Ngôn ngữ bình dân là ngôn ngữ đời thường, đọc lên là hiểu thường được sử dụng rộng rãi, ai cũng có thể hiểu.
Bên cạnh lớp ngôn ngữ bác học, Nguyễn Huy Thiệp đưa vào tiểu luận phê bình của mình tất cả ngôn ngữ của đời sống thường nhật. Nhiều lời ăn tiếng nói hằng ngày, ông trích cả ca dao, tục ngữ. Tất nhiên là tất cả đều được chọn lọc tinh vi, khéo léo, kết hợp hài hòa với ngôn ngữ bác học. Điều ấy đã phát huy hết khả năng diễn đạt của lời văn, tinh tế, giản dị mà có âm vang, có thể diễn đạt được nhiều sắc thái của cuộc sống và những nét tinh vi, tế nhị trong tình cảm của con người.
Trước hết, hãy xem Nguyễn Huy Thiệp sử dụng những thuật ngữ như thế nào. Những thuật ngữ đưa ra không được lựa chọn là một khái niệm công cụ, một khái niệm lí luận. Nó tồn tại ở dạng “thô sơ” nhất của khái niệm. Chẳng hạn, khi lí giải về thơ, Nguyễn Huy Thiệp cho rằng: “Thơ là kết quả của trạng thái sáng tạo trong đó Sự thật biểu hiện. Quan niệm ấy na ná như một quan niệm tôn giáo nhưng thật ra không thể hiểu khác được. Quan niệm ấy về khía cạnh nào đó sẽ dị ứng” với yêu cầu xã hội. Muốn gì thì gì, thực tại thế giới bên ngoài vẫn tồn tại vô cùng tàn nhẫn giữa ‘thiện một bên và ác một bên”, hư và thực, tử tế và đểu cáng, “địch” và “ta”…Nhà thơ đứng giữa hai làn đạn để làm một việc là biểu hiện sự thật mà thôi” [70,43]. Sự mới mẻ trong
quan niệm về thơ, nhà thơ của tác giả không được chính tác giả trình bày một cách có lí luận. Những cụm từ: na ná, về khía cạnh nào đó, gì thì gì... đánh mất hoàn toàn khả năng biểu đạt lí luận. Người đọc nhận thấy sự biến mất của ngôn ngữ bác học mà thay vào đó là một lớp ngôn ngữ bình dân và bằng giọng điệu thỏa hiệp mơ hồ.
Khi đặt ra vấn đề phê bình văn học, Nguyễn Huy Thiệp nhấn mạnh phẩm chất nhà phê bình ở phương diện “tư cách người”: “Phê bình văn học, bình luận văn học là một lĩnh vực khó chơi, khó nhằn vì nó đòi hỏi sự công bằng, chưa nói gì đến dũng khí nhưng chí ít người làm việc đó phải không hèn (…) Thói to mồm, tính chất “bảo hoàng hơn cả vua” và đủ kiểu “văn hay” khác có thể giết phăng, giết tươi những người có ý định tử tế muốn làm việc này. Việc tranh đấu với những con ngợm văn chương (chữ của người Pháp dùng để chỉ đám quần cộc trong văn học) là bất khả. Không ai hoài hơi đi làm việc ấy (mãnh hổ bất địch quần hồ) nhưng việc nhận dạng ra nó để không dây vào, không chơi, không đánh đu là việc rất cần thiết với các nhà văn trẻ và những người cầm bút có ý thức chuyên nghiệp” [70,96]. Cách diễn giải nôm na và có phần “bạo lực” này cho thấy vốn ngôn ngữ bình dân của Nguyễn Huy Thiệp rất phong phú. Chính bản thân ông cũng thừa nhận là “Mẹ tôi là nông dân. Còn tôi sinh ra ở nông thôn” [70,10]. Bởi vậy, việc sử dụng một lớp từ bình dân càng làm cho câu văn trở nên giản dị và gần gũi. Ý tưởng của nhà văn được thực hiện tốt hơn.
Đặt câu hỏi “tiểu thuyết là gì?”, Nguyễn Huy Thiệp trả lời “Độ dày và tạp của tiểu thuyết có một cái gì đấy hấp dẫn… Tiểu thuyết như một nồi lẩu nóng hổi của nghệ thuật” [70,277]. Cách dùng hình ảnh “nồi lẩu nóng” để chỉ tính chất thể loại của tiểu thuyết, có lẽ gây hấp dẫn thực sự?
Bên cạnh đó, Nguyễn Huy Thiệp vận dụng linh hoạt và hiệu quả các chất liệu dân gian như ca dao, tục ngữ đặc biệt là thành ngữ thể hiện ý tưởng
của mình. Đối với những người ưa đọc thứ văn chương trau chuốt, gọt giũa thật khó lòng chấp nhận văn chương Nguyễn Huy Thiệp vì nhiều trang văn dễ gây phản cảm, bởi trong tiểu luận phê bình cũng như trong tạp văn và các thể loại khác ông viết, ông không ngại sử dụng tiếng lóng, những từ ngữ mang tính khẩu ngữ, thậm chí thô tục nữa là đằng khác. Ông huy động cả một lớp ngôn ngữ thường ngày xuất hiện với tần số cao như khỉ gió, đau đớn và bất hạnh, bạc bẽo, hiểm hóc, trắng trợn, tởm lợm, cay cú, hèn hạ, nhăng nhố, bợm bãi, vớ vẩn, lằng nhằng, gì thì gì… Lớp từ này đã từng luyện đan trong truyện ngắn, nay được tái sử dụng với một công năng phê bình, tiểu luận, điều ấy chứng tỏ tư duy truyện ngắn và phê bình tiểu luận của Nguyễn Huy Thiệp là tương đối thống nhất.
Cách sử dụng từ ngữ như vậy hoàn toàn là dụng ý của nhà văn khi xây dựng nhân vật. Ví như khi xây dựng chân dung những kẻ sĩ, Nguyễn Huy Thiệp đã trích câu ca dao: Ra đường võng giá nghênh ngang/ Về nhà hỏi vợ: cám rang đâu mày?/ Cám rang tôi để cối xay/ Hễ chó ăn hết thì mày với ông. Hoặc những ngôn ngữ “thiết thực” hơn: “Cu ai nấy đái - Trâu thì lấy dây mà dắc, người thì lấy c. mà lôi - Mặt nào ngao nấy - Sướng con cu mù con mắt“. Phần lớn lớp ngôn từ trên là những động từ thiên về chỉ trạng thái và hành động, được “chêm” một cách cố ý với giá trị là lời bình. Nó một lần nữa bình thường hóa bảng giá trị của truyền thống. Nếu Nguyễn Minh Châu coi nghề văn là lao động khó khăn, nhà văn là “người chiến sĩ trên mặt trận của Đảng” thì bao giờ Nguyễn Huy Thiệp cũng nhấn mạnh tính chất phù phiếm của nghề văn, của văn chương. Nếu Nguyễn Minh Châu coi tiểu thuyết là “sự nhào nặn đến mức tan nhuyễn giữa triết lí và đời sống” thì Nguyễn Huy Thiệp lại phát biểu một cách nôm na: gì thì gì vẫn khác với tiểu thuyết là một cung cách làm việc buồn tẻ song “đứng đắn” hơn nhiều.
Độc giả luôn rơi vào trạng thái bế tắc khi phải tìm nghĩa của các cụm từ
gì thì gì, cái gì đấy, diễn nôm na… mà Nguyễn Huy Thiệp sử dụng thông thạo trong các bài viết của mình. Nó không có chức năng bình phẩm, chỉ có chức năng diễn đạt rất mơ hồ. Thực ra những cụm từ hoặc những hư từ đã được Nguyễn Huy Thiệp đặt vào những chỗ đắt nhất. Bởi vậy nó cũng chẳng cần phải giải thích hay bình phẩm gì thêm, tự thân nó đã phát huy hết nghĩa của nó. Lớp ngôn ngữ giàu ý nghĩa biểu cảm hơn là tư duy ấy là tiểu biểu cho thể loại của phê bình, tiểu luận của Nguyễn Huy Thiệp. Chính Nguyễn Huy Thiệp trong một số bài viết đã luôn tự nhận mình không phải là nhà phê bình văn học. Nhưng người đọc vẫn phải thừa nhận sự sắc sảo và tinh tế trong lối phê bình của ông. Nhận ra giọng điệu riêng của ông hàm chứa những quan điểm, tư tưởng lớn lao của cả một giai đoạn văn học.