tượng đời thường
Khoa học phản ánh thế giới bằng những khái niệm, nghệ thuật phản ánh thế giới bằng hình tượng - đó cũng là một trong những đặc trưng cơ bản của nghệ thuật. Nghĩa là nghệ thuật không thuyết lý một cách khô khan, giáo điều về một vấn đề nào đó mà, bằng cách làm sống lại một cách cụ thể, sinh động, gợi cảm những sự việc, hiện tượng để qua đó con người suy nghĩ, trăn trở về tính cách, về số phận, về nhân tình thế thái, từ đó rút ra một bài học nhân sinh.
Mỗi loại hình nghệ thuật dùng một chất liệu riêng biệt để xây dựng hình tượng. Nhà điêu khắc xây dựng hình tượng bằng hình khối, nhạc sĩ xây dựng hình tượng bằng âm thanh, hoạ sĩ xây dựng hình tượng bằng đường nét, còn nhà văn xây dựng hình tượng bằng ngôn từ.
Mỗi một nhà thơ, nhà văn xây dựng hình tượng nghệ thuật của mình vừa mang đặc điểm chung của dòng văn học vừa mang những đặc điểm riêng không thể lẫn. Hình tượng văn học hiển nhiên là một phương tiện hữu hiệu để phản ánh thế giới nhưng đồng thời qua hình tượng văn học, hình tượng chủ thể nhà văn cũng được hiện lên. Mỗi một nhà văn có một phạm vi hình tượng ấn tượng, quen thuộc, nếu không nói là duy nhất. Thế giới hình tượng của nhà văn, nhà thơ như mở ra một cách cửa để người đọc có thể hiểu được những tâm tư, tình cảm, những ước mơ, khát vọng và những gửi gắm thầm kín bên trong của con người tác giả.
Về nhà thơ Lưu Quang Vũ, hình tượng nghệ thuật trong thơ ông hết sức phong phú và đa dạng, mang dấu ấn riêng độc đáo, đã được nhiều nhà nghiên
cứu, phê bình, các đề tài khoa học bàn kĩ, thấu đáo, hé mở ra nhiều vấn đề có ý nghĩa thiết thực. Có thể kể đến các hình tượng đã được nghiên cứu quen thuộc như: hình tượng mưa, hình tượng gió, hình tượng lửa, hình tượng mây
trắng, hình tượng con đường, hình tượng quả chuông, hình tượng bầy ong,
hình tượng “em”... Tuy nhiên, một điểm chung rất tiêu biểu của tất cả các bài viết lâu nay bàn về hình tượng trong thơ Lưu Quang Vũ là, dường như khi bàn đến các hình tượng nghệ thuật trong thơ ông, đa số vẫn xem xét các hình tượng đó một cách độc lập, chưa nghiên cứu nó ở sự thống nhất hài hoà của hai nguồn cảm hứng sử thi và cảm hứng đời tư thế sự. Nếu như nhìn thấy sự thống nhất này của hình tượng nghệ thuật trong thơ ông với hai nguồn cảm hứng ấy, theo chúng tôi, sẽ chỉ ra được một nét đặc trưng hết sức cơ bản của thơ Lưu Quang Vũ so với các nhà thơ khác nói chung và các nhà thơ thế hệ cùng thời nói riêng.
Ở khuôn khổ nhỏ hẹp của luận văn này, chúng tôi không bàn lặp lại các hình tượng gió, mưa, mây trắng, quả chuông, bầy ong, con đường, em... với tính chất độc lập, không trong mối quan hệ hài hoà giữa hai nguồn cảm hứng sử thi và cảm hứng đời tư thế sự, mà chỉ có thể bàn lại một số trong các hình tượng ấy ở một góc nhìn khác, điểm nhìn khác - trong mối quan hệ biện chứng giữa hai nguồn cảm hứng sử thi và cảm hứng đời tư thế sự.
Nhìn một cách tổng thể xuyên suốt quá trình sáng tác của nhà thơ Lưu Quang Vũ, có thể nhận thấy rằng, cùng một hình tượng cụ thể, ông có thể sử dụng nó cho cả hai nguồn cảm hứng sử thi và cảm hừng đời tư, thế sự. Sau đây có thể phân tích một số hình tượng tiêu biểu trong thơ của ông làm ví dụ.