Ngôn ngữ “bác học”

Một phần của tài liệu Tạp văn và tiểu luận phê bình văn học của nguyễn huy thiệp (Trang 102 - 104)

Ngôn ngữ bác học là ngôn ngữ không được hiểu theo nghĩa thường mà người đọc, người nghe phải có một trình độ văn học nhất định mới hiểu được hết ý nghĩa của nó, không phải ai nghe cũng hiểu.

Trong nhiều tiểu luận phê bình, Nguyễn Huy Thiệp sử dụng không ít từ Hán Việt và điển cố lấy trong sách vở với lối diễn đạt đài các, qúy phái, nhưng tất cả đều được sử dụng có liều lượng, đúng nơi, đúng lúc, nên đều hợp lý. Ví dụ như: “Các thiên tài khi nói về mình thường rất khiêm tốn và bao giờ cũng đổ công cho Tạo hóa” [70,11], “Goethe nói về mình: thiên tài là lòng kiên nhẫn” [70,12], “tinh thần hiện sinh giúp con người nhận thức ra bản ngã của mình” [70,63]. Lối diễn đạt như thế và việc sử dụng hàng loạt ngôn ngữ Hán Việt làm cho câu văn trở nên trang trọng, quý phái.

Trong tiểu luận phê bình của mình, Nguyễn Huy Thiệp còn sử dụng cả nghệ thuật ước lệ tượng trưng. Điều này ta thường bắt gặp trong lối diễn đạt trong thơ ca truyền thống. Nguyễn Huy Thiệp đã đặt lên mặt giấy đầy đủ các loại tín ngưỡng và lý tưởng của con người như Nho học, Phật học và các loại khác. Thậm chí cả triết học hiện sinh và kể cả duy vật biện chứng. Tất nhiên, có tín ngưỡng, lý tưởng, nhưng không có tín đồ. Thậm chí ông đưa cả những

tên tuổi lớn của dân tộc vào tiểu luận của mình, nhờ đó mà sức nặng của câu văn, của lời văn có giá trị hơn rất nhiều. Trong Nhà văn và bốn trùm mafia có đoạn: “Chu Tử, tức Chu Hy đời nhà Tống - Trung Quốc quan niệm: Uy nghi đúng mực, nói năng phải lẽ, đều là văn. Quan niệm ấy hết sức chính xác, Lê Quý Đôn cũng quan niệm như thế nhưng văn hoa hơn: Mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú là văn của trời… Núi, sông, cây cỏ là văn của đất… Lễ nhạc, pháp độ là văn của người” [70,63]. Trích như vậy lời văn sẽ sang hơn, giàu sức thuyết phục hơn. Nguyễn Huy Thiệp đã mượn lời của cổ nhân giúp người đọc sẽ hiểu rằng, văn hay tức là đức tốt.

Ngôn ngữ trong Giăng lưới bắt chim của Nguyễn Huy Thiệp, sắc bén và thâm trầm đã dẫn dụ người đọc đến với những “khoảng trời riêng của người cầm bút” bằng một lăng kính rất riêng: Một góc sơ suất trong thế giới nội tâm của nhà văn, Khoảng trống không ai lấp được trong tư tưởng nhà văn, Hiện tượng Vi Thuỳ Linh, Xin đừng làm chữ của tôi đau, Con đường của nhà thơ, Con đường văn học, Hoàng Ngọc Hiến: Viên ngọc hiếm… Với cách đi vào vấn đề trực diện bằng một góc nhìn thâm trầm, trải nghiệm, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã mở ra cho độc giả biết “khi xem xét thế giới nội tâm của mình đa số nhà văn có lương tri đều ngượng. Các sự kiện thảy đều vụn vặt, chắp vá, nhem nhuốc, những suy nghĩ duy vật, duy tâm đan kẽ nhau” [70,9]. Chính vì thế ông băn khoăn rằng tại sao xã hội lại đi đòi hỏi nhà văn nhiều sứ mệnh lớn lao trừ phi phải thế nào đấy thì mới tải nổi? Nhắc đến hiện tượng Vi Thuỳ Linh, nhà văn lão làng sau một cuộc “đại phẫu” thơ Vi Thuỳ Linh đã khẳng định rằng: “Vi Thuỳ Linh là một hiện tượng trong thơ Việt Nam. Cũng là một tiếng thơ lạ. Vi Thuỳ Linh mới chỉ bắt đầu đi những bước đầu tiên trên con đường thơ truân chuyên gian khó của mình. Phía trước là bầu trời, ở đó có vinh quang và hiểm hoạ. “Hãy tin ngày mai trời lại sáng trong sự ngây ngất”. Cũng chẳng cần “thông minh hơn nhiều so với tuổi. Cũng chẳng cần già hơn

nhiều so với tuổi. Dư luận cũng nên rộng lòng “dù giả tạo vì cá sấu còn biết khóc”. Còn hơn những kẻ vô tâm. Những nhà thơ trẻ chỉ cần nâng đỡ về tinh thần, tình cảm, cần sự chỉ dẫn của người đi trước” [70,193,194]. Những câu văn đầy triết lý, lời lẽ thật đẹp, ngôn từ được gọt giũa, được đánh bóng kỹ càng. Hình như người đọc bắt gặp ở đây hai tâm hồn đồng điệu. Nguyễn Huy Thiệp đã dành cho Vi Thùy Linh tất cả sự nâng niu “Vi Thùy Linh là một biểu tượng trong trắng” [70,190].

Một phần của tài liệu Tạp văn và tiểu luận phê bình văn học của nguyễn huy thiệp (Trang 102 - 104)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(117 trang)
w