Giọng ấm ám, dịu dàng

Một phần của tài liệu Những linh hồn xám của philippe claudel từ góc nhìn trần thuật học (Trang 90 - 93)

2. GIỌNG ĐIỆU TRẦN THUẬT

2.2Giọng ấm ám, dịu dàng

Văn học là tấm gương phản ánh trung thành nhất bức tranh đời sống hiện thực. Những tác phẩm văn học được viết ra không bao giờ là sự ''giải khuây" tạm bợ của người nghệ sĩ mà chứa đựng giá trị cho muôn đời và muôn người. Một tác phẩm thực sự có giá trị là khi tác phẩm đó có sự dung chứa của cái tâm nhà văn và số phận của con người. Nhà văn phản ánh đời sống và sáng tạo nghệ thuật theo quy luật của cái đẹp vì thế văn học vừa ''mang được sự thật sâu xa của đời sống bên ngoài đồng thời mang được tâm tình của con người"[26.10]. Nhiều nhà văn để sáng tạo ra đứa con tinh thần của mình họ đã phải khóc, phải cười, đau khổ, hạnh phúc,... cùng với những cung bậc cảm xúc của nhân vật. Trang sách gấp lại, cuộc đời nhân vật, câu chuyện được kể tạm đi vào hồi kết nhưng nhiều nhà văn cứ ngẩn ngơ như vừa kết thúc một chuyện tình dở dang. Do đó để làm tròn sứ mạng của mình nhà văn đã không ngần ngại đưa vào tác phẩm của mình nhiều giọng điệu khác nhau. Một giọng triết lý, chiêm nghiệm thôi chưa đủ, Philippe Claudel còn khai thác giọng ấm áp, dịu dàng để chuyển tải tới người đọc bức thông điệp nhân sinh ý nghĩa.

Nghệ sĩ là người cảm nhận cái đẹp và sáng tạo lại cái đẹp theo quan niệm của mình. Một sự rung động nhẹ về cái đẹp trong cuộc sống cũng đủ để họ xây dựng nên những tượng đài nghệ thuật trong tác phẩm của mình. P.Claudel đã giành những trang văn nhẹ nhàng, sâu lắng nhất để miêu tả về nhân vật Lysia.

Người con gái trẻ đẹp ấy đến thành phố tạo nên một luồng sinh khí mới mẻ cho cuộc sống của con người nơi đây, "một tia nắng thực sự" như chính nhận xét của tác giả. Bằng những câu văn dài như một dòng sông chảy mãi không thôi tác giả đã truyền cho người đọc một cảm nhận về vẻ đẹp tinh khiết, mong manh nhưng có khả năng tạo ra một nguồn sống mãnh liệt. Nhà văn chú ý chộp lấy những khoảnh khắc bình thường nhất của nhân vật để gửi gắm vào đó cái nhìn sẻ chia trân trọng. Chỉ một chi tiết nhặt hạt dẻ cũng được nhà văn miêu tả hai lần: "Cô đã nhìn bầu trời đang cuốn đi những cuộn khói và những đám mây tròn, cô những đám mây tròn, cô dã đi vài bước, nhặt hai hạt dẻ lên rồi vuốt ve chúng như vuốt ve thái dương nóng bỏng của người điên, vuốt ve vầng trán nhợt nhạt, xanh xao như người chết của anh ta, vuốt ve cả những khổ đau của nhân loại, xoa dịu những vết thương hở hoác, thối rữa từ nhiều thế kỷ"[7.70]. Đó chính là biểu tượng của cái đẹp, của tình yêu cuộc sống. Hành động ấy thể hiện niềm trân trọng, nâng niu những vẻ đẹp bình thường đến nhỏ nhoi mà cuộc sống ban tặng cho mỗi chúng ta. Lysia là biểu tượng cho cái đẹp và tình yêu cái đẹp chân thành trong cuộc đời. Sự chân thành, ngọt ngào của "Những linh hồn xám" còn được khai mở qua việc nhà văn đã để cho các nhân vật trong truyện tự bộc lộ tâm tư, thái độ của mình. Đó là tình cảm của "tôi" giành cho vợ của mình trong giờ phút hấp hối, tình yêu của Lysia đối với người mình yêu ngoài chiến tuyến. Cả hai nhân vật này đều lấy tình yêu làm điểm tựa cho cuộc sống. Những ảo ảnh, giấc mơ về Cle'mence vẫn không thôi ám ảnh, day dứt trong lòng nhân vật tôi để làm rung bật lên những cảm xúc chân thành nhất của tâm hồn. Còn Lysia thế giới nội tâm của cô được khắc tạc qua những bức thư cô gửi gắm cho người mình yêu như muốn nhấn mạnh tiếng lòng không nguôi thổn thức của cô gái trẻ. Tác giả để cho nhân vật tự bộc lộ thế giới tình cảm của mình vì thế tạo ra được giọng điệu lạ cho tác phẩm. Những lá thư được viết bằng giọng điệu chan chứa tình yêu thương, gói trọn những cung bậc cảm xúc của nhân vật tạo nên giọng điệu trữ tình ngọt ngào: "Giá như anh biết được em thèm được ngồi vào lòng anh, được thấy nụ cười và đôi mắt của anh. Em muốn

được làm vợ anh. Em mong chiến tranh sớm kết thúc để được làm vợ anh và sinh cho anh những đứa con xinh đẹp, khôi ngô. Chúng sẽ bứt râu anh cho mà xem"[7.266]. Đó là mong ước tốt đẹp và bình thường nhất của tình yêu đích thực. Bằng giọng văn mượt mà như thế đã xoa dịu trái tim đang rỉ máu vì khát khao yêu thương. Dẫu cuộc tình có kết thúc không đẹp nhưng những trang văn như thế này đã góp phần khẳng định vẻ đẹp của tình yêu thời thế chiến.

Cô đơn, khát khao tình yêu, hạnh phúc ngập tràn trên trang viết của nhà văn trẻ này. Để xoa dịu khoảng trống trong tâm hồn, nhân vật đã đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Họ trở về sống với hoài niệm, tìm kiếm quá khứ trong bóng dáng của người khác hay là giãi bày nỗi lòng qua những trang giấy. Thế nên trang văn của Philippe Claudel có lúc chùng xuống trong dòng tâm tư ngọt ngào, trong dòng tâm trạng sâu lắng có lúc lại vút cao trong tình người ấm áp. Ông Kiểm sát trưởng đã được an ủi rất nhiều, hạnh phúc, niềm vui của cuộc sống như được hồi sinh trong bữa ăn tại Lâu đài cùng Lysia. Tái hiện sự kiện đó cùng hai giọng điệu trần thuật khác nhau là một dụng ý của nhà văn để khoả lấp nỗi cô đơn của con người. Con người ta đến với nhau bằng tình người nồng ấm vì thế nó làm cho người gần người hơn, thấu hiểu để rồi đồng cảm và sẻ chia cho nhau. "Sao anh lại quay lại đây chàng ngốc" Khi nào Jóe'phin cũng gọi tôi như thế, từ khi chúng tôi bảy tuổi, nhưng chưa bao giờ tôi hiểu được vì sao"[7.140]. Những lời nói ấy đột nhiên cất lên làm khoả lấp phần nào lạnh giá đang đóng băng trong tâm hồn nhân vật, đưa nhân vật sống lại với một tình bạn đẹp. Hai con người cô đơn, bơ vơ giữa dòng đời vô định gặp nhau và san sẻ cho nhau nỗi đau của mình. Khảo sát giọng điệu ấm ám, dịu dàng trong cuốn tiểu thuyết này chúng ta nhận ra rằng nhà văn giành giọng điệu này để viết về những người phụ nữ. Lysia với tình yêu trong sáng như pha lê, Cle'mence tội nghiệp, đáng thương, Josphin cô đơn trong thế giới "thiên đường" của chính mình, phu nhân De Flers với tấm lòng nhân hậu, Bé Hoa Bìm Bìm ngây thơ vô tội… tất cả hội tụ dưới trang văn Philippe Claudel làm nên thế giới nhân vật phụ nữ đặc biệt cho tác phẩm. Qua đó thể hiện được thái độ trân trọng, cảm

thông, sẻ chia chân thành sâu sắc của nhà văn trước số phận của con người. Tất cả những người phụ nữ đó được nhà văn miêu tả đều đẹp, đẹp vì tình yêu, nhân cách sáng ngời. Nhưng cũng rất đáng thương trong nỗi đau bi kịch của cuộc đời. Họ đều phải chết. Cái chết của họ minh chứng cho sự tồn tại mỏng manh, đơn sơ, dễ vỡ của cái đẹp trước cuộc đời. Chết để giải thoát sự cô đơn và kiếm tìm hạnh phúc ở một thế giới khác làm cho tác phẩm mang một màu xám từ đầu cho tới cuối. Nhưng chính việc dự phần của giọng điệu ấm áp, dịu dàng đã giảm được phần nào màu sắc bi ai của tác phẩm. Thoảng hoặc đâu đó giọng điệu này đã nâng đỡ cho tâm hồn các nhân vật vút cao.

Như vậy, với việc khảo sát kiểu giọng điệu ấm áp, dịu dàng này đã giúp chúng ta thấy được số phận bi kịch của con người. Con người cô đơn trong tình yêu,, giữa cuộc đời, mất mát trong cuộc chiến tranh và khao khát tột cùng kiếm tìm hạnh phúc. Với việc đan cài giọng điệu này đã làm cho mọi ngõ ngách tâm hồn nhân vật được khai mở, người đọc thâm nhập và hiểu rõ hơn màu xám đang bủa vây tác phẩm cũng như linh hồn con người.

Một phần của tài liệu Những linh hồn xám của philippe claudel từ góc nhìn trần thuật học (Trang 90 - 93)