Không gian di động, phối kết

Một phần của tài liệu Những linh hồn xám của philippe claudel từ góc nhìn trần thuật học (Trang 56 - 62)

3 KHÔNG GIAN ĐƯỢC TRẦN THUẬT

3.1 Không gian di động, phối kết

Mạch chuyện trong tiểu thuyết "Những linh hồn xám" được triển khai qua câu chuyện của người kể chuyện xưng "tôi", vì thế không gian được trần thuật ở đây cũng có sự di động theo điểm nhìn của nhân vật này. Dòng hồi ức lộn xộn,

đan cài tạo nên kết cấu lắp ghép của các sự kiện lại với nhau và điều này nó chi phối đến lớp không gian di dộng trong tác phẩm. Tùy theo câu chuyện được tái hiện mà tại mỗi thời điểm sẽ có những lớp không gian khác nhau, mỗi lớp không gian mang một ý nghĩa khác nhau trong việc thể hiện quan điểm nghệ thuật của tác giả. Bao trùm lên câu chuyện kể là không gian thành phố nơi diễn ra tất cả những câu chuyện kể của anh cảnh sát tư pháp. Đây là không gian lớn chứa đựng các lớp không gian nhỏ hơn như không gian Lâu đài, không gian bệnh viện, không gian vụ án, không gian quán rượu, không gian tòa thị chính. Ngoài ra còn có các lớp không gian khác như không gian nhà tù, không gian mặt trận,... Tất cả các lớp không gian này không tồn tại bất động trong tác phẩm mà có sự di động, hoán đổi vị trí cho nhau theo mạch cảm xúc của người kể chuyện. Vì vậy tạo ra lớp không gian nối tiếp, trộn lẫn, đan quyện vào nhau trong tác phẩm này. Điểm đặc biệt trong cách miêu tả sự di chuyển không gian đó là không gian trong tác phẩm dịch chuyển theo dòng hồi ức của nhân vật chứ không phải theo tình tiết của câu chuyện kể. Ví dụ đang nói về không gian của bờ kênh - nơi xảy ra vụ án mạng nhà văn có thể nhảy cóc để nói về không gian Lâu đài. Miêu tả không gian nghệ thuật trong tác phẩm nhà văn không đi vào miêu tả tỉ mỉ, chi tiết từng lớp cảnh của nó mà ông chỉ tái lược, tạo nền để làm cơ sở cho câu chuyện phát triển. Vì thế nói sự di động của không gian được trần thuật tức là chúng ta đang đề cập tới sự vận động của không gian qua từng chương văn bản. Sự trộn lẫn, đảo ngược, đan cài của các lớp không gian trong những chương khác nhau. Qua đó làm nổi bật thế giới nội tâm cũng như mạch tâm trạng của người kể chuyện.

Trong những lớp không gian được trần thuật thì không gian vụ án được xem là không gian chính. Nó chi phối tới sự vận động, dịch chuyển của các lớp không gian khác trong tác phẩm. Không gian xảy ra vụ án chính là không gian bờ kênh, nhưng lớp không gian này cũng chỉ được nhà văn miêu tả hết sức khái quát. Qua bối cảnh của vụ án để nhà văn lột trần bản chất trục lợi, nhẫn tâm, vô nhân tính của tên thẩm phán Mierck. Vì thế không gian bờ kênh là tấm màn để

nhà văn khắc họa bản chất và tính cách của nhân vật. Giữ vai trò trung tâm của câu chuyện cho nên từ không gian chính này quá trình điều tra vụ án sẽ lần lượt dịch chuyển sang những lớp không gian khác nhau theo người kể chuyện. Từ đó làm bật thoát và mở ra những trường nhìn khác nhau để người đọc có cơ hội khám phá bề sâu câu chuyện. Mỗi không gian dịch chuyển theo dòng trần thuật của tác giả làm cho bức tranh hiện thực xã hội hiện dần ra. Những con người, sự kiện hồi sinh qua lớp cảnh mang những tầm ý nghĩa phản ánh nhất định của nhà văn. Tất cả góp phần làm cho màu xám của linh hồn và cảnh vật dội về thổn thức lòng người. Trên nền tảng không gian chính đó lần lượt khám phá các lớp không gian khác chúng ta sẽ hiểu được dụng ý của nhà văn khi xây dựng hệ thống không gian nghệ thuật trong tác phẩm.

Không gian Lâu đài là lớp cảnh không gian đầu tiên, bởi không gian này gần với không gian xảy ra án mạng và nơi đây cũng là nơi tồn tại của con người bí ẩn Destinat. Với vụ án này chúng ta không thể biết được ông là hung thủ hay chính là người vô tội? Là một trong số những không gian xuất hiện với tần số khá dày đặc trong tác phẩm. Qua từng chương không gian này được soi chiếu ở những góc cạnh khác nhau. Không gian ấy gắn với cuộc đời, số phận của nhân vật Destinat. Theo thống kê sơ bộ không gian ấy xuất hiện ở mười chương và ở mỗi chương đều được nhà văn miêu tả ở những góc hình khác nhau. Lâu đài qua con mắt của người kể chuyện "Một cánh cửa nhỏ hé mở bên bờ cỏ bị đóng băng và xẹp xuống, một cánh cửa xuyên qua dãy tường cao rộng và đằng sau dãy tường này là một công viên, một công viên nghiêm chỉnh và đằng sau tất cả những cây cối với cành trụi lá chằng chịt quấn vào nhau này, có một ngôi nhà cao, một ngôi nhà chính chủ, một ngôi nhà lớn và có kiến trúc phức tạp"[7.34], "Nó rất uy nghi với những bức tường bằng gạch, mái bằng đá đen. Như một kỳ công trong khu phố sung túc"[7.36]. Bao bọc bên ngoài dáng hình đồ sộ ấy là bí ẩn về số phận, cuộc đời của nhân vật Destinat. Lâu đài được miêu tả là một tòa nhà vô cùng rộng lớn nhưng trong đó chỉ có một ông chủ lạnh lùng và vợ chồng người giúp việc sinh sống Trong không gian ấy ba con người sống trong sự đơn

độc, lẻ loi với ngoại cảnh. Họ chìm vào một thế giới ảo do chính họ tạo nên. Với ông Kiểm sát trưởng thì Lâu đài chính là bức tường giúp ông ngăn cách mình với thế giới bên ngoài và chỉ sống với hoài niệm tốt đẹp về người vợ. Nên Lâu đài trở nên lạnh lùng, uy nghi, xa lạ như chính ông chủ của của nó. Sự dịch chuyện của không gian Lâu đài được gắn với sự kiện, tâm trạng của nhân vật vì thế mà có lúc không gian được miêu tả đảo lướt qua nhưng có lúc lại dừng lại trong sự miêu tả. Lâu đài "dừng lại" khi nhà văn miêu tả giây phút gặp gỡ đặc biệt của ông Kiểm sát trưởng với cô gái Lysia. Cái bắt tay của ông Kiểm sát trưởng vừa kéo căng cả thời gian lẫn không gian của lòng người dài ra. Sống trong không gian Lâu đài cô gái đã mang đến một luồng sinh khí mới thực sự. Nó làm mất đi vẻ u tối, lạnh lùng thay vào đó là niềm tươi vui, nhí nhảnh. Do đó cái chết bất ngờ của Lysia vô tình trả lại không khí u buồn lúc xưa cho Lâu đài, đặc biệt là ông Kiểm sát trưởng "Destinat trốn hẳn trong Lâu đài của mình. Ông đứng hàng giờ sau cửa sổ, nhìn ngôi nhà nhỏ và chờ cô giáo trẻ từ đó sẽ còn ra đi" [7.109. Cái chết chấm dứt mọi ước muốn và chấm dứt luôn nhu cầu nối lại sợi dây liên kết mình với mọi người. Không gian Lâu đài vì thế vừa là nơi tình yêu thương, tình yêu cuộc sống lên ngôi đồng thời nó cũng chính là nơi đẩy con người đi sâu hơn vào nỗi đau cô độc.

Nếu ở các chương trước không gian Lâu đài được miêu tả mang tính chất bình phong, tấm nệm cho một sự kiện, câu chuyện nào đó thì trong chương 23 sự di chuyển của không gian này gắn với hành trình khám phá của nhân vật. Đây là chương mà mọi góc quay của Lâu đài được tái hiện một cách đầy đủ nhất. Nó được dịch chuyển trong bản thân nội tại và đi từ bên ngoài vào bên trong. Lâu đài hiện lên là một "tòa nhà cao rộng", "Phía trong không lạnh lắm. không bụi bặm, không mạng nhện, không có sự bừa bãi... Tiền sảnh với nền lát gạch đen trắng"(...) "Ở góc phòng có một con chó to bằng sành... Trên trần là bộ chùm đèn" [7.253 -254]. Tùy theo bước chân, tâm trạng của nhân vật mà có lúc không gian được miêu tả lướt qua "tôi bước đi theo vòng xoắn của nó, từ từ tiến vào trong lòng, đi từ những gian phòng tầm thường như nhà bếp, phòng để

đồ đạc, phòng giặt quần áo, phòng khách, phòng ăn, phònghút thuốc lá để tới phòng đọc sách" [7.256]. Có lúc không gian kéo dài ra trong hành động khám phá của nhân vật. Đó là không gian thư viện và phòng ngủ của Destinat. Qua việc khám phá hai không gian này giúp nhân vật khám phá chiều sau bí ẩn trong tâm hồn nhân vật này.

Nói tóm lại xây dựng không gian Lâu Đài vừa có sự di động trong một chương vừa có sự vận động qua từng chương là một thủ pháp nghệ thuật của nhà văn nhằm làm nổi rõ tính cách, số phận, cuộc đời của nhân vật và qua đó làm bật lên nỗi đau của bi kịch cô đơn của con người. Lâu đài chính là biểu tượng cho những gì cao vời mà con người bình thường không thể chạm tới trong tác phẩm.

Bên cạnh hai dạng không gian trên, hiện thực phản ánh trong tiểu thuyết

"Những linh hồn xám" còn được tái hiện một cách rõ nét qua những lớp không gian khác. Những lớp không gian này làm cho không gian diễn ra câu chuyện trở nên hoàn hảo hơn. Có thể nói với mỗi kiểu không gian được lựa chọn chọn là một dụng ý nghệ thuật của nhà văn để chiếu sáng tấn bi kịch trong cuộc đời của các nhân vật như: Không gian tòa thị chính nơi diễn ra vụ xét xử, không gian nhà tù, không gian quán rượu,...

Quán rượu Re'billon là không gian mang tính chất tĩnh tại, hẹp và không thay đổi nhưng chính đây lại là địa điểm gặp gỡ, trao đổi và qua đó làm lộ rõ những câu chuyện khác nhau trong cuộc đời của các nhân vật. Quán rượu được nhắc đến ở chương 1, 4 và 21. Có thể nói quán rượu như một chiếc máy camera để thu vào đó tất cả những hình ảnh của cuộc sống thường ngày đang hằng diễn ra tại đây. Một viên thẩm phán Mierck với cái miệng bóng nhẫy, với "cái bụng phệ tới đùi" thường hay lui tới trong những giờ ăn trưa; Destinat với chỗ ngồi được ưu ái như thượng đế "Một bàn Thượng đế mà không có Thượng đế còn hơn là một khách hàng chân lấm phân chuồng" [7.24]. Đặc biệt đây còn là không gian của tình cha con lên ngôi "Không một tiếng động. Không một bàn ăn nào được dọn ra. Không một giọng nói... Chỉ có ngọn lửa

heo hắt trong lò sưởi to lớn. Bourrache đang ngồi trước lò sưởi, trên một chiếc ghế đẩu, chân hơ lên than hồng, đầu cúi xuống, cúi vào khoảng không. Một xác người khổng lồ vô hồn"[7.167]. Lựa chọn không gian này để để tái dựng bức tranh cuộc sống ồn ào như nó vốn có đồng thời đan cài vào đó những khoảng lặng để làm bật lên nỗi đau của nhân vật. Nếu bờ kênh nơi ghi dấu tội ác giết người và chứng kiến sự dửng dưng, lạnh lùng của người trong cuộc thì không gian quán rượu lại là nơi chứa đựng nỗi đau tột cùng của người cha. Tình phụ tử lên ngôi và rọi sáng tâm hồn người. Quán rượu trở thành địa điểm lý tưởng để con người có thể sống một thành hai và trở thành người khác hay sống thật với bản ngã của mình nhất.

Ngoài ra, không gian con đường cũng được nhà văn khai thác đặc biệt quan tâm. Con đường là dạng không gian mở, mang tính chất vận động, đó có thể là giao lộ dẫn tới thành phố V nhưng cũng là con đường để dẫn ra mặt trận. chính tại không gian này tâm lý con người được rọi chiếu. Trước ảnh hưởng của cuộc chiến họ đã có những cái nhìn khách quan của người đứng ngoài cuộc

"Đường xá bị cày xới như một tổ kiến bất tận được nhuộm màu xám trong như một chòm râu trải dài"..."Hàng ngày người ta vẫn thấy những người đàn ông trẻ trung đi bộ về một hướng, tiến về cái chết mà trong lòng vẫn tin rằng mình còn có khả năng ngăn cản cuộc chiến tranh đó" [7.79-79]. Có khi không gian con đường được miêu tả lướt qua "Đường phố ngày càng thưa thớt, các quán cà phê ít khách vãng lai hơn" [7.239] để nói lên không khí ảm đạm thành phố.

Sự vận động di chuyển của không gian gắn liền với dòng hồi ức, hoài niệm của nhân vật. Do đó những bước dịch chuyển của không gian phản ánh thế giới nội tâm luôn biến đổi của nhân vật. Có những không gian được tác giả quay trở đi trở lại miêu tả rõ ràng, tỉ mỉ nhưng có lớp không gian nhà văn lướt qua, tạt ngang. Điều này đánh dấu mạch cảm xúc bất ổn, thế giới tâm hồn đầy xáo động của nhân vật. Tất cả những miền không gian này được đan xen, nối kết, nhẩy cóc không theo một trình tự nào. Với không gian vụ án là không gian chính, không gian thị trấn là không gian bao trùm, không gian Lâu đài biến ảo

đa dạng,... tất cả làm nên bức tranh không gian rộng lớn mang ý nghĩa phản ánh vô cùng sâu sắc. Qua từng lớp không gian nhà văn nhấn mạnh nỗi đau bi kịch tình yêu thương, sự cô đơn, khát khao hạnh phúc, sự lạnh lùng, trục lợi của những nhân vật cụ thể.

Một phần của tài liệu Những linh hồn xám của philippe claudel từ góc nhìn trần thuật học (Trang 56 - 62)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(112 trang)
w