Theo từ điển thuật ngữ văn học: “Tiểu thuyết là tác phẩm tự sự cỡ lớn có khả năng phản ánh hiện thực đời sống ở mọi giới hạn về không gian và thời gian. Tiểu thuyết có thể phản ánh số phận của nhiều cuộc đời, những bức tranh phong tục đạo đức xã hội, miêu tả các điều kiện sinh hoạt xã hội, miêu tả các điều kiện sinh hoạt giai cấp, tái hiện nhiều tính cách đa dạng” [21,208]
Các đặc điểm của thể loại tiểu thuyết: cũng được sách trên xác định rõ. Thứ nhất, Tiểu thuyết nhìn cuộc sống từ góc độ đời tư. Tùy theo từng thời kì phát triển, cái nhìn đời tư có thể sâu sắc tới mức thể hiện được hoặc kết hợp được với các chủ đề về thế sự và lịch sử dân tộc. Yếu tố đời tư càng phát triển thì chất tiểu thuyết càng tăng, ngược lại yếu tố lịch sử dân tộc càng phát triển thì chất sử thi càng đậm đà.
Thứ hai là chất văn xuôi. Là sự tái hiện cuộc sống không thi vị hóa, lãng mạn hóa, lí tưởng hóa. Miêu tả cuộc sống như một thực tại cùng thời, đang sinh thành và phát triển tiểu thuyết hấp thụ vào bản thân nó mọi yếu tố ngổn ngang bộn bề của cuộc đời bao gồm cả cái cao cả lẫn cái tầm thường, nghiêm túc và buồn cười, bi và hài, cái lớn và cái nhỏ…
Thứ ba, nhân vật trong tiểu thuyết là những con người “nếm trải”, tư duy, chịu khổ đau, dằn vặt của cuộc đời khác với nhân vật của sử thi, kịch, nhân vật truyện trung cổ là kiểu nhân vật hành động. Tiểu thuyết miêu tả nhân vật như con người đang biến đổi trong hoàn cảnh, con người trưởng thành do cuộc đời dạy bảo.
Thứ tư, ngoài hệ thống sự kiến biến cố và những chi tiết tính cách tiểu thuyết miêu tả suy tư của nhân vật về thế giới,về đời người, phân tích cặn kẽ các diễn biến tình cảm, trình bày tường tận tiểu sử của nhân vật, mọi chi tiết về quan hệ giữa người với người, môi trường…
Thứ năm, tiểu thuyết xóa bỏ khoảng cách giữa người trần thuật và nội dung trần thuật để miêu tả hiện thực như cái hiện tại đương thời của người trần thuật chính đặc điểm này đã làm cho tiểu thuyết trở thành một thể loại dân chủ cho phép người trần thuật có thái độ thân mật thậm chí suồng sã đối với nhân vật của mình.
Thứ sáu, tiểu thuyết là thể loại có khả năng tổng hợp nhiều nhất các khả năng nghệ thuật của các thể loại văn học khác. “Chính hiện tượng tổng hợp đó đã làm cho thể loại tiểu thuyết đang vận động không đứng yên. Nhà nghiên cứu Xô Viết M.BaKhtin cho rằng, tiểu thuyết là thể loại duy nhất đang hình thành và chưa xong xuôi.
Nhà lý luận phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến cho rằng: “Mỗi nhà lý luận nhân văn đều có một cách giải thích khác nhau về tác phẩm. Lý luận chẳng qua là huyền thoại. Những huyền thoại mới sẽ đến thế chỗ cho huyền
thoại cũ. Rồi những huyền thoại tương lai lặp lại quá trình với những huyền thoại tại chỗ”. Chưa một lần nhận mình là nhà lý luận phê bình văn học nhưng Nguyễn Huy Thiệp vẫn tự tin bàn về thời của tiểu thuyết như một thước đo sự thức thời cùng tầm cỡ của nhà văn đương đại, thông qua một loạt bài tiểu luận: Thời của tiểu thuyết (1), (2), (3).
Ở Thời của tiểu thuyết (1), với câu hỏi: Vì sao tiểu thuyết? Nguyễn Huy Thiệp lý giải con đường phát triển tất yếu của văn học là tiến tới thể loại tiểu thuyết. Bởi những đặc trưng của tiểu thuyết như đã nói ở trên phù hợp với xu hướng vận động của thời đại. Cụ thể: “Từ khi nước ta “đổi mới” (từ 1986) văn học Việt Nam chuyển biến. Thời của truyện ngắn đã qua rồi, nhất là sau những thành công của những tên tuổi nổi cộm như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Kiên, Đỗ Chu, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thì Hoài, Phan Thị Vàng Anh…”. Lý do nữa “Các nhà văn trẻ tương lai muốn bứt phá lên, muốn thành danh cần phải tìm ra một hướng đi mới với hình thức khác” [70,271].
Nguyên Tường trong một bài phê bình đăng trên tạp chí Văn nghệ Sông Cửu Long (03/10/2006), có nhận xét: “Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn có tài. Điều này không có gì phải bàn cãi. Sự nghiệp của nhà văn này “chói sáng” bằng những truyện ngắn đặc sắc từng có thời làm xôn xao văn đàn. Nhưng, mươi năm lại đây, một điều ai cũng thấy là bút lực của Nguyễn Huy Thiệp đã đi xuống”. Bằng chứng khi tung ra hai cuốn tiểu thuyết đầu tay Tuổi hai mươi yêu dấu, Tiểu Long Nữ . Ở những sách này, người đọc cảm nhận, bao nhiêu tinh lực, bao nhiêu “hương”, “nhuỵ”, Nguyễn Huy Thiệp đã dụng công, dành sức “mài rũa” ở truyện ngắn đã không còn bút lực. Các “chiêu” của Nguyễn Huy Thiệp trở nên yếu ớt, rời rạc, không còn thâm hậu và “cao cường” như khi viết truyện ngắn. Hình như đấy không phải là Nguyễn Huy Thiệp nữa rồi… với một thủ pháp không có gì mới mẻ, cách xây dựng nhân vật của
Nguyễn Huy Thiệp xem ra hời hợt. Có cảm giác như vì muốn cô đọng câu chữ, tình tiết nên Nguyễn Huy Thiệp đã “quay lướt” qua nhiều cảnh.
Khi đi vào tìm hiểu vấn đề thời của tiểu thuyết, chúng tôi không đi sâu tìm hiểu đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Huy Thiệp. Vấn đề chúng tôi quan tâm đó cách nhìn nhận về thể loại tiểu thuyết của Nguyễn Huy Thiệp dưới cái nhìn của một nhà văn. Lý giải tính tất yếu thời của tiểu thuyết, Nguyễn Huy Thiệp viết: “Thời kỳ truyện ngắn” của hơn thập kỷ vừa qua đủ độ cho các nhà sáng tác ở ta có kinh nghiệm chuyển sang “thời kỳ tiểu thuyết”. Tiểu thuyết gì? Tôi ngờ ngợ võ đoán tương lai trên văn đàn ở ta sắp tới sẽ có mấy dạng, mấy kiểu sau đây:
Tiểu thuyết tự vấn (dùng lại khái niệm văn học tự vấn mà nhà văn Nguyên Ngọc đã dùng) dành cho những nhà văn loại một có “tư tưởng”. Tôi nghĩ rằng đây sẽ thuộc về những nhà văn khoảng độ tuổi “đầu 5”. Trẻ hơn rất khó tự vấn vì kinh nghiệm cuộc sống không đủ cho họ có thể xem xét nội tâm của mình và nội tâm xã hội [70,277]. Cũng theo Nguyễn Huy Thiệp, loại tiểu thuyết “chính thống” đòi hỏi rất nhiều “võ” (ý muốn nói là kỹ thuật viết văn). Với loại tiểu thuyết này, điều cơ bản không phải là ở những đề tài, những vấn đề mổ xẻ “tấn trò đời” mà việc tìm ra một giọng điệu mới sẽ là quan trọng hơn. Vì thế, Nguyễn Huy Thiệp nghĩ rằng tiểu thuyết Việt Nam khó thành công ở loại tiểu thuyết tự vấn, tự sự mà có khả năng ở loại tiểu thuyết thứ hai. Dạng tiểu thyết thứ hai theo Nguyễn Huy Thiệp đó là tiểu thuyết tình cảm, tiểu thuyết phiêu lưu, trinh thám “mua vui cũng được một vài trống canh” hoặc cái gì từa tựa như thế. Bởi, “thực tế, một khi xã hội ổn định, đời sống vật chất tinh thần tăng dần lên thì người ta sẽ không còn băn khoăn quá nhiều về “lý tưởng” hoặc “chân lý” gì nhiều nữa”[70,279].
Trong một buổi giao lưu với sinh viên lớp “kỹ năng sáng tác và phẩm bình truyện ngắn” vào sáng 11/08/2012 tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội,
khi được hỏi: “Ông có tin vào sức mạnh của văn chương Việt Nam sẽ làm nên được những bộ tiểu thuyết lớn?”. Nguyễn Huy Thiệp trả lời:”Chúng ta viết tiểu thuyết không thể bằng thế giới được. Các nước như Nga, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, họ có những lâu đài văn chương thật sự. Chứ không phải những lâu đài dễ vỡ như ta. Ra nước ngoài rồi quay lại nhìn những cái của ta thật là thảm hại. Truyện ngắn phù hợp với ta vì sức khỏe và trình độ của ta có giới hạn. Người Việt Nam không làm được cái lớn đâu. Chúng ta phù hợp với cái nhỏ hơn. Làm như vậy, chúng ta mới đạt được giá trị cả hình thức lẫn nội dung. Bạn thử nghĩ đến những giá trị tinh thần và vật chất mà cha ông để lại thì biết. Có lẽ cũng do môi trường sống và con người nữa. Ví như ở Trung Quốc có núi cao, sông rộng, lòng người hiểm nên họ mới có những bộ tiểu thuyết lớn.”