Về tiểu thuyết “Khải huyền muộn”

Một phần của tài liệu Tạp văn và tiểu luận phê bình văn học của nguyễn huy thiệp (Trang 47 - 51)

Khải huyền muộn, tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà (Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005) là cuốn tiểu thuyết được chờ đợi sau nhiều thành công của tập truyện ngắn Của rơi và tiểu thuyết Cơ hội của chúa. Giống như các tác phẩm trước của Nguyễn Việt Hà, Khải huyền muộn tương đối khó đọc đối với các độc giả thông thường. Trong giới những người cầm bút (những siêu độc giả) có một độ hoang mang nhất định khi cầm tác phẩm này lên tay, quả thật rất khó xác định rằng nó hay dở thế nào, thành công đến đâu [70,202].

Sự khó đọc đó báo hiệu những dấu hiệu của hình thức tiểu thuyết đương đại. Theo Nguyễn Huy Thiệp các dấu hiệu cụ thể: cách kể chuyện “không có truyện”, cách kể chuyện “tầm phào”, lẫn lộn giữa những “nguyên liệu” và tình trạng “not finish”, tức là không biết cách kết thúc “ngon trớn” khi tung ra một “chuyện nhỏ hư cấu” mà tôi tạm gọi đó là “tiểu truyện”, đấy thực sự là điều rất tối kị ở trong nghệ thuật viết văn “cổ điển” [70,203]; Tinh thần “khủng bố”

trắng trợn với các giá trị “cổ điển” ngoài nội dung lại được nhấn thêm bằng một hình thức cấu trúc ngữ pháp và bố cục không cân đối, làm cho độc giả đã khó đọc lại thêm một lần nữa khó đọc nếu không muốn nói là không thể nào đọc được. Trong cấu trúc ngữ pháp, người ta luôn thấy các tính từ được Nguyễn Việt Hà đặt lên trước danh từ (đôi mắt mênh mông buồn, ánh trăng rờ rỡ sáng, v.v…). Trong bố cục, hầu như mỗi một chương lại một khác (chương I có 4 tiểu đoạn, chương II có 2 tiểu đoạn, mỗi tiểu đoạn thì “nguyên liệu” và các “tiểu truyện” đan xen nhau, đan xen nhau như không hề có liên hệ nào trực tiếp. Còn những suy nghĩ của tác giả (người viết văn) dường như là cảm hứng chủ đạo nhưng cũng lại không hề rõ ràng, v.v… [70,205]

Nghệ thuật đương đại là gì? Khái niệm đương đại được nhiều người nói và giải thích khác nhau. Nhiều người coi nó là cái đang diễn ra, đang sống. Trong mỹ thuật khái niệm đương đại được sử dụng nhiều hơn trong văn học. Chẳng hạn “khi hoạ sĩ bày ra tấm toile trắng muốt, đổ ào vào đó một ít phẩm màu với đôi nét vẽ ngoạc nghuệch, rồi gài lên mấy cái bút vẽ, họ gọi đó là tranh, là “nghệ thuật đương đại” thì làm sao người xem lại không hoang mang ngờ vực được?”. Chính cái “quá trình tiến tới tác phẩm” đó đã được nghệ sĩ gọi là tác phẩm và ý nghĩa “đương đại” sẽ có điều gì na ná như sự dở dang, na ná như sự bất lực hoặc chán chường. Điều này chắc chắn làm cho một người xem bình thường không thể nhận ra được. Người xem ấy buộc phải có một trình độ chuyên môn thế nào đấy mới “đọc” được tác phẩm, anh ta không “thưởng thức ngốn ngấu” tác phẩm đó theo kiểu “cổ điển” mà ở đây - người nghệ sĩ đòi hỏi anh ta có một độ cảm thông, đòi hỏi anh ta có một tâm trạng và cảm giác đồng sáng tạo thế nào đó với họ. Có thể nói, ở trong nghệ thuật đương đại thì người nghệ sĩ làm ra tác phẩm không phải là để dành cho đám đông quần chúng mù loà, hễ có tiền là xuỳ ra mua vé vào xem. Người nghệ sĩ đòi hỏi cao hơn thế nữa, anh ta muốn một đám quần chúng có “dân trí”, có

học, thậm chí buộc họ còn phải là nghệ sĩ nữa. Đòi hỏi thái quá ấy của nghệ thuật đương đại rất dễ gây hiểu nhầm, thậm chí làm cho một bộ phận những người xem “chất phác” còn có cảm giác như bị chơi xỏ vậy [70,207].

Cuối cùng Nguyễn Huy Thiệp chốt lại bài tiểu luận với nhận xét: “Trong “mặt bằng” tiểu thuyết hiện nay, có lẽ hầu hết những người viết văn chúng ta đều mới chỉ viết ở trong sự ảnh hưởng và biên độ của nghệ thuật viết văn cổ điển, chưa ai viết khác đi. Nguyễn Việt Hà đang thí nghiệm một lối viết khác. Tôi không cho Khải huyền muộn là một thí nghiệm thành công nhưng rõ ràng không thể không tôn trọng nó. Cuốn sách không thể đọc được này lại là một cuốn sách đáng phải xem, nhất là với những người đắc ý tự coi mình là “nhà văn” nhất” [70,208]. Sự thành công của Khải huyền muộn là nó thu hút được khá nhiều ý kiến bình luận của giới nghiên cứu phê bình văn học.

Với tiểu thuyết Khải huyền muộn, nhà văn Nguyễn Việt Hà đã tự mình bứt mình ra khỏi lối mòn của cấu trúc tiểu thuyết và cách kể chuyện truyền thống mà các nhà văn đương đại Việt Nam vốn rất đông, lại viết rất khoẻ, đang gặt hái những mùa bội thu trên cánh đồng văn học... Khải huyền muộn là những câu chuyện trong nhiều câu chuyện của một nhà tiểu thuyết trẻ, vật vã với ý tưởng và các nhân vật nửa thật - đang sống chung với mình và nửa không thật - ấy là các nhân vật của cuốn tiểu thuyết mà nhà văn trẻ đang viết với những khao khát của họ, của anh, và của chúng ta, trước tình hình biến chuyển chung của đất nước. Nói thì to thế, nhưng gom lại, đó cũng chỉ là những điều hết sức nhỏ nhặt của đời thường, với những tình cảm rất đời thường (tiểu thuyết mà!) được bộc lộ đan xen khéo léo đầy dụng ý của tác giả. Nguyễn Việt Hà không hề né tránh phô diễn cái “tôi” thuần tuý trong lối nghĩ và lối viết, thậm chí, tôi có cảm giác anh rất khoái cảm khi tự mình tìm được lối riêng - ấy là cách thể hiện mình bằng những câu chuyện không đầu không cuối nhưng thi vị trong cuộc sống đương đại...(Trung Trung Đỉnh).

Khải huyền muộn là những sải bơi tiếp theo Cơ hội của chúa trên dòng sông tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà. Chọn lựa thứ cấu trúc đa ngôi thứ như thể khối vuông ru-bích, Nguyễn Việt Hà tạo cho mình ưu thế thoải mái để quan sát và kể chuyện, thoả cơn khát tìm tòi và đồng cảm với các nhân vật cuộc sống. Không có số phận đi tới cùng cũng như không có những câu chuyện đi đến hồi kết thúc, tác giả đang khám phá, mô tả cuộc sống đang diễn ra và điều thú vị, cũng là đóng góp riêng của Nguyễn Việt Hà chính là vẽ nên những tâm trạng người đương thời. Quan sát hay, tinh tế và cả tọc mạch nên những câu chuyện bình dị, nhỏ nhoi, không sự biến được Nguyễn Việt Hà trình bày kiểu dây cà ra dây muống nhiều nữ tính lại làm cuốn hút người đọc. Bởi người đọc trong khoảng thời gian nhiều biến động này rất có nhu cầu đọc lại chính mình mà Nguyễn Việt Hà có tài đọc họ, viết về họ(Nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng).

Đây là một cuốn tiểu thuyết không dễ đọc. Vì vậy sự vồ vập với người này, sự thất vọng với người kia là điều bình thường. Nhà văn không thể răm rắp làm theo đơn đặt hàng của độc giả. Sự bừa bộn nằm trong ý đồ của tác giả đưa ra một lối kết cấu dễ gây cảm giác tùy tiện, xộc xệch đã từng thấy trong

Cơ hội của Chúa, nay được thả lỏng hơn trong Khải huyền muộn. Phải nói ngay rằng loại kết cấu như vậy, thủ pháp đan xen nhiều thể loại như vậy không có gì mới. Nói chung chúng ta có muốn sáng tạo ra cái gì mới cũng khó vì đơn giản là chúng ta luôn đi sau. Chẳng hạn loại kết cấu như Nguyễn Việt Hà quen dùng thì Milan Kundera đã làm và bản thân ông cũng là người xài lại. Nhược điểm lớn nhất của Khải huyền muộn - theo tôi - là tác giả còn lộ ra mình phải cố, tức là có chỗ đuối sức (trong Cơ hội của Chúa rõ ràng ông dư sức hơn, nhàn nhã hơn). Vài ba chỗ khiến người đọc có cảm giác tác giả độn vào một cách tuỳ ý, thực ra đó là lúc ông bí, mất hướng hoặc vấn đề bị tuột khỏi tầm kiểm soát. (Nhà văn Tạ Duy Anh). Có thể thấy, các ý kiến trên và ý

kiến Nguyễn Huy Thiệp về tiểu thuyết Khải huyền muộn của Nguyễn Việt Hà là khá thống nhất.

Một phần của tài liệu Tạp văn và tiểu luận phê bình văn học của nguyễn huy thiệp (Trang 47 - 51)