Về nhà văn và con đường của văn học 1 Thế giới nội tâm và tư tưởng của nhà văn

Một phần của tài liệu Tạp văn và tiểu luận phê bình văn học của nguyễn huy thiệp (Trang 27 - 32)

2.1.1. Thế giới nội tâm và tư tưởng của nhà văn

Bách khoa toàn thư Wikipedia có định nghĩa: Nhà văn là người chuyên sáng tác ra các tác phẩm văn học, đã có tác phẩm được công bố và ít nhiều được độc giả thừa nhận giá trị của một số tác phẩm.

Kỹ năng của các nhà văn thể hiện qua kỹ năng sử dụng ngôn ngữ để mô tả một ý tưởng, một phong cảnh, dù đó là sự hư cấu hay thực tế. Nhà văn, tuy thường được hiểu là người sáng tác ra các tác phẩm văn xuôi, tuy nhiên khái niệm nhà văn vẫn có độ mở nhất định khi bao gồm cả những thể loại văn học như thơ, văn xuôi, tiểu thuyết, kịch bản văn học.

Dựa trên khuynh hướng sáng tác, loại thể chuyên sáng tác của từng tác giả văn học, nhà văn có thể được xếp vào các vị trí khác nhau như nhà thơ, tiểu thuyết gia, nhà soạn nhạc kịch, sử gia, ký giả, nhà báo, nhà viết kịch bản phim, … Các thông tin của nhà văn thường đóng góp vào để tạo ra nền văn hóa của một xã hội và xã hội đó có thể được thể hiện ra từ giá trị của các tác phẩm được viết, hay là các tác phẩm văn chương, cũng giống như nghệ thuật, v.v.

Ý kiến khác cho rằng: Nhà văn là một nhà tư tưởng. Điều đó đồng nghĩa với việc nhà văn lúc nào cũng phải đối diện với chính mình. Họ luôn đặt những câu hỏi cho mình, về mình. Xuân Diệu, một trong những nhà thơ tiểu biểu cho phong trào Thơ Mới tự nhận mình: Ta là một, là riêng, là thứ nhất, Chế Lan Viên thì lúc nào cũng day dứt về sự tồn tại của bản thân: Ta là ai? Ta vì ai?, còn với nhà thơ Hoàng Hưng thì nhà văn lúc nào cũng là: người đi tìm mặt… Họ luôn luôn đặt ra những câu hỏi trong tư tưởng và phơi bày

chúng, giải quyết chúng (tất nhiên phải thông qua thế giới hình tượng nghệ thuật hoặc thông qua những phát biểu, những tuyên ngôn nghệ thuật của mình). Khi giải quyết những vấn đề tư tưởng ấy, thực ra nhà văn đã xác định chỗ đứng của mình. Từ đâu, từ địa vị nào mà nhà văn nhìn thấy con người, xã hội để mô tả và đưa vào trong tác phẩm của mình.

Nam Cao (1915-1951) là một trong những nhà văn luôn luôn ý thức về trách nhiệm của người cầm bút, luôn đặt ra yêu cầu cho người nghệ sỹ: phải đứng trong lao khổ mở hồn ra đón lấy những vang động của cuộc đời. Nhưng nếu người nghệ sĩ trong tác phẩm Nam Cao là người thánh thiện, biết vượt lên trên những tầm thường xung quanh, không bao giờ hoà lẫn với xung quanh, là người luôn luôn ý thức rằng mình không bao giờ tha hoá dù đến tận đáy bần cùng, thì người nghệ sĩ trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp lại trộn lẫn với xung quanh, thậm chí nhiều lúc còn nhếch nhác, vô tích sự, vi phạm chính lý tưởng mình rêu rao một cách có ý thức. Lý giải điều này trong tiểu luận

Một góc sơ suất trong thế giới nội tâm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết: “Tôi không hiểu tại sao xã hội lại đi đòi hỏi nhà văn nhiều sứ mệnh lớn lao đến nỗi trừ phi phải thế nào đấy thì mới tải nổi, chứ là người bình thường thì tôi chắc không sao chịu được. Tôi đã suy nghĩ nhiều điều đó…”.

Nguyễn Huy Thiệp không “đao to búa lớn” đòi hỏi nhà văn phải “bất chấp hết. Ngập trong bùn, sục tung lên, thoát thành bướm và hoa” (Giọt máu, Tân Dân) hay “phải đứng trong lao khổ mở hồn ra đón lấy những vang động của cuộc đời” (Giăng sáng, Nam Cao). Nguyễn Huy Thiệp luôn đặt các nhà văn trong mối quan hệ với xung quanh. Họ ngụp lặn trong cuộc sống bùng nhùng và cũng phồn tạp như cuộc sống. Dù rằng, lúc nào họ cũng ý thức về bản thân. Khi xem xét thế giới nội tâm của mình đa số nhà văn có lương tri đều ngượng. các sự kiện thảy đều vụn vặt, chắp vá, nhem nhuốc, những suy luận duy tâm duy vật đan xen kẽ nhau thậm chí bỉ ổi, còn điều chúng ta gọi là “tri

thức” thì được ủ bọc trong trạng thái giống như phôi, thai, đúng hơn là trạng thái khả năng [70,9].

Văn học là một hình thái ý thức xã hội đặc thù. Với tư cách là chủ thể thẩm mĩ, nhà văn, do đó cũng phải có tư chất nghệ sỹ đặc biệt. Phan Huy Chú cho rằng: các nhà trước thuật thì “cô đọng, sâu suốt, bao quát, xa rộng, cốt ở tính chất mực thước và hệ thống” nhưng “phần lớn kém ở lời văn hoa mĩ”. Còn nhà văn, nhà thơ thì “diễn đạt tình cảm đến tột mức và thu lượm được mọi cảnh hay việc lạ…mà nhà học giả điển chương không rối đầu để tâm đến, cũng không có tài làm ra”. Nếu nhà trước thuật “có đủ cái học uyên bác” thì nhà văn, nhà thơ “có nguồn cảm hứng bay bổng” [58,300].

Tư chất nghệ sỹ rõ nhất ở nhà văn, là giàu tình cảm, dễ xúc động và nhạy cảm. Trong khoa học, tình cảm chỉ nằm trong tiền đề sáng tạo, còn trong văn học, tình cảm nằm ngay trong thành phần sáng tạo. Chính vì thế mà nhà văn, chủ thể sáng tạo, không thể chỉ có lý trí lạnh lùng đã đành, mà cũng không phải chỉ có tình cảm thông thường hời hợt. Yêu, ghét, vui, buồn, thương mến hay căm giận,… đều đến độ mãnh liệt ở nhà văn. Lỗ Tấn nói: “Gặp những cái gì hay và đáng yêu thì họ ôm choàng lấy, nếu gặp điều trái đáng giận thì họ sẽ bác bỏ… Phải kịch liệt công kích cái sai như đã từng nhiệt liệt chủ trương cái đúng. Ôm chặt người yêu như thế nào thì phải nghiến chặt kẻ thù như thế, như Héc quyn nghiến chặt người khổng lồ Ăng tê, anh ta nhất định làm đứt xương gân kẻ thù mới thôi”.

Các tác giả giáo trình Lý luận văn học đưa ra một loạt các yếu tố làm nên tư chất nghệ sỹ ở nhà văn. Nhà văn là một con người giàu tình cảm, dễ xúc động và nhạy cảm; trí tưởng tượng phong phú cũng là tư chất nghệ sỹ nổi bật ở nhà văn; Nhà văn là người có trí nhớ tốt và cũng thường bộc lộ cá tính rõ nét nhất trong lĩnh vực của mình. Nếu cá tính nhà văn mờ nhạt, không tạo ra được tiếng

nói riêng, giọng điệu riêng thì đó là một sự tự sát trong văn học - một lĩnh vực tối kỵ sự nhai lại ngay cả với những chân lý quan trọng [58,300].

Không phải bất cứ nhà văn nào cũng có dồi dào những tư chất nghệ sĩ nói trên, mặc dù những mặt đó cũng chưa phải là tất cả. Những tư chất đó cũng không tồn tại cô lập mà xuyên thấm và bổ sung cho nhau và dựa vào nhau mà phát huy tác dụng. Tâm hồn nhạy cảm của nhà văn nếu không dựa vào trí tưởng tượng phong phú thì không thể nào tạo ra được “thiên nhiên thứ hai” trong tác phẩm. Trí tưởng tượng nếu không dựa trên cơ sở quan sát và tự quan sát thì cũng dễ mông lung huyễn hoặc. Khiến quan sát tinh tường nếu không được trí nhớ ghi dấu lại thì cũng phí hoài.

Nguyễn Huy Thiệp trình bày về thế giới nội tâm và tư tưởng của nhà văn không theo một hệ thống lý luận giống như các nhà nghiên cứu phê bình. Ông quan niệm “Một nhà văn, một người sáng tác phải coi lý luận phê bình như sự tự ý thức của anh ta. Tính khoa học trong công việc của nhà văn là ở chỗ này. Chỉ có những “nhà văn - nhà khoa học - nhà bác học” mới hòng xây dựng được những tác phẩm thiên tài”. Còn việc “xây dựng hệ thống lý luận cho công việc sáng tạo ở nhà văn có ba, bảy đường: Lý luận gì? Lý luận thế nào? Tất cả những điều này là thước đo thực sự của nhà văn”.

Nhà văn cũng như trăm triệu con người khác bị lún sâu trong cái xã hội như món nộm. Họ có trăn trở bao nhiêu, có kiếm tìm bao nhiêu rốt cục cũng chẳng tác động ăn thua gì tới hiện thực. Và dù tác phẩm văn học của họ có giá trị bao nhiêu thì cũng chẳng thể kéo dài cuộc đời của nhà văn viết ra nó thêm ngày nào. Ấy vậy mà xã hội vẫn luôn luôn đòi hỏi ở anh ta rất nhiều thứ. Bắt nhà văn phải là người khai sáng, là người dẫn lối mở đường. Và nếu như có sơ suất điều gì thì lại đổ hết lên nhà văn. Đây là điều hết sức chua xót. Bởi vậy mà “nội tâm của anh xét cho cùng cần cho ai nếu như nó không giúp cho anh sống ráo riết trong từng giây phút một. Tôi nghĩ có lẽ sức truyền cảm cô

đúc trong các con chữ ở các nhà văn lương thiện chính là sự ráo riết ở từng con chữ ấy” [70,19]. Đây chính là cái đẹp trong cảm nhận về nhà văn của Nguyễn Huy Thiệp.

Nguyễn Huy Thiệp nhìn thấy được cả những sự trăn trở dồn nén, để chắt chiu từng con chữ của nhà văn. Từ lâu người ta đã coi cái Đẹp là sự sống và sự giản dị là điều kiện thiết yếu của nó. Nhưng cũng có lẽ bởi tâm lý quá yên tâm về văn học nên “chưa có một nhà văn nào đủ một nội tâm mạnh mẽ để có thể khinh bỉ văn học rồi từ đó làm lại từ đầu” [70,20]. Và khi văn học chưa đạt tới được ngưỡng của tri thức văn hoá của thời đại nhà văn đang sống thì văn học không thể có sức mạnh được. Muốn gì thì gì, cuối cùng trên trang viết của nhà văn phải dần dần tạo cho mình một quan niệm nhân sinh cao đẹp, hướng thiện con người.

Tác phẩm văn học là đứa con tinh thần của nhà văn, là sản phẩm kết tinh, là sự thăng hoa của thế giới nội tâm nhà văn khi đạt đến sự trọn vẹn trong tư tưởng. Và nó có đời sống độc lập nhất định của nó, thế nhưng “nhân đây tôi cũng nói thẳng ra rằng hầu hết các tác phẩm văn học ở ta đều rất duy tâm. Những áp đặt ý chí của tác giả lên số phận các nhân vật chẳng là duy tâm thì duy vật ở chỗ nào? Mối quan hệ giữa chính trị với văn nghệ, suy cho cùng là mối quan hệ giữa cộng đồng xã hội với cá nhân nghệ sĩ”. Chính vì vậy, Nguyễn Huy Thiệp nhận thấy những nghệ sĩ lớn, những nhà văn thiên tài luôn luôn bận rộn với thiên mệnh lớn lao, họ làm mọi việc lấy lệ cho xong chuyện bởi họ còn bận tâm ở đâu đấy. Từ đó Nguyễn Huy Thiệp nhận thấy Trong thế giới nội tâm nhà văn đã từng xảy ra không ít hơn ba điều ngộ nhận quái gở: sự ngộ nhận chính trị có ý nghĩa con người xã hội là sự ngộ nhạn khủng khiếp, sự ngộ nhận giới tính có ý nghĩa con người tự nhiên là sự ngộ nhận đau đớn, sự ngộ nhận về cái chết có ý nghĩa chung cho cả con người xã hội lẫn con người tự nhiên là sự ngộ nhận tàn nhẫn. Khủng khiếp, đau đớn, tàn nhẫn đó là ba

điều mà nhà văn nào cũng phải tự rút ra cho mình trong quá trình sống và sáng tác.

Về mối quan hệ giữa nhà văn và độc giả, Nguyễn Huy Thiệp nói: “Ở nhà văn sức mạnh không ở bản thân nhà văn mà ở độc giả của họ… Công việc của nhà văn bắt đầu từ đâu? Tôi nghĩ rằng phải bắt đầu từ việc nghiên cứu bạn đọc, đúng hơn là việc phải nghiên cứu tâm lý dân tộc trong cả một khoảng thời gian dài. Trên cơ sở đó nhà văn dọn ra món ăn tinh thần cho cả thời đại mình. Lúc ấy tác phẩm của anh mới là một tác phẩm xứng đáng. Tính chất hợp thời của nhà văn đáng kể ở chỗ này”. Đề cập tới tính dân tộc trong sáng tác của nhà văn, Nguyễn Huy Thiệp muốn nói tới Một khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn. Ông nói “ có lẽ chưa bao giờ lại cần đến những nhà văn có tư tưởng sáng suốt như trong thời đại hiện nay… Chúng ta cần phải tỉnh táo nhận ra rằng tình trạng hiện nay của dân tộc là thê thảm. Tôi không muốn nói đến tình trạng thiếu thốn vật chất mà muốn nói đến thế giới tinh thần của họ. Những ràng buộc nặng nề của các tư tưởng lạc hậu cũ kỹ khiến cho hàng triệu số phận con người đau khổ. Họ mê man trong các công sở và trong các tổ quỷ gia đình, trong các lũy tre xanh và các khu tập thể đông hộ. Tôi đã thấy sự nghèo đói nhưng tôi không sợ. Tôi đã thấy những sự sai lầm trong những công việc ở nhiều nơi nhưng tôi không sợ. Tôi chỉ sợ khi con người không còn lòng tôn trọng lẫn nhau, không còn lòng dũng cảm, không còn đức tính trung thực và như thế sẽ không đào đâu ra được tình yêu với nhũng giá trị tuyệt đối” [70,34].

Một phần của tài liệu Tạp văn và tiểu luận phê bình văn học của nguyễn huy thiệp (Trang 27 - 32)