Khái niệm cảm hứng

Một phần của tài liệu Sự thống nhất giữa cảm hứng sử thi và cảm hứng đời tư, thế sự trong thơ lưu quang vũ luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 28 - 31)

Cảm hứng là một yếu tố quan trọng trong quá trình sáng tạo, đồng thời cũng là cái mang lại tinh thần thoải mái, tạo niềm hứng khởi cho những điều mới mẻ trong công việc, học tập. Nói đến cảm hứng thì người ta lại nhắc đến sự sáng tạo, cả trong văn chương nghệ thuật nói riêng và tất cả các lĩnh vực trong đời sống nói chung. Làm việc, học tập không có cảm hứng thì cũng như xây các tòa nhà mà không đào móng. Văn chương nghệ thuật mà không xuất phát từ những cảm hứng sáng tạo rất riêng, rất “nghệ sĩ” của mỗi tác giả, không khơi gợi lên những nguồn cảm hứng đặc biệt trong lòng người đọc thì sản phẩm của nó chẳng khác gì những bài thuyết lý.

Trong giao tiếp thường ngày, người ta cũng hay dùng các từ cảm hứng, cảm xúc để chỉ một trạng thái tình cảm, cảm xúc của con người trước một đối tượng nào đó.

Khái niệm cảm hứng được dùng ở đây là một thuật ngữ của chuyên ngành ngữ văn thuộc khoa học xã hội. Từ thời cổ đại khái niệm này đã được dùng: “Ngay các triết gia cổ Hy Lạp, sau này là Hê ghen và Belinsky đều đã

dùng từ “cảm hứng” (tiếng Hy Lạp cổ: pathos - một tình cảm sâu sắc, nồng nàn) để chỉ trạng thái phấn hưng cao độ của nhà văn do việc chiếm lĩnh được bản chất của cuộc sống mà họ miêu tả. Sự chiếm lĩnh ấy bao giờ cũng bắt nguồn từ lý tưởng xã hội của nhà văn nhằm phát triển và cải tạo thực tại” [36,

168]. Trong Từ điển thuật ngữ văn học, khái niệm cảm hứng đã được định nghĩa như sau: “Trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm

nghệ thuật, gắn liền với tư tưởng xác định, gây tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận tác phẩm. Theo một nghĩa nào đó, cảm hứng chủ đạo thống nhất với đề tài và tư tưởng của tác phẩm” [37, 39].

Cần phân biệt cảm hứng với cảm xúc, cảm hứng với hứng thú. Cảm xúc mang tính chất đời thường, gắn liền với trạng thái tình cảm của con người nói chung trong các hoạt động xã hội, mang tính chất trung tính, còn cảm hứng nghiêng về cảm xúc, nhưng là cảm xúc cao độ đặc thù trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật. Hứng thú theo một nghĩa nào đó có liên quan đến cảm hứng, cảm xúc, chỉ một trạng thái tình cảm, nhưng hứng thú thể hiện sự thích thú, tập trung của một người tới một đối tượng cụ thể nào đó. Cảm hứng không chỉ là trạng thái tình cảm, sự chú ý chung chung tới một đối tượng cụ thể, mà còn là sự chú ý tới đối tượng trong một trạng thái tình cảm, cảm xúc cao độ.

Cảm hứng là sự tác động qua lại giữa tinh thần người nghệ sĩ và thế giới khách quan. Không thể có một cảm hứng chung chung, trừu tượng, mà cảm hứng phải cụ thể. Nghĩa là, cảm hứng phải xuất phát từ một đối tượng cụ thể bên ngoài tinh thần người nghệ sĩ, nhưng nếu thiếu đi thế giới tinh thần nhạy cảm của người nghệ sĩ thì chưa thể có cảm hứng, nghĩa là cảm hứng phải gắn với tư tưởng. Không có cảm hứng sẽ không có tác phẩm nghệ thuật. Cảm hứng xuất hiện khi hội tụ đủ hai yếu tố khách quan và chủ quan.

Lĩnh vực tinh thần của con người gồm có hai mặt: tình cảm và lý trí, cảm hứng thuộc mặt tình cảm của tinh thần con người. Từ đây có thể thấy tầm quan trọng của cảm hứng trong sáng tạo nghệ thuật. Cảm hứng là tiền đề hình thành tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, cảm hứng là điều kiện cần, nhưng chưa đủ, nếu thiếu đi mặt lý trí, thì tác phẩm nghệ thuật sẽ khó có thể hình thành: “Trong sáng tạo nghệ thuật, thường khi ý thức và vô thức nhập vào với nhau,

không thể tách bạch ra một cách thô thiển được. Cũng như một tác phẩm hay thì nội dung và nghệ thuật hoà trộn vô nhau như máu hòa trong da thịt. Phân tâm học bảo: dường như vô thức điều khiển ý thức. Nhưng theo tôi, nếu vô

thức là một vùng tối tăm chìm khuất làm sao con người nhận biết? Lại phải cần dùng ánh đèn pin của ý thức rọi vào vùng tăm tối vô thức kia thì ta mới nhận ra hình dạng của nó. Khi đó vô thức đã bị ý thức hóa mất rồi… Thường là, khi cảm hứng đến nhà văn ào lên viết, tranh thủ mà viết, nào có thời gian để phân biệt cái nào là vô thức cái nào là ý thức đang ám ảnh mình như kia…”

[65]. Vì vậy một tác phẩm nghệ thuật chân chính bao giờ cũng là sự kết hợp hài hoà giữa lý trí và tình cảm của nhà văn. Tình cảm là khởi nguồn cho sáng tạo, còn lý trí làm cho văn bản nghệ thuật có chiều sâu về nội dung tư tưởng và cách thể hiện. Tình cảm và lý trí thúc đẩy nhau cùng phát triển. Hầu hết mọi người đều cho rằng, cảm hứng hoàn toàn là do tự phát, không thể kiểm soát hay điều tiết được. Lúc làm việc, học tập tinh thần sảng khoái, tự nhiên thấy “hứng” lên thì năng suất lao động tăng vèo, còn đang mệt mỏi, cụt hứng thì... Quan điểm này là không sai. Tuy nhiên, cái cách người ta quan niệm và áp dụng nó lại dẫn đến nhiều hậu quả. Cho nên không thể hiểu cảm hứng theo cách hiểu thông thường. Cảm hứng, xét ở một góc độ nào đó thì cũng liên quan ít nhiều đến may mắn. Tuy nhiên, con người cũng đang dần chinh phục được những bí quyết của may mắn và tự khơi dậy cho mình những nguồn cảm hứng mới trong sáng tạo nghệ thuật và lao động. Cảm hứng có thể hoàn toàn nuôi dưỡng được. Bởi vậy, mỗi một sản phẩm nghệ thuật ra đời, thường được ví như một đứa con tinh thần của nhà nghệ sĩ là vì vậy.

Lĩnh vực tinh thần của con người mang tính tập thể, tính cộng đồng, tính nhân loại nên cảm hứng cũng vừa mang tính chung vừa mang tính riêng. Vì vậy có cảm hứng riêng của một tác giả, nhưng cũng có cảm hứng chung của thời đại, của trào lưu, của dân tộc, của khu vực... Từ những tâm hồn khao khát sáng tạo, khao khát cống hiến, nhằm tiếp nối dựng xây truyền thống ngàn năm văn hiến mà biểu hiện cao nhất của nó là tinh thần yêu hoà bình, yêu tự do độc lập, yêu đất nước quê hương mình, đã kết tinh thành nguồn cảm hứng thời đại, để lại cho dân tộc Việt Nam, cùng nhân loại những áng thơ văn bất

hủ. Tinh thần ấy, nguồn cảm hứng thời đại ấy đã chắp cánh cho từng câu, từng chữ của hồn thơ.

Tuỳ vào cách thức thể hiện, nội dung phản ánh, có thể chia thành nhiều loại cảm hứng tương ứng khác nhau: cảm hứng sử thi, cảm hứng thế sự, cảm hứng anh hùng, cảm hứng bi, cảm hứng hài...

Một phần của tài liệu Sự thống nhất giữa cảm hứng sử thi và cảm hứng đời tư, thế sự trong thơ lưu quang vũ luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(103 trang)
w