Giọng hoài niệm

Một phần của tài liệu Những linh hồn xám của philippe claudel từ góc nhìn trần thuật học (Trang 96 - 98)

2. GIỌNG ĐIỆU TRẦN THUẬT

2.4 Giọng hoài niệm

"Những linh hồn xám" là một cuốn tiểu thuyết được viết theo dòng hồi ức của nhân vật xưng "tôi" - anh cảnh sát tư pháp kể về câu chuyện của chính mình và của mọi người. Đứng ở thời điểm hiện tại nhân vật trượt về quá khứ để tái hiện lại toàn bộ câu chuyện của mình. Theo dòng ký ức miên man, lộn xộn, ngổn ngang có những việc được nhân vật tập trung khai thác khá kỹ nhưng có những việc nhân vật trượt qua theo cái nhìn chủ quan của mình.

Bằng giọng văn hoài niệm, từng câu chuyện, cuộc đời, số phận nhân vật được tái hiện vô cùng rõ nét qua từng trang viết. Nhân vật đi qua lớp cảnh hoài niệm đầu tiên đó là ông Kiểm sát trưởng Destinat "ông làm Kiểm sát trưởng ở V trong thời gian hơn ba mươi năm và hành nghề như một chiếc đồng hồ cơ học treo tường, không bao giờ rung mà cũng không bao giờ hỏng hóc… ông đã hơn sáu mươi tuổi và đã về hưu cách đó một năm. Đó là một người cao, thân hình khô khốc... Ông ít nói. Một người ấn tượng. Ông có một đôi mắt sáng tuồng như bất động, môi mỏng, không có râu, trán cao, tóc xám"[7.18]. Destinat hiện lên như một vị thánh thần vừa gần vừa xa một người được nguỵ

trang hoàn toàn bởi vẻ ngoài lạnh lùng, uy nghiêm. Với một giọng văn hoài niệm giúp chúng nhận ra bức chân dung của một con người. Một tượng đài sống chứa đựng những con sóng dữ dội ở trong lòng.

Hoài niệm tức là nhớ lại những kỷ niệm, những gì đã xảy ra ở thì quá khứ mà hôm nay vì một lý do nào đó chúng ta gợi nhắc lại. Lysia qua dòng hồi ức của nhân vật "nhưng tôi còn muốn nói một điều khác trước khi kể về Lâu đài trong bụi bặm và bóng tối của nó. Tôi muốn nói về Lysia Verhareine bởi vì tôi cũng là người thường gặp cô như tất cả mọi người vậy"[7.89]. Không có mối quan hệ gì đặc biệt họ gặp gỡ nhau trong bi kịch của sự cô đơn. Mãi sau này qua những bức thư phát hiện được trong Lâu đài anh ta mới nhận ra mối đồng điệu của mình với cô gái trẻ. Nhân vật hoài niệm để tìm sự đồng cảm, sẻ chia, an ủi. Họ gặp nhau trong mất mát của tình yêu, bi kịch của hạnh phúc. Lysia ở một khía cạnh nào đó đã tạo ra sức mạnh để nhân vật đủ sức đi hết đoạn đường hồi tưởng."Đêm nay, tuyết đã rơi hàng tiếng đồng hồ. Tôi nghe tuyết rơi khi đang nằm trên giường tìm giấc ngủ. Đúng hơn là tôi đang nghe sự im lặng của tuyết và đằng những cánh cửa sổ chưa đóng kín, tôi đoán ra được màu trắng mênh mông đang bao phủ dần. Tất cả những điều đó, sự im lặng và thảm trắng càng làm cho tôi tách biệt với thế giới"[7.134]. Kỷ niệm về vợ ùa về trong lòng nhân vật qua khoảnh khắc thời gian như thế. Nhân vật không tham lam đi vào miêu tả những kỷ niệm, khoảnh khắc tình yêu nồng nàn mà chỉ chộp lấy một khoảnh khắc, một chi tiết nhưng đó là khoảnh khắc của sự vĩnh cửu. Hình ảnh Cle'mence trong lúc vượt cạn và cái chết bất ngờ của nàng trở thành một nỗi ám ảnh không dứt trong lòng nhân vật. Những ngày tháng tiếp theo sau đó nhân vật sống trong sự khắc khoải, nhớ nhung không thể nào nguôi. Đọc tác phẩm ta bắt gặp một cái "tôi" đơn độc trong chuyến hành trình. Trên chuyến đò thời gian ấy hoài niệm về vợ giúp anh ta sống một thành hai, bám trụ được với bước chuyển của thời gian. Tác phẩm kết thúc trong sự thổn thức về hình bóng người vợ thân yêu của mình "Hôm qua anh đã đi lang thang về phía cầu Kẻ Cắp. Em còn nhớ không? Thời đó chúng ta mấy tuổi nhỉ? Dưới hai mươi một chút ư? Em thường

mặc chiếc váy màu hồng đậm. Lòng anh quặn thắt. Hai ta đứng trên cầu nhìn ngắm dòng sông trôi…. Rồi em bất ngờ quay lại với anh, mỉm cười rồi hôn anh. Đó là lần đầu tiên. Dưới cầu nước vẫn chảy. Cả vũ trụ lung linh sắc đẹp của ngày chủ nhật" [7.298]. Kỷ niệm về ngày gặp gỡ, nụ hôn đã bắc cầu cho ngày nhân vật quyết định tạ từ thế giới. Với một giọng điệu chậm rãi trộn lẫn với cảm xúc của nhân vật đã làm cho dòng hoài niệm ấy thêm phần sâu sắc và ám ảnh. Với những chi tiết chọn lọc, đan cài, trộn lẫn mạch cảm xúc của nhân vật đã minh chứng cho một tình yêu đẹp, thuỷ chung nhưng không đủ sức đi hết đoạn đường. Một giấc mơ hạnh phúc không thành, người vợ chỉ còn là ảo ảnh và ảo ảnh kéo tụt nhân vật vào ký ức xa xăm làm nên câu chuyện buồn.

Không dừng lại ở đó, trên chuyến xe trở về quá khứ, với giọng điệu hoài niệm nhà văn còn để cho người đọc lãng du trên đồng cỏ của chiến tranh, án mạng, tình yêu, tình bạn, tình cha con,… tất cả như một dòng thác ùa về lật tung ký ức, xé toang mọi khoảng trống làm nên bức tranh "màu xám" buồn cho tác phẩm.

Hoài niệm tức là nhớ về quá khứ trong cái nhìn hiện tại. Vì thế ở đó có thể là những kỷ niệm đẹp nhưng cũng có thể là nỗi buồn, phút trầm lắng suy tư. Những gì đã chạm khắc vào tâm hồn con người không dễ gì quên được.

"Những linh hồn xám" là tập hợp của những cung bậc cảm xúc khác nhau. Bằng giọng hoài niệm, nhà văn đã đi sâu vào cõi riêng của từng nhân vật để khám phá nỗi lòng riêng của con người. Hoài niệm trở thành dòng thác ùa về bủa vây xâm chiếm tâm hồn nhân vật. Sử dụng giọng điệu hoài niệm là một lựa chọn phù hợp để nhà văn nói lên tất cả được những gì còn ám ảnh, nó là một nốt nhạc làm cho bản nhạc trần thuật học thêm giá trị.

Một phần của tài liệu Những linh hồn xám của philippe claudel từ góc nhìn trần thuật học (Trang 96 - 98)