Có thể ví cảm hứng sử thi và cảm hứng đời tư, thế sự trong sáng tác nghệ thuật như là hai mặt của một đồng tiền.
Nói đến cảm hứng thế sự là nói đến cảm hứng về cuộc sống đời thường, về con người của thực tại. Những tác phẩm mang cảm hứng thế sự thường hướng đến sinh hoạt hàng ngày của con người. Chú ý khẳng định giá trị thẩm mĩ của cái đời thường, khám phá mọi phức tạp, éo le và cả cái cao quý trên hành trình đi tìm sự sống và hạnh phúc của con người. Và “cảm hứng thế sự, đời tư là loại cảm hứng mô tả đời sống nhằm mục đích nhận thức nó trong tất cả các trạng thái nhân thế phức tạp vốn có. Cảm hứng sáng tạo này gắn liền với ý thức trách nhiệm đạo đức - xã hội, với tinh thần “nhập thế” tích cực của người nghệ sĩ. Cảm hứng thế sự, đời tư thường trỗi dậy mạnh mẽ khi con người phải đối mặt với một hiện thực “méo mó, bất toàn”, do đó, nó thường đi cùng tinh thần phê phán trên cơ sở ý thức hướng tới một môi trường xã hội nhân văn, tiến bộ. Với khao khát “nhìn thẳng vào sự thật”, “nói rõ sự thật”, nhà thơ trực diện hướng ngòi bút vào các chủ đề xã hội, đặt lên hàng đầu những suy nghĩ và chủ kiến cá nhân để phản ánh, lý giải hiện thực một cách triệt để. Đi cùng với một ý thức trách nhiệm đạo đức - công dân, một thái độ, một lý tưởng xã hội mạnh mẽ, tích cực, họ cũng khẳng định mình trong tư cách “con người đời thường”, với tất cả mọi biểu hiện chân thực, nhân bản”
[53].
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã mở ra một trang sử mới: xây dựng đất nước sau chiến tranh. Văn chương cũng vậy, có những chủ đề mới đòi hỏi người cầm bút phải khai thác bên cạnh chủ đề chiến tranh và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đến năm 1986, đất nước lại chuyển mình một lần nữa với đường lối đổi mới - đổi mới trong mọi lĩnh vực vĩ mô như kinh tế, xã hội cho đến những
vấn đề cụ thể của từng khối ngành. Văn chương cũng đi theo sự đổi mới ấy. Bởi chức năng của nó là phản ánh một cách chân thực hiện thực đời sống cũng như hiện thực tâm lý con người. Cảm hứng chủ đạo chi phối các sáng tác của người nghệ sĩ đã chuyển dần từ cảm hứng sử thi sang cảm hứng cá nhân, cảm hứng đời tư, thế sự. Các nhà văn, nhà thơ lại tập trung tinh lực trong ngòi bút của mình để khai thác những mảnh đời nhỏ bé, đời thường mà có ý nghĩa nhân văn cao cả. Họ không nói đến những cái to tát, những cái lớn của tập thể nữa mà đi sâu vào những con người nhỏ bé trong giai đoạn hoà bình sau chiến tranh.
Văn học với những loại hình nhỏ hơn của nó đã có những thay đổi từ tư duy sáng tác cho đến cảm hứng chủ đạo cũng như các nhân vật trung tâm, hình tượng văn học. Ngay từ trong thơ ca, tiểu thuyết đến truyện ngắn, bút ký, hồi ký... cảm hứng anh hùng ca dần được thay thế bởi cảm hứng cá nhân, đời tư, thế sự. Người nghệ sĩ trong giai đoạn văn học sau này đã tìm cho mình một con đường mới, khai thác văn chương trong một cách nhìn mới mà không hề phủ định các giá trị của các tác phẩm văn học trước đó.
Nhìn chung sự chuyển đổi cảm hứng sáng tác từ cảm hứng sử thi sang cảm hứng cá nhân trong văn học giai đoạn sau 1975 là sự chuyển đổi phù hợp với sự vận động theo quy luật phát triển của đời sống văn học. Nó tạo nên sự phong phú trong sáng tác và tiếp nhận tác phẩm văn chương. Mặt khác nó còn mở ra nhiều con đường sáng tạo nghệ thuật cho các cây bút trẻ. Nó góp phần khẳng định cao hơn nữa, rõ nét hơn nữa cái tôi cá nhân điển hình của người nghệ sĩ có bắt nguồn từ trong gốc rễ của các giai đoạn văn học trước đó.
Tuy nhiên, riêng về Lưu Quang Vũ, từ những năm 1970 trở đi, cảm hứng đời tư, thế sự trong thơ của ông đã bắt đầu xuất hiện. So với các nhà thơ cùng thế hệ và trào lưu chung của văn học kháng chiến, đây là một điểm hạn chế của thơ ông, nhưng đồng thời cũng chính điểm hạn chế này lại khiến thơ
ông có một nét riêng không thể lẫn, tạo nên sự độc đáo, một phong cách thơ Lưu Quang Vũ, trước tiên là ở cảm hứng thơ.