2. GIỌNG ĐIỆU TRẦN THUẬT
2.5 Giọng tâm sự, thú tội
Là một trong những giọng điệu giữ vai trò chủ đạo trong cuốn tiểu thuyết này. Đó là lời kể miên man của chính người trong cuộc - anh cảnh sát tư pháp hưu trí. Thế nhưng đây hoàn toàn không phải là lời kể mang tính chất đơn thuần tái hiện câu chuyện đã xảy ra. Mà hơn hết đó là những dòng tâm sự, giãi bày hết
sức chân thành của nhân vật. Vì thế tác phẩm trượt dài trong trong giọng điệu mang dấu ấn cá nhân rất rõ rệt. Lựa chọn người trần thuật ngôi thứ nhất- điểm nhìn hướng nội là một trong những nguyên nhân dẫn tới giọng điệu trần thuật này.
Câu chuyện đã hoàn kết nhưng nó vẫn cứ dội về ám ảnh nhân vật. Nó gặm nhấm, làm rạn nứt trái tim đang cồn cào, thổn thức của người trong cuộc. Lựa chọn giọng điệu này nhà văn để cho nhân vật tự do mở rộng lòng mình để giãi bày tất cả. Đó cũng là cách để họ thoát khỏi trạng thái chập chờn mê - tỉnh của chính mình. Qua dòng tâm sự của nhân vật chúng ta không chỉ biết về câu chuyện của vụ án, chiến tranh, tình yêu, gia đình, tình bạn,… Đó là những giây phút nhân vật sống thật với lòng mình. Với nhiều cái "tôi" tham gia giãi bày câu chuyện đã làm nên bản hợp xướng đa âm cho câu chuyện kể. Không trải dài, xuyên suốt toàn bộ tác phẩm nhưng với vai trò chủ lưu chi phối các giọng điệu trần thuật khác đã góp phần làm bật lên giá trị tư tưởng của tác phẩm. Vụ án xảy ra tại thị trấn nhỏ này, giữ vai trò người trong cuộc tham gia điều tra vụ án nhân vật đã tái hiện toàn bộ diễn biến cùng lời nhận xét đanh giá của bản thân. Lần theo quá trình điều tra ta nhận ra những rối rắm, ngổn ngang luôn diễn ra trong đầu nhân vật. Những con người lợi dụng án mạng để trục lợi, những con người tội nghiệp đáng thương, hay những câu hỏi hoài nghi về con người. Tất cả những cái đó ùa về để nhân vật độc thoại với chính mình và với tất cả chúng ta "Cả đời tôi chỉ lo đối thoại với một vài người đã chết. Điều đó cũng đủ cho tôi đi vào cuộc sống và chờ đợi cái kết. Tôi đã nói chuyện với Cle'mence. Tôi đã nhắc đến những người khác. Không ít ngày tôi đã cho họ hiện ra trước mắt tôi để lặp lại giọng nói và cử chỉ của họ, để tự hỏi xem có đúng là mình đã nghe lời họ nói hay không"[7.294].
Nếu như tâm sự là lời bộc bạch nỗi niềm, suy ngĩ thầm kín riêng tư của bản thân và mong muốn được người khác nghe thấy, thấu hiểu, đồng cảm thì thú tội lại mang ý nghĩa "giải thoát" cho mọi bí mật trong lòng. Đó là lúc nhân vật đối diện với lòng mình để suy xét và nhìn nhận lại những gì mình đã làm.
Hai chương cuối cùng thể hiện rõ nhất giọng điệu thú tội của nhân vật. Tác giả mở đầu chương 26 bằng sự thừa nhận "Tôi nói không còn gì nữa là tôi nói dối. Tôi nói dối hai lần"[7.282]. Để rồi trong 11 trang sách nhân vật đã nói lên tât cả. Câu chuyện về những bức thư của Lysia thôi chưa đủ mà chính lá thư của ngài đại úy mới là lời hóa giải cho tất cả. Bức thư đó giúp ta hiểu lý do cái chết của cô. Bằng giọng điệu thú tội nhà văn đưa người đọc vào trạng thái lưỡng phân. Ai là hung thủ của vụ án? Những tưởng là ông Kiểm sát trưởng nhưng chính bức thư từ Rennes mất 10 năm trời để tới nơi lại làm ta phải nhận thức lại. Cậu nhóc người Bretagne hay ông Kiểm sát trưởng? Cái kết mở, nước đôi trong câu chuyện kể làm cho nghi án thực sự hấp dẫn chúng ta. Chính là sự rối rắm trong tâm hồn người phản ánh nét mờ nhòe của bức tranh xã hội.
Hơn thế sử dụng giọng điệu thú tội là cách để người đọc nhận ra bức chân dung của kẻ giết người trong lần áo giáp của viên cảnh sát. Cái ác được thúc đẩy vì tình yêu quá lớn, nhân vật luôn bị ám ảnh vì những tội lỗi do mình gây ra
"Anh đã nói hết với em, hoặc gần như thế. Chỉ một điều duy nhất mà tôi chưa nói", "Em biết không đứa con của chúng ta anh đã không thể đặt tên cho nó cũng không thể nhìn nó cho ra nhìn"[7.295]. Những lời thú tội nặng trĩu tấm lòng đầy suy tư ám ánh của nhân vật. Vì vụ án anh phải cùng Jose’phin lên V để lấy lời khai, vì chiến tranh anh không về kịp với vợ ngay trong đêm đó. Nhưng nhân vật không lấy đó làm nguyên nhân chính mà anh đổ tội hết cho đứa con. Bi kịch của giấc mơ hạnh phúc đã làm cho nhân vật có cái nhìn thiên phiến như vậy. Nhân vật đã tự biện minh cho mình "Nhưng đối với anh con chúng ta không là gì cả, đơn giản nó là người giết em"[7.296]. Đến phút cuối của câu chuyện kể bằng một giọng thú tội pha lẫn giãi bày nhân vật đã thú tội tội ác lớn nhất của đời mình. Lời thú tội đem tới sự ngỡ ngàng, bất ngờ cho độc giả nhưng mặt khác neo đậu trong lòng người đọc sự nhận thức mới. Đó là để giữ trọn tình yêu đích thực, duy nhất của đời mình đôi lúc con người ta phải trở nên tàn nhẫn, vô nhân tính. Tình yêu, hạnh phúc, được hoán đổi bằng hành động gây tội ác.
Giọng tâm sự, thú tội đã giúp cho những trang văn của P.Claudel xoáy sâu vào lòng đọc giả. Không chỉ hấp dẫn bằng hình tượng người trần thuật, hệ thống điểm nhìn di động, không - thời gian trần thuật, ngôn ngữ mà chính việc dự phần của giọng điệu trần thuật đã làm nên sức hấp dẫn cho cuốn tiểu thuyết. Thông qua những kiểu giọng điệu khác nhau nhà văn vẽ lên thế giới đa màu về con người và cuộc đời. Mỗi câu chuyện kể, nhà văn ứng dọi một giọng điệu, hay đan xen các giọng điệu khác nhau làm cho dụng ý của nhà văn hiện lên một cách trọn vẹn.
Tiếp thu cách nghĩ văn học là nghệ thuật của sự cộng hưởng, Philippe Claudel đã tạo ra trong tác phẩm của mình một sự tổng hợp của các giọng: triết lý chiêm nghiệm, ấm áp dịu dàng, mỉa mai lạnh lùng, hoài niệm, tâm sự, thú tội. Mỗi giọng điệu thể hiện một cách nhìn, đánh giá, dụng ý nghệ thuật khác nhau của nhà văn tạo ra một bè đa thanh sắc cho tác phẩm. Triết lý chiêm nghiệm về cuộc đời, dịu dàng, ấm áp trong dòng hoài niệm, mỉa mai, lạnh lùng trong sự nhẫn tâm, tàn ác, chân thành trong lời thú tội cộng với cái nhìn xuyên thấu của nhà văn Philippe Claudel đã làm nên một "Những linh hồn xám" đặc biệt ám ảnh mọi người. Giọng điệu làm bật lên thế giới nhân vật, hình tượng người kể chuyện, không thời gian nghệ thuật. Tất cả hoà quyện làm cho nghệ thuật trần thuật thêm phần hoàn ảo.
Tiểu kết: Khi một tác phẩm nghệ thuật ra đời, bao giờ chúng ta cũng chờ đợi ở nó một sự bứt phá mới mẻ của nhà văn về con người, cuộc sống, thái độ, cảm xúc... Người nghệ sĩ lớn là người biết đưa vào trong tác phẩm của mình những ước mơ, hoài bão, khám phá, sáng tạo riêng của mỗi các nhân. Không ai chấp nhận việc nhiều người cùng một lúc đi trên lối mòn xưa cũ. Văn học không có sự sáng tạo là một tác phẩm văn học chết. Sáng tạo nghệ thuật vì vậy trở thành một đòi hỏi tất yếu cho các nhà nghệ sĩ. Ngôn ngữ, giọng điệu chưa phải là tất cả nhưng cũng đủ dự phần vào làm cho tác phẩm nghệ thuật trở nên hoàn hảo hơn. Trong khi các nhà văn hiện đại khác tìm tới những vấn đề nóng bỏng để phản ảnh như: tình yêu, tình dục, cái tôi, bản ngã,... thì Philippe
Claudel lại quay ngược trở về quá khứ để chộp lấy một sự kiện, một khoảnh khắc để phản ánh. Cuộc sống mới và vấn đề xưa cũ nhiều khi không cùng nhịp thở vì thế đây là một trở ngại thực sự cho người cầm bút. Thế nhưng bằng bản lĩnh của mình và tài năng thực sự nhà văn đã đem tới độc giả một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn. Và một trong những yếu tố làm nên thành công của tác phẩm chính là việc nhà văn đã sử dụng thành công chiến lược trần thuật độc đáo qua ngôn ngữ, giọng điệu rất riêng của mình.