1. DIỄN NGÔN TRẦN THUẬT
1.2.2 Lời độc thoại nội tâm
Thế giới nội tâm của con người vốn rất sâu sắc và phức tạp. Để khám phá chiều sâu bên trong ấy của con người các nhà văn đã không ngừng thử nghiệm rất nhiều phương pháp. Và một trong những bước tiến hành hiệu quả và tối ưu nhất để chuyển tải được những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ, cảm xúc,.. của nhân vật chính là độc thoại nội tâm. Hơn thế, trong dòng phát triển của tiểu thuyết thì độc thoại nội tâm là một trong những thủ pháp độc đáo đóng vai trò quan trọng
trong phương thức trần thuật của tiểu thuyết hiện đại. Vì vậy nó được xem là thủ pháp nghệ thuật phục vụ đắc lực, hiệu quả cho quá trình tự ý thức của nhân vật. Qua độc thoại nội tâm giúp nhân vật tự bộc lộ đời sống tinh thần của mình, phơi bày những suy nghĩ, cảm xúc thầm kín trong bề sâu tâm hồn. Với độc thoại nội tâm nhân vật có cơ hội để thể hiện mình một cách rõ nét nhất. Hay nói cách khác nhân vật thực sự được sống với bản ngã tự nhiên vốn có nhất của bản thân mình.
Nếu đối thoại chiếm giữ vị trí khá khiêm tốn trong tác phẩm thì độc thoại nội tâm thực sự "lên ngôi" trong cuốn tiểu thuyết này. Điều này chứng tỏ nhà văn muốn xây dựng một thế giới con người với cuộc sống nội tâm phong phú và những trăn trở ẩn sâu trong những góc khuất tâm hồn. Đây là một xu hướng chủ đạo trong phương thức kể chuyện thường gặp của tiểu thuyết hiện đại và hậu hiện đại.
Trên dòng hồi tưởng, nhắc lại một câu chuyện đã qua, nhân vật đã độc thoại với chính bản thân mình. Đó có thể là niềm vui nhưng cũng có thể là nỗi buồn, sự day dứt, ám ảnh. Kiểu nhân vật này chúng ta đã từng bắt gặp trong một số tiểu thuyết như nhân vật M.Berg trong "Người Đọc" của Bernhand Schlinhk hay cô bé Trung Hoa trong tác phẩm "Người Tình" của M.Duras. Chính nhờ độc thoại nội tâm nhân vật đi sâu vào "cái tôi" thực sự của mình để khỏa lấp khoảng trống trong mình nó.
"Những linh hồn xám" đứng ở điểm nhìn của một cái tôi trưởng thành để kể lại câu chuyện: "tôi đã hơn năm mươi tuổi rồi". Vì thế chúng ta nhận ra độ chín chắn, lời khẳng định vững chắc trong từng lời nói, suy nghĩ của nhân vật. Những biến cố, sự việc xảy ra trước đây giờ được nhìn với cái nhìn của người trưởng thành thực sự. Nhân vật quay trở lại với chính bản thân mình để khắc chạm vào mọi ngóc ngách của tâm hồn, suy ngẫm về những việc đã qua: "Nếu ai hỏi bằng phép màu nhiệm nào mà tôi lại biết hết những sự kiện tôi sắp kể, tôi sẽ trả lời là tôi biết, thế thôi..."[7.17]. Chính trong mạch suy nghĩ này, nhận thức này nhân vật có cơ hội lục vấn với chính mình. Toàn bộ câu chuyện về
cuộc đời anh cảnh sát tư pháp, về chiến tranh, án mạng, tình yêu được tái hiện lên một cách rõ nét. Tất cả chúng như một đợt sóng tràn bờ ùa về làm nhói buốt con tim nhân vật "một quãng thời gian đã qua" và bây giờ nhân vật ngồi hồi tưởng lại. Câu chuyện không liền mạch là một điều tất yếu, chắp vá, nối kết là một sự hiển nhiên. Viết để làm gì? Được gì? Có lúc nhân vật đã rơi vào vòng cương tỏa, phân vân như thế: "Tất cả những điều tôi viết để làm gì? Để làm gì những dòng chữ chen chúc nhau như những con ngỗng mùa đông và những ngôn từ tôi khâu vá mà không thấy gì cả"[7.91-92]. Chính những lời đối thoại với chính bản thân mình như vậy càng nhấn mạnh hơn nỗi đau của chính anh ta. Tự đặt câu hỏi để rồi tự tìm cho mình câu trả lời "Tôi viết. Thế thôi. Viết như là một cách tôi tự nói với chính mình"[7.92], bởi nhân vật đang đối diện với chính lương tâm mình. Không trò chuyện, không giao tiếp, hay là không tìm cho mình được một người thực sự hiểu mình giữa vòng đời điên đảo đã đẩy nhân vật đi sâu hơn vào bi kịch của sự cô đơn. Rõ ràng qua những phút lắng lòng như vậy của nhân vật đã đưa người đọc đi vào khám phá bề sâu trong thế giới nội tâm nhân vật, đối diện với những mảng suy tư nghiền ngẫm khác nhau của chính anh ta. Để nhận ra tình cảm, nỗi lòng và cảm nhận được đời sống riêng của con người trong cảnh ấy.
Sử dụng diễn ngôn độc thoại nội tâm, bên cạnh việc để cho nhân vật tự đối diện với chính bản thân mình Philippe Claudel còn có cách thể hiện độc đáo khi ông dẫn thẳng từ lời người kể chuyện sang độc thoại nội tâm của nhân vật.
Vì thế nó tạo nên ngọn sóng dư ba âm ỉ, day dứt không thôi trong lòng người tiếp nhận: "Rồi vừa thổi khói thuốc vừa tránh mặt tôi, ông thầm thì "chị ấy mất quá nhiều máu..." Câu nói của ông lơ lửng trên không như khói thuốc vậy. Câu nói ấy không rơi xuống, không ngưng lại... Và ông bác sĩ tội nghiệp có đôi mắt thâm quầng, râu tua tủa ba ngày chưa cạo cứ rung rung theo từng câu nói... con người này, tự nhiên tôi muốn giết quách cho rồi. Chưa bao giờ tôi muốn được chính tay tôi giết người như lúc này, tôi chắc thế. Giết một cách điên khùng, hung bạo. Giết"[7.187]. Những câu đầu là của người kể chuyện nhưng
ba câu cuối cùng điểm nhìn hoàn toàn rớt vào nhân vật "tôi". Anh ta nói lên suy nghĩ của mình, suy nghĩ dù ác độc nhưng thể hiện được phần người đang dậy sóng trong lòng anh ta. Và có lúc để câu chuyện không hoàn toàn là của nhân vật, để tạo ra giọng điệu khách quan trong suy nghĩ của nhân vật nhà văn đã sử dụng thủ thuật đi từ lời độc thoại của nhân vật sang lời người kể chuyện: "Nhẽ ra tôi đã phải hỏi ông Kiểm sát trưởng nhiều câu. Trong trường hợp chết bạo, tự sát thì phải làm gì, bởi vì phải nói cho ra nhẽ, phải gọi đích danh. Đúng thế, lẽ ra phải như thế. Vai trò của tôi lúc ấy là như vậy mà. Nhưng tôi đã không làm gì cả. Ông đã có thế cho tôi biết điều gì? có thể là không có gì to tát lắm. Còn tôi có lẽ tôi đã tỏ ra ngốc nghếch trước mặt ông.... Ông chính là người đã tìm thấy cô. Khi đang đi dạo, ông nhận ra cửa sổ phòng cô đang mở và trông thấy thi thể. Ông hối hả chạy đến, phá cánh cửa bị khóa trong và rồi... và rồi... Không còn gì nữa. Ông đã bồng lấy cô, đặt lên giường"[7.109]. Chính cách triển khai câu chuyện theo hướng như vậy làm cho tại điểm cuối cùng của câu chuyện người đọc có thể cùng suy nghĩ về những gì mà nhân vật đang suy nghĩ. Tạo ra tư thế chủ động đồng sáng tạo trong lòng bạn đọc tiếp nhận.
Nếu đối thoại thể hiện một phần cá tính của nhân vật thì độc thoại nội tâm mới là gam màu chủ đạo để phơi bày mọi ngóc ngách trong tâm hồn. Là con đường dẫn tới điểm dừng chân cuối cùng trong sâu thẳm trái tim con người. Nhân vật trong tiểu thuyết "Những linh hồn xám" sống với tâm trạng day dứt, trăn trở với những giằng xé trong tâm hồn. Với những câu chuyện của chính mình hay của người khác đều làm nhân vật phải suy tư. Thế nên có những lúc qua độc thoại nội tâm của nhân vật ta nhận ra triết lý của người đó hay chăng đó chính là quan niệm của nhà văn gửi gắm qua tác phẩm. Đó là những triết lý về con người: "Tôi không biết là người ta có thể nói về hoa. Ý tôi muốn nói tôi không biết là chỉ bằng cách nói về hoa thôi mà người ta có thể nói về con người mà không nhất thiết phải nói lên hai chữ con người"[7.174], về chiến tranh: "Và tôi hiểu điều đó: chiến tranh không chỉ giết người hàng loạt mà còn xẻ đôi thế giới và những kỉ niệm của chúng ta, như thể tất cả những gì diễn ra
trước đó đều ở trên thiên đường, trong một chiếc túi cũ kỹ mà không ai dám thò tay vào nữa"[7.58]. Với cách thể hiện triết lý hòa vào lời độc thoại hòa vào dòng tâm trạng của nhân vật nhà văn đã chuyển tải được nhiều hơn những gì ông viết. Chiều sâu tâm trạng của nhân vật được bới tung lên để người đọc đi vào khám phá. Vụ án, chiến tranh, tình yêu, nỗi đau, cô đơn, ... lần lượt bước qua dòng hoài niệm của nhân vật và lắng lại trong đó những khoảng trống trong tâm hồn.
Thành công trong thủ pháp độc thoại nội tâm của tác phẩm chỉ thế thôi chưa đủ. Để giảm sự đơn điệu trong thủ pháp này Claudel còn mượn hình thức viết thư để chuyển tải tới người đọc thế giới tâm hồn của nhân vật. Cùng với nhân vật chính thì cô gái Lysia cũng là người sống với thế giới nội tâm phức tạp của mình. Bao biện bằng vẻ ngoài nhí nhảnh, hồn nhiên, nhiệt huyết là một trái tim ướm máu vì tình yêu. Qua những bức thư mà mãi sau này anh cảnh sát tư pháp mới khám phá ra chúng ta thấu hiểu nỗi lòng cô gái cũng như những tâm tư, nguyện vọng, ước mong cháy bỏng của cô: "hôm nay, như thường lệ vào ngày chủ nhật, em lên sườn đồi, em đến gần anh. Em đã bước đi trên con đường mòn mà không ngửi thấy gì, chỉ thấy đôi mắt của anh, không ngửi thấy mùi hương nằm ngoài mùi hương của anh... anh yêu, lúc đó anh ở đâu? bây giờ anh đang ở đâu? Em đã ở trên đó rất lâu như thường lệ, em không thể rời mắt khỏi chiến trường mênh mông đầy đau khổ..."[7.277-278]. Những bức thư đó là gạch nối để đôi tình nhân tìm được sự an ủi, sẻ chia giữa cảnh bom rơi đạn lạc nhưng cũng chính nó là đầu mối đẩy con người đến tuyệt vọng. Hạnh phúc của con người lửng lơ, ngập ngừng, thả trôi giữa khoảng không vô định là thế. Những khoảng lặng khi đọc những bức thư của cô giáo trẻ phơi bày ra mặt trái của cuộc chiến tranh. Tình yêu và chiến tranh không thể cùng chiến tuyến vì thế nhân vật Lysia mãi sống với nỗi đau của khát vọng hạnh phúc xa vời. Giữa sóng gió cuộc đời con người tìm tới nương tựa vào nhau trong tình yêu nhưng đến lượt mình tình yêu không đủ sức vượt thoát khỏi bàn tay ác nghiệt của sự hủy diệt. Từ đầu đến cuối tác phẩm, từng sự kiện, từng kỷ niệm, từng giọt nước
đã họp thành con sông không tên tuổi trong chiều sâu suy tư của nhân vật. Philippe Claudel đã tạo ra những trang văn hấp dẫn người đọc ở những khoảng lặng ngôn từ, ở màu sắc của những biểu tượng được dệt nên từ những giấc mơ, dòng độc thoại nội tâm về chính mình và cuộc đời.
Độc thoại nội tâm với chiều sâu suy nghĩ có thể gắn kết con người nhưng cũng có thể chia cắt con người. Tạo ra hạnh phúc nhưng cũng có thể đẩy con người vào bi kịch của hạnh phúc. Qua những dòng độc thoại nội tâm của nhân vật nhà văn phơi bày nỗi đau riêng của từng cá nhân con người trước cuộc đời. Với thủ pháp nghệ thuật được xem là "phương thức tự sự trong sáng tác hiện đại"(theo quan điểm của M.H Abrams) độc thoại nội tâm đã thực sự trở thành một phương thức nghệ thuật thể hiện rõ chiều sâu tâm lý con người. Đồng thời tạo ra những điểm sáng trong nghệ thuật trần thuật của tác phẩm. Khi đối diện với chính mình là lúc con người sống thật với bản ngã, cái tôi của mình nhất. Vì thế cùng với phương thức đối thoại, độc thoại nội tâm dòng ý thức đã trở thành thủ pháp thể hiện đầy đủ nhất tính cách, tâm hồn nhân vật. Đây là một hướng tiếp cận, khám phá bề sâu thế giới tâm hồn mà các nhà văn hiện đại đã và đang khai thác.