Chia tay với mái trường vào quân ngũ, khi còn rất trẻ, chàng trai 17 tuổi Lưu Quang Vũ, kinh nghiệm đời còn ít ỏi, cách nhìn cuộc sống đầy mơ mộng, lý tưởng hoá. Hình ảnh quê hương, đất nước dưới cặp mắt của ông có một vẻ đẹp tinh khiết tuyệt đối. Cảm hứng bao trùm là lạc quan, yêu đời, tin tưởng: “Cả quê nhà/ Cùng ta chiến đấu/ Từng viên đạn lắp vào nòng pháo/
Bồi hồi nghe hương lá bưởi lá chanh” (Lá bưởi lá chanh), hoặc: “Đường nào vui bằng đường ra trận tuyến?/ Nam Bắc lòng ta chung tiếng gọi mẹ hiền/ Ta náo nức như suối về sông biển” (Đêm hành quân).
Đáng chú ý nhất, từ những năm 1970 trở đi, thơ Lưu Quang Vũ mang nặng những dằn vặt suy tư về đất nước, quê hương. Có thể nói, từ thời điểm này, Lưu Quang Vũ không còn là một cậu thanh niên với suy nghĩ của tuổi học trò mới rời ghế nhà trường, ôm trong mình bao ước mơ, hoài bão đẹp. Thời gian tuy chưa nhiều, nhưng vốn nhạy cảm, hay cả nghĩ, chỉ vài ba năm sau khi va chạm thực tế muôn màu muôn vẻ, Lưu Quang Vũ đã thực sự trưởng thành, cách nhìn nhận già dặn hơn, phát hiện, nhận thức được nhiều điều, đặc biệt ông đã nhận thức được chính mình, cái thời đã qua:
“Mười bảy tuổi chúng ta thường tới đó Nói rất nhiều về những cửa biển xa Cái tuổi trẻ vừa ồn ào mà cay cực của ta
Trước ngưỡng cửa cuộc đời mênh mông khu rừng tối Vừa khuyến rũ vừa phập phồng lo ngại”.
(Quán cà phê ngoại ô)
Nhận thức được chính mình chính là tiền đề để mở ra cho sự nhận thức thế giới, nhận thức chân lý. Bằng sự trải nghiệm của chính ông, đất nước không như trước đây, thời ông 18 tuổi, bây giờ ông nhận ra: “Lại sắp hết một năm/ Đất nước chưa xong giặc/ Bao nhiêu người chết/ Tiếng súng đóng đinh trên ngực cuộc đời/ Trên nền cũ tay ta phá nát/ Chưa xây xong được gì/ Những ước mơ tuổi mười tám của ta/ Tất cả còn đang dang dở” (Lại sắp hết một năm). Tất cả trước đây là lý tưởng, là tuyệt đẹp: đất nước mình tươi hoa đẹp nắng, thì giờ đây, chiến tranh, không hẳn gì mình chiến tranh, đã xoá tan
những ảo giác, mơ hồ, ông đã tỉnh ngộ nhận ra: “Giữa chiến tranh hiểu đời
thực hơn nhiều/ Rách tan cả những làn sương đẹp phủ”. Thậm chí, có những
điều ông chưa bao giờ nghĩ tới, thì lúc này nhìn thấy và không có một chút ngỡ ngàng: “Thành phố đang thời hỗn loạn/ Nghèo túng lọc lừa bội phản/ Giết
người trộm cắp khắp nơi/ Con người nói với con người/ Những lời hằn thù sĩ nhục” (Vẫn thơ tình viết về một người đàn bà không có tên).
Đất nước hiện lên trong cảnh nghèo nàn: “Tết hoà bình đầu tiên/ Đất
nước nghèo xơ xác” (Nói với con cuối năm). Những chi tiết gợi về một thời cả
dân tộc “thắt lưng buộc bụng” chi viện cho chiến trường miền Nam, mọi thứ đều thiếu thốn: “Chăn rách, chiếu manh quần áo lạ” (Đêm Đông chí uống
rượu với bác Lâm và bác Khánh nói về những cuộc chia tay thời loạn), “Hoà bình đến mong manh/ Nhiều tin đồn mà chẳng có gì ăn/ Người đông, phố chật” (Liên tưởng tháng Hai), “Trời trong veo dưới những vũng nước mưa/ Người trên phố xếp hàng dài mua củi” (Viết lại một bài thơ Hà Nội), “Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhà... Trẻ con thiếu nơi học hành dạy dỗ” (Viết lại một bài thơ Hà Nội); khó khăn vây bủa hiện lên trên từng khuôn mặt “quần áo và mặt người màu cỏ héo” (Viết lại một bài thơ Hà Nội).
Có thể nói, thời điểm này, thơ Lưu Quang Vũ đã thoát ra khỏi sự ràng buộc của những quan niệm vốn định hình, nói bằng giọng nói khác không ồn ã so với nhiều nhà thơ cùng thời viết về chiến tranh. Cảm nhận về mất mát, bi thương xuất hiện trong thơ Lưu Quang Vũ khá sớm. Nhà thơ nói tới những miền khuất lấp, ở sự khốc liệt, tàn phá của chiến tranh, ở số phận của dân tộc, nhân dân từ nhiều góc nhìn hết sức nhân bản và cũng bằng chính trái tim nghệ sĩ rất mực khắc khoải. Những câu thơ được viết ra do nhu cầu thúc bách nội tâm của bản thân trên cơ sở của trải nghiệm thực tế, tuy không đại diện cho số đông lúc đó, nhưng nó là suy nghĩ, là nỗi lòng, là tâm trạng của con người, cảm biết nỗi đau và nghịch cảnh của đồng loại. Điều ấy không dễ thấy trong thơ những năm chiến tranh. Phải sau chiến tranh, các nhà thơ chống Mỹ mới thức nhận điều đó một cách đầy đủ.