Thời gian tâm trạng

Một phần của tài liệu Những linh hồn xám của philippe claudel từ góc nhìn trần thuật học (Trang 48 - 52)

2. THỜI GIAN ĐƯỢC TRẦN THUẬT

2.2 Thời gian tâm trạng

Thời gian tâm trạng trong tác phẩm văn học không đơn thuần chỉ là việc ghi lại những khoảnh khắc của quá trình đời sống mà hơn hết nó được khúc xạ qua tâm hồn con người nên mang tình cảm, cảm xúc rất rõ. Bên cạnh lớp thời gian trần thuật mang dấu ấn sự kiện thì thời gian theo dòng tâm trạng của nhân vật cũng được xem là một phương thức nghệ thuật độc đáo của tác phẩm này. Kiểu thời gian này "góp phần giải phóng sức sáng tạo của nhà văn và mở đường đi vào thế giới nội tâm của nhân vật"[27.112]. Hơn thế, tồn tại trên cõi đời mỗi

một con người đều có một miền ký ức riêng, đó là điểm tìm về không dễ gì xóa nhòa được trong trái tim của mỗi chúng ta. Bởi ký ức được xem là chất keo dính kết quá khứ với hiện tại, là dưỡng khí nâng đỡ tâm hồn, là điểm tựa niềm tin giữa dòng đời chao đảo và đó còn có thể là nơi ghi dấu những nỗi đau không thể nào quên.

"Những linh hồn xám" là cuốn tiểu thuyết mà yếu tố ký ức được sử dụng một cách khá đậm đặc. Đó là khoảng thời gian đã mất mà bây giờ nhân vật quay ngược trở lại để kiếm tìm và vực dậy. Một câu chuyện về tình yêu, chiến tranh, tình bạn,… dưới góc nhìn của người trần thuật vừa đóng vai trò là nhân vật chính vừa đóng vai trò là người chứng kiến đã tạo ra mạch cảm xúc khác nhau trong lòng người tiếp nhận. Có lúc nhân vật kể nhưng có lúc đó là lời thú tội chân thành của chính nhân vật. Thâm nhập vào địa hạt tác phẩm ta nhận thấy thời gian vật lý có lúc tạm dừng để cho thời gian tâm trạng lên ngôi. Quá khứ ở đây được miêu tả không phải là quá khứ hoàn tất, câu chuyện được kể không phải có được cái kết cuối cùng mà xen lẫn giữa cái rõ ràng với cái không cụ thể đã tạo ra sức hấp dẫn cho cuốn tiểu thuyết. Kể lại câu chuyện theo mạch tâm trạng vì thế thời gian trần thuật ở đây chủ yếu là thời gian tâm trạng. Nhà văn không theo một mạch thời gian tuyến tính nhất định để trần thuật lại câu chuyện mà theo thời gian chủ quan gắn với mạch cảm xúc của người trần thuật. Vì thế có những câu chuyện ám ảnh nhân vật được nhân vật dừng lại khá lâu để phản ánh nhưng có những sự kiện nhân vật lướt qua.

Theo dòng tâm trạng đó có khi thời gian quá khứ được lược kể rất nhanh, qua những biến đổi của kỷ vật thời gian "Nắng, mưa, năm tháng đã xoá nhoà bức hình mà tôi đã cho bỏ vào một tấm lắc bằng sứ"[7.87] làm cho tấm hình Cle'mence không còn được nguyên vẹn như trước nữa. Thời gian đã làm mờ nhoè đi những kỷ vật thuộc về quá khứ. Thời gian có sự chảy trôi nhưng rõ ràng nó không phải được tính bằng ngày, tháng, năm cụ thể mà được cân, đo, đong, đếm qua sự biến đổi của đồ vật. Đến lượt nó, đồ vật chính là sợi dây nối kết những tình cảm, cảm xúc khôn nguôi trong lòng người. Đó là

những lát cắt nhiệm màu của cuộc sống minh chứng cho quãng thời gian cô đơn, thiếu vắng tình yêu thương của anh cảnh sát tư pháp. Chính thủ pháp tỉnh lược thời gian này là một dụng ý nghệ thuật để giảm nỗi đau đang ngự trị trong lòng người.

Hơn nữa, chính do sự chi phối của yếu tố cảm xúc cá nhân cho nên thời gian được trần thuật trong cuốn tiểu thuyết này là kiểu thời không xác định. Với những cụm từ "từ đó", "sau này", "sau đó", đã minh chứng cho những cung bậc tình cảm của nhân vật. Hồi tưởng, nhớ lại quá khứ cho nên quá khứ ở đây không phải là quá khứ cụ thể mà là thời gian của cảm xúc. Việc đan cài thời gian sự kiện trong thời gian tâm trạng đã làm cho khoảng cách quá khứ, hiện tại không được đo bằng đơn vị tính thời gian mà bằng chiều dài tâm trạng. Câu chuyện về các loài hoa của cha xứ Lurant để lại một nỗi ám ảnh tận "sau này" trong cuộc đời anh cảnh sát tư pháp. Vì thế kỉ niệm về cha xứ gắn với câu chuyện các loài hoa như một sự tất yếu để gợi nhớ, gợi quên trong lòng nhân vật. Hình ảnh người vợ vẫn mãi là những dòng thác không bao giờ ngừng chảy dội về miên man trong sâu thẳm trái tim nhân vật. "Hàng ngày" là dấu mốc thời gian vừa cụ thể vừa không xác định, nó gắn với tình yêu thương mà anh giành cho người vợ của mình: "ngày tháng thoi đưa, mùa xuân đã trở lại. Mỗi ngày tôi đến thăm mộ Cle'mence hai lần. Buổi sáng và trước khi chiều buông xuống"[7.235]. Cái chết của Cle'mence là một cú sốc thực sự, một mất mát rất lớn thuộc về thể xác lẫn tâm hồn. "Sau đó bao nhiêu ngày, tôi không nhớ là bao nhiêu. Rồi bao nhiêu đêm. Tôi không ra ngoài nữa. Tôi dao động. Tôi ngần ngại… Tôi say mèm từ sáng chí tối"[7.224] chính tâm trạng ấy đã đẩy nhân vật rơi vào tâm trạng bế tắc, hoang mang, thực sự. Nỗi đau ấy cứ âm ỉ chảy trong lòng nhân vật đẩy nhân vật đi sâu vào bi kịch của sự cô đơn và khát khao hạnh phúc cho riêng mình. Cái chết khép lại tất cả, hiện tại chỉ là cố gắng bám trụ, thời gian là những khoảng lặng để mảnh vỡ kí ức ùa lấp đầy tất cả.

Thời gian tâm trạng trong tác phẩm còn được Philippe Claudel đặt vào các nhân vật khác, tạo ra sự co giãn cần thiết cho tác phẩm. Khoảnh

khắc ông lãnh đạo nhà máy đến trình bày nhã ý thuê ngôi nhà trong Lâu đài ông Kiểm sát trưởng thời gian như chùng lại: "Người kia vòng vo quanh ấm trà, nói chuyện về bi-a trong khoảng mười phút, rồi chuyện săn gà gô, bài bridge, xí gà Havana và cuối cùng là ẩm thực Pháp. Ông ta đã ở đó được bốn mươi lăm phút rồi"[7.46]. Miêu tả khoảnh khắc thời gian chậm chạp dường như ngừng trôi này để diễn tả chứng bệnh sợ cấp trên của con người. Do đó thời gian ở đây được kéo dài ra trong tâm trạng hồi hộp, lo lắng và sợ hãi của con người. Thủ thuật nghệ thuật này làm bật sáng bức tranh tâm trạng của cõi lòng người.

Tiểu thuyết "Những linh hồn xám" đưa người đọc đi từ khoảng thời gian này đến khoảng thời gian khác. Các kiểu thời gian trộn lẫn vào nhau làm nổi rõ bi kịch của con người. Chính dòng thời gian tâm trạng làm cho độc giả có lúc phải dừng lại suy tư cùng chính các nhân vật trong tác phẩm. Mỗi nhân vật đều có những khoảng thời gian riêng để họ sống thật với chính mình. Khoảng thời gian ấy rất yên lặng để cho những cảm xúc rất thật của nhân vật lên hương. Đó là lúc cô gái trẻ Lysia vào các ngày chủ nhật đều lên sườn đồi để viết thư cho người mình yêu ở ngoài chiến trường "ở đó em có cảm giác được gần anh hơn". Đó là ông Kiểm sát trưởng với không gian phòng ngủ, ghế đá trong công viên Lâu đài trở thành nơi ông thu về để sống với tâm tư thật của mình. Đối diện và gặm nhấm kịch bản cô đơn của đời mình. Đó là anh cảnh sát tư pháp với lịch trình bất định, ngày nào cũng đến bên mộ Cle'mence để tâm sự cùng nàng. Nói chuyện với vợ hay chăng đó là cách nhân vật tự độc thoại với bản thân mình để thoát khỏi vòng vây đơn độc và kiếm tìm hơi ấm của sự an ủi hạnh phúc trong cuộc sống. Bởi lẽ dẫu cho thời gian có chảy trôi nhưng tình cảm mà anh ta giành cho vợ vẫn mãi vẹn nguyên trong suốt. Cái chết chấm dứt sự tồn tại, hiện hữu trên đời nhưng trong sâu thẳm trái tim anh ta thì Cle'smence vẫn mãi tồn tại như một ám ảnh không bao giờ nguôi.

Cuộc sống của những con người trong cuốn tiểu thuyết này hết sức buồn thảm cho nên thời gian dường như cũng trôi đi một cách chậm chạp. Họ bất lực trước cuộc đời mình. Họ quay về sống với cảm xúc thật của cá nhân.

Chính điều này làm cho những nỗi đau trong lòng nhân vật trở nên ám ảnh. Sử dụng thời gian quá khứ tâm trạng như là một chiến lược trần thuật đắc lực để qua đó thâu tóm chân dung, số phận, cuộc đời từng nhân vật trong bi kịch cô đơn, những im lặng và mặc cảm tội lỗi và khát khao truy tìm hạnh phúc cho đời mình.

Một phần của tài liệu Những linh hồn xám của philippe claudel từ góc nhìn trần thuật học (Trang 48 - 52)