Điểm nhìn nội tụ điểm

Một phần của tài liệu Những linh hồn xám của philippe claudel từ góc nhìn trần thuật học (Trang 31 - 35)

3. ĐIỂM NHÌN TRẦN THUẬT

3.1 Điểm nhìn nội tụ điểm

Văn học bước sang thế kỷ hai mươi, do nhu cầu đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật nên đã diễn ra nhiều sự thay đổi xung quanh vấn đề người trần thuật và điểm nhìn trần thuật. Để tạo ra tính khách quan cho nội dung những câu chuyện kể, các nhà văn đã sử dụng biện pháp "gửi điểm nhìn" sang các nhân vật và tạo nên sự đa dạng hóa của điểm nhìn. Người trần thuật ở dạng ngôi thứ nhất là một trong những cơ sở để cho tiểu thuyết có hiện tượng đa điểm nhìn. Và một trong những dạng thức đầu tiên, tiêu biểu nhất gắn với hình tượng trần thuật ngôi thứ nhất là điểm nhìn nội tụ điểm. "Những linh hồn xám" tạo được

ấn tượng với người đọc khi nhà văn xây dựng hình tượng trần thuật ngôi thứ nhất gắn với điểm nhìn hướng nội. Tức nhân vật nhìn nhận cuộc sống, phản ánh hiện thực, khám phá người khác cũng như bản thân mình từ cái nhìn bên trong của bản thân. Đây chính là cách nhân vật tự bộc lộ mình, cái tôi trải nghiệm cũng như chiều sâu tâm trạng, cảm xúc riêng.

Mặt khác, chính hiện tượng đa biến, lồng truyện như đã nói ở trên nên điểm nhìn hướng nội trong tác phẩm này được biểu hiện rất đa dạng. Nhất là khi cái "tôi" trần thuật không chỉ giao cho riêng mình anh cảnh sát tư pháp mà đó còn là những cái tôi tiếp sức khác cùng tham gia. Không tách riêng thành kiểu cố định, kiểu tụ điểm biến đổi hay kiểu tụ điểm đa tầng mà "Những linh hồn xám" điểm nhìn hướng nội được thể hiện hết sức đa dạng, nhiều tầng, nhiều vẻ qua đó làm bật lên đề tài, chủ đề của tác phẩm.

Trước hết điểm nhìn trần thuật trong tác phẩm được nhà văn trao gửi vào cái tôi nhân vật chính. Đóng vai trò là người dẫn dắt, đưa câu chuyện phát triển nhân vật này đã bộc lộ một cách chân thành suy nghĩ của bản thân qua dòng hồi ức, tâm sự của chính mình. Câu chuyện của mình hay là của người khác đều được nhân vật tái hiện một cách sống động. Với cái tôi đóng vai trò trần thuật chính kể lại câu chuyện của chính mình, thị trấn nhỏ nên điểm nhìn của nhân vật ở đây gắn với điểm nhìn bên trong. Với vụ án mạng anh cảnh sát tư pháp đóng vai trò là thành viên quan trọng tham gia vào quá trình điều tra vụ án mạng nên anh ta mang điểm nhìn của người trong cuộc, biết tuốt "Tôi còn nhớ cái chăn rộng mà người ta đắp lên thi thể của cô bé và bị thấm nước ngay"[7.25]. Nhưng càng tham gia vào cuộc điều tra nhân vật càng bị đẩy sâu vào hoàn cảnh vô cùng bi đát. Vì vụ án mà anh để vợ rơi vào tình cảnh thương tâm, vì vụ án anh trở nên hoài nghi với lòng tốt của con người. Quá trình làm sáng tỏ vụ án đẩy nhân vật rơi vào tình trạng lưỡng phân liệu ông Kiểm sát trưởng thực là người tốt hay xấu? Bao bọc bên ngoài vẻ lạnh lùng, cô đơn là một trái tim nồng nàn tha thiết trong tình yêu chân thành hay là một trái tim vì ích kỷ cá nhân mà trở nên tàn ác vô nhân tính? Rõ ràng với cái nhìn của người trong cuộc nhân vật "tôi" đã nói lên được những trăn trở, suy tư của mình. Sự rối rắm của vụ án hay chăng chính là những gấp khúc mà con người thời đại nào cũng phải tìm cách tịnh tiến qua.

Hơn hết, anh cảnh sát tư pháp còn là người sống với một tình yêu và khát khao hạnh phúc cháy bỏng. Nếu ông Kiểm sát trưởng sống trong sự cô độc và lấy hình bóng của vợ mình làm nguồn an ủi, nhựa sống cho bản thân thì đến lượt mình nhân vật này cũng đã lấy hình ảnh của Cle'mece làm sức bật cho sự chống đỡ nỗi đau bi kịch cô đơn giữa cuộc đời. Với nhân vật này vợ là tất cả niềm vui, hạnh phúc cho nên anh luôn phải đối diện với mặc cảm rằng mình chính là nguyên do đẩy tới cái chết của người vợ. Không chỉ ám ảnh mà những ảo ảnh về Cle'mence cứ không ngừng dội về làm tê buốt trái tim. "Tục huyền" để giữ trọn hình ảnh của người vợ trong trái tim là minh chứng cho một tình

yêu vừa nồng nàn vừa chung thủy, đắm say. Từ điểm nhìn của một người chồng giành cho vợ cho ta thấy thế giới tâm hồn luôn biến động của nhân vật "Mỗi ngày tôi đến thăm mộ Cle'mence hai lần... Tôi nói chuyện với nàng. Tôi kể cho nàng nghe những thời khắc cuộc đời tôi như thể nàng vẫn ở bên cạnh tôi. Tôi nói với nàng bằng giọng hàn huyên thường nhật, bằng giọng nói để cho ngôn ngữ tình yêu không cần phải văn hoa kiểu cách để rạng rỡ ngời ngời"[7.235]. Người kể chuyện bậc một nhìn từ phương diện này là nhân vật tiêu biểu cho kiểu nhân vật khát khao truy tìm hạnh phúc trong tác phẩm. Như vậy, điểm nhìn của anh cảnh sát tư pháp là điểm nhìn của người trong cuộc, của những suy tư trăn trở, ám ảnh và những cảm xúc chân thành nhất từ trái tim.

Bên cạnh đó, Lysia - người con gái trẻ trung, xinh đẹp cũng thể hiện số phận đáng thương và khao khát hạnh phúc qua điểm nhìn của chính mình. Thế giới nội tâm của nhân vật được hiện lên một cách đầy đủ qua thế giới ngôn từ mà cô gửi cho người mình yêu thương. Từ điểm nhìn của chính cô gái ta hiểu được con người cô, lý do cô đến đây dạy học và những tâm sự, nỗi lòng của cô giáo trẻ. Điểm nhìn của Lysia có sự vận động và chuyển đổi theo dòng thời gian. Ban đầu cô nhìn cuộc sống tràn ngập màu hồng với bao ước mơ, hi vọng, niềm vui "Em rất nhớ anh. Nhưng khi biết anh đang ở gần em, biết hai chúng ta đang hít thở cùng không khí, trông thấy cùng những đám mây, cùng một bầu trời, em cảm thấy mình mạnh mẽ tự tin hơn"[7.264], "Ở đây em lại thiết tha với nghề nghiệp mới của mình"[7.267] nhưng càng ngày ánh mắt cô trông về phía bên kia ngọn đồi đượm vẻ u buồn hơn, bi quan và chán chường trong sự chờ đợi mỏi mòn "Em khổ lắm anh biết không"[7.277], "Mỗi ngày không có anh tất cả đều đau khổ"[7.279]. Điểm nhìn này bị chi phối bởi thế giới nội tâm đầy sự xáo động của nhân vật. Hi vọng và tuyệt vọng trong tình yêu đã đẩy nỗi đau của nhân vật lên tới đỉnh cao.

Dẫu cái nhìn bên trong nhân vật được tự do bộc lộ mình làm cho câu chuyện kể trở nên chân thật. Song để vượt thoát khỏi tầm nhìn chủ quan của một cá nhân riêng lẻ, Philippe Claudel còn để cho nhân vật được hiện lên

một cách cụ thể, rõ ràng qua cái nhìn của các nhân vật khác. Đây là cách lựa chọn của tác giả nhằm khắc phục hạn chế điểm nhìn, hạn chế tính cá nhân, chủ quan của một cái "tôi" duy nhất. Vì thế tạo ra hình tượng người trần thuật với nhiều điểm nhìn vừa khắc phục được những hạn chế đó vừa làm cho cấu trúc văn bản tự sự đan cài nhiều câu chuyện kể thêm phần chặt chẽ. Cùng nhau thể hiện một nội dung nhưng soi chiếu từ nhiều điểm nhìn là cho câu chuyện trở nên chân thật và sinh động. Câu chuyện về tình yêu, chiến tranh, con người được hiện lên sắc nét qua cái nhìn đa chiều của người trần thuật. Destinat qua cái nhìn của anh cảnh sát tư pháp thôi chưa đủ mà chân dung của kẻ suốt đời mang hình hài cô đơn, lạnh lùng, bí ẩn còn được thể hiện qua bà giúp việc Barbe "Ngay khi con bé vào ở trong nhà, người ta thấy ông ấy đã thay đổi hẳn"[7.82]; Qua cô gái trẻ Lysia "Đó là một người cô đơn, già cả và lạnh lùng"[7.267]; Qua điểm nhìn của ông thị trưởng trong lần cùng Lysia đến mượn ngôi nhà nhỏ trong Lâu đài "Một sự vĩnh cửu và thêm một sự vĩnh cứu lớn lao nữa"7.76]. Những điểm nhìn cùng hội tụ làm bật thoát thế giới cô đơn đang ẩn chìm trong con người cô độc.

Không chỉ thế các nhân vật còn hướng điểm nhìn của mình về sự kiện chiến tranh. Với nhân vật "tôi|" và người dân thành phố thì nhìn với cái nhìn thờ ơ, dửng dưng "Chiến tranh không dự phần thế giới của chúng tôi là mấy. Như phim ảnh vậy"[7.147]; Cô gái Lysia thì nhìn với cái nhìn vừa quan tâm vừa nghi vấn "Chủ nhật nào em cũng thế, em thường trèo lên lưng đồi. Ở đó có một đồng cỏ mênh mông và có thể thấy toàn cảnh chân trời... Ở đó có thể thấy những đám khói mù đen, những vụ nổ long trời lở đất"[7.269], "Chiến tranh sẽ kéo dài bao lâu nữa"[7.269]. Mỗi người nhìn về cuộc chiến với một điểm nhìn khác nhau thể hiện được thái độ, quan điểm của họ với cuộc sống nhân sinh của chính mình. Người kể chuyện đã để cho các nhân vật tự do bộc lộ thế giới nội tâm của mình, khám phá cuộc sống qua tiếng lòng của các nhân vật. Với điểm nhìn nội tụ điểm nhân nhân vật thể hiện tiếng lòng của mình một cách thành thật nhất, chủ động bộc lộ cái "tôi" vốn có của mỗi cá nhân.

Như vậy, với điểm nhìn nội tụ điểm - điểm nhìn bên trong Philippe Claudel một lần nữa khám phá chiều sâu thế giới nội tâm của nhân vật. Bóc tách từng mảnh đời, từng dòng tâm trạng ngổn ngang để từ đó chiếm lĩnh được thế giới bề sâu của tâm hồn người.

Một phần của tài liệu Những linh hồn xám của philippe claudel từ góc nhìn trần thuật học (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(112 trang)
w