súng khác Cùng tôi trong tiếng Việt quay về”
(Tiếng Việt)
Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình...
Và cũng chính xuất phát từ tâm trạng ấy, nhìn trên toàn cục, tình yêu quê hương, đất nước của ông có những biểu hiện khác với các nhà thơ cùng thời về chất. Những Việt Nam ơi, Đất nước đàn bầu, Giấc mộng đêm, Gió và
tình yêu thổi trên đất nước tôi... được viết với một cường độ cảm xúc mạnh
mẽ, dài hơi, mạch thơ phóng túng, lời thơ có cái hào hùng của âm hưởng sử thi. Ở đây có một kiểu cảm xúc, một biểu hiện mới của lòng yêu Tổ quốc, nhân dân. Hình ảnh một Việt Nam đau thương và nghèo khó hiện lên trong nỗi xúc động rưng rưng, nghẹn ngào: “Tất cả sẽ ra sao/ Mảnh đất nghèo máu
ứa?/ Người sẽ đi đến đâu/ Hả Việt Nam khốn khổ?/ Đến bao giờ bông lúa/ Là tình yêu của người”.
Nhìn chung, cảm hứng về quê hương, đất nước trong thơ Lưu Quang Vũ vừa mang dáng dấp chung của thời đại vừa thể hiện được cá tính riêng của Lưu Quang Vũ trong cách nhìn, cách cảm nhận, thể hiện cảm xúc thơ bằng một tình cảm chân thành, nồng hậu không dễ lẫn với các nhà thơ cùng thời.