Ngay từ giai đoạn đầu tiên trong đời thơ của Lưu Quang Vũ, cảm hứng sử thi và cảm hứng đời tư thế sự đã có sự kết hợp thật nhuần nhuyễn. Dường như rất khó tách bạch được hai nguồn cảm hứng này trong thơ ông nói chung và giai đoạn này nói riêng.
Hàng loạt các bài thơ Thôn Chu Hưng, Gửi tới các anh, Lá bưởi lá
chanh, Qua sông Thương, Phố huyện, Đêm hành quân,... thể hiện tình cảm,
trong của một tâm hồn thơ mang dáng dấp của tuổi học trò. Điều này đã được chúng tôi phân tích ở mục 2.2, chương 2.
Cũng trong giai đoạn này ta lại bắt gặp những bài thơ: Áo, Gửi mẹ, Hơi
ấm bàn tay, Vườn trong phố, Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa, Bầy ong trong đêm sâu, Phố ta, Gửi một người bạn gái, Anh đã mất chi anh đã được gì..., đều xuất
phát từ những cảm xúc riêng tư, từ một nỗi lòng sâu kín của chính ông. Đó có thể là một bài thơ về người mẹ: “Những tấm áo xưa con nhớ lắm/ Mũi chỉ
đường kim tay mẹ dịu dàng” (Áo), “Mẹ ơi nếu con được sống lại tuổi thơ/ Con sẽ chẳng bao giờ mải chơi trốn học/ Đứa con trai nhiều lỗi lầm ương ngạnh/ Sẽ không lần nào làm mẹ xót xa” (Gửi mẹ). Cũng có thể là lời tỏ tình dễ
thương hay một xúc cảm trước một người bạn gái: “Anh vọng về em một sắc
trời xanh/ Ở nơi xa em có nhớ gió ân tình/ Có phải mơ không mà anh thấy em trong tà áo/ Một hương môi mận chín một lời thanh/ Ru giấc mơ buồn khoé biếc long lanh” (Bài thơ khó hiểu về em). Bài thơ Gửi em và con ghi lại hạnh
phúc của một người đàn ông được làm chồng, làm bố, niềm hạnh phúc khi sắp đón nhận một công dân ra đời: “Lần đầu tiên nghe con trở đạp/ Em quặn lòng
nhưng náo nức yêu thương/ Tháng thứ tám mang thai em mệt/ Da xanh gầy đôi mắt cũng to hơn”. Hoặc là một cảm xúc trước buổi chiều đẹp trời ở Hà Nội
thân yêu: “Buổi chiều nào như buổi chiều nay/ Biết nói gì cho đủ với nhau
đây?/ Nắng rung rinh khắp ngả đường Hà Nội/ Còi báo yên vừa nổi/ Chuông tàu đã leng keng/ Mắt ai soi vào cũng sâu thẳm niềm tin” (Chưa bao giờ)...
Rất nhiều bài thơ, trong một bài cùng xuất hiện cả hai nguồn cảm hứng này. Bài thơ Qua sông Thương mượn dòng sông thương để thể hiện tình cảm với một người bạn gái: “Sao tên sông lại là Thương/ Để cho lòng anh nhớ?”, vừa gửi gắm niềm tự hào đối với kháng chiến: “Sông Thương ơi, đang những
ngày đánh Mỹ/ Nên đôi bờ nòng pháo hướng trời mây/ Những cô lái đò súng khoác trên vai/ Đời ẹp vô cùng dòng lệ hoá dòng vui”. Bài thơ Gửi một người bạn gái, đọc nhan đề nhiều khi không hiểu hết được tình ý mà tác giả muốn
gửi gắm. Nói là gửi một người bạn gái nhưng nội dung thơ lại là những lời tâm sự về thời cuộc, về chiến tranh: “Giữa chiến tranh hiểu đời thực hơn
nhiều/ Rách tan cả những làn sương đẹp phủ/ Chỉ còn lại nỗi buồn trơ núi đá/ Điều em tin là nhảm nhí mà thôi”. Vườn trong phố cũng là một trường hợp
tương tự. Cả bài thơ là một lời yêu của một chàng trai đang ôm mộng mối tình đầu, tiếng thơ thật trong trẻo, ngọt ngào, tha thiết: “Trong thành phố có một vườn cây mát/ Trong triệu người có em của ta/ Buổi trưa nắng bầy ong đi kiếm mật/ Vào vườn rồi ong chẳng nhớ lối ra/ Vườn em là nơi đọng gió trời xa/ Hoa tím chim kêu bàng thưa lá nắng/ Con nhện đi về giăng tơ trắng/ Trái tròn căng mập nhựa sinh sôi”. Và rồi lãnh nhận trách nhiệm cao cả của một
người lính, chia tay người yêu lên đường đi đánh giặc, người lính này mới nhận ra: “Bây giờ đánh giặc anh đi xa/ Nhìn lại mảnh vườn xưa thấy hẹp/ Biết
bao điều anh còn chưa nói được/ Rối rít trong lòng một nỗi em em/ Rừng rập đèo cao anh đã vượt lên/ Theo tiếng gọi con tàu ngày bé dại/ Vườn không níu được bước chân trở lại/ Nhưng lá còn che mát suốt đường anh”. “Mảnh vườn xưa” là mảnh vườn nào mà “anh thấy hẹp”? Có lẽ đó là mảnh vườn của tình
yêu đôi lứa, ở đó họ tâm sự với nhau những chuyện của tình yêu trai gái, những chuyện của cá nhân. Nhưng “đánh giặc anh đi xa”, tiếp cận được chân lý cách mạng, lý tưởng dân tộc, người đàn ông ấy mới thấy rằng những chuyện riêng tây của mình chỉ là tình cảm nhỏ trong tình cảm lớn.
Như vậy, ngay từ những sáng tác đầu tay, thơ Lưu Quang Vũ đã có sự hội tụ và thống nhất giữa hai nguồn cảm hứng: cảm hứng sử thi và cảm hứng thế sự, đời tư. Hai nguồn cảm hứng này sẽ theo ông trong những chặng thơ sau này, kể cả trong những lúc đời tư của ông có những bấp bênh nhất, và trong bối cảnh ấy, con người ta dễ dành tâm hồn mình cho những tâm sự riêng tư.