Mặc dù giai đoạn từ những năm 1970 - 1973, thơ Lưu Quang Vũ có phảng phất nhiều tâm sự buồn của cá nhân tác giả với thời cuộc, số bài thơ dành để ngợi ca dân tộc, chiến tranh, thế hệ mình chưa nhiều, nhưng không thể đánh giá nguồn cảm hứng trong thơ ông theo cách nhìn cơ học sẽ là một sai lầm lớn. Nói thế để thấy được sự thống nhất của cảm hứng sử thi và cảm hứng dời tư thế sự trong thơ ông là một sự thống nhất biện chứng, như máu với thịt.
Một dấu ấn để lại trong lòng độc giả yêu thơ của Lưu Quang Vũ nhất có lẽ là giai đoạn thơ từ 1970 - 1973, đây là giai đoạn thơ xuất phát từ một hoàn cảnh khá đặc biệt trong cuộc đời Lưu Quang Vũ - gia đình tan vỡ, công việc chưa ổn định, đời sống chật vật khó khăn, mất niềm tin với tất cả. Thơ của ông giai đoạn này giàu chất suy tư và có nhiều phản ứng trước thời cuộc. Cảm hứng thơ của ông lúc này có phần nghiêng nhiều về thế sự, đời tư hơn là cảm hứng sử thi. Nói vậy, có nghĩa là không thể phủ nhận cảm hứng sử thi trong thơ ông. Cảm hứng sử thi vẫn là nguồn cảm hứng được ông ưu ái, và là một cảm hứng chủ đạo. Nhưng cảm hứng sử thi trong thơ ông ở mỗi thời điểm lại mang một dáng hình khác, tâm trạng khác. Khi mà đời tư của ông có nhiều chật vật, toan tính thì dường như nó cũng đã chi phối và nhuốm màu sang cả cảm hứng sử thi trong những sáng tác của ông.
Khi bàn về thơ Lưu Quang Vũ giai đoạn sáng tác này đa số thường chú ý và nhấn mạnh hơn đến cảm hứng thế sự, đời tư mà ít chú ý đến cảm hứng sử thi. Điều đó là hoàn toàn đúng và rất rõ, khi đọc thơ của ông ai cũng có thể nhận thấy. Ở đây chúng tôi sẽ không đi vào phân tích cảm hứng thế sự, đời tư nữa mà chủ yếu chúng tôi muốn lưu ý tới cảm hứng sử thi trong thơ của ông giai đoạn sáng tác hết sức đặc biệt này mà đa số chưa thật sự chú ý, hoặc có chú ý đến thì đều cho rằng, cảm hứng thế sự đời tư là cảm hứng chủ đạo, bao trùm, chi phối cảm hứng sử thi.
Bài thơ Tiếng Việt là một bài thơ hay. Hay ở nội dung tư tưởng, hay ở giọng điệu thiết tha, mượt mà, trầm lắng rất gợi cảm. Bao trùm bài thơ là một cảm hứng ngợi ca sự giàu đẹp của tiếng Việt - tâm hồn dân tộc Việt - một cảm hứng lớn thời kỳ chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta mà các nhà thơ thời ấy hướng tới. Cái hay của tiếng Việt, của hồn dân tộc Việt được Lưu Quang Vũ diễn tả hết sức tinh tế, sâu sắc, đa dang. Có thể xem bài Tiếng Việt là một bài thơ định nghĩa về ngôn ngữ dân tộc, khác xa với định nghĩa của khoa ngôn ngữ học. Theo ông, tiếng Việt là những gì hết sức cụ thể: Tiếng mẹ gọi trong
hoàng hôn khói sẫm; Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng; Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya; Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng; Tiếng dập dồn xoáy nước lũ xoáy chân đê; Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa; Tiếng mưa dội ào ào trên lá cọ; Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát... Nhưng đọc và suy
ngẫm kỹ ta như nghe đâu đó một nỗi lòng băn khoăn, khắc khoải của một con người đang có những tâm sự sâu kín giữa hồn dân tộc:
“Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già... Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán
Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời... Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt”.
Một ví dụ khác, bài thơ Người cùng tôi là bài thơ được xuất phát từ nguồn cảm hứng về nhân dân. Nói đến nhân dân là đụng đến một vấn đề tương đối nhạy cảm của dân tộc. Lâu nay khi viết về họ, các văn nghệ sĩ thường “gạn đục khơi trong”, tôn họ lên thành một giá trị thẩm mĩ mẫu mực. Nhưng ở một cái nhìn dưới nhiều góc độ, thực tế hơn, trực diện hơn, Lưu Quang Vũ ghi nhận những ưu điểm đồng thời thẳng thắn vạch ra những khuyết điểm thực tế: “Quang Trung ngồi trên bành voi, người cầm giáo xông
trương tuần quát nạt cũng run”. Nhưng dù là thế thì ông vẫn luôn trân trọng
và biết ơn họ:
“Dạy tôi biết gieo trồng và cấy hạt Tôi tìm đời tôi trong số phận của người Tìm lẽ phải trong trán người bình tĩnh”
Bởi vì:
“Hạt muối tôi trong biển người vô tận”
Cho nên:
“Chỉ khổ đau vì đau khổ của người
Chỉ sướng vui trong vui sướng của người thôi”...
Đọc bài thơ Việt Nam ơi ta bắt gặp một tấm lòng trăn trở vì dân tộc của nhà thơ Lưu Quang Vũ. Cả bài thơ như một tiếng nấc nghẹn ngào khó nói. Khó nói vì không biết nên ngợi ca hay phê phán, buồn hay vui, tin tưởng hay thất vọng: “Tổ quốc là nơi toả bóng yên vui/ Nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh
nhất/ Nhưng nghĩ đến Người lòng tôi rách nát/ Xin Người đừng trách giận Việt Nam ơi”. Ở đây chúng ta có thể nhận thấy cảm hứng sử thi trong thơ ông có
dấu hiệu mang tính cá biệt. Viết về Tổ quốc trong bối cảnh đất nước bị xâm lăng, các nhà thơ cùng thế hệ, các nhà thơ thời chống Mỹ thường ngợi ca, nhìn thấy những phẩm chất quý báu của dân tộc, từ đó để ngợi ca, chiêm ngưỡng, tự hào. Còn Lưu Quang Vũ, ông có một cái nhìn trực diện hơn, thẳng thắn hơn, nhận ra vị trí của cá nhân mình trong dân tộc, nhận lấy trách nhiệm của chính mình, ông chỉ biết thương xót cho chính dân tộc của mình, đặt ra một câu hỏi lớn cho mọi người dân phải có trách nhiệm trả lời:
“Người có triệu chúng tôi, tôi chỉ có một Người Tất cả sẽ ra sao
Mảnh đất nghèo máu ứa? Người sẽ đi đến đâu Hả Việt Nam khốn khổ?”
Điều đó chứng tỏ rằng, trong giai đoạn “khủng khoảng” này Lưu Quang Vũ đã không quên thiên chức của nhà văn là không chỉ quan tâm đến số phận con người, đến những nông nỗi của đời người, đến vấn đề nhân thê mà cần phải mở lòng mình trang trải khắp muôn nơi, quan tâm đến vấn đề lớn của dân tộc, của đất nước. Cho nên giai đoạn này, nguồn cảm hứng sử thi trong thơ ông vẫn tồn tại một cách bền vững và vẫn là một nguồn cảm hứng chính là một điều dễ hiểu.