Ngày thơ hàng năm (tức rằm nguyên tiêu, 15 tháng 1 âm lịch), Nguyễn Huy Thiệp đều đến tham dự, xem đó như một cuộc triểm lãm thơ. Người đọc thơ, người yêu thơ, người làm thơ có dịp giao lưu với nhau. Năm 2006, Nguyễn Huy Thiệp có bài viết “nhân ngày thơ, bàn về thơ” trong đó có một số vấn đề của thơ và đời sống thơ được tác giả đề cập và chia sẻ.
Bàn về thực trạng thơ hiện nay ở nước ta Nguyễn Huy Thiệp nhận thấy: “Hiện nay ở ta, tình trạng lạm phát thơ rất tệ hại, ai cũng làm thơ, danh hiệu
nhà thơ bị rẻ rúng”. Đây là thực trạng chung mà ai quam tâm đến thơ đều dễ nhận thấy, đời sống của thơ có sự xáo trộn và tẻ nhạt.
Trong lịch sử phát triển thơ ca những thế kỷ trước, không kể thơ ca dân gian, thơ nhìn chung phát triển theo những chuẩn mực nhất định. Người làm thơ chủ yếu là những Nho sỹ, những người có học, họ làm thơ theo những quy tắc nhất định của các thể thơ: Đường luật, lục bát… Họ làm thơ để tỏ chí, bày tỏ tình yêu quê hương đất nước. Cái tôi cá nhân trong thơ xưa hầu như không có chỗ đứng. Từ khi Việt Nam nghe tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp cũng là lúc nền văn học Việt Nam bắt đầu quá trình tiếp biến với nền văn hóa phương Tây. Sự tiếp biến đó nhanh chóng đến mức Hoài Thanh nói: “một năm của ta bằng ba mươi năm của người”. Sự phát triển mau lẹ của văn học Việt nam nói chung và thơ ca nói riêng đã tạo ra diện mạo mới cho nền văn học nước nhà trên các phương diện hình thức và nội dung. Tiêu biểu là phong trào Thơ mới với các tên tuổi như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Lưu trọng Lư, Chế Lan Viên, Cù Huy Cận, Lan Khai, Đông Hồ, Nguyễn Bính…
Hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thơ giai đoạn này mang hơi thở chính trị nhưng rất được lòng người ủng hộ. Những nhà thơ tiêu biểu như Tố Hữu, Chính Hữu, Phạm Tiến Duật,… Sau 1975, thơ Việt Nam đã có sự đổi mới toàn diện, tạo nên nhiều sắc diện mới cho văn học. Thơ Việt Nam sau 1975, đã có những bước chuyển mới rất cơ bản về nội dung phản ánh, về nghệ thuật và thi pháp. Thơ gần gũi với cuộc đời hơn, gần với thiên nhiên, gần gũi với tâm sự buồn vui của con người hơn, thơ nghiêng về phía những cá thể và là tiếng nói thân phận. Chủ động hơn, tìm tòi vươn tới bề sâu của những vỉa tầng còn ẩn khuất của đời sống tâm trạng và tinh thần con người để khai thác và hướng tới những hiệu quả nghệ thuật mới. Các nhà thơ thời kỳ đổi mới không mấy khi phải gồng mình lên để nói những điều lớn lao… Họ hướng tới những số phận, khắc hoạ được những nỗi đau
mất mát, nó thấm thía và lay động lòng người hơn trước. Nỗi buồn được cảm thông và chia sẻ trong thơ họ rất thật, nó mệt mỏi, nhức đau như chính cuộc đời vậy. Thơ của họ như bản giao hưởng của rất nhiều khái niệm, cảm giác, suy ngẫm và ý tưởng - cùng tấu lên tràn đầy sức tưởng tượng lạ lẫm. Những day dứt của đời thường để lại không ít vết thương trong trái tim nhà thơ. Đọc thơ họ, ta như được tham dự vào những nỗi khổ đau và hy vọng đã làm nên gương mặt của mỗi số phận. Trong các gương mặt thơ cách tân thuộc lớp trước đây, đáng chú ý tới những đóng góp của các nhà thơ: Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Dương Tường... Trong nhóm thơ cách tân đầu tiên này, có thể nói đến Thi sơn thơ như Trần Dần, một Trường giang thơ như Hoàng Cầm, một Phu chữ thơ như Lê Đạt, một Bến lạ thơ kỳ bí như Đặng Đình Hưng, một nẻo đường nhạc lạ như Dương Tường còn neo lại trong thơ hiện đại như một thế hệ khởi đầu với những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho ngôi nhà thơ cách tân. Các nhà thơ này đã làm chúng ta hết sức ngạc nhiên về những tư duy thẩm mỹ mới và hiện đại. Có thể thấy đâu đó một chút dấu vết mòn cũ trong thi pháp của các nhà thơ thuộc nhóm này, nhưng chúng ta không thể không nói đến những cố gắng cách tân thơ Việt hiện đại của họ (Nguyễn Đăng Điệp) [16].
Tình trạng “lạm phát thơ” được Nguyễn Huy Thiệp đề cập trong Nhân ngày thơ, bàn về thơ. Ông cho biết: “ Ngày thơ Việt Nam được tổ chức đến nay là năm thứ ba đã lộ rõ sự dung tục, nhiều lố bịch, không văn minh” [70,232]. Cũng theo Nguyễn Huy Thiệp thơ là phải của tuổi trẻ, của sáng tạo, của tình yêu, của cái mới, đam mê và khát vọng. Bởi của những người trẻ là của những “thiên thần”, họ có sự nhạy cảm về cảm xúc. Thơ của họ như giọt sương mai chưa biết đến “mùi đời” nên ta dễ cảm nhận được cái sự tinh khôi. Trường hợp của Huy Cận, Tế Hanh, Chế Lan Viên và nhiều tác giả “Thơ mới”, của Trần Đăng Khoa và Vi Thùy Linh cũng như vậy.
Cũng Nhân ngày thơ, bàn về thơ, Nguyễn Huy Thiệp nhận thấy: “Thơ thật cao quý nhưng thật ra thơ cũng chỉ là một thể loại có phần “tráo trở mập mờ”. Người ta lạm dụng thơ, dùng thơ để nói cái ngoài thơ, cụ thể “ở ta có thể thấy các nhà thơ vẫn hay bộc lộ tình yêu trai gái trong thơ, nói trắng phớ ra là tính hiếu dâm (chí tình) [70,235]. Không những thế, ngày thơ đáng lẽ là ngày hội, ngày triển lãm của thơ. Nhưng thực tế, người ta sẽ diễn kịch ở trong ngày đó, bán các thứ hàng hóa văn học và liên quan đến văn học, gặp gỡ các nhà văn trong và ngoài nước.
Ý thức người cầm bút thôi thúc Nguyễn Huy Thiệp quan tâm đến không chỉ các vấn đề của văn học mà còn quan tâm đến các vấn đề của thơ và đời sống thơ. Nhưng khi bàn về thơ Nguyễn Huy Thiệp khiêm tốn cho rằng những ý kiến, những sự nhận thấy của mình chỉ là “mua vui cũng được một vài trống canh”. Sự khiêm tốn của Nguyễn Huy Thiệp phải chăng là mô ̣t hàm ý nhằm chỉ thực trạng của thơ Việt Nam hiện nay: “mua vui cũng được một vài trống canh” !?.