Năm 1994, Nguyễn Việt Hà cho in cuốn tiểu thuyết “Cơ hội của chúa”, một tác phẩm góp phần làm nên tên tuổi cho nhà văn Nguyễn Việt Hà. Như không phải tác phẩm nào mới “ra lò” cũng được đón nhận một cách nồng nhiệt ngay. Nó cần lời giới thiệu có tầm cỡ của một người đã có những ảnh hưởng nhất định với công chúng. Lời giới thiệu đó có tác dụng định hướng cho người đọc dễ tiếp nhận tác phẩm. Dù rất quý mến bạn văn Nguyễn Việt Hà, Nhưng Nguyễn Huy Thiệp không thể viết giúp bạn được lời giới thiệu. Bởi “lúc ấy tôi chưa có điều kiện để viết về nó, đơn giản vì chính tôi lúc ấy cũng còn đang phải “đấu tranh”để giữ vững tên tuổi” [70,195]. Mãi đến mười năm sau (năm 2004) khi đã có được chỗ đứng nhất định trên văn đàn và có nhiều thời gian đọc kỹ lưỡng các tác phẩm của Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Huy Thiệp mới lên tiếng “có thể chia sẻ được với Nguyễn Việt Hà về nghề văn, về cách viết cũng như thân phận của người cầm bút” [70,195].
Văn học là một bộ phận thuộc kiến trúc thượng tầng của xã hội, cho nên để đánh giá một nhà văn, từ xưa tới nay, người ta cũng quan tâm đến bộ mặt xã hội của nhà văn. Bộ mặt xã hội của nhà văn là sự tổng hợp các quan điểm, các hiểu biết và quan niệm sống của nhà văn trong xã hội đó. Nguyễn Việt Hà xuất hiện ở giai đoạn xã hội Việt nam đang có sự phân hóa, cơ chế thị trường dần thay thế cho cơ chế bao cấp. Các thang giá trị sống bị xem xét, hoài nghi. Trong văn học, các giá trị tưởng như “cổ điển” cũng bị hạ bệ, đòi phải làm lại. Các cây bút trẻ xuất hiện ở giai đoạn này muốn không bị “chìm” cần phải có bản lĩnh và tài năng thực sự. Nguyễn Việt Hà với tài năng và bản lĩnh của mình đã vượt qua giai đoạn “hậu đổi mới” đó một cách xuất sắc. Trong một lần trả lời phỏng vấn của phóng viên VNexpress 23-01-2002, Nguyễn Việt Hà nói: “Thường người ta hay viết những cái gần giống mình. Những nhân vật đó có sự buồn chán, có sự khát khao của tôi, nhưng không hẳn là tôi. Tôi và nhân vật của tôi thích uống rượu, uống rượu giỏi nhưng không nát rượu. Khi con người, đặc biệt là khi trí thức buồn chán thì họ phải làm một cái gì đó để giải chán như yêu đương, uống rượu hay tồi tệ hơn là cờ bạc. Nhân vật của tôi chọn rượu vì có thể nó hợp với họ. Một trong những phẩm chất của người trí thức là rất nhạy cảm và có khả năng đối thoại với im lặng, đối mặt với sự cô đơn. Bản chất của nhân vật Hoàng trong Cơ hội của Chúa là trong trắng, nhưng khi anh ta phải đối diện với cuộc đời nhiều hoen ố và tệ bạc thì bị ăn đòn. Tuy nhiên, trong cuộc đời, tôi luôn khát khao tới sự trong trẻo. Tôi không để ý lắm tới cốt truyện, nhân vật sống và làm việc như thế nào, mà chỉ quan tâm tới vấn đề tại sao họ lại sống như vậy... Quan trọng đối với nhà văn là quyền được nghĩ chứ không phải là được viết. Khi đã nghĩ ra được thì viết cũng nhanh thôi”. Nguyễn Việt Hà không để ý nhiều tới cốt truyện cho nên Nguyễn Huy Thiệp thấy “anh không phải là nhà văn giỏi về bố cục cốt truyện, anh không giỏi về “hư cấu”. Nguyễn Việt Hà là nhà văn của quan sát của cảm
giác. Sự xúc động trong tình cảm người viết làm cho giọng văn của anh lúc nào cũng như rưng rưng, bùi ngùi, đau đáu, xót xa. Để tránh bi lụy, anh hay tìm những chi tiết hóm hỉnh, thậm chí gây cười hoặc giữ một thái độ dửng dưng, khách quan thế nào đó” [70,200]. Chính điều đó làm tác phẩm Nguyễn Việt Hà có vẻ như đơn điệu, khiến độc giả của anh rất mệt. Và đến một lúc nào đó bản thân anh sẽ phải tự thay đổi chính mình. “Bởi con đường văn học vốn rất chông gai, gian khó, lại cô đơn khôn tả”.
Cuối cùng với sự khiêm tốn “Tôi không phải là nhà phê bình văn học, tôi tiếc không đủ lý lẽ để phân tích sâu sắc về nội dung và hình thức trong các tác phẩm của anh. Nhưng, với linh cảm và kinh nghiệm của một nhà văn”, Nguyễn Huy Thiệp kết luận: “Với Nguyễn Việt Hà tôi nghĩ rằng chỉ riêng với”lối viết túy quyền”, đã đủ xác định đẳng cấp của anh: anh xứng đáng đứng vào hàng ngũ top ten trong văn học Việt Nam hiện đại” [70,201].