Cảm hứng sử th

Một phần của tài liệu Sự thống nhất giữa cảm hứng sử thi và cảm hứng đời tư, thế sự trong thơ lưu quang vũ luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 31 - 33)

Trước tiên cần phải xác định được nội hàm ý nghĩa của khái niệm sử thi. Sử thi là khái niệm chỉ một loại hình văn học: “Cũng gọi là tự sự, một

trong ba loại văn học, phân biệt với trữ tình và kịch” [4, 290], đồng thời trong

nghĩa hẹp hơn, nó chỉ đích danh một mảng văn học cụ thể: “Trong nghĩa hẹp

và chuyên biệt, sử thi trỏ một hoặc một nhóm thể loại trong tự sự, đó là sử thi anh hùng, tức là những thiên tự sự kể về quá khứ anh hùng, hàm chứa những “bức tranh” rộng và hoàn chỉnh về đời sống nhân dân và về những anh hùng, dũng sĩ đại diện cho một thế giới sử thi nào đó, thống nhất, hài hoà” [4, 290].

Như vậy, ở nét nghĩa thứ nhất, sử thi dùng để phân biệt với trữ tình, kịch. Ở nét nghĩa thứ hai, sử thi chỉ một loại văn bản sử thi anh hùng, một đi không

trở lại. Tuy nhiên, “các hình tượng anh hùng của thần thoại được sử dụng rộng rãi trong nghệ thuật và văn học các thời đại về sau. Tuy được giải thích lại, song chúng vẫn giữ ý nghĩa là những tượng trưng vĩnh cửu cho chủ nghĩa anh hùng của nhân loại”[36, 173]. Cảm hứng sử thi vì vậy cũng gắn với cảm hứng anh hùng: “Cảm hứng anh hùng bao hàm sự khẳng định chiến công lớn

lao của một cá nhân hoặc của cả một tập thể, sự khẳng định ý nghĩa to lớn của chiến công đó đối với sự phát triển của nhân dân, dân tộc, nhân loại. Đối tượng của cảm hứng anh hùng trong văn học là chất anh hùng của bản thân thực tại tức hoạt động tích cực của những con người đã thực hiện những nhiệm vụ lớn mang tính chất tiến bộ của toàn dân tộc” [36, 170]. Tuy nhiên đó

là nét nghĩa chính của khái niệm sử thi. Qua thời gian, gắn với từng thời kỳ lịch sử cụ thể, khái niệm sử thi đã có sự nới rộng về nội hàm khái niệm.

Trên cơ sở những nét tương đồng về hoàn cảnh lịch sử, tương đồng về khuynh hướng sáng tác, cảm hứng sáng tác mà giai đoạn văn học 1945 - 1975 cũng được gọi là sáng tác theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân ta lại bước vào một giai đoạn chiến đấu đầy cam go, ác liệt nhằm xây dựng và bảo vệ nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà non trẻ. Chính trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt và anh hùng ấy, đời sống văn học đã không hẹn mà cùng tập trung xây nên một bản anh hùng ca giàu sức sống về những tấm gương quyết tâm bảo vệ đến cùng từng tấc đất của Tổ quốc. Để phục vụ cho nhiệm vụ “toàn dân kháng chiến”, văn học cũng trở thành một mặt trận chiến đấu bằng sức mạnh của ngòi bút. Các nhà văn viết về các câu chuyện kháng chiến, viết về những tấm gương anh hùng của người chiến sĩ, biến hình tượng này trở thành nhân vật trung tâm trong suốt một giai đoạn văn học trường kỳ. Cảm hứng tráng ca với những trang văn cổ vũ, biểu dương những thành tích thần kỳ cũng như sự hy sinh oanh liệt của toàn thể quân dân phục vụ cho một mục đích duy nhất: chiến thắng kẻ thù xâm lược. Hàng loạt các truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký đến thơ ca đều tập trung miêu tả người lính, người chiến sĩ, miêu tả hình tượng lãnh tụ vĩ đại hoà mình trong hình ảnh của Đảng, của Tổ quốc. Tuy có những cách khai thác khác nhau song tựu trung lại cảm hứng chủ đạo chi phối toàn bộ các sáng tác trong giai đoạn văn học 1945 - 1975 là cảm hứng sử thi, anh hùng ca. Theo Vũ Tuấn Anh: “Cái nhìn sử thi là cái nhìn hoành tráng;

điểm nhìn sử thi là hiện thực được phóng chiếu trên cái nền rộng lớn của những chiều kích vĩ mô; cảm xúc sử thi là cảm xúc ở trạng thái đỉnh điểm, cao trào; đồng thời tư duy sử thi đòi hỏi tinh thần lịch sử làm cốt lõi” [2, 134].

Từ những điều đã dẫn giải ở trên, gắn với đặc điểm của giai đoạn văn học 1945 - 1975, có thể hiểu “cảm hứng sử thi” là khái niệm được dùng để chỉ loại cám hứng trong những sáng tác hướng tới cộng đồng, dân tộc. Con người được quan tâm trước nhất là những người anh hùng, mang tầm vóc thời đại,

gắn với những sự kiện của lịch sử, của quốc gia. Giọng điệu bao trùm là giọng hào sảng, ngợi ca những chiến công oanh liệt của thời đại.

Một phần của tài liệu Sự thống nhất giữa cảm hứng sử thi và cảm hứng đời tư, thế sự trong thơ lưu quang vũ luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(103 trang)
w