3. ĐIỂM NHÌN TRẦN THUẬT
3.3 Sự di động, phối kết các điểm nhìn trần thuật
Tác phẩm văn học bất kỳ nào bao giờ cũng có sự phối kết các điểm nhìn trần thuật với nhau. Bởi câu chuyện sẽ khó hấp dẫn được với người đọc nếu từ đầu tới cuối người trần thuật chỉ tuân theo một điểm nhìn duy nhất. Vì lẽ vậy, phối kết, di động điểm nhìn trần thuật là một yêu cầu tất yếu của sáng tạo nghệ thuật. Điểm nhìn trần thuật không đơn nhất và đứng yên từ đầu tới cuối. Chính sự di chuyển của điểm nhìn trần thuật qua từng cảnh huống khác nhau là cách nhà văn thể hiện được quan điểm, tư tưởng của mình. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết "Những linh hồn xám" là một thế giới chuyển động với thế giới nội tâm đầy biến ảo không ngừng. Do đó, điểm nhìn của nhân vật thường xuyên có sự dịch chuyển. Chính sự đan cài, trộn lẫn các kiểu điểm nhìn trần thuật khác nhau trong tác phẩm đã làm cho câu chuyện phản ánh tăng giá trị chân thật cũng như sức biểu hiện độc đáo của nó.
Sự di động, phối kết điểm nhìn trần thuật trong tiểu thuyết "Những
linh hồn xám" trước hết được thể hiện ở việc tự do thể hiện điểm nhìn.
Nghĩa là điểm nhìn không được sắp xếp theo một trình tự trước sau như một mà là sự đan xen, xuyên thấu lẫn nhau. Anh cảnh sát tư pháp mang điểm nhìn tiêu điểm của câu chuyện còn các nhân vật khác đóng vai trò là người kể chuyện mang điểm nhìn tiếp sức, họ đến rồi đi khi câu chuyện kể của mình đã hoàn thành. Vì lẽ vậy, sự di động điểm nhìn ở đây được gắn với trường nhìn của nhân vật với tác giả. Trong từng chương luôn có sự pha trộn giữa điểm nhìn của nhân vật với điểm nhìn của tác giá ẩn tàng. Tùy vào nội dung từng câu chuyện mà ở những chương nhất định sẽ có dự phần của các nhân vật khác. Nhưng mạch chủ lưu chính vẫn là điểm nhìn của nhân vật chính.
Tác phẩm mở đầu bằng điểm nhìn của nhân vật anh cảnh sát tư pháp hưu trí. Hai mươi năm, giờ đây từng câu chuyện về chiến tranh, án mạng, tình yêu được hiện lên một cách rõ nét. Luôn luôn trong tác phẩm tồn tại sự di động của điểm nhìn tôi và tác giả. Có lúc "tôi" kể rồi đến tác giả như trong chuyến khám phá Lâu đài của nhân vật "Phòng ngủ của Destinat nằm ở cuối hành lang, hơi
cách biệt với các gian phòng khác, lùi sâu. Cửa phòng cao hơn, khắc khổ hơn với màu đỏ sẫm. Tôi biết ngay đó là phòng ông. Chỉ có thể đó mà thôi…"[7.259]. Ban đầu câu chuyện được tái hiện bằng điểm nhìn của tác giả ẩn tàng rồi đến nhân vật sau đó lại là của tác giả. Chính sự đan xen này đã làm cho câu chuyện hiện lên một cách chân thật và sinh động vô ngần. Hay trong đọan văn nói lên sự hoài nghi tình cảm của anh chàng người yêu Lysia "Sao lại ít thế? Không có thời gian ư? Không có chỗ ư? Hay là không muốn? … Bastien có yêu cô như cô yêu anh không? Tôi muốn tin là như thế nhưng nói thật là tôi không giám chắc"[7.272]. Đặt cả điểm nhìn khách quan lẫn chủ quan vào người trần thuật đã làm cho sự nghi vấn ấy càng thêm phần ý nghĩa trong hành trình khai phá thế giới bề sâu của con người.
Sự di động điểm nhìn có khi xảy ra trong chính chủ thể người kể chuyện. Tức là cùng một vấn đề được kể bằng nhiều nhân vật xưng "tôi" khác nhau. Sự đa dạng hệ thống điểm nhìn đó làm cho người đọc có thể cùng nhà văn bóc tách tới lớp vỏ cuối cùng của câu chuyện. Bữa ăn của Lysia với Destinat không chỉ được nhìn với góc nhìn của chính người trong cuộc mà còn của bà giúp việc Barbe, ông chủ quán rượu Bourrache, bé Hoa Bìm Bìm. Vụ hỏi cung hai kẻ đào ngũ ngoài điểm nhìn của anh cảnh sát hiến binh còn có điểm nhìn của chị phục vụ, Matziev và Mierck. Các nhân vật khi tham gia vào câu chuyện kể có thể bộc lộ suy nghĩ hay không nhưng đã góp phần làm cho câu chuyện kể được soi chiếu từ nhiều góc nhìn khác nhau. Đây chính là hệ quả của kiểu trần thuật tiếp sức trong tác phẩm.
Sự di động điểm nhìn còn được thể hiện qua việc nhân vật đang kể chuyện mình lại nhảy sang kể chuyện người khác, đang kể chuyện người khác lại trở về kể chuyện của mình. Nghĩa là điểm nhìn có sự dịch chuyển từ điểm nhìn hướng nội sang hướng ngoại và ngược lại. Chính việc thả trôi câu chuyện theo dòng tâm trạng của nhân vật đã dẫn tới hệ quả xuất hiện điểm nhìn trần thuật này. Như trong chương 4 ngay từ đầu người kể chuyện đã trình bày nhã ý kể câu chuyện về Lysia trong ngày chủ nhật đáng nhớ trên quả đồi.
nhìn hướng tới những sự kiện khác nhau. Sự pha trộn câu chuyện của mình và không phải của mình làm xuất hiện sự di động điểm nhìn trần thuật trong tác phẩm này. Sự di động ấy nói lên một tâm hồn luôn dậy sóng, những kí ức như dòng thác ùa về, chợt đến, chợt đi làm thổn thức lòng người. Chính sự ngắt quãng để nhường chỗ cho những trường nhìn khác nhau thể hiện được tâm trạng ngổn ngang của nhân vật. Khảo sát toàn bộ tác phẩm chúng ta sẽ nhận ra sự vận động của điểm nhìn trần thuật trong dụng ý xây dựng của nhà văn. Qua đó giúp nhà văn có thể trổ nhiều ô cửa khác nhau để khám phá đời sống. Đào sâu vào mọi ngõ nghách, đường quành tâm trạng đầy tinh vi của nhân vật.
Những phân tích sơ bộ trên đây cho chúng ta thấy phối kết, di động điểm nhìn là một thủ pháp nghệ thuật đặc sắc trong tiểu thuyết được nhiều nhà văn khái thác. Phối kết với các phương thức trần thuật khác nhau làm cho "tấm thảm trần thuật" trong tác phẩm văn học hiện lên phong phú, đa chiều. Là lăng kính để qua đó chuyển tải những thông điệp nghệ thuật của mình.
Tiểu kết: Xây dựng được hình tượng người trần thuật trong tác phẩm văn học được xem là thành công đầu tiên của nhà văn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của mình. Với hình tượng người trần thuật ngôi thứ nhất giữ vai trò chính, ngoài ra có sự lồng ghép với ngôi ba P.Claudel đã thể hiện được dòng tâm trạng ngổn ngang của nhân vật. Làm cho toàn bộ câu chuyện được tái hiện lung linh, đa dạng, đa màu qua dòng thác hồi tưởng. Từng cuộc đời, từng số phận nghiệt ngã được hiện dần lên qua cách triển khai câu chuyện theo ngôi kể như vậy. Hình tượng người trần thuật là đầu mối làm xuất hiện kết cấu trần thuật và điểm nhìn trần thuật di động và đa biến trong tác phẩm. Thế nên, ở chương 1 chúng tôi khảo sát nghệ thuật trần thuật của tiểu thuyết qua hình tượng người trần thuật, điểm nhìn, kết cấu. Đó là cơ sở bước đầu để chúng ta thâm nhập, có cái nhìn sơ lược về thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Nghệ thuật trần thuật trong tác phẩm không chỉ được thể hiện ở những kía cạnh trần thuật như vậy. Để khám phá chiều sâu giá trị nội dung của tác phẩm cũng như sự móc nối của các yếu tố trần thuật trong tác phẩm chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu những biểu hiện về mặt nghệ thuật trong hai chương tiếp.
Chương 2
"NHỮNG LINH HỒN XÁM" TỪ NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG KHÔNG - THỜI GIAN NGHỆ THUẬT
Cuộc sống luôn gắn kết với không gian cụ thể và thời gian xác định, không ai hoặc vật nào có thể tồn tại ngoài không - thời gian. Vì thế khi phản ánh cuộc sống văn học thường đề cập tới không - thời gian như một nhân tố cốt yếu làm nên giá trị tác phẩm. Thời gian con người đang sống là thời gian vật lý nhưng con người còn chịu sự chi phối của tình cảm, cảm xúc, tâm lý cho nên thời gian cũng được cảm nhận theo nhiều chiều kích khác nhau. Đây chính là cơ sở để hình thành thế giới nghệ thuật - một phạm trù cơ bản đặc trưng của văn học. Đã có nhiều quan niệm khác nhau về thời gian trần thuật: Theo Đặng Anh Đào "Thời gian thật sự có tính nghệ thuật, đó là thời gian của hành động kể chuyện và thời gian của văn bản"[9.72], Theo Bakhtin "là thời gian vận động tuyến tính, một chiều của văn bản ngôn từ, là thời gian của người kể, của sự kể, luôn mang thì hiện tại chưa hoàn kết".
Dù theo cách hiểu như thế nào thì rõ ràng thời gian trần thuật chính là sản phẩm của sự sáng tạo vì thế nó mang tính chủ quan và gắn với thời gian tâm lý. Nó giúp cho con người sống được trong những cung bậc của những cảm xúc khác nhau: hồi hộp, đợi chờ, thanh thản, vô tư,... Và nếu thiếu sự cảm thụ, tưởng tượng của người đọc thì thời gian nghệ thuật không còn xuất hiện. Hơn thế văn học được xem là nghệ thuật của thời gian, bởi văn học diễn đạt các sự vật, hiện tượng theo trật tự của lời nói liên tục. Thông qua việc khắc họa thời gian nhà văn đã bày tỏ quan niệm của mình về cuộc đời và con người, thái độ và tình cảm của nhà văn cũng được biết đến khi miêu tả thời gian. Khác với thời gian hiện thực khách quan, thời gian nghệ thuật cho phép nhà văn cảm thụ thế giới theo hướng chủ quan của mình.
Tương tự không gian trong tác phẩm nghệ thuật không chỉ là bối cảnh sinh tồn và hoạt động của nhân vật mà còn là quan niệm nghệ thuật thể hiện sự
thống nhất hữu cơ giữa nhân vật và hoàn cảnh, giữa thế giới bên trong của nhân vật và thế giới bên ngoài. Theo giáo sư Trần Đình Sử "Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật, không có hình tượng nghệ thuật nào không có không gian, không có nhân vật nào không có một nền cảnh nào đó". Theo 150 từ điển thuật ngữ văn học "Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Sự miêu tả trần thuật trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn diễn ra trong trường nhìn nhất định qua đó thế giới nghệ thuật cụ thể, cảm tính bộc lộ toàn bộ quảng tính của nó: cái này bên cạnh cái kia, liên tục, đứt quãng, tiếp nối, cao, thấp, xa, gần, rộng, dài,... tạo thành viễn cảnh nghệ thuật"[1. 135].