Giọng tâm tình, chia sẻ

Một phần của tài liệu Tạp văn và tiểu luận phê bình văn học của nguyễn huy thiệp (Trang 98 - 102)

Đọc Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta không chỉ bắt gặp giọng văn tranh biện, “gây hấn”, hài hước, bông lơn, người đọc còn gặp một giọng văn tâm tình, chia sẽ. Xin nhắc lại là Phạm Xuân Nguyên từng gọi ông là “hiện tượng hai lần lạ: nội dung lạ, hình thức lạ”. Quả thực như vậy, Nguyễn Huy Thiệp từng nói: Khi viết một tác phẩm, tôi luôn cho rằng nó gây một cảm giác cho người đọc, cảm giác gì cũng được, khó chịu, giận dữ, buồn cười nhưng không cho người ta yên ổn. Tôi dị ứng với thứ văn chương mà người ta đọc rồi úp sách lên mặt ngủ khò. Và ông đã đánh thức sự bình yên của người đọc bằng cái nhìn tận sâu bên trong bản chất con người. Đi sâu vào tâm tình người ta bằng giọng văn tâm tình, chia sẻ.

Giọng văn tâm tình, chia sẻ của Nguyễn Huy Thiệp bắt nguồn từ việc sự dụng các bài thơ xen lẫn trong văn. Bởi vậy là văn của ông mang cảm quan của thơ ca. Nhà văn Lê Minh Hà gọi đó là những trang văn “dữ dội và hết sức thơ”. Cảm quan thơ thể hiện bàng bạc trong tác phẩm của cây bút này: từ ngôn từ đến cấu trúc, từ huyền thoại đến những bài thơ, từ tiêu đề đến những kết thúc.

Giọng tâm tình, chia sẻ ấy trước hết thể hiện ở cái tôi đầy chất thơ. Trong truyện ngắn, thơ trong tiểu luận phê bình, Nguyễn Huy Thiệp hoàn toàn không có ý định che dấu cái tôi của mình. Nguyễn Đăng Mạnh từng nói: “có một cái tôi lưỡng phân trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp, một cái tôi

của văn xuôi và một cái tôi của thơ. Cái tôi thứ hai giàu suy tư và bao giờ cũng mênh mang buồn. Buồn thương, xót xa vẫn là âm hưởng bao trùm lên mọi trang viết của Nguyễn Huy Thiệp” [46,146]. Cái tôi thứ hai luôn khắc khoải đi tìm, đi tìm cái đẹp, đi tìm tình yêu, đi tìm thiên tính nữ và tìm lại những chân trời huyền thoại trong vô thức tuổi thơ của mỗi con người. Hoàng Ngọc Hiến hết sức ca ngợi chất thơ được tạo ra bởi thiên tính nữ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp: “Tư duy thơ của Nguyễn Huy Thiệp - có khi còn mạnh hơn óc tưởng tượng triết học của Freud - đã biến thiên tính nữ thành một sức mạnh diệu kì: với sức mạnh này, đá cũng phải tan thành nước (Nàng Sinh) và bé Thu chấp chới bay lượn như không” [70,19]. Trong Tôi không chúc bạn thuận buồn xuôi gió, Hoàng Ngọc Hiến đã hết lời ngợi ca Nguyễn Huy Thiệp về giọng điệu đầy chất thơ.

Một góc sơ suất trong thế giới nội tâm của nhà văn được coi là tiểu biểu cho sự “gây hấn”, cho sức mạnh diệu kì của nhà văn. Thế những trong tiểu luận này, nhà văn đã xen những câu thơ mộc mạc nhưng đầy cảm xúc, khiến bài viết không khô khan mà ngược lại lại nhẹ nhàng, dễ chịu: “Tôi vẫn đi tìm người đàn bà ấy/ Người đàn bà đỏ của số phận tôi/ Nàng ở nơi đâu: góc biển chân trời/ Tôi vẫn đi tìm, đi hoài chẳng thấy” [70,9]. Những câu văn đang lên gân, đang “nổi sóng” như: “Khi xem xét thế giới nội tâm của mình đa số nhà văn có lương tri đều ngượng. Các sự kiện thảy đều vụn vặt, chắp vá, nhem nhuốc, những suy luận duy tâm duy vật đan kẽ nhau thậm chí bỉ ổi”[70,9], “Trong đời sống tất cả sự nhạy cảm mà bọn nhà văn tưởng bở nhìn chung chẳng ăn nhằm gì so với sự nhạy cảm ở nhà chính trị. Tôi rất thú chuyện khi ghi hồ sơ của Vũ Trọng Phụng, một viên cò thời thuộc Pháp trước đây đã phê ba chữ: vô nghề nghiệp. Từ trạng thái vô nghề nghiệp chuyển sang trạng thái lưu manh ranh giới chỉ là cái tặc lưỡi. Sự hạ nhục của viên cò vô danh kia điển hình cho một khía cạnh nhạy cảm chính trị nào đấy đối với người cầm bút

[70,10], người đọc cảm thấy nhẹ người khi xen vào những câu văn như trên là những câu thơ nhẹ nhàng và dễ chịu. Người đọc cảm nhận được sự băn khoăn của tác giả đằng sau nhưng câu từ tưởng như giết chết người ta bằng cái chết kiểu “Thiên Lôi nổi giận”: “Tôi vẫn đi tìm, tìm hoài chẳng thấy…”, nghe ra thì khắc khoải, nao lòng hơn là lên gân lên guốc.

Lòng mẹ được coi là bài thơ trữ tình ca ngợi cho cái đẹp, cho sức mạnh diệu kì của lòng mẹ. Cảm quan đậm chất thơ trước hết thể hiện ở những hình ảnh thiên nhiên đầy ấn tượng “Mưa bụi giăng giăng. Bây giờ là mùa xuân. Những cánh buồm nâu đang ngược gió” [70,222], “Nó chạy dọc theo con đường trồng đầy cây nếp xoan. Hoa xoan rụng trắng trên đường” [70,222]. Bức tranh xuân hiện lên đẹp lạ thường. Những bông hoa xoan trắng dệt lên ngày cưới của cô bé hàng xóm “lần đầu trang điểm” [70,223]. Đọc Lòng mẹ

không khỏi rơi nước mắt vì những tình cảm trong trẻo lạ thường của cô bé mới lớn đi lấy chồng. Màu trắng của hoa xoan trở thành nỗi day dứt của nhà văn. Câu văn vừa nhẹ nhàng, vừa day dứt, lại cũng vừa vui sướng, giục giã con người hãy rũ bỏ cái “vô tâm” mà sống. Người đọc cảm thấy ở Nguyễn Huy Thiệp một con người khác với một Nguyễn Huy Thiệp với giọng văn sắc lém lạnh lùng. “Trăng non chênh chếch trên đỉnh bụi tre. Ngõ nhỏ hai bên trông rặt những cây cúc tần. Đám dây tơ hồng giăng mắc” [70,223].

Giọng tâm tình, chia sẻ được tạo ra nhờ âm hưởng thơ ca. Thực ra, việc sử dụng thơ trong văn không phải là một hiện tượng lạ, thế nhưng vấn đề ở đây là tính chất và tần số. Đặc điểm này được nhiều nhà nghiên cứu nhận ra: Phạm Xuân Nguyên giới thiệu Nguyễn Huy Thiệp: “Trong truyện anh có thơ, nhiều thơ” [51,17], còn Đỗ Đức Hiểu: “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có nhiều bài thơ” [25,36]. Mức độ đậm đặc của những bài thơ trong truyện ngắn cùng “chất lượng” của nó làm cho nhiều người đọc nghĩ đến một chuyện khá

thú vị: nếu tập hợp tất cả các bài thơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, có thể sẽ có cả một tập thơ hết sức đầy đặn.

Trong tiểu luận Tính dục trong văn học hôm nay (3), Nguyễn Huy Thiệp viết về Đồng Đức Bốn với tất cả những tình cảm yêu mến dành cho người bạn. Phải nói rằng, tất cả những câu chữ trong tiểu luận phê bình của Nguyễn Huy Thiệp đều phải “làm việc”. “Nỗi cô đơn - một trong những tên ma cô của sex - thường nằm khểnh trong tâm hồn người ta như một ông “khách ở quê ra” khệnh khạng rất khó chịu. Sinh thời, Đồng Đức Bốn hay đến nhà tôi trong những lúc “chán đời” để đọc cho tôi nghe những câu thơ buồn của anh. “Chiều mưa trên phố Huế” là một bài thơ như thế.

Chiều trên phố Huế ra đi

Mưa mùa đông cứ rù rì bên tôi.

Đấy là một buổi chiều mùa đông xám nhạt giống như cách miêu tả của Nguyên Hồng “xám như nỗi buồn, như màu xi-măng, xám buốt ruột”. Cái tiếng rù rì của những âm thanh phố chợ, của tiếng mưa mà Đồng Đức Bốn nghễnh ngãng nghe thấy thực ra chỉ là tiếng lòng của hắn đang bồn chồn sôi réo” [70,253].

Như một lời thì thầm bên tai, như một lời tâm sự từ người bạn cũ lâu ngày gặp lại, lời văn nhẹ nhàng ru cảm xúc người đọc. Đọc những tiểu luận phê bình này, tự nhiên thấy Nguyễn Huy Thiệp thật hiền. Tất cả những cảm xúc thể hiện một cách cô đọng, súc tích trong những lời văn như những câu ca dao, những bài đồng dao vậy. Ở đó, ta thấy “những giọt vàng” thơ ca và triết lí. Khi Nguyễn Huy Thiệp viết “Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ở nông thôn” [70,10], ta cũng thấy được nụ cười hiền trong câu văn ấy. Những lời văn tâm tình, chia sẻ cùng với giai điệu u trầm buồn ngân nga ấy làm cho các tác phẩm của ông thêm nồng ấm, ân tình.

Nhiều người cho rằng Nguyễn Huy Thiệp lạnh lùng, vô cảm khi có những đoạn “giọng văn nén chặt, rất cọc, vẻ như triệt tiêu mọi cảm xúc”. Nhưng may thay, những dòng văn ấy không bị rơi xuống cái âm vực sắc lạnh của sỏi đá khi bên cạnh nó có những đoạn vút cao, chảy tràn tâm sự, tâm tình của Nguyễn Huy Thiệp. Tình cảm của người đọc được hâm nóng bởi những lời văn thủ thỉ chia sẻ bên tai. Hơn thế nữa, Nguyễn Huy Thiệp viết bằng cả tấm lòng của mình, bằng cả sự tri âm, chân thành và cởi mở, bởi thế mà phê bình đấy, tranh biện “gây hấn” đấy nhưng vẫn ngọt ngào đầm ấm biết bao.

3.3.2. Ngôn ngữ

Một phần của tài liệu Tạp văn và tiểu luận phê bình văn học của nguyễn huy thiệp (Trang 98 - 102)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(117 trang)
w