Điểm nhìn ngoại tụ điểm

Một phần của tài liệu Những linh hồn xám của philippe claudel từ góc nhìn trần thuật học (Trang 35 - 38)

3. ĐIỂM NHÌN TRẦN THUẬT

3.2 Điểm nhìn ngoại tụ điểm

Là điểm nhìn thể hiện vị trí quan sát có tính chất khách quan của người trần thuật. Anh ta/cô ta đứng ở một vị trí nào đó trong không - thời gian bao quát mọi diễn biến của câu chuyện và thuật lại cho người đọc. Đứng ở vị trí của người trần thuật "biết tuốt" nhân vật kể lại toàn bộ câu chuyện. Ở vị trí này, người trần thuật có thể ở ngôi thứ ba không can dự gì vào nội dung câu chuyện hoặc là của tác giả ẩn tàng, dấu mặt luôn cố gắng tái hiện lại sự vật sao cho giống với những gì đã xảy ra. Các nhà lí luận văn học gọi điểm nhìn ngoại tụ điểm này là điểm nhìn trần thuật "biết tuốt". Hay nói cách khác, với kiểu này người trần thuật nắm bắt tất cả mọi thông tin, bao quát được mọi vấn đề của cuộc sống với tất cả mọi góc hình của mình. Đặc biệt sự phát triển của mạch truyện, cũng như số phận, cuộc đời nhân vật được anh ta tái hiện nằm lọt thỏm trong lòng bàn tay. Đây là một trong những dạng trần thuật cơ bản chúng ta thường bắt gặp trong các tác phẩm văn học truyền thống.

Tiểu thuyết "Những linh hồn xám" với điểm nhìn trần thuật bên ngoài người trần thuật đã làm tốt chức năng bao quát cuộc đời của các nhân vật, toàn bộ tiến trình của câu chuyện vụ án, chiến tranh,... Giữ vị trí quan sát đặc biệt ống kính của nhà văn đã xuyên qua mọi lớp cảnh để ghi lại những khoảnh khắc, tình tiết của sự kiện đang được nói tới. Qua đó, nói lên cách nhìn nhận cũng như thái độ của nhà văn. Điểm đặc biệt của tiểu thuyết hiện đại và hậu hiện đại là hạn chế tối đa việc tham gia "trực diện" của nhà văn vào thế giới nghệ thuật mà mình tạo ra. Người đọc khó nhận ra sự xuất hiện của nhà văn trên từng trang giấy, nhưng sẽ rất ngây thơ nếu chúng ta chối bỏ hoàn toàn vai trò của người sáng tạo. Bởi lẽ, bằng một thủ thuật biến ảo nhà văn đã làm một phép hóa thân, trao gửi hình bóng của mình trong hình bóng của các nhân vật. Thế nên có lúc

hình ảnh tác giả thể hiện rõ ràng nhưng có lúc lại mờ nhòe trong "bản sao" của các nhân vật. "Những linh hồn xám" được tái hiện qua dòng tâm trạng của người kể chuyện xưng "tôi" nên gắn với điểm nhìn bên trong của nhân vật. Nhưng nói thế cũng không có nghĩa chối bỏ điểm nhìn bên ngoài của tác giả ẩn tàng. Chính sự dung hòa hai điểm nhìn trần thuật này đã tạo ra nét nghệ thuật đặc sắc cho tác phẩm.

Với điểm nhìn bên ngoài, trước hết nhà văn hướng tới sự bao quát bức tranh thiên nhiên, cảnh vật. Khu thị trấn trước - trong - sau chiến tranh được khắc tạc một cách rõ nét. Không gian này gắn với sự di chuyển của các nhân vật. Nhưng cũng như lòng người toàn màu xám, không gian tác phẩm từ đầu đến cuối đều mang màu sắc ảm đạm và thê lương. Qua điểm nhìn đó, lớp cảnh được tái hiện đó nhà văn muốn nói tới một cuộc sống ngột ngạt, méo mó làm vẩn đục tâm hồn của con người. Làm cho con người sống chỉ là một sự tồn tại không hơn không kém. Khắc tạc nên bộ mặt xã hội thiếu sức sống, ngập tràn sự uể oải chán nản của con người. Điểm đặc biệt khi khái quát thị trấn nhỏ này là nhà văn chỉ cần trao gửi vào một không gian cụ thể để từ đó phóng tầm nhìn ra mọi hướng. Chính cái nhìn đó thể hiện được sự bao quát, làm bật dậy bức tranh toàn cảnh trong "Những linh hồn xám": Công viên có nước bao quanh: ở phía cuối có một con đường mòn là đường tắt giữa quảng trường Tòa thị chính và bến cảng, tiếp đến là con kênh nhỏ mà tôi đã có dịp nói qua… Phía bên kia bờ kênh, người ta thấy những cánh cửa sổ rộng của một tòa nhà cao tầng làm phòng thí nghiệm của nhà máy… Phía bên kia của Lâu đài là một dòng sông"[7.40]. Có lúc ở xa nhưng có lúc người kể chuyện đứng tận cảnh để chộp lấy một góc quay nào đó của cảnh vật, nhà máy- chứng nhân của sự đổi thay cuộc sống, để miêu tả "Rất lớn, với những ống khói to tròn cao chọc trời, từ đó bay lên những cuộn khói và bụi bồ hóng"[9.36]. Người kể chuyện nhìn với cái nhìn có chút gì đó hàm ơn pha lẫn sự chua xót "Thành phố đã thuộc về họ … Sau đó thì phải làm việc thôi"[7.38]. Qua điểm nhìn ấy, nhân vật đã phản ánh được mặt trái của bức tranh xã hội. Nhà máy chính là biểu tượng của sự lên

ngôi, độc chiếm, cầm quyền của giai cấp tư sản đang lên ngôi thống trị lúc bấy giờ. Còn Lâu đài là biểu tượng của sự cô đơn, lạnh lùng, nơi chứa đựng những bí mật chưa được giải tỏa. Với điểm nhìn bên ngoài "Tòa nhà uy nghi nhất thị trấn"[7.38]. Với điểm nhìn của người toàn thông nhà văn đã bày tỏ thái độ, cách đánh giá của mình. Bí ẩn của cảnh vật dung chứa trong đó bí ẩn của con người, vì thế khám phá con người là một công cuộc khám phá không bao giờ có hồi kết.

Ngoài ra, với điểm nhìn ngoại tụ điểm nhà văn đã đi vào miêu tả tận cùng của cái ác. Chỉ qua một lần xử án, nhà văn đã lột trần bản chất của một con người "Điều chắc chắn là một lúc lâu sau, Despiaux thấy lão đại tá lại ra sân… Matziev đẩy ra bằng cách dí gót ủng lên mặt người tù. Thằng nhóc người Bretagne rên rỉ, rồi cậu ta gào thét to lên khi lão đại tá đổ lên ngực cậu một bình đầy nước lạnh"[7.212]. Điểm nhìn ở đây có sự lồng khung vào nhau. Dấu hiệu đặc trưng của kết cấu lồng khung đậm đặc trong tác phẩm này. Bao trùm lên bên ngoài là điểm nhìn của tác giả ẩn tàng. Điểm nhìn nhân vật anh cảnh sát tư pháp thuật lại và điểm nhìn của nhân vật trong cuộc chứng kiến Despiaux. Cái ác được hiện lên nguyên hình một cách rõ ràng, cụ thể, đầy thương tâm như vậy.

Tuy nhiên cũng có lúc cái ác qua điểm nhìn bên ngoài lại là sự mập mờ giữa hai làn ranh thật - giả. Destinat là người thi hành lệnh kết án cho người phạm tội, có thể là người tốt nhưng cũng có thể là kẻ giết người. Với cái nhìn bên ngoài tác giả đã thể hiện sự hoài nghi của chính mình "Tự nhiên có sự soi rọi biến Destinat thành trắng và thằng nhóc người Bretagne thành đen. Như thế đơn giản quá. Một trong hai người là kể sát nhân, chắc chắn là thế"[7.191]. Chính việc sử dụng điểm nhìn này nhà văn thực sự đã trao quyền đồng suy nghĩ cho độc giả. Vì lẽ thế câu chuyện này không chỉ đặt ra cho các nhân vật trong tác phẩm mà cho tất cả mỗi chúng ta cùng suy ngẫm. Điểm nhìn ngoại tụ điểm đã biểu đạt thành công cái nhìn khách quan của nhân vật. Qua đó làm cho bức tranh cuộc đời, số phận hiện lên một cách rõ ràng, cụ thể qua từng trang viết.

Một phần của tài liệu Những linh hồn xám của philippe claudel từ góc nhìn trần thuật học (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(112 trang)
w