Cảm hứng về sự dở dang, bất toàn của hiện thực

Một phần của tài liệu Sự thống nhất giữa cảm hứng sử thi và cảm hứng đời tư, thế sự trong thơ lưu quang vũ luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 52 - 56)

Tình yêu và tình thương có mối quan hệ nhân - quả, xuất phát từ tình yêu quê hương, đất nước ông lại thấy xót xa khi súng còn rền và đạn vẫn nổ, cướp đi bao mạng sống con người.

Trước hiện thực của dân tộc, của đất nước, của quê hương hay của chính bản thân ông, ông luôn tỏ ra là một người trung thành với tâm hồn đa

cảm của mình. Giữa tâm hồn ông và hiện thực có tỉ lệ thuận với nhau. Ông thường vui với niềm vui thắng lợi vẻ vang của dân tộc và buồn với những mất mát đau thương của chiến tranh. Khi mùa kháng chiến bội thu, tâm hồn ông nồng nàn, sao xuyến: Năm đánh Mỹ gian truân/ Qua một ngày vất vả/ Hà Nội

vẫn dành ta/ Chọn chiều hương êm ả/ Từng ngọn cỏ hơi mưa/ Có đời ta ở đó/ Sẽ hoá thành đạn lửa/ Cho trận đánh hôm sau/ Ôi tâm hồn thẳm sâu/ Là những ngày đánh giặc (Chiều). Tưởng chừng như đối lập, nhưng không phải, cũng là

hồn thơ ấy, ông lại viết về chiến tranh với một cảm xúc khác, góc nhìn khác:

Lại sắp hết một năm/ Đất nước chưa xong giặc/ Bao nhiêu người chết/ Tiếng súng đóng đinh trên ngực cuộc đời (Lại sắp hết năm rồi). Chẳng gì bằng lúc

vui, nhìn vào cuộc đời cái gì cũng đẹp: “Trong thành phố có một vườn cây

mát/ Trong triệu người có em của ta/ Buổi trưa nắng bầy ong di kiếm mật/ Vào vườn rồi ong chẳng nhớ lối ra” (Vườn trong phố). Nhưng cuộc sống vốn

không như trong trang sách, sóng gió cuộc đời đè lên đôi vai chàng trai trẻ, cùng với những bất hạnh riêng tư, ông đã có những dòng thơ như thế này:

“Thành phố đang thời hỗn loạn/ Nghèo túng lọc lừa bội phản/ Giết người trộm cắp khắp nơi/ Con người nói với con người/ Những lời hằn thù sỉ nhục” (Vẫn thơ tình viết về một người đàn bà không có tên). Có thể nói niềm vui, nỗi buồn

của ông là luôn có cơ sở từ trong thực tiễn đời sống. Nỗi buồn đó mang đậm tính dân tộc, tính thời đại, tính nhân thế, nhân văn và rất nhân loại.

Đối với bất cứ một dân tộc nào, chiến tranh là hiểm hoạ, là tổn thất nặng nề mà mọi cố gắng bù đắp của con người chỉ có thể xoa dịu chứ không thể làm lành vết thương khủng khiếp đó. Là một tâm hồn nhạy cảm với đau buồn, mất mát, ngay từ giữa cuộc chiến, Lưu Quang Vũ đã cảm nhận khá đủ đầy không chỉ ở cái nhộn nhạo, rối ren, lộn xộn như “cuốn sách xếp lầm

trang” mà sâu xa hơn, là những nghịch lý, phi lý rất dễ nẩy sinh từ đời sống

chiến tranh. Sau Hương cây, trong khoảng 10 năm, cuộc đời Lưu Quang Vũ rơi vào tình cảnh long đong, lận đận, có những lúc đã “chạm vào bế tắc”. Hôn

nhân đầu tan vỡ, rời quân ngũ, quá nhọc nhằn trong kế mưu sinh, cuộc sống vật chất hàng ngày lâm vào thiếu thốn... Thêm vào đó, chiến tranh càng ngày càng thêm nhiều hy sinh xương máu. Cùng một lúc, tâm hồn đa cảm của ông phải gánh chịu cả nỗi đau và sự mất mát từ hai phía riêng, chung. Dễ hiểu vì sao thời kỳ này thơ ông có nhiều khoảng u ám, nặng nề, ông thấy cuộc đời này vô nghĩa lý và chính ông cũng trở thành vô nghĩa lý:

“Có những lúc tâm hồn tôi rách nát

Như một chiếc lá khô như một chồng gạch vụn Một tấm gương chẳng biết soi gì

Một đáy giếng cạn không một đáy mắt đen sì Trời chật chội như chiếc lồng trống rỗng Thành phố đầy bụi bặm

Những mặt người lỳ nhẵn chen nhau. Tôi biết làm gì tôi biết đi đâu”

(Có những lúc)

Nhưng ở một góc độ khác, đây chính là một đoạn đời đầy ý nghĩa đối với quá trình sáng tạo nghệ thuật của ông. Kinh nghiệm cho thấy nhiều khi những nỗi bất hạnh, những mất mát của đời sống ập đến bất ngờ ngoài mong đợi của con người lại là nơi bắt đầu của những khám phá nghệ thuật mới. Lưu Quang Vũ là một số phận thi ca rất tiêu biểu cho nghịch lý này. Nếu trước kia, thơ ông bàng bạc một sắc nắng tươi trong, một màu xanh biếc, “những chân trời màu hồng, những chân trời màu tím”... thì đến lúc này ông viết nhiều về

mưa: “Thành phố nghèo mù mịt mưa rơi/ Cánh hoa nhoè trong mưa tơi tả;

Chiều nay bốn bề mưa xám; Hạt mưa đen rơi trên ô kính vỡ...”. Thành phố

quê hương, nơi lưu giữ những kỷ niệm tình yêu và tuổi trẻ, giờ chỉ là nỗi xót xa:

“Thành phố thời anh mười bảy tuổi Viển vông cay đắng u buồn”.

(Nữa đêm tới thành phố lạ gặp mưa)

Song, chính những nếm trải ấm lạnh của thế thái nhân tình, những bài học đầu đời, cái giá phải trả cho những say mê, nông nổi của tuổi trẻ đã giúp Lưu Quang Vũ nhận thức sâu sắc hơn về đời sống, con người. Những chuyển đổi mạnh mẽ trong đời sống tâm hồn và tư duy nghệ thuật xuất hiện. Biểu hiện trước tiên là từ tình cảm quê hương đất nước, ông đã bắt sâu hơn vào cảm hứng dân tộc, nhân dân. Chất thơ trong sáng tác thời kỳ này của ông không chỉ ở những nét mộng mơ, trữ tình êm dịu mà là nỗi đau, là những diễn biến nội tâm phức tạp, nhiều biến động. Giọng điệu thơ ông bớt đi sự ngọt ngào, êm ái, hiền lành, thay vào đó là sắc điệu tự vấn đầy trăn trở, suy tư và đau đớn. Tình yêu Tổ quốc trong ông được cất lên bằng một giọng thơ chân thành, thống thiết xen lẫn chút tuyệt vọng:

“Tổ quốc là nơi toả bóng yên vui Nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh nhất Nhưng nghĩ đến Người lòng tôi rách nát Xin người đừng trách giận Việt Nam ơi”

(Việt nam ơi)

Có lẽ những năm qua chúng ta chưa đánh giá đầy đủ những đóng góp của Lưu Quang Vũ cho nền thơ hiện đại. Theo chúng tôi, ông xứng là một gương mặt thơ tiêu biểu cho nền thơ hiện đại. Lưu Quang Vũ tuy có những trang thơ buồn ảo não, nhưng có vẻ đẹp mang tính đặc thù của riêng ông với những câu thơ đậm nét tài hoa và giàu cảm xúc. Những câu thơ vang lên trong tâm tưởng người đọc một nhạc điệu mê hồn với những thi ảnh được chọn lọc một cách tinh tế và giàu tính hội hoạ. Những bài thơ trong sổ tay thơ của Lưu Quang Vũ độ ấy cho là phức tạp, nay hầu như đều đã được công bố và in thành sách. Bình tĩnh đọc lại và suy ngẫm thì thấy không chút gì phức tạp mà lại quá rõ ràng, quá trong sáng. Bởi tất cả đều được cất lên từ cõi lòng sâu thẳm của ông, là những tiếng lòng buồn vui trước cuộc đời nhân thế.

Một phần của tài liệu Sự thống nhất giữa cảm hứng sử thi và cảm hứng đời tư, thế sự trong thơ lưu quang vũ luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 52 - 56)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(103 trang)
w