Kết cấu lắp ghép

Một phần của tài liệu Những linh hồn xám của philippe claudel từ góc nhìn trần thuật học (Trang 25 - 28)

2. KẾT CẤU TRẦN THUẬT

2.2 Kết cấu lắp ghép

Phân mảnh, lắp ghép là hình thức trần thuật trượt ra ngoài mọi quy ước của thể loại, là sự lắp ghép của các mảnh vỡ hiện thực, các phiến đoạn khác nhau của đời sống trong tác phẩm nghệ thuật. Ở dạng kết cấu này truyện được viết ra rất tự nhiên, được hình thành bằng cách gián ghép những mảng cốt truyện không theo trình tự thời gian hay quy luật riêng nào. Tác phẩm là sự cộng hưởng, tổ chức ngổn ngang, đảo lộn theo dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Trong tác phẩm văn xuôi theo cách hiểu truyền thống bao giờ cũng là một quá trình tổ chức gồm các phần: trình bày - khai đoạn(thắt nút) - đỉnh điểm(cao trào) và kết thúc(mở nút). Còn tiểu thuyết hiện đại độ căng của cốt truyện được nới lỏng đôi khi còn tới mức hủy diệt cả cốt truyện như truyện ngắn của Thạch Lam nhẹ nhàng như một bài thơ, tiểu thuyết của Kapfka, truyện ngắn của Hêmingway. Các tác phẩm theo cách viết hiện đại được lắp ghép bởi nhiều chương khác nhau nhưng hành động của nhân vật lại ít phát triển nên nó tạo ra độ phẳng của yếu tố kịch tính và độ mờ của truyện. Nó phản ánh một bước chuyển biến của tiểu thuyết hiện đại trong sự giảm nhẹ cốt truyện, hay nói đúng hơn là giảm nhẹ chất kịch, hành động và xung đột trong kết cấu. Hình thức lắp ghép chính là hình thức có khả năng khiến cốt truyện giảm bớt độ căng nhiều nhất. Đọc tiểu thuyết hiện đại ta có cảm giác các nhà tiểu thuyết chộp lấy bất cứ điều gì đến với anh ta một cách ngẫu nhiên rồi vứt những mảnh vỡ rời rạc vào một chỉnh thể tuy không cố kết ở bề mặt nhưng lại vô cùng chặt chẽ ở bề sâu tư tưởng. Cùng với sự lắp ghép ấy là sự di chuyển liên tục của các điểm nhìn trần thuật. Kiểu kết cấu này tỏ ra rất phù hợp với những tiểu thuyết có phương thức trần thuật từ ngôi thứ nhất. Bởi đây là hình thức kết cấu phục vụ đắc lực cho việc đi sâu khám phá thế giới nội tâm với nhiều tầng bậc ẩn sâu trong tâm hồn con người, nhằm khám phá bản ngã bên trong của mỗi cá nhân. Vì thế cuốn tiểu thuyết là một tập hợp những mảnh văn bản trần thuật khác nhau: mảnh suy tư cật vấn, mảnh tâm trạng, chiêm nghiệm, mảnh vô thức, tiềm thức, mảnh triết lý,

suy luận... của cái tôi cá nhân giữa cuộc đời. Hơn thế loại kết cấu này cũng thích hợp cho việc sử dụng những thủ pháp trong nghệ thuật trần thuật như độc thoại nội tâm dòng ý thức, sử dụng giấc mơ lẫn lộn hư thực, bình luận ngoại đề của tác giả....Vì thế dạng kết cấu này tạo ra hệ quả thẩm mĩ lớn, tạo được khoảng trống, kích thích sự tưởng tượng của độc giả.

"Những linh hồn xám" của Philippe Claudel là cuốn tiểu thuyết đã vận dụng thành công kiểu kết cấu này. Chính kiểu kết cấu này đã giảm độ căng của tác phẩm, làm cho người đọc không phải mệt nhoài, hồi hộp khi theo dõi diễn biến của câu chuyện. Ngược lại người đọc có thể được "thả bộ" tự do theo những mạch cảm xúc khác nhau do người trần thuật tạo ra. Hơn nữa đặc sắc của kiểu kết cấu lắp ghép, phân mảnh trong "Những linh hồn

xám" là sự phân rã cốt truyện. Nhà văn đã không tạo ra lối trần thuật trước sau mà ông đã nối kết những cảnh ngộ, số phận, những biến cố, sự kiện, tình huống, những mảng tâm trạng của nhân vật lại với nhau. Trong tác phẩm tính lắp ghép ấy được thể hiện ở khá nhiều phương diện và góc độ: Cốt truyện được dẫn dắt theo mạch trần thuật của cái tôi chứa đầy tâm trạng; sự di chuyển của các điểm nhìn trần thuật; sự phối kết của các phương thức trần thuật lại với nhau; Các sự kiện, biến cố, mảnh tâm trạng không được bố trí theo trục thời gian tuyến tính mà có sự đảo lộn, chênh lệch giữa các chương và phân đoạn tùy theo cảm xúc của nhân vật chính xưng "tôi". Ba trăm trang cho một cuốn tiểu thuyết không phải là đồ sộ hơn nữa nó lại được chia ra tận 27 chương vì thế dung lượng câu chữ ở từng chương không đều nhau. Tùy theo mạch cảm xúc của người trần thuật cho nên có chương dài tận 26 trang (chương26) nhưng có chương chỉ ngắn 5-6 trang mà thôi. Vì thế các mảnh ghép trong cuốn tiểu thuyết này càng trở nên rời rạc và tung tóe. Các sự kiện như được nghiền nát ra, chia đều cho tất cả. Nhưng ở bề sâu văn bản là một sự nối kết vô cùng chặt chẽ. Đang miên man trong điều tra vụ án mạng người kể chuyện dừng lại kể về ông Kiểm sát trưởng và rồi đan xen trong chuỗi câu chuyện đó là những cảnh đời, số phận khác nhau. Hay như ở chương 1 tác giả hé lộ thông tin về nhân vật

Lysia cho người đọc biết nhưng phải tới chương 5 toàn bộ thông tin về cô giáo trẻ này mới được nhà văn lật lại để cung cấp đầy đủ cho người đọc tiện theo dõi. Hoặc như biệt danh "Nỗi buồn" của ông kiểm sát trưởng do Lysia đặt được giới thiệu ở chương 1 nhưng phải tới chương 24 chúng ta mới hiểu rõ vì sao ông Kiểm sát trưởng lại mang tên ấy. Có thể nói các chương trong cuốn tiểu thuyết đặt cạnh nhau nhưng không theo bất cứ một quy luật nào, như kiểu người viết cầm một nắm sỏi rồi thả ngẫu nhiên những viên sỏi ấy xuống đất cho chúng ngẫu nhiên nắm cạnh nhau vậy. Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng không một nhân vật nào, sự kiện nào, chi tiết nào mà không có sự lý giải, không có mối quan hệ đâu đó dù có thể chúng nằm rất xa nhau. Chính vì lẽ đó, cuốn tiểu thuyết đã tạo nên ấn tượng về nghệ thuật sử dụng nghệ thuật trần thuật hết sức độc đáo.

Mặt khác điều thú vị ở cuốn tiểu thuyết này là tác giả đã lồng vào trong tác phẩm các đoạn đối thoại đan xen thư từ tạo ra sự co giãn cho cốt truyện. Đồng thời nó cũng đem tới chiều sâu cho tác phẩm và những giá trị tư tưởng nhất định. Trong tác phẩm các chủ đề tình yêu, vợ chồng, hận thù, chiến tranh, tội phạm,... cùng một lúc lên tiếng tạo nên điệu nhạc đa màu cho tác phẩm.

Hình thức úp mở, ngắt mạch truyện được khai thác triệt để cũng là một biểu hiện của kết cấu phân mảnh này. "Những linh hồn xám" là câu chuyện kể của nhân vật tôi về quá trình điều tra vụ án mạng nhưng ta hiểu đằng sau tác phẩm không chỉ dừng lại ở đó. Những lát cắt của cuộc sống, những câu chuyện dội về trong dòng chảy miên man của nhân vật chính làm nên bản hợp xướng đa thanh cho tác phẩm. Trung tâm của tác phẩm là cuộc điều tra về vụ án mạng nhưng để giảm độ căng thẳng của câu chuyện tác giả đã có sự tách bạch các sự kiện, tình tiết. Nhà văn không giới thiệu ngay từ đầu mà phải tới chương 2 ông mới viết: "Ngày thứ hai đầu tiên trong tháng mười hai. Ở vùng quê tôi.... Tôi còn nhớ cái chăn rộng người ta đắp lên thi thể của cô bé và bị thấm nước ngay. Tôi còn nhớ hai viên cảnh sát ...Hai người này canh chừng thi thể cô bé trên bờ kênh" [7.25]. Rồi những phần tiếp theo nhà văn thả trôi vụ án mạng để

kể về những con người, sự kiện xảy ra trong khoảng thời gian ấy theo dòng hồi tưởng của mình. Tới tận chương 12 tác giả mới lật lại vấn đề "Bây giờ tôi phải trở lại buổi sáng năm 1917, ngày mà tôi đã để thi thể bé bỏng của Hoa Bìm Bìm bên bờ kênh cùng viên thẩm phán Mierck và đoàn tùy tùng rét cóng"

[7.177]. Và tới chương 20 vụ Áp Phe mới kết thúc thực sự. Hay như câu chuyện về đứa con nhân vật đã hé lộ từ đầu nhưng chỉ tới đoạn kết anh cảnh sát tư pháp mới đưa ra lời thú tội cuối cùng cho một sự thật. Cái chết bất ngờ của đứa trẻ gây nên sự choáng váng ở người đọc, đẩy tác phẩm đi sâu hơn vào bi kịch của sự ảm đạm và đen tối.

Như vậy, rõ ràng bằng cách triển khai kiểu kết cấu này Philippe Claudel đã tạo nên một giọng văn lạ cho tác phẩm. Lần theo dòng kí ức miên man của người trần thuật cùng một lúc người đọc được sống trong nhiều tâm trạng và cảnh đời khác nhau. Cuộc sống theo Claudel không phải là một sợi dây thẳng tắp hay những sự kiện nối tiếp nhau mà là tập hợp của những mảnh vỡ - khoảng trống. Ông đã đem tới một phép màu mới lạ cho tác phẩm của mình. Một thế giới không khép mà mở, không thuần nhất mà muôn hình vạn trạng, không ngập tràn tia nắng hạnh phúc mà toàn là màu xám ảm đạm. Mượn lời giáo sư Trần Đình Sử thay cho lời kết: "Kiểu kết cấu này cho phép các nhà văn thể hiện các mối liên hệ chiều sâu không trực tiếp quan sát giữa các hiện tượng, sự kiện, sự vật, đời sống". Với cái nhìn rộng mở thì kiểu kết cấu này là một dạng thức để phản ảnh thành công "cái hiện thực không hoàn kết" của con người và thế giới đương đại.

Một phần của tài liệu Những linh hồn xám của philippe claudel từ góc nhìn trần thuật học (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(112 trang)
w