Diễn ngôn tả

Một phần của tài liệu Những linh hồn xám của philippe claudel từ góc nhìn trần thuật học (Trang 72 - 74)

1. DIỄN NGÔN TRẦN THUẬT

1.1.2 Diễn ngôn tả

Nếu kể giúp chúng ta nắm bắt được linh hồn, nội dung câu chuyện thì ngược lại diễn ngôn tả là một sự phóng bút của nhà văn để làm cho câu chuyện có được "độ mềm" cần thiết. "Những linh hồn xám" chạm tới được trái tim người đọc là nhờ một phần thủ pháp nghệ thuật ấy.

Trước hết diễn ngôn tả được dùng để miêu tả bức chân dung của nhân

vật. Chỉ vài nét khắc họa đủ khắc tạc nên cả hình hài lẫn nội tâm con người. Destinat qua ngòi bút của nhà văn hiện lên "Ông đã hơn 60t và đã về hưu cách đó một năm. Đó là một cao, thân hình khô khốc, giống con chim lạnh lùng, uy nghi và xa vời. Ông ít nói. Một người rất ấn tượng"[7.18]. Năm câu văn đủ để người đọc hình dung chân dung của một con người cô đơn, lạnh lùng, bí ẩn. Một Lysia qua ngòi bút miêu tả của nhà văn là bật thoát chân dung của một người con gái giản dị, thanh thoát. Đó còn là hình ảnh của thẩm phán Mierck với cái mông to bự. Một cách rất độc đáo, ngôn ngữ tả đã làm tròn sứ mệnh ghi lại những gì chân thật nhất những gì là tất yếu. Bên cạnh đó tả còn nhằm nói lên bức tranh tâm trạng của con người. Không gian thành phố sau cái chết của Lysia u buồn, vắng lặng như khoét sâu vào nỗi đau con người "Đường phố vắng tanh. Những bà ngồi lê đôi mách, những ả miệng lưỡi đĩ điếm, những mụ già ba hoa bốc phết luôn tìm cách nói xấu người khác nay ngồi nín thinh trong nhà. Trong các quán nhậu, đàn ông uống rượu mà không nói nửa lời"[7.108]. Nhưng chính thủ thuật tả gắn liền với điểm nhìn của nhân vật xưng "tôi" cho nên không gian được miêu tả cũng mang đậm yếu tố chủ quan của người trần thuật. Một hình ảnh thị trấn vào buổi sớm mai cũng mang đậm màu sắc tâm trạng của tác giả "Lúc 7h, tôi đẩy cửa ra. Cảnh vật trong như một cửa hàng

bánh ngọt… Bầu trời lè tè đề nặng lên sườn đồi và nhà máy"[7.135]. Chính lòng người đầy ưu tư đã dệt nên bức tranh ngoại cảnh mang đậm màu sắc u buồn. Nhà văn đã dùng sức bật của ngoại giới để tạo khung nền diễn tả thế giới nội tâm của con người. Từ đó dễ hiểu vì sao tác phẩm mang một màu xám ngoét của tâm hồn lẫn cảnh. Con đường dẫn ra chiến trường được miêu tả đầy cảnh chết chóc và ly tan "đường xá bị cày xới như một tổ kiến bất tận được nhuộm màu xám trông như một chòm râu trải dài. Cuối cùng thì tiếng đạn pháo không còn ngớt nữa, đêm cũng như ngày "[7.78]. Với việc sử dụng biện pháp so sánh đoạn văn gợi lên cảnh hoang tàn, sầu thảm, đổ nát. Thành phố không phải là trung tâm của cuộc đọ súng nhưng thế cũng đã đủ phản ánh sức tàn phá, ảnh hưởng của cuộc chiến mang lại. Hình ảnh tiêu điều, xác xơ, buồn lặng khi cuộc chiến đã đi qua "bệnh viện ít bệnh nhân đường phố ngày càng thưa thớt. Các quán cà phê ít khách vãng lai hơn" [7.239] như khắc sâu thêm sức ám ảnh, kéo dài dai dẳng của bi kịch.

Sử dụng diễn ngôn tả còn là cách nhà văn thâm nhập vào thế giới nội tâm nhân vật. Rung lên hồi chuông về giá trị nhân cách của con người. Cảnh tra tấn thằng nhóc người Bretagne nói lên trái tim máu lạnh của hai kẻ cầm quyền. Với việc di chuyển diễn ngôn miêu tả từ người kể chuyện xưng "tôi" sang "tôi" tiếp sức khác và người kể chuyện ẩn tàng đã làm cho quá trình xét xử vụ án được nhìn với nhiều chiều kích khác nhau. Cho nên những lời nhận xét, đánh giá, bình luận, miêu tả không còn là những diễn ngôn mang tính chủ quan của một cá nhân riêng lẻ nào đó nữa. Hiện thực xã hội với những mảng màu tối, xám được tái hiện một cách đầy đủ nhờ lối trần thuật độc đáo như thế.

Với việc miêu tả những gì diễn ra xung quanh cuộc sống của nhân vật, gói gọn trong thành phố gắn với nhà máy, trường học, bệnh viện,... tác giả làm cho giá trị hiện thực của tác phẩm tăng lên gấp bội. Một diễn ngôn tả giàu hình ảnh đã góp phần không nhỏ trong việc lưu giữ những khoảnh khắc, bi kịch, cảnh đời, số phận và hơn hết là nỗi đau của thời đại chiến. Một cuộc sống với những mảng màu sáng - tối, những số phận con người hiện lên trong không gian đó tái hiện thành công bức tranh đa màu về cuộc đời.

Không dừng lại ở đó, nét độc đáo trong diễn ngôn tả của Philippe Claude là nhà văn đã đan cài lời tả với lời bình luận "Hoa Bìm Bìm, Cle'lis, Lysia như ba sự hiện thân của một tâm hồn, tâm hồn này mang lại cho ba người một nụ cười y hệt, một sự dịu dàng và nhiệt huyết khác thường. Chỉ một vẻ đẹp thôi, vẻ đẹp đó đến rồi đi, sinh ra và bị tàn phá, xuất hiện và biến mất. Ta sẽ thấy chóng cả mặt khi họ đứng bên nhau. Nhìn người này đến người kia mà chỉ nhận ra một người. Có cái gì đó tinh khiết và quỷ quái, một sự pha trộn giữa thanh thản và khiếp sợ. Cơ hồ có thể tin rằng, trước sự ổn định như thế, cái đẹp luôn luôn ở lại, cho dù chuyện gì xảy ra, bất chấp cả thời gian, và rằng cái gì đã từng như thế sẽ trở lại như thế" [7.286-287]. Đọc đoạn văn này người đọc cảm nhận và vỡ lẽ ra những thắc mắc và băn khoăn còn khắc khoải trước đó. Hoa Bìm Bìm - Cle'lis - Lysia ba bức hình hiện thân cho cái đẹp hoàn hảo, vẹn toàn mà Destinat không thể níu giữ lại bên mình được. Ba là một, một là ba như trò đùa của số phận. Từ đó mở ra trong lòng người đọc cái nhìn khắc khoải cho sự tồn tại của cái đẹp trước cuộc đời. Hình ảnh ba người con gái hội tụ dưới ngòi bút tài hoa của Philipe Claudel là hiện thân cho những vẻ đẹp vẹn toàn mãi ám ảnh lòng người. Nói tóm lại, diễn ngôn tả mặc dù chiếm giữ vị trí khá khiêm tốn trong tổng quan diễn ngôn người kể chuyện song nó đã góp phần tạo đà rất lớn để nhà văn nói lên suy tư của mình. Nó lướt qua từng sự kiện, chi tiết trong tác phẩm như một sự tình cờ nhưng chỉ chút nhấn nhá ấy thôi cũng đủ tạo điểm dừng cho câu chuyện. Không nhẹ nhàng bay bổng của sự lãng mạn mà tất cả đều trầm tư trong những phút suy nghiệm, băn khoăn trong thế giới tâm hồn phức tạp của nhà văn. Lời tả vì thế nhìn ở một phương diện nào đó đã làm rung bật chiều sâu giá trị của tác phẩm. Chiến tranh, cô đơn, lạnh lùng, bí ẩn, bi kịch về sự tồn tại của cái vĩnh hằng trong "Những linh hồn xám" thực sự hấp dẫn mỗi chúng ta.

Một phần của tài liệu Những linh hồn xám của philippe claudel từ góc nhìn trần thuật học (Trang 72 - 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(112 trang)
w