Một số vấn đề về hội họa, về kịch, về “tạp văn”,…

Một phần của tài liệu Tạp văn và tiểu luận phê bình văn học của nguyễn huy thiệp (Trang 80 - 84)

Trong tuyển tập Giăng lưới bắt chim, Nguyễn Huy Thiệp có một số bài tạp văn bàn về các vấn đề Nghệ thuât, Hội họa, Kịch, Tạp văn như: Trở lại với tự nhiên, Nghệ thuật của Đinh Quân, Không Nhạt, chuyện điên điên, Bài nói trong lễ nhận giải thưởng Nonino...

Nhân dự lễ khai mạc triển lãm của họa sỹ Lê Thị Minh Tâm, Nguyễn Huy Thiệp đã có một bài nói chuyện về vấn đề hội họa. Không nhận xét trực tiếp về tranh của Lê Thị Minh Tâm như họa sỹ Lê Thiết Cương (Tranh của Minh Tâm giàu hòa sắc. Tâm luôn nhìn thế giới qua đôi mắt - kính vạn hoa. Cô ta luôn tin một cách hết sức chân thành rằng hiện thực dù thế nào đi chăng nữa vẫn đẹp, vẫn long lanh, vẫn lung linh, vẫn rực rỡ. Tâm vẽ tĩnh vật những bản nháp chữ viết hay hình thù gì đó, đôi khi là những mảng tường lở vôi, những cánh cửa cũ…nhưng lạ và hấp dẫn ở chỗ tranh của Tâm luôn thấp thoáng một không khí nhục cảm và hoan lạc. Người xem có thể cảm chứ khó có thể tả lại được, cắt nghĩa ra được) Lê Thiết Cương, Mùa mới, báo Tia sáng,

4/5/2009). Nguyễn Huy Thiệp lại thông qua ý tưởng vẽ tranh của họa sỹ Lê Thị Minh Tâm, ông nói lên quan điểm nghệ thuật “Nghệ thuật kiểu gì thì kiểu cũng sẽ tìm cách giải mã ra hai khuôn mặt, đó là khuôn mặt xã hội đương thời và khuôn mặt chủ nhân người nghệ sỹ làm nên tác phẩm đó” [70,262]. Trong

Trở lại với tự nhiên, Nguyễn Huy Thiệp nói: Nghệ thuật như là một sự thổ lộ bản thân; sự thổ lộ khó khăn nhất (thực ra là đáng kể nhất) chính là sự thổ lộ các trạng thái tình dục. Nó là cửa tử của nghệ sỹ. Và sự trở về với tự nhiên trong nghệ thuật là gì, nếu không phải là sự miêu tả trực tiếp về tình dục, về các trạng thái hoan lạc, mệt mỏi hay lo âu, về sự biến hình muôn màu của nó? [70,260]. Nguyễn Huy Thiệp nhận xét: “Hội họa của Lê Thị Minh Tâm có cái gì tựa như một thứ nghệ thuật “tiểu thừa” về tình dục. Tôi ước một thứ tinh thần của nghệ thuật “đại thừa” giống như Phật giáo. Nhưng đòi hỏi ở Lê Thị Minh Tâm điều ấy là quá sức. Các họa sỹ bậc thầy ở trên thế giới cũng đã bó tay. Ở ta nhiều người còn chẳng biết nó là gì (ngu si hưởng thái bình!)

Thôi thì dù là một chút nghệ thuật “tiểu thừa” về tình dục cũng đã là đáng quý! Nó chửng tỏ hội họa ở ta đang thay đổi, xã hội ở ta đang thay đổi” [70,261].

Ngoài thể hiện ước mơ, phản biện đời sống, hội họa mang hơi hướng thời sự được thể hiện một cách văn minh, cá tính còn là công cụ định hướng xã hội hiệu quả. Chúng ta đang sống trong thế giới mà cái gì cũng có thể xảy ra. Theo Nguyễn Huy Thiệp, “Hiện thực cuộc sống sẽ ngày càng dung tục và nó đương nhiên là thế. Những tiên tri cảnh tỉnh về thời mạt pháp cũng nhiều nhan nhản như các tin mừng về một thế giới sáng sủa đang tiến gần” [70,263]. Về vấn đề Kịch, Nguyễn Quang Lập nói đến “sự nhạt” trong sáng tác của các nhà văn, nhà biên kịch” [70,89], Nguyễn Huy Thiệp bật lại vấn đề: “Thế điều gì làm nên cái không nhạt trong sáng tác của nhà văn, nhà biên kịch?”

Theo Nguyễn Huy Thiệp, “Những sáng tác đầu tay thường hay. Vì sao? Có người nói vì có nhiều vốn sống. Không đúng. Thường nó hay vì ở đây

không có vốn sống (thậm chí ở đấy chẳng có tí vốn sống quái gì cả) mà nó hay vì ở đấy giàu óc tưởng tượng” [70,89]. Thường các nhà văn, nhà biên kịch trẻ với lòng say mê “hiến tế” cho văn học, bằng tất cả mong muốn của mình vắt óc ra mà tưởng tượng. và sau khi họ có thành công trong những sáng tác đầu tay thường rơi vào trạng thái “mỏi”. Giống như các vận động viên, khi đạt được cái “ngưỡng” rồi khi khó lòng vượt ngưỡng được nữa. Những sáng tác sau đó tất yếu loanh quanh dẫn đến “sự nhạt”. Còn các nhà văn có tuổi “mất đi óc tưởng tượng giống như người già mất đi tinh lực”, họ chỉ có kinh nghiệm. Với vốn kinh nghiệm “dày dặn”, đa số người có tuổi không “sáng tác” (tức là không tưởng tượng nữa, họ không bịa đặt, không ỷ vào cảm xúc nữa), họ chuyển sang làm nhà soạn kịch, nhà soạn giả, nhà biên kịch.

Nguyễn Huy Thiệp đặt vấn đề: “Vậy làm thế nào để không nhạt bây giờ? Và ông xác định: “Sống, đương nhiên rồi. Tu nhân tích đức, đương nhiên rồi. Xê dịch, đương nhiên rồi (xê dịch cả trong công việc, trong nội tâm (!), trong tài chính v.v...) [70,91]. Nguyễn Huy Thiệp cho rằng: “Điều khiến cho nhà văn, nhà biên kịch không nhạt là ở chỗ anh ta dứt khoát phải đọc, phải

học hỏi, phải tự làm khó mình. Hắn phải tự đốt nến tìm đường đi, không khoa trương, không nói năng gì cả và hì hục xây từng hòn đá cho lâu đài sự nghiệp của hắn nếu trời bắt hắn làm việc ấy và hắn không còn cách gì thoát được nghiệp chướng của mình. Hắn phải đúc chuông. Hắn phải tìm cách để cho con ngựa Pi-ga-dơ vỗ cánh bay lên trời, nghĩa là hắn phải cực kỳ mơ mộng và giàu khát vọng” [70,92].

Về vấn đề tạp văn, cũng trong bài viết Không Nhạt, Nguyễn Huy Thiệp trao đổi: “Từ chuyện Hội nghị bàn về kịch bản sân khấu đề tài hiện đại đã lại sang một màn giáo đầu khác rồi, không thể không nói đến đạo đức, đến nhân nghĩa tức là những giá trị chính thống của văn học. Thế là tạp bút chăng? Nhận thấy: Phê bình văn học, bình luận văn học là một lĩnh vực khó chơi, khó nhằn vì nó đòi hỏi sự công bằng, chưa nói gì đến dũng khí nhưng chí ít người làm việc đó phải “không hèn”. Đó là lý do thời gian đầu, viết các bài tiểu luận, tạp văn đăng rải rác trên các tạp chí Nguyễn Huy Thiệp không ký tên thật của mình mà mượn bút danh Dương Thị Nhã.

Trong một số bài tiểu luận khác Nguyễn Huy Thiệp lại nói những gì mình trình bày trong bài viết chỉ là “mua vui cũng được một vài trống canh”

như tiểu luận Trò chuyện với hoa Thủy tiên và những nhẫm lẫn của nhà văn (1), (2), (3). Với cái nhìn tinh ý, cách lập luận dửng dưng và sự liên tưởng tạt ngang vấn đề trong các tiểu luận của mình, Nguyễn Huy Thiệp đã châm ngòi cho nhiều cuộc tranh luận trong văn học như bàn về vấn đề thời của tiểu thuyết, con đường của nhà thơ, con đường của nhà văn…

Những vấn đề được Nguyễn Huy Thiệp đưa ra trong các cuộc tranh luận ấy đều có những tính thiết thực nhất định, phản ánh được thực trạng của đời sống nghệt thuật nói chung và thơ văn nói riêng.

Chương 3

Một phần của tài liệu Tạp văn và tiểu luận phê bình văn học của nguyễn huy thiệp (Trang 80 - 84)