Kết cấu mở kết thúc để ngỏ

Một phần của tài liệu Những linh hồn xám của philippe claudel từ góc nhìn trần thuật học (Trang 28 - 30)

2. KẾT CẤU TRẦN THUẬT

2.3 Kết cấu mở kết thúc để ngỏ

Đây là kiểu kết cấu tạo nên nét độc đáo của văn học thời kỳ hiện đại. Nó cho phép độc giả tham gia vào sự vận động của dòng chảy tác phẩm văn học. Điều này cho thấy chủ thể sáng tạo đã có sự chuyển đổi ý thức trong việc điều chỉnh mối quan hệ giữa độc giả và người viết và sự điều chỉnh ấy được thể hiện qua ngôn ngữ của người trần thuật nhằm hướng tới xóa bỏ khoảng cách giữa người trần thuật và cái được trần thuật. Với dạng kết cấu này, thường câu

chuyện có nhiều cách kết thúc khác nhau để người đọc tự suy ngẫm. Sau kết thúc những mâu thuẫn vẫn chưa được giải quyết một cách trọn vẹn. Dòng vận động của truyện chưa chấm dứt. Lời giải đáp chưa rõ ràng. Số phận nhân vật ra sao. Tất cả vẫn còn đang để ngỏ.

Nếu tiểu thuyết truyền thống tôn trọng cách thức kết cấu khép kín, có mở đầu, có kết thúc. Tác phẩm khép lại khi mọi mâu thuẫn đã được giải quyết, số phận nhân vật đã được hoàn kết ở đó. Còn tiểu thuyết hiện đại tác phẩm đóng lại song hành trình, số phận của nhân vật vẫn đang diễn ra. Nhà văn đã tạo ra một khoảng lặng để mỗi người đọc tự diễn giải theo cách riêng của mình.

"Những linh hồn xám" là tác phẩm có dạng kết thúc mở như vậy. Như một dụng ý nghệ thuật nhà văn không tạo ra hồi kết cho tác phẩm mà ông để khoảng trống cho người đọc tự mình suy ngẫm. Tác phẩm khép lại nhưng ai là hung thủ của vụ án mạng? Ai đẽ giết cô bé Hoa Bìm Bìm? người đọc không hề biết được. Tác giả đã bỏ trống hồi kết đó để cho mỗi chúng ta tự tìm cho mình một cách kiến giải riêng. Để rồi mỗi người một cách lý giải làm nên bản nhạc đa âm cho cuốn tiểu thuyết này. Dấu lặng mà tác giả tạo ra gợi biết bao ý nghĩa nhưng dẫu cho người đọc có lý giải theo cách nào đi nữa thì cuối cùng cái điều đọng lại trong mỗi chúng ta là một sự nhận thức. Nhận thức bức tranh màu xám của nước Pháp những năm xảy ra đại chiến. Xám cả cảnh vật và xám cả hồn người. "Lát nữa, anh sẽ hạ khẩu súng cạc-bin của Gachentard xuống. Anh đã tháo ra, tra dầu mỡ, lau chùi, lắp lại và nạp đạn. Anh biết hôm nay anh sẽ kết thúc câu chuyện của mình. Bây giờ khẩu súng đang ở bên cạnh anh. Ngoài kia trời đất quang đãng và dìu dịu. Hôm nay là ngày thứ hai. Bây giờ là buổi sáng. Thế đó. Anh không còn gì để nói. Anh đã nói hết mọi chuyện, đã thú nhận hết mọi tội lỗi. Đã đến lúc rồi. Bây giờ anh có thể gặp lại em"[7.300]. Nhân vật "tôi" lựa chọn cái chết để giải thoát cho cuộc đời của mình, chấm dứt mọi sự tồn tại. Mọi lời thú nhận đã được giãi bày. Lựa chọn cái kết như vậy nhà văn đã gợi lên một nỗi buồn miên man trong lòng người đọc. Dù đi đâu về đâu cuối cùng tình yêu vẫn cứ là bến đậu níu giữ bước chân ta quay về. Nó có thể đem đến cho ta niềm

vui nhưng cũng có lúc nó tạo ra trong ta khoảng không nỗi buồn không sao làm lành được. Vết thương lòng lên mủ gặm nhấm nhân vật "tôi" hàng ngày là minh chứng cho một thứ tình cảm như vậy. Anh rất thương vợ, ăn năn hối lỗi về cái chết của người vợ vì thế suốt quãng dài thời gian nhân vật luôn sống trong tâm trạng khắc khoải, sám hối, những ảo ảnh về Cle'mence như những đợt sóng chỉ chực để xô nát bến bờ lòng anh. Vì thế "Bây giờ anh có thể gặp lại em" như là một sự hóa giải.

Nói tóm lại, kiểu kết cấu mở - kết thúc để ngỏ trong tiểu thuyết

"Những linh hồn xám" đã đem tới cho người đọc những cung bậc tình cảm,

cảm xúc khác nhau. Bạn đọc có thể đến đến với tác phẩm bằng những con đường khác nhau, từ bất cứ góc nhìn nào. Song nốt lặng, khoảng trống trong cái kết là yếu tố gợi ra nhiều suy ngẫm và sự lý giải trong lòng người đọc. Hãy để bạn đọc đồng sáng tạo cùng nhà văn. Hãy để cho bức tranh số phận, bức tranh cuộc đời soi chiếu theo từng tọa độ riêng của người tiếp nhận. Đó chính là ý nghĩa nhân sinh mà Philippe Claudel muốn gửi tới mỗi chúng ta.

Một phần của tài liệu Những linh hồn xám của philippe claudel từ góc nhìn trần thuật học (Trang 28 - 30)