Khi nhắc tới từ em, người đọc là thường hình dung đó có thể là một người tình, một người yêu, hoặc một người em gái. Nhưng đến với thơ Lưu Quang Vũ, em trở thành một hình tượng nghệ thuật không đơn nghĩa.
Trước tiên, hình tượng em trong thơ Lưu Quang Vũ là một hình tượng gắn với những tình cảm riêng tư, tình yêu đôi lứa. Trong cuộc đời của người thi sĩ tài hoa Lưu Quang Vũ, tình yêu dường như là tâm điểm số một đối với ông, điều đó trong thơ đã phản ánh phần nào. Trong buổi bình minh của tình yêu, người phụ nữ mà ông hằng mơ ước hiện lên với một vẻ đẹp đầy quyến rũ, mê hồn, được ông diễn tả một cách tài tình qua những câu thơ:
“Dưa hấu bổ ra thơm suốt ngày dài Em cũng mát lành như trái cây mùa hạ Nước da nâu và nụ cười bỡ ngỡ
Em như cầu vồng bảy sắc hiện sau mưa”. (Vườn trong phố)
Trong tình yêu, có lẽ không riêng gì Lưu Quang Vũ, khi mà không đạt được ước nguyện của mình, nhất là khi mà không thể nói ra được những điều thầm kín của mình với ai đó, người ta thấy vô cùng đau khổ: “một tình yêu không biết nói cùng ai/ đến điên dại đến nghẹn nào đau đớn/ mặt anh vỡ trong tấm gương thất vọng/ em ơi ngày ấy em đâu?” (Em - tình yêu những năm đau xót và hy vọng).
Khi cuộc đời đầy phong ba, bão tố, em lại là chỗ dựa tinh thần, niềm an ủi, động viên anh. Em lúc này có thể là người tình cũng có thể là người bạn cho anh giãi bày tâm sự: “Em bảo cuộc đời này lắm thảm hại xấu xa lắm/ Tất
cả đều buồn cười vô nghĩa lý/ Mà khổ sở mà chết người/ Nhưng em ơi/ Đâu đã là tuyệt vọng” (Người con giai đến phòng em chiều thu).
Em vừa là người yêu vừa là người bạn, cho nên đi xa, dù bất cứ nơi đâu anh vẫn luôn nhớ về em một cách thường trực: “Anh vọng về em một sắc trời
xanh/ Ở nơi xa em có nhớ gió ân tình/ Có phải mơ không mà anh thấy em trong tà áo/ Một hương môi mận chín một lời thanh” (Bài thơ khó hiểu về em).
Khi có em đem lại hạnh phúc sum vầy, anh vô cùng thoả mãn và biết ơn em, em là nguồn sống của anh: “Anh yên lòng bên lửa ấm yêu thương/ Người ấy
chỉ vui khi anh hết lo buồn/ Anh lạc bước, em đưa anh trở lại/ Khi cằn cỗi tháng này mệt mỏi/ Em là sớm mai là tuổi trẻ của anh” (... Và anh tồn tại)...
Nhưng mặt khác, em lại là một biểu trưng cho khát vọng, cho lý tưởng cao đẹp của riêng ông mà các nhà thơ cùng thời muốn đạt đến - phải chăng đó chính là lý tưởng cách mạng, lý tưởng dân tộc, lý tưởng hoà bình...? Khi đọc thơ Lưu Quang Vũ nếu để ý một chút ta rất dễ phát hiện được mặt nghĩa tiềm ẩn bên trong của hình tượng “em”. Rất nhiều bài thơ khi viết về “em”, thì “em” trong một số bài đã được Lưu Quang Vũ mượn để nói về một vấn đề hoàn toàn khác: “và thương mến có nghĩa là hy vọng/ anh tin đời theo nghĩa
lứa đôi” (Em - tình yêu những năm đau xót và hy vọng). Tại sao lại tin đời theo nghĩa lứa đôi?, hoặc: “Người con trai đến phòng em chiều thu/ Mặc áo mưa lính rách rưới/ Hắn buồn và nói huyên thuyên/ Người con trai đi tìm em mười năm/ Hắn từ mặt trận trở về/ Từ quán rượu từ phíi đông huyên náo/ Từ những câu thơ tuyệt vọng trở về” (Người con giai đến phòng em chiều thu). Và
tại sao lại là: người con trai đi tìm em mười năm? mười năm phải chăng là
cách nói ước lệ? Tại sao phải đi tìm mười năm, rồi lại tìm từ mặt trận trở về,
từ những câu thơ tuyệt vọng trở về?. Có phải chăng “em” ở đây chính là lý
tưởng của ông khi mới vào quân ngũ, mười năm sau, khi đã là người lính thì ông mới kịp nhận ra chính mình, nhận ra lý tưởng trước đây mà mình đã đặt trọn niềm tin? Và những câu thơ tiếp theo thì đã rõ quá rồi, thực tế đã đối lập với những gì trước đây mà ông hằng mơ ước: “Bị lừa dối, bị lăng nhục/ Rách
rưới, bơ phờ, cô độc/ Hắn ngồi trước mặt em... Điều anh không nói ra/ Riêng lòng em hiểu biết”. Lúc này lòng em hiểu biết thì em lại là em của chính anh,
người phụ nữ mà anh thường tâm sự, chia sẻ buồn vui. Và rõ nhất khi ông viết: “Vượt lên trên những mái nhà chật hẹp/ Em em là mây trắng của đời tôi/
Em nơi đâu? bao năm tháng qua rồi/ Người ta bảo rằng em đã chết/ Người ta bảo quên đi đừng phí sức/ Hãy chấp nhận những vách tường có sẵn/ Em làm gì có thật mà mong” (Thơ tình viết về một người đàn bà không có tên III).
Không còn phải nói thêm gì nữa, ngay nhan đề của bài thơ đã quá rõ ràng: “người đàn bà không có tên”, tức không phải một người đàn bà cụ thể, có thật nào đó, mà chỉ là một hình bóng cho ông gửi gắm những tâm sự riêng tư - có thể về lý tưởng sống? về đất nước? về chiến tranh? hay là một gì đó. Cho nên lời thơ đã khẳng định dứt khoát, rõ ràng: em làm gì có thật mà mong. Nên hiểu thế nào về câu thơ đầy dụng ý này của nhà thơ Lưu Quang Vũ? Có thể hiểu:
em ở đây chỉ là hình ảnh cho anh mượn để gửi gắm nỗi niềm và do đó em là
không có thật; nhưng cũng có thể hiểu, em tức là ước mơ, khát vọng bấy lâu nay Lưu Quang Vũ đang tin tưởng, chờ đợi không bao giờ có thật, nên đừng mong làm gì mà vô ích. Biết rõ là vậy, Lưu Quang Vũ vẫn có một chút hy vọng, dù rất mong manh:
“Tôi vẫn muốn tìm em Tin rằng em có thật
Đi nhiều nơi nơi nào tôi cũng gặp Những xóm làng đường phố rừng cây”
(Hoa cẩm chướng trong mưa)
Như vậy, hình tượng em trong thơ Lưu Quang Vũ thật đa nghĩa và phức tạp, chỉ riêng vấn đề này thôi cũng có thể là một đề tài nghiên cứu khoa học thú vị. Nếu vấn đề về hình tượng em trong thơ Lưu Quang Vũ được bàn luận thấu đáo cũng là góp phần cho việc khẳng định tài năng thơ của thi sĩ này trong dòng văn học dân tộc nước nhà.