Thủ pháp đồng hiện thời gian

Một phần của tài liệu Những linh hồn xám của philippe claudel từ góc nhìn trần thuật học (Trang 52 - 56)

2. THỜI GIAN ĐƯỢC TRẦN THUẬT

2.3 Thủ pháp đồng hiện thời gian

Nếu tiểu thuyết truyền thống chủ yếu chú ý tới thời gian lịch sử, thời gian biên niên của sự kiện thì tiểu thuyết hiện đại các nhà văn lại lưu tâm nhiều hơn tới thời gian trần thuật: thời gian bị xáo trộn giữa quá khứ và tương lai. Chẳng hạn một người đang giải quyết một tình huống trong hiện tại bất chợt gợi nhớ trong lòng anh ta một sự kiện nào đó xảy ra trong quá khứ. Vì thế để tái hiện được nội dung câu chuyện bắt buộc nhà tiểu thuyết phải đan cài hai khoảnh khắc thời gian ấy song hành với nhau. Đây chính là một thủ thuật xử lý thời gian mà các nhà tiểu thuyết gọi bằng cái tên: thủ pháp gián ghép điện ảnh. Thủ pháp này tạo ra được sự đồng hiện thú vị về thời gian. Sự lên ngôi của những cuốn tiểu thuyết đi vào khám phá những chuyển vi bí ẩn vô cùng phức tạp và sinh động trong thế giới nội tâm con người thay cho việc nghiêng về miêu tả hành động như tiểu thuyết truyền thống. Đặc biệt là trong hàng loạt các cuốn tiểu thuyết theo khuynh hướng dòng ý thức, dòng tâm tư xuất hiện sau này là minh chứng cho một hệ quả tất yếu của thời đại - thời đại đã làm tan chảy những những ảo tưởng về một trật tự, đánh dấu sự lên ngôi và thống trị của chủ thể cái tôi cá nhân. Con người quay về với chính bản thân mình về với phần tự nhiên nhất của con người để bóc tách, miêu tả và tìm được ở đó một triết lý nhân sinh hòng đối thoại lại với những mất mát của thực tiễn. Do đó xáo trộn, đồng hiện thời gian trong tiểu thuyết hiện đại là một phương thức chuyển tải linh hoạt và sâu sắc thế giới nội tâm của con người.

Văn học trong dòng chảy của thế kỷ 21 có xu hướng đặt con người vào trong mối quan hệ đa chiều, biện chứng nhằm khám phá chiều sâu nội tâm với tất cả những cung bậc cảm xúc của con người. Không ít các nhà văn trong quá

trình sáng tạo đã đưa vào trong tác phẩm của mình câu hỏi về giá trị con người? Cái đích mà con người hướng đến trong cuộc đời?... Vì vậy cùng với cách trả lời các câu hỏi đó họ đã có cách xử lý không - thời gian phù hợp nhằm tạo ra hiệu quả thẩm mĩ cao cho tác phẩm. Đồng thời sử dụng thủ pháp dòng ý thức cũng là cách để nhà văn đi sâu vào thế giới phức tạp của con người.

Điểm nổi bật của tiểu thuyết "Những linh hồn xám" là thủ pháp đồng hiện thời gian. Ở đây thời gian trần thuật có quan hệ chặt chẽ với thời gian được trần thuật. Sự đồng hiện đan cài giữa quá khứ và hiện tại, mộng mơ và thực tại, sống và chết... đã góp phần làm nổi bật những những mảng sáng - tối trong đời sống của con người.

Tác phẩm mở đầu bằng cái nhìn hiện tại, từ đó quá khứ hiện về với đầy đủ những cung bậc và sắc màu của nó. Không rõ ràng, cụ thể, tác phẩm bắt đầu khi nhân vật "tôi" quyết định cầm bút vì "dẫu sao tôi cũng phải cố nói. Nói ra điều giày vò tôi từ hai mươi năm nay. Những lúc hối hận và những câu hỏi lớn. Tôi phải lấy dao mổ điều bí mật như mổ bụng, phải thọc tay sâu vào đó ngay cả khi chẳng có gì thay đổi cả"[7.17] cho tới lúc toàn bộ câu chuyện được tái diễn rõ ràng, cụ thể trên từng mặt giấy, nghĩa là người trần thuật đã hoàn tất một quá trình, nhiệm vụ của mình "Thế đó. Anh không còn gì để nói. Anh đã nói hết mọi chuyện, đã thú nhận hết mọi tội lỗi. Đã đến lúc rồi"[7.300]. Khoảng thời gian người kể chuyện kể lại toàn bộ câu chuyện theo dòng hồi ức của mình này ta biết được không phải là dài nhưng cũng không là quá ngắn để câu chuyện trở nên tản mạn, lan man. Còn thời gian được trần thuật lại được miêu tả bằng một khoảng thời gian rất dài từ khi bắt đầu cuộc đại chiến lần thứ nhất đến năm 1937 khi nhân vật tôi ngừng kể và giơ khẩu súng cạcbin lên chấm sự tồn tại của mình.

Với kỹ thuật dòng ý thức thì kí ức được xem chất keo gắn kết hiện tại với quá khứ. Trong "Những linh hồn xám" Philippe Claudel đã xây dựng hiện tại trong sự hồi tưởng về quá khứ và tái hiện quá khứ trên nền tảng hiện tại. Giữa hai chiều hiện tại và quá khứ có sự đảo lộn, tung hô giữa các chương và ngay cả

trong cùng một chương của cuốn tiểu thuyết. Đọc "Những linh hồn xám" người đọc luôn nhận thấy sự vận động của thời gian theo dòng chảy ký ức. Quá khứ là không gian rộng lớn bao trùm lên cuộc đời nhân vật, nhân vật sống trong miền quá khứ nhiều hơn so với hiện tại. Thế nên tính cách, con người, bi kịch của nhân vật cũng được soi sáng trong chiều quá khứ. Quá khứ trở thành nơi lưu giữ những mặc cảm ăn năn, khát khao hạnh phúc, tình yêu của các nhân vật trong tác phẩm này.

Hiện thực nhiều lúc bị mờ nhòe trước hình ảnh của quá khứ bởi nhiều lúc thời gian hiện tại được sử dụng như một điểm tựa để làm rung bật hành động của nhân vật trong quá khứ. Vì thế, nó làm cho tâm lý nhân vật hiện lên một cách vô cùng rõ nét và sinh động làm nổi bật bi kịch cuộc đời. Thật khó để có thể tách biệt quá khứ - hiện tại trong câu chuyện của nhân vật anh cảnh sát tư pháp. Bởi đang đứng ở tọa độ hiện tại nhưng chỉ một chút kỉ niệm nào đó thuộc về quá khứ dội về cũng đủ thức dậy trong lòng nhân vật những dư ba. Một nét đặc biệt trong hành trình "hồi cố" của "tôi" đó là nhân vật luôn sự dụng thủ thuật nhảy cóc từ sự kiện này sang sự kiện khác, từ câu chuyện nọ sang câu chuyện kia. Chỉ một chút móc nối thôi nhưng cũng đủ để nhân vật thả trôi câu chuyện mình đang kể để nói về dòng thác quá khứ đang dội về trong lòng ngực. Dễ hiểu vì sao trong cùng một chương không chỉ là sự đồng hiện, lẫn lộn của thời gian mà còn lẫn lộn của các câu chuyện kể. Điều này làm cho tác phẩm có những mảng đứt gãy sự kiện, tình tiết khơi gợi trí tò mò của độc giả. Ví như trong chương 8 đang nói về thanh tra Matziev nhân vật lùi về quá khứ trong câu chuyện về người cha của mình và căn nhà cũ bỏ hoang để làm cơ sở vững chắc tái hiện bức chân dung cũng như con đường thăng tiến của ngài thanh tra. Cũng trong chương này có khi nhân vật đứng ở thời điểm hiện tại để nói lên suy nghĩ tâm trạng của bản thân có lúc thời gian chùng lại trong hồi ức về cô bạn cũ Jose'phine, về nghề nghiệp tuổi tác cũng như nghề nghiệp của người phụ nữ này. Có thể nói Jose'phine chính là hiện thân của bi kịch mất mát, thiếu tình thương và cô độc. Và rồi trong những đoản chương kế tiếp quá khứ - hiện tại

đan cài vào nhau theo dòng tâm trạng của nhân vật và đẩy nhân vật đi sâu hơn vào nỗi ảm đạm của cuộc đời, số phận và một câu chuyện đã qua.

Hai mươi bảy chương ngắn ngủi, sự kiện tương đối đơn giản: chiến tranh, vụ án mạng, chết chóc.Nhà văn đã đan cài trong câu chuyện về chiến tranh một loạt các câu chuyện liên quan khác. Và đằng sau sự móc nối tài tình ấy là nghệ thuật xử lý thời gian điêu luyện của nhà văn, ông đã để lại một nốt lặng trầm tư có khi vật vã trong lòng người. Thả trôi câu chuyện theo mạch cảm xúc của nhân vật, Philippe Claudel đã tạo ra một giọng kể khá linh hoạt cho tác phẩm. Quá khứ - hiện tại không bao giờ đồng nhất trên một đường thẳng nhưng có sức chi phối mạnh mẽ đến sự tồn tại của mỗi chúng ta. Dễ hiểu vì sao sống với hiện tại nhưng nhân vật luôn bị kéo lê về quá khứ để tra vấn "Bây giờ tôi phải trở lại một buổi sáng năm 1917"[7.117]; "Tôi viết. Thế thôi. Viết như là một cách tôi tự nói với chính mình"[7.92]. Ranh giới hiện tại - quá khứ quả thực vô cùng mỏng manh. Tác phẩm vì thế là dòng chảy miên man không dứt của những khoảnh khắc thuộc về quá khứ. Hiện tại là cái có thực nhưng bị co gọn tới mức tối đa nhường chỗ cho quá khứ hiện về trú ngụ và chiếm lĩnh. Anh cảnh sát tư pháp sống với hiện tại nhưng luôn tìm mọi cách để để được quay về quá khứ và ẩn mình trong đó, sống chung với những niềm vui, nỗi buồn của đời mình. Vì lẽ đó, sử dụng thủ pháp đồng hiện thời gian là cách nhà văn đẩy nhân vật của mình đi sâu vào sự nhận thức bi kịch của thời gian.

Với "Những linh hồn xám" Claudel đã nối liền quá khứ với hiện tại, ý thức và tiềm thức,... để qua từng nhân vật nhà văn thể hiện số phận con người nói chung. Nhân vật trở về miền dĩ vãng, sống với một thời kỳ lịch sử tối tăm, lật giở vụ án mạng đã ngủ yên và chấp nhận sống chung với nhịp thở chậm chạp của quá khứ, hiện tại và tương lai lúc này vô hình chung cũng đã trở thành một kiểu quá khứ thứ hai trong cuộc đời nhân vật. Vì thế, hiện tại có thể được xem là lớp thời gian không có thật, nó tồn tại mơ hồ và dễ dàng tan biến, ngắn ngủi nhỏ nhoi như chính vòng sinh mệnh của con người. Có thể nói sử dụng thủ pháp đồng hiện thời gian là cách nhà văn muốn giải thích với người đọc nguồn

gốc gây nên bi kịch và khẳng định tính cách của con người. Với thủ pháp này nó có khả năng đưa con người sống trong nhiều thời điểm khác nhau cùng một lúc. Chính sự xáo trộn thời gian làm cho thời gian như chiếc lò xo khi thì được kéo giãn tới mức tối đa khi thì nén chặt để bất chợt làm bật tung lên trong sự gioa thoa giữa hai miền kí ức - thực tại đã lên tới đỉnh điểm. Nhờ thủ pháp nghệ thuật này, tác phẩm là một chỉnh thể luôn hoạt động, biến đổi theo bước chuyển của thời gian còn bạn đọc luôn được sống trong những cảm xúc bất ngờ, ý vị đối với những sự kiện, biến cố trong truyện tạo nên.

Thời gian nghệ thuật là yếu tố đặc biệt quan trọng trong nghệ thuật kể chuyện và xây dựng nhân vật. Đây cũng là nét đặc trưng cơ bản của tiểu thuyết khi cần phân biệt với các thể loại khác. Do đó, bên cạnh việc đổi mới đề tài, các nhà văn luôn có ý thức đổi mới nghệ thuật xử lý thời gian trong tác phẩm. Trong sự đổi mới đó thủ pháp đồng hiện thời gian được khá nhiều nhà văn khai thác và sử dụng thành công. Qua đó, tạo ra kênh giao tiếp đặc biệt hấp dẫn giữa nhà văn và bạn đọc. Văn chương không chỉ cần mà còn rất cần có những cuộc thử nghiệm phải chăng cách xử lý thời gian như trên là một thử nghiệm của nhà văn Philippe Claudel và các nhà văn cùng thời? Qua cách xử lý đó họ đã bộc lộ được thái độ và quan niệm của mình đối với vấn đề đang tái hiện.

Một phần của tài liệu Những linh hồn xám của philippe claudel từ góc nhìn trần thuật học (Trang 52 - 56)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(112 trang)
w