Bản chất thơ trữ tình là thể hiện cái tôi. Thế giới của cái tôi trữ tình là thế giới không cùng. Vì thế, ý thức về cái tôi trữ tình, phát triển cái tôi trữ tình là tiền đề thực tế cho sự phát triển của thơ. Thơ trữ tình nào cũng dựa vào sự rung động của cái tôi cá nhân mang số phận, cá tính riêng tư trong các tình huống trữ tình. Sự khác biệt của các thời đại thi ca suy cho cùng chính là ở quan niệm về cái tôi và cá dạng thức của cái tôi trữ tình. Nói chung, bản chất của thơ trữ tình là tính chủ quan. Mục đích trữ tình là bộc lộ chủ thể. Người trữ tình tự cảm thấy mình, tự nhận thức mình qua những cảm xúc của mình và tự miêu tả mình. Cho nên sự thống nhất nhà thơ và cái tôi trữ tình là hình tượng cái tôi cá nhân cụ thể, cái tôi tác giả tiểu sử với những nét riêng tư.
Tuy nhiên cái tôi - cá nhân, tiểu sử, cá tính chỉ là một yếu tố của cái tôi trong thơ, bởi cái tôi trong thơ còn là một hiện tượng văn hoá, lịch sử, thẩm mĩ, là “sự tổng hoà của các yếu tố” của thời đại. Cho nên cái tôi trữ tình và nhà thơ không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Nói chung cái tôi cá nhân của một tác giả bao giờ cũng vừa có cái chung đồng thời vừa có cái riêng không thể lẫn. Nghĩa là, qua mỗi trang thơ, người đọc không chỉ thấy được cá tính, bản sắc riêng của mỗi nhà thơ mà còn thấy được âm vang tiếng nói của thời đại, lịch sử, dân tộc.
Các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ chỉ khẳng định được vị trí của mình trong thơ chống Mỹ khi họ có cách nhìn riêng, giọng điệu riêng. Họ ý thức được việc phải tạo ra tiếng nói riêng của thế hệ mình: “Muốn tự hát hãy là
dòng suối/ Hát về rừng đừng bắt chước tiếng chim” (Hữu Thỉnh). Với ý thức: “không có sách chúng tôi làm ra sách, chúng tôi làm thơ ghi lấy đời mình”,
các nhà thơ trẻ chống Mỹ đã làm nên bản sắc của cái tôi thế hệ.
Bằng sự tự ý thức, quan niệm phải trung thành với hiện thực và viết bằng giọng của mình nhưng cái tôi thức tỉnh của Lưu Quang Vũ vẫn tìm đi
bằng con đường riêng, với một mảng hiện thực khác, buồn nhưng thật hơn, tỉnh táo hơn, định hình rõ được tính chất của cái tôi cá nhân trong thơ ông.
Giai đoạn đầu, Lưu Quang Vũ có một niềm tin hoàn toàn tuyệt đối với lý tưởng của chính mình, của cuộc chiến tranh trường kỳ gian khổ, của lý tưởng sống cao đẹp mà ông đã được nhà trường xã hội chủ nghĩa dạy dỗ, cái tôi trữ tình trong thơ ông mang dáng dấp rõ nét của cái tôi thế hệ. Tuổi đời trôi đi, trải nghiệm thực tế đã dạy cho ông được nhiều điều, tư tưởng của ông có sự biến chuyển gần như là một bước ngoặt. Ông hoài nghi với hết thảy:
“Điều tôi tin cõi đời này chẳng có”; “Tôi lớn lên giữa thời bạo ngược/ Biết trông đợi gì, biết tin tưởng vào đâu?”... Trong trạng thái ấy ông đã tự nhận
thức được chính mình, đặc biệt nhận thức mình trong vai trò của một thi sĩ đối với thời đại. Từ đó cái tôi cá nhân Lưu Quang Vũ được hiện lên một cách đậm nét.
Cái tôi cá nhân trong thơ thực chất là cái tôi trữ tình của tác giả. Cái tôi trữ tình về thực chất là cái tôi nghệ thuật, cái tôi cá nhân của người nghệ sĩ. Vì thế, ý thức sâu sắc nhất của cái tôi nghệ sĩ là về sáng tạo nghệ thuật. So với những nhà thơ cùng thời, Lưu Quang Vũ là nhà thơ thức tỉnh sớm và quyết liệt, ngay từ những năm 1970, ông đã chọn cho mình một giọng ca riêng tách biệt với dàn đồng ca thời đại. Khi đa số vẫn còn cao giọng để ngợi ca thì ông đã tự nhận thức được chính mình trong số đông ấy:
“Các bạn tôi hiền lành trong sạch Là bạn nhau thôi chắc là bạn tốt Nhưng bạn ơi ta là những nhà thơ Lòng tốt ở đay không đáng giá một xu Càng cá tài tội lọc lừa càng nặng
Để yên ổn lương tâm ta tìm đến nhau thở than bực dọc Rồi lại về cần cù ngồi viết nhảm”
Lưu Quang Vũ đã thức tỉnh, quyết liệt chống lại thứ thơ ngợi ca một chiều, dễ dãi, trái với lương tâm của người nghệ sĩ. Với ông thơ không phải trau chuốt để rồi xuôi ý mọi người, mà cần phải thật. Bước vào con đường thơ là bước vào lĩnh vực đòi hỏi sự tìm tòi, đổi mới. Và trong sự tìm tòi, đổi mới ấy, người nghệ sĩ phải có sự trả giá rất đắt, khắt khe với chính mình, nếu không muốn nhốt mình trong cái lồng chim:
“Anh xé quyển thơ anh viết mấy năm ròng Anh xé lòng anh những đêm mất ngủ Cửa kính đóng xong anh đưa tay đập vỡ Đời anh ổn định rồi, anh lại phá tung ra Anh khờ dại anh tự làm mình khổ
Anh sợ những dây chằng, anh sợ cái lồng chim Muốn quên nỗi đau mà không thể nào quên Anh buồn lắm, em đừng giận nữa”.
(Không đề)
Lưu Quang Vũ luôn muốn thay đổi, và luôn ý thức được phải phá bỏ cái đã quen thuộc, nhàm chán. Ông không muốn mình giống với những số đông. Bởi vậy, quyết định của ông thật quả quyết: “Bỏ phố phường, bỏ dòng
sông anh tìm đến biển”. Lựa chọn ấy đã đẩy ông vào trạng thái đơn độc, cô lẻ
trong con đường mới. Đó là lựa chọn của một nghệ sĩ đầy tự trọng và có ý thức nghề nghiệp cao. Đây là một diện mạo khác hẳn thơ ca kháng chiến chống Mỹ. Nếu thơ chống Mỹ đòi hỏi sự tươi đẹp, hùng tráng, lạc quan thì thơ Lưu Quang Vũ lúc này viết về góc khuất tối tăm và mất mát. Nhà thơ tạo ra thế giới nghệ thuật đầy gai góc, u buồn chứ không mượt mà, tươi vui như những nhà thơ khác. Cuộc “cách mạng” thẩm mĩ ấy đã đưa Lưu Quang Vũ đến một con đường khác hẳn nhưng cũng đầy cô đơn và trắc trở.
Càng thay đổi, càng khẳng định cá tính riêng, Lưu Quang Vũ càng cô đơn. Cô đơn bởi những sáng tác của ông bị xã hội khước từ, những câu thơ viết ra “chỉ một mình anh đọc”, có lẽ đó là một bi kịch lớn của người nghệ sĩ:
“Lòng tốt ai cần đến Thơ không đâu dùng Anh như thằng bờm
Chẳng thiết trâu bò chẳng thiết lim Chỉ nhận nắm xôi cười ngặt nghẽo”.
(Ngã tư tháng chạp)
Thiên tài thường hay cô đơn. Bởi lẽ họ là người luôn ý thức được giá trị của bản thân và không để bị đánh đồng trong tập thể. Lưu Quang Vũ đã thực sự cô đơn trên con đường nghệ thuật.
Thơ của ông qua từng mốc thời gian cuộc đời riêng gắn với những biến đổi, thăng trầm chung của đất nước. Thời gian đầu thơ Lưu Quang Vũ giàu cảm xúc tinh tế, những rạo rực đầu đời - tình bạn, tình yêu, tình quân dân, tình yêu quê hương đất nước... đan xen một cách ý vị bằng cảm xúc trong trẻo, non tươi, man mác. Nhưng vào những năm 1971 - 1973 - khoảng thời gian diễn ra những bi kịch, khủng hoảng trong cuộc đời riêng, thơ ông ngổn ngang những nỗi niềm tâm sự. Đây chính là thời điểm ông viết nên những vần thơ trĩu nặng cảm thức cô đơn. Ông viết chân thành, viết cho riêng mình, cho nhu cầu của bản thân, mang rất nhiều dằn vặt, nhiều nghĩ ngợi, có phấn đấu và có cả thất vọng. Sự cô đơn đậm đặc, triền miên thường trực đã đi cùng Lưu Quang Vũ trong suốt năm tháng không bình yên. Với ông, nỗi cô đơn là một trạng thái bủa vây từ cả hai phía: khách quan và chủ quan, do cái tôi nhà thơ chủ động tách mình ra khỏi sự đơn điệu, buồn tẻ, chọn con đường riêng cho mình: “Tôi chán cả bạn bè” vì họ “chẳng nói được câu gì mới”; “Tôi bỏ ra
đi” và “họ ngồi ở lại”. Ông đã cô đơn ngay trên con đường mình chọn: “Anh là con ong bay giữa trời lận đận/ Trời đêm dài chẳng có một ngôi sao” (Bầy
ong trong đêm sâu). Chọn cô đơn, nghĩa là nhà thơ đã chọn đề tài vốn là “cấm
kỵ” trong thời điểm cả dân tộc tập trung sức mạnh cộng đồng. Ông thấy mình là người lính cô đơn giữa đồng đội “cô đơn giữa trung đoàn... Nỗi cô đơn
hoàn toàn, nỗi cô đơn khủng khiếp” (Mấy đoạn thơ). Là một công dân, ông tự
thấy mình cô đơn giữa xã hội, xa lạ ngay bên cạnh những người ruột thịt thân yêu: “Tôi là đứa con cô đơn ngay khi ngồi cạnh mẹ”... Bên cạnh giọng điệu chung phấn khởi tự hào, cổ động cho đánh giặc chi phối bởi tinh thần sử thi, thì những bài thơ, tập thơ có giọng điệu này quả có “lạc điệu”, khó có chỗ đứng trong lòng bạn đọc vào chính thời điểm nó ra đời.
Tuy không phải là thiên tài thi ca nhưng ông là một người có lương tâm, nhiệt huyết, bản lĩnh trong sáng tạo nghệ thuật. Bởi thế ông đã sớm lựa chọn con đường riêng cho dù trên con đường ấy đầy gian nan, nguy hiểm đến dường nào. Chính điều đó đã tạo nên một Lưu Quang Vũ có cái tôi cá nhân thực sự độc đáo.
2.4. Biểu hiện của sự thống nhất giữa cảm hứng sử thi và cảm hứng đời tư thế sự trong thơ Lưu Quang Vũ qua các chặng đường sáng tác