Giọng triết lý chiêm nghiệm

Một phần của tài liệu Những linh hồn xám của philippe claudel từ góc nhìn trần thuật học (Trang 87 - 90)

2. GIỌNG ĐIỆU TRẦN THUẬT

2.1 Giọng triết lý chiêm nghiệm

Triết lý là sự thể hiện những khái quát mang tầm triết luận về những vấn đề, hiện tượng nào đó của đời sống xã hội con người, của cõi nhân sinh. Giọng điệu triết lý, chiêm nghiệm thể hiện cái nhìn có tính quy luật của tác giả về thời cuộc, con người... Nếu giọng hài hước châm biếm được xem như là một phương thức để phản ánh cuộc sống, giọng trữ tình là nốt lặng để nhìn về những điều tốt đẹp hiện tồn thì giọng triết lý chiêm nghiệm lại mang tới những thông điệp, những suy ngẫm và nhà văn gửi tới bạn đọc. Bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào cũng chứa đựng những giá trị tư tưởng mà nhà văn gửi gắm nhưng không phải tác phẩm nào cũng được viết với giọng triết lý chiêm nghiệm. Do vậy lựa chọn phương thức thể hiện như thế nào lại là quyền của mỗi chủ thể sáng tạo nghệ thuật. Philippe Claudel trong câu chuyện của mình đã khai thác hiệu quả giọng điệu triết lý, chiêm nghiệm để làm cơ sở nói lên suy ngẫm của bản thân mình.

"Thành phố nhỏ bé của chúng tôi nghe được âm thanh của chiến tranh nhưng không thực sự tham chiến"[7.56], tác phẩm dẫn lối cho chúng ta đến với hiện thực cuộc chiến nhẹ nhàng như vậy. Rõ ràng, chiến tranh chỉ như một trò chơi, một cơn gió thoảng qua không đủ sức len lỏi tới thành phố này. Nghĩa là chiến tranh không có mặt tại đây nhưng có những con người ở đây cũng phải ra chiến trường tham chiến. Bất cứ thời đại nào thì chiến tranh bao giờ cũng mang tới những đau thương và nước mắt nhất. Nói đến chiến tranh là nói tới sự hi sinh và chết chóc. Không ai mong muốn cuộc chiến xảy ra nhưng nó vẫn cứ luôn hiện hữu để minh chứng cho sự tồn vong và cường quyền của một trật tự xã hội. Philippe Claudel trong cuốn tiểu thuyết của mình không đề cập trực tiếp đến cảnh bom rơi, đạn lạc, giờ phút nguy khốn trên chiến trường mà ông chỉ lặng lẽ đứng quan sát từ xa để từ đó rút ra những suy ngẫm cho mình. Vì thế hơn lúc nào hết triết lý về chiến tranh chiếm giữ một vị trí vô cùng đặc biệt trong cuốn tiểu thuyết này. Ông nói đến thảm họa của cuộc chiến bằng cái nhìn xuyên thấu "Chiến tranh không chỉ giết người hàng loạt mà còn xẻ đôi thế giới và những kỉ niệm của chúng ta, như thể tất cả những gì diễn ra trước đó đều ở

trên thiên đường, trong một chiếc túi cũ kỹ mà không ai dám thò tay vào nữa"[7.58]. Cái chết là một sự tất yếu trong cuộc chiến tranh sinh tồn nhưng tội ác của chiến tranh thì đâu chỉ dừng lại ở đó mà nó còn là nhát dao vô hình chia cắt con người và những kỷ niệm. Nó làm tan đi mọi giấc mơ, mộng ước tốt đẹp của con người, đẩy con người chìm sâu vào nỗi đau mất mát. Đặc biệt trong tình yêu chiến tranh trở thành một con quỷ dữ làm tiêu tan mọi hẹn ước thề nguyền, đẩy những cặp uyên ương vào bờ vực của sự ly biệt. Cô gái Lysia và chàng hạ sĩ Francoeur là một cặp đôi như thế. Tuy không rõ nét bằng những chi tiết cụ thể nhưng dưới ngòi bút của Philippe Claudel chiến tranh đã lấy đi tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc của con người. Một cách khéo léo nhà văn muốn thông qua những con người, cảnh đời như vậy để tố cáo tội ác của những kẻ đã gây ra cuộc chiến.

Không nhìn trực tiếp cuộc chiến, cái độc đáo của Claudel trong triết lý về chiến tranh còn được thể hiện qua cái nhìn từ mặt trái của cuộc chiến "Hạnh phúc có gì to tát lắm đâu. Đôi khi chỉ treo đầu sợi tóc, đôi khi treo đầu cánh tay. Chiến tranh là một thế giới lộn ngược, mông chổng lên trời đầu rạp xuống đất: chiến tranh có thể biến một người tàn phế thành người hạnh phúc nhất trần gian"[7.185]. Những người lính vô tư lự, không hiểu gì về cuộc chiến, lạc quan thiếu căn cứ hăng hái ra chiến trường để rồi một ngày kia gửi lại chiến trường một phần cơ thể nhưng trong lòng vẫn mỉm cười mãn nguyện. Bởi đổi lấy điều đó là việc họ được ở lại với gia đình mãi mãi. Chiến tranh trong cái nhìn của nhà văn này được khai thác ở những mặt trái như vậy để rồi trang sách gấp lại nhưng bàng bạc trong ta là một nỗi ám ánh không bao giờ nguôi.

Không chỉ có thế Philippe Claudel còn còn thể hiện nhận thức của mình về thời gian, cuộc sống, cuộc đời, về sự tồn tại của con người giữa lòng thế giới. Mỗi người chỉ là một giọt nước giữa đại dương mênh mông mù khơi, vòng quay của lịch sử thì dài nhưng đường đời thì lại vô cùng ngắn ngủi và thời gian là ma lực có quyền uy nhất. Những con người lần lượt cứ thế lìa xa thế giới vì lí do này hay lí do khác đã để lại trong lòng anh cảnh sát sự thức tỉnh về thời gian

"Tôi tự nhủ là mình còn có thời gian: điều ngu ngốc của con người nằm ở chỗ đó, khi nào cũng tự bảo là có thời gian, mai hãy làm, ba ngày nữa, một năm nữa, hai giờ nữa hãy làm"[7.86]. Đó là nhận thức của nhân vật, của tác giả hay là của chính chúng ta giữa cuộc đời này. Nhận thức về thời gian là cách để chúng ta học cách tôn trọng những gì đang có hôm nay. Bên cạnh đó Philippe Claudel cũng có những đoạn văn rất hay khi nói về vị trí của con người trước cuộc đời: "Đời thật là lạ. Không có gì có thể dự tính. Tất cả đều hỗn độn ở trong đó, không thể chọn lựa. Những thời điểm đau thương tiếp nối những khoảnh khắc hạnh phúc. Đời là thế đó. Con người như một hòn sỏi nhỏ nhoi nằm chơ vơ trên đường, nhiều ngày liền vẫn nằm một chỗ như thế. Thế rồi có một kẻ lang thang nào đó vô cớ đá một cái và hất vào không trung. Một hòn sỏi thì làm được gì cơ chứ?"[7.182], "Đời thật lạ. Có ai bao giờ biết vì sao chúng ta lại ra đời, vì sao chúng ta lại ra đời?"[7.294]. Qua số phận của từng nhân vật nhà văn rút ra cái nhìn mang nặng triết lý chiều sâu cho tác phẩm.

Tác phẩm văn chương là một sự sáng tạo nghệ thuật và mọi nghệ thuật đều là kết quả của sự tìm tòi, khám phá. Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó chỉ là sự phản ánh hời hợt, đơn thuần. Sáng tạo ra thế giới nhân vật để phản ánh bức tranh hiện thực cuộc đời và qua thế giới sáng tạo đó nhà văn thể hiện một giọng điệu triết lý cho những vấn đề mà mình trăn trở suy tư là một thành công của các nhà tiểu thuyết. Ở một phương diện nào đó Philippe Claudel đã gửi gắm cái nhìn nhân sinh sâu sắc về cuộc đời. Quan niệm mà ông đưa ra ít nhiều còn mang đậm dấu ấn cá nhân nhưng cũng để chúng ta soi mình và ngẫm nghĩ.

Điều đặc biệt trong cuốn tiểu thuyết này chính là một vụ án mạng bí ẩn từ đầu đến cuối tác phẩm. Quá trình điều tra vụ án cứ hé lộ dần những bí mật còn ẩn dấu. Việc mượn cấu trúc truyện trinh thám Philippe Claudel đã làm cho người đọc lạc vào mê hồn trận của quá trình điều tra vụ án. Destinat? Thằng nhóc người Bretagne? ai thực sự là hung thủ? Nhà văn cứ để cho người đọc đi từ ngỡ ngàng này tới ngỡ ngàng khác. Nếu Destinat thực sự là một kẻ giết người thì ông ta là một người độc ác, vô nhân tính. Nếu ông không phải là hung

thủ thì bao bọc vẻ ngoài lùng ông là một người tốt. Người đọc bị bao bọc trong nghi vấn không lời giải ấy. Bí ẩn về con người này đến cuối tác phẩm vẫn không được bật mí. Chính cách thể hiện bí ẩn về con người như vậy nhà văn đã nói lên giọng triết lý, chiêm nghiệm về con người giữa cuộc đời. Mỗi cá nhân là một ẩn số trước cuộc đời, hiểu được người khác không bao giờ là công việc dễ dàng. Đặc biệt trong xã hội hiện đại khi khoảng cách giữa con người với con người cứ ngày càng rời xa. Do đó, lựa chọn giọng điệu triết lý, chiêm nghiệm là một trong những cách để nhà văn trẻ này bước vào địa hạt khám phá thế giới bí ẩn của con người trong thời đại mới.

Một phần của tài liệu Những linh hồn xám của philippe claudel từ góc nhìn trần thuật học (Trang 87 - 90)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(112 trang)
w