Gió ngoài tự nhiên là con gió vừa dữ dội vừa dịu êm, vừa ồn ào vừa
lặng lẽ nhưng khi vào thơ thì đã mang một nét nghĩa khác. Lưu Quang Vũ hay
dùng hình tượng này trong thơ một cách thường xuyên, dọc suốt cả các chặng đường thơ - giai đoạn đầu, giai đoạn giữa, giai đoạn cuối đời. Nó xuất hiện trong cả hai nguồn cảm hứng sử thi và cảm hứng đời tư, thế sự của thơ ông.
Trong cảm hứng đời tư, gió như nguồn năng lượng sống thổi mát cho cuộc đời . Nó dịu êm, nhẹ nhàng, thanh khiết, trong trẻo, gắn với tình yêu của tuổi trẻ: “Vườn em là nơi đọng gió trời xa/ Hoa tím chim kêu bàng thưa lá
nắng/ Con nhện đi về giăng tơ trắng/ Trái tròn căng mập nhựa sinh sôi” (Vườn trong phố). Gió là em, rất mềm mại và dễ thương, có sức quyến rũ biết
bao người, quyến rũ anh: “Em mà ngọn gió chiều nức nở/ Em mà ngày xưa
run rẩy cả lòng anh” (Anh đã mất chi anh đã được gì). Gắn với những ân tình
thuỷ chung của anh dành cho em, gió lại vọng về bên em: “Anh vọng về em
một sắc trời xanh/ Ở nơi xa em có nhớ gió ân tình” (Bài thơ khó hiểu về em).
Gió cũng gắn với một tâm hồn rộng mở của thi sĩ: “Đến bây giờ anh gặp được tàu em/ Anh mở gió tâm hồn cho buồm thắm kéo lên” (Bầy ong trong đêm sâu). Gió cũng chính là anh: “Anh bỏ nhà ra đi như ngọn gió/ Ngọn gió âm thầm quằn quại vẫn yêu em” (Không đề). Mặt khác, khi cuộc đời anh gặp
trắc trở, xã hội đang tồn tại những điều bất ổn, thì gió lại cũng là một hiểm hoạ khôn lường: “Con thuyền giấy nát nhàu sau trận gió/ Thành phố nghèo
hơn và cũng buồn hơn” (Gửi một người bạn gái). Gió mang những dự cảm lo
âu, thấp thỏm của con người: “Gió phai nhạt mùi hương bối rối/ Lá trên cành
khô tan tác bay” (Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa)... Có thể nói, hình tượng gió trong cảm xúc đời tư của Lưu Quang Vũ vô cùng đa dạng và rất tinh tế, mang giá trị biểu cảm cao.
Trong cảm hứng sử thi, gió lại là một hình ảnh quen thuộc gắn với quê hương xứ sở: “Ơi Chu Hưng đêm nằm nghe suối đổ/ Nghe gió ngàn và tiếng
hoẵng giữa rừng sâu” (Thôn Chu Hưng), “Đêm nghe rì rầm nước chảy/ Gió thổi xào xạc lau sậy” (Phố huyện), “Vầng trăng lớn mọc lên từ phía ấy/ Ngọn gió rừng vẫn thổi giữa hồn tôi” (Nơi ấy). Gió khơi nguồn cho cảm xúc về đất
nước: “Gió xuân thổi hết những ưu phiền/ Anh nhìn vô tận rừng xa thẳm/ Nghĩ
về đất nước nghĩ về em” (Mùa xuân lên núi). Gió là hình ảnh thu nhỏ của xứ
bầu, tiếng đàn bầu mong nhớ/ Trong gió lộng dưới mặt trời xứ sở/ Vẫn cồn cào những cơn khát khôn nguôi/ Đất phù sa vô tận dấu chân người” (Đất nước đàn bầu). Theo bước chân người chiến sĩ, gió trở thành người bạn đồng hành: “Trắng mây bay, ngợp gió những khu rừng/ Cháu đã đi những tháng năm lửa cháy/ Với trùng điệp những bạn bè cùng tuổi/ Áo quân trang xanh cây lá vườn bà/ Đất chiến hào vẫn đồng đất quê ta” (Đất nước đàn bầu). Với chiến tranh,
gió lại là kẻ thù tàn phá: “Gió ù ù trên mái ngói bom xô”, “Gió hú gầm gào
qua gạch vỡ/ Người chết vùi thân dưới hố bom/ Kẻ sống vật vờ không chốn ở/ Lang thang trẻ ốm ngủ bên đường” (Ghi vội một đêm năm 1972). Gió cũng
khiến liên tưởng tới bom đạn, chết chóc: “huyệt bom tối ầm ào cơn gió hú/ ta
đi suốt một đời đau khổ” (Em - tình yêu những năm đau xót và hy vọng). Theo
suốt dọc dài lịch sử, gió là nguồn năng lượng sống cho dân tộc, biểu trưng cho khí phách, hồn cốt dân tộc Việt. Tình yêu là chỗ dựa tinh thần cho gió, gió là động lực cho tình yêu cất cánh bay cao:
“Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi Chưa xóm mạc đã bắt đầu ngọn gió Thổi không yên suốt dọc dài lịch sử Qua đất đai và đời sống con người ...Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi Như tiếng gọi ngàn đời không khuất phục Đất nước giống con thuyền xuyên gió mạnh Những mối tình trong gió bão tìm nhau”.
(Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi)
Cũng như hình tượng em, hình tượng gió thật sự là đa nghĩa. Để tìm hiểu kĩ về hình tượng này có lẽ phải cần tới một chuyên luận sâu hơn.