Nhà thơ Vi Thùy Linh

Một phần của tài liệu Tạp văn và tiểu luận phê bình văn học của nguyễn huy thiệp (Trang 68 - 74)

Năm 2003 trên các tạp chí Văn hiến, báo Sinh viên, Nguyễn Huy Thiệp có đăng bài tiểu luận phê bình viết về một hiện tượng gây ồn ào trên diễn đàn văn học Việt Nam ở thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. Đó là Vi Thùy Linh, nhà thơ nữ trẻ sinh năm 1980. Vi Thùy Linh là một nhà thơ trẻ thế hệ 8x, từng được giới nghiên cứu phê bình để ý từ rất sớm có thể kể tên một số bài viết về Vi Thùy Linh

- Thơ Vi Thùy Linh, một khát vọng trẻ (Nguyễn Thụy Kha, Người Hà Nội, số 8.2001)

- Thơ Linh (Phạm Xuân Nguyên, tạp chí Sông Hương, số 4.2001) - Linh ơi…! (Nguyễn Thanh Sơn, Người Hà Nội, số 8.2001)

- Hiện tượng Vi Thùy Linh (Nguyễn Huy Thiệp, 2003 ) - Vi Thùy Linh, nhục cảm sáng tạo (Thụy Khuê)

- Đọc lại Vi Thùy Linh (Trần Đăng Khoa)

- “Sex” làm nên “thương hiệu” Vi Linh? (Lê Thị Huệ)

- Thơ của một cô gái tuổi 20 (Tô Hoàng, Người Hà Nội, số 7, ngày 17.2.2001)

- Đọc “Linh” thơ Vi Thùy Linh (Văn Đắc, phụ bản thơ, Báo Văn nghệ số 16, tháng 10/2004).

-…….

Vi Thùy Linh là người con gái rất ý thức về sự sinh ra mình ở trên đời, cô thắc mắc rồi cô lý giải về duyên cớ ngày sinh của mình (ngày mồng 4 tháng 4 năm 1980) một cách siêu thực, đẹp đẽ và rất nên thơ. “Ngày ấy là ngày thế nào? Đấy là ngày: đổ sang nhau những ăn năn bất cẩn, trong sạch vấy bẩn, ý nghĩa vô bổ, cạn kiệt lấp đầy, tuyệt vọng và ngộ nhận, đoàn tụ và lưu lạc, trấn tĩnh và hoảng loạn. Đấy là ngày có một tình yêu phi thường của những định mệnh khác thường” [70,182]. Trên thực tế, ngày 4 tháng 4 năm ấy cũng chỉ là một ngày bình thường như bao ngày bình thường khác. Thời kỳ Linh được sinh ra là thời kỳ Đất nước đang trong chế độ bao cấp, mua thưởng cái gì cũng tem phiếu. Mọi người đang sống trong tình trạng vô cùng khó khăn, khốn đốn, thậm chí còn khó khăn, nhọc nhằn hơn cả thời kỳ chiến tranh. Đó là thời kỳ khó quên trong ký ức Nguyễn Huy Thiệp: “Tôi còn nhớ ở một trường phổ thông trung học nơi tôi đến ở: giáo viên không có lương, các thầy cô giáo đã phải xin hợp tác xã cấp ruộng cấy lúa lấy gạo ăn, hai cô giáo mới có một cái quần lụa lành lặn để thay nhau mặc mỗi khi lên lớp. Trong các công sở, người ta phải phân phối chia nhau từng bao thuốc lá, từng đôi pin đèn, từng chiếc lốp xe đạp…” [70,183]

Đến tuổi trưởng thành, thệ hệ Vi Thùy Linh lại sống trong môi trường hoàn toàn khác. Điều kiện kinh tế - xã hội phát triển từng ngày, từng giờ, với tốc độ thông tin hóa ngày càng cao. Ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đa số sống “trong nhung lụa” với các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. “Họ có nhiều cơ hội lựa chọn. Họ không có những ký ức giống như các thế hệ cha anh họ, họ không đói cái đói vật chất, ”tôi đói như một con hắc tinh tinh, tôi đói như một con vật ở địa ngục”[70,183].

Dấu vết tuổi thơ “dữ dội” là cái ám ảnh xuất hiện với tần số dày đặc trong thơ Vi Thùy Linh. Đó là cảm giác sự bỏ rơi, sự cô đơn mà Nguyễn Huy Thiệp đã nhận thấy ở trong tâm hồn nhạy cảm Vi Thùy Linh.

Chỉ còn phía anh thôi

Em không nhớ đã tìm gặp anh bao lần, bất kể khi nắng còn hay tắt Để rồi đêm nay

Em cay đắng quay về khi anh đẩy em bằng mắt.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà khen câu thơ “anh đẩy em bằng ánh mắt” là một câu thơ rất tình tứ. Nguyễn Huy Thiệp lại không, ông chẳng thấy tình tứ mà thấy nỗi đau của nhân vật nữ. Bởi, đây là cú đẩy đi chứ không phải là cú đẩy lại. Thơ Vi Thùy Linh đầy rẫy những phiền muộn vì bị phụ bạc, vì thiếu kinh nghiệm lựa chọn:

Tôi nói với người đàn ông đầu tiên tôi yêu: Em có thể chết, nếu bị anh phản bội.

Khi bị phản bội

Tôi giằng chiếc nhẫn anh tặng khỏi tay mình. Người đàn ông thứ hai dịu dàng và trong suốt Tôi thiếu nữ bé nhỏ rón rén bước vườn yêu Sửng sốt và ngưỡng vọng...

Bỗng nhiên Anh thay đổi...

Nhưng tại sao tại sao tại sao... (Sự im lặng)

Tuổi thơ cô đơn lặng lẽ trôi qua trong sự khát khao cháy bóng được yêu thương. Vi Thùy Linh lao vào tình yêu cuồng nhiệt như đi tìm sự bù đắp, tìm sự cân bằng trong trạng thái. Trong thơ tình, Linh luôn để lại dấu vết tình yêu

thủy chung. Khiến người đọc khó nhận ra cô là một nhà thơ tình tội nghiệp luôn bị phụ tình [70,187].

Ai phụ tình? Ai tình phụ? Có lẽ trước hết đó là dư luận.

Đương như để bù đắp cho sự cô đơn của tuổi thơ, Linh đã yêu thương thật nhiều, đã vị tha thật nhiều, nhưng Linh càng chấp nhận sự thiệt thòi thì sự hụt hẫng càng đến với Linh bấy nhiêu. Sự cô đơn luôn ngự trị trong Linh, không cho cô sự lưa chọn nào khác.

Chạy trốn sự thiếu thốn tình cảm của tuôi thơ, chạy trốn sự cô đơn trong tình yêu. Vi Thùy Linh lao mình vào miền cảm xúc tưởng tượng mới, tình mẫu tử. Những cảm xúc về tình mẫu tử của một thiếu nữ tuổi 20. Nhà thơ Thanh Thảo viết: “Vi Thuỳ Linh là một hiện tượng của thơ Việt Nam đương đại, chín sớm trong thơ và cả trong đời. Cô gái mới 20 tuổi có khát khao dữ dội và nghĩ một cách thâm trầm sâu sắc đến không ngờ về thiên chức làm mẹ trong thế giới”.

Con ơi... con ơi

Không biết bao lần, mẹ đặt tay lên bụng, gọi con

Mẹ khao khát mang con, mặt trời đang phôi thai trong mẹ Con đang ở đâu

Hãy theo tình yêu của cha, đậu vào lòng mẹ...

Sẽ đến lúc, nhìn con, mẹ lại ngỡ đó là chồng của mẹ...

Có lúc, vì tham vọng sự nghiệp, mẹ ngại có con Nhưng rồi qua bao nổi nênh

Mẹ mới hiểu, con rất cần cho mẹ... Mẹ ôm búp bê, cho búp bê bú tí

Chỉ có một búp bê con gái, mẹ chỉ quấn thêm hai cái khăn để có hai con trai

Mẹ luôn được làm công chúa, cô dâu...

(Những mặt trời đang phôi thai)

Ở tuổi hai mươi khi tình yêu đôi lứa đang trăng còn sức sống, người thiếu nữ ấy lại dạt dào cảm xúc về tình mẫu tử. Có lẽ đây là trường hợp độc nhất vô nhị trong thơ Việt Nam hiện đại. Trong khi mọi người còn say sưa lý giải tình mẫu tử của Linh, cô hết lòng yêu thương con, khao khát hy vọng về con thực chất là yêu thương, là khao khát, hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn hiện tại, một hiện tại đang mai một dần Lòng tốt, cái Đẹp, cái Thiện. Vi Thùy Linh muốn dựa vào con để được “Xoa dịu đớn đau/Vỗ về thiếu thốn /Xua tan tủi sầu” (Giáng sinh con), “Qua bao nổi nênh/Mẹ càng hiểu, con rất cần cho mẹ” (Những mặt trời đang phôi thai). Nguyễn Huy Thiệp không thế, ông thấy: “Thật buồn cười cho “thiếu phụ 20 tuổi”! Vi Thùy Linh cho đến bây giờ vẫn là một đứa bé con!” [70,189]. Thực ra Vi Thùy Linh càng da diết yêu những đứa con tương lai bao nhiêu, càng mơ ước hy vọng về sự thánh thiện của thế giới trẻ thơ bao nhiêu, ta càng nhận ra sự cô đơn hiện tại của cô bấy nhiêu. Kỷ niệm đẹp về tuổi thơ của Linh trôi qua rất nhanh. Mới vừa rời xa tuổi thơ chưa bao lâu, cuộc sống khắc nghiệt đã làm cô quá mệt mỏi, nhớ về tuổi thơ với biết bao tiếc nuối, hình dung ký ức kéo dài kiếm nguồn an ủi. Phải chăng đó cũng là biểu hiện tâm thức cô đơn bơ vơ không chỉ của Linh, mà còn là của một thế hệ lớp trẻ trong cuộc sống hiện đại?

Vi Thùy Linh trở thành một hiện tượng trong thơ Việt Nam đương đại, bởi thơ cô không chỉ là tiếng riết gào của tuổi thơ cô đơn hay tình yêu bị phụ bạc, tình mẫu tử thiêng liêng, tho Linh còn được xem là biểu tượng sex trong thơ, (“Sex” làm nên “thương hiệu” Vi Linh? - Lê Thị Huệ). Nguyễn Huy Thiệp không thấy thế: “Vi Thùy Linh là một biểu tượng trong trắng chứ, nhưng thật tội nghiệp, lẫn lộn trong tâm hồn Vi Thùy Linh có rất nhiều mặc cảm: đây là một thiếu nữ từng bị một nền giáo dục sai lầm (của gia đình, của

nhà trường, của xã hội) làm hại, xâm hại. Vi Thùy Linh chỉ làm thơ “tự do” có lẽ cũng do ảnh hưởng của nền giáo dục sai lầm đó [70,191]. Theo Nguyễn Huy Thiệp, Sex chỉ là một phương tiện chuyển tải nghệ thuật trong thơ Vi Thùy Linh. Ông từng nói: “Thơ, đấy là đạo đức, là văn hóa, là xã hội”. Nên người thi sĩ phải được giáo dục chặt chẽ từ việc học tập tục ngữ, ca dao, học tập các nhà thơ, các nhà tư tưởng. Thậm chí phải học tập, nắm vững tất cả những niêm luật thơ chủ yếu nhất như các thể thơ 4 chữ, 7 chữ, lục bát, song thất lục bát v.v... Không phải việc từ chối các niêm luật đã là tự do. Việc nắm vững các kỹ năng và niêm luật thơ chính là một cách rèn luyện để có được tư duy tao nhã và hành vi ứng xử với thơ (nói trắng phớ ra là học lễ) cũng chính là hành vi ứng xử với cuộc đời và xã hội. Vì thế Sex trong thơ Linh là một tất yếu của nền giáo dục giai đoan Vi Thùy Linh sinh trưởng.

“Con ngựa chạy lắm cũng chồn chân” cần phải nghỉ, Vi Thùy Linh cũng vậy. Sau một thời gian “nổi đình nổi đám” với các tập thơ Đồng tử, Linh, Khát… Cô cảm nhận được sự mệt mỏi, cô bộc bạch: “Bây giờ tôi không còn là rừng lửa nữa (tức là đã qua giai đoạn mà Nguyễn Trọng Tạo miêu tả là nữ thi sĩ trẻ tuổi trên con ngựa chữ dậy thì, đã độc mã phi thẳng vào rừng rậm thi ca và khát)... Tôi yếu hẳn đi. Tôi sống trong tình trạng thiếu máu và huyết áp thấp. Hay lo nghĩ và mệt mỏi, mỗi bữa tôi chỉ ăn được một bát cơm, phải uống nhiều thuốc. Tóc có sợi bạc v.v...” [70,192]. Đó là tình trạng chung của “bông hoa tài năng nở sớm” trong “vườn hoa” văn học Việt Nam đương đại. Khi mới xuất bản một loạt các truyện ngắn Tướng về hưu, Kiếm săc, Vàng lửa, Phẩm tiết…Nguyễn Huy Thiệp cũng đã phải hứng chịu bao búa rìu dư luận “miệng thế gian, như làn sóng bể”, không phải nhà văn, nhà thơ nào cũng dễ vượt qua. Nhưng bằng sự mẫn cảm của người cầm bút, sự chứng kiến, theo dõi lòng đam mê sự nghiệp cùng với thiên tư thông minh bẫm sinh của Vi Thùy Linh, Nguyễn Huy Thiệp tin ngày lên ngôi vị thơ của Vi Thùy

Linh sẽ đến: “Vi Thùy Linh là một hiện tượng trong thơ Việt Nam. Cũng là một tiếng thơ lạ. Vi Thùy Linh mới chỉ bắt đầu đi những bước đầu tiên trên con đường thơ truân chuyên gian khó của mình. Phía trước là bầu trời... ở đấy có vinh quang, có hiểm họa. Hãy tin ngày mai trong sự ngây ngất. Cũng chẳng cần thông minh hơn nhiều, so với tuổi. Cũng chẳng cần già hơn nhiều, so với tuổi. Dư luận cũng nên rộng lòng dù giả tạo, cá sấu còn biết khóc. Còn hơn những kẻ vô tâm. Những nhà thơ trẻ rất cần sự nâng đỡ về tinh thần, tình cảm, cần sự chỉ dẫn của những người đi trước” [70,194].

Dự cảm của Nguyễn Huy Thiệp về thành công của Vi Thùy Linh đã thành hiên thực. Hiện nay, Vi Thùy Linh là nhà thơ Việt Nam đầu tiên được mời thực hiện một đêm thơ riêng tại Paris mang tên “Tình tự Hà Nội”. Cô cũng là nhà thơ đầu tiên thực hiện tour diễn Pháp - Châu Âu. Trong mấy năm trở lại đây Vi Thùy Linh liên tục thực hiện nhiều tua diễn thơ ở cả trong nước và ngoài nước. Bài viết Hiện tượng Vi Thùy Linh là một trong những bài tiểu luận Nguyễn Huy Thiệp trực tiếp bàn về các hiện tượng của văn học Việt Nam đương đại. Điều này chứng tỏ, dù không phải là nhà lý luận phê bình văn chương chuyên nghiệp, nhưng những đánh giá, nhận xét của Nguyễn Huy Thiệp về hiện tượng thơ Vi Thùy Linh cũng đáng để giới nghiên cứu phê bình phải chú ý.

Một phần của tài liệu Tạp văn và tiểu luận phê bình văn học của nguyễn huy thiệp (Trang 68 - 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(117 trang)
w