Về nhà thơ và con đường của nhà thơ (các tiểu luận)

Một phần của tài liệu Tạp văn và tiểu luận phê bình văn học của nguyễn huy thiệp (Trang 52 - 56)

2.2.1.Nhà thơ

Thơ là một hình thức nghệ thuật dùng ngôn ngữ làm chất liệu, và sự chọn lọc từ cũng như tổ hợp của chúng được sắp xếp dưới một hình thức lôgíc nhất định tạo nên hình ảnh hay gợi cảm âm thanh có tính thẩm mỹ cho người đọc, người nghe. Từ thơ thường được đi kèm với từ câu để chỉ một câu thơ, hay với từ bài để chỉ một bài thơ. Một câu thơ là một hình thức câu cô đọng,

truyền đạt một hoặc nhiều hình ảnh, có ý nghĩa cho người đọc, và hoàn chỉnh trong cấu trúc ngữ pháp. Một câu thơ có thể đứng nguyên một mình. Một bài thơ là tổ hợp của các câu thơ. Tính cô đọng trong số lượng từ, tính tượng hình và dư âm thanh nhạc trong thơ biến nó thành một hình thức nghệ thuật độc đáo, tách biệt hẳn khỏi các hình thức nghệ thuật khác.

Thơ có một lịch sử lâu dài. Định nghĩa sớm nhất ở châu Âu về thơ có thể bắt đầu từ nhà triết học người Hy Lạp Aristotle (384-322). Ở Việt Nam, thơ có thể bắt nguồn từ tục ngữ, ca dao mà ra. Những câu có vần điệu, dễ nhớ như

Sấm bên đông, động bên tây/ chớp đông nhay nháy, gá thì mưa… vốn là những kinh nghiệm được đúc kết thông qua sự từng trải, sự quan sát các hiện tượng thiên nhiên, mà đúc kết lại, truyền từ đời nọ sang đời kia, giống như một thứ mật mã trong ngôn ngữ để truyền thông tin vậy. Những đúc kết bao gồm đủ mọi mặt trong cuộc sống, sau này khi được biến thành những câu ca dao, câu , chúng trở thành một hình thức văn nghệ, giải trí.

Hiện nay, thơ trở thành một hình thức nghệ thuật hầu như ai cũng biết đến. Không ai đã từng thông qua một quá trình giáo dục mà không biết một vài câu thơ. Thơ còn trở nên một hình thức để bày tỏ tâm tư và chứa đựng tính sáng tạo của con người. Có thể nói, sự tồn tại của thơ đi song song với sự tồn tại của ngôn ngữ. Còn ngôn ngữ tức là còn thơ.

Thông qua giao lưu giữa các nền văn hóa, các thể loại thơ được tăng dần. Từ những cấu trúc đơn giản đến những cấu trúc phức tạp. Những xu hướng gần đây cho thấy, cấu trúc không còn là một yếu tố quan trọng trong thơ. Trong các thể loại thơ ở Việt Nam ta có thể kể đến một số thể loại như lục bát, song thất lục bát, các thể loại thơ Đường như thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn bát cú rồi đến các loại thơ mớithơ tự do. Ngoại trừ thơ tự do, một hình thức hầu như không có một cấu trúc rõ rệt, các loại thơ khác hầu như đều có một cấu trúc nhất định. Chặt chẽ nhất có thể là các loại thơ

Đường luật, trong đó cấu trúc về nội dung, luật về số chữ trong câu, số câu trong bài, về cách gieo vần quyết định thể loại của bài thơ. Sự khắt khe trong cấu trúc làm cho thơ Đường trở nên gần như một hình loại văn học chỉ dành riêng cho các tầng lớp trung lưu trở lên, là những người có giáo dục đường hoàng. Chính vì sự khắt khe này, thơ Đường luật hiện nay dần dần bị phai nhạt và hầu như không còn ai để ý đến nữa.

Nhà thơ là người sáng tác thơ - một thể loại khác với văn xuôi hay kịch. Nhà thơ thường bị chi phối bởi nền văn hóa và tri thức truyền thống và viết ra ngôn ngữ đặc biệt (gọi là thơ).

Cơ sở để người làm thơ và người đọc thơ đồng cảm với nhau là một nền văn hoá chung. Ở thời trung đại, làm thơ không phải là để giãi bày một nỗi niềm riêng tây mà chỉ cốt nêu lên cái “tình”, cái “chí”, cái “đạo” trong vũ trụ và trong cuộc đời. Đọc thơ, do đó, cũng không phải là để tìm kiếm tâm sự của một cá nhân nào mà chỉ là để nhìn ngắm một biểu hiện của cái “tình”, cái “chí”, cái “đạo” ấy. Khi cái “tình”, cái “chí”, cái “đạo” ấy là cái gì phổ biến, chung cho tất cả mọi người thì việc nắm bắt ý nghĩa của một bài thơ không có gì là khó khăn cả. Một số bài thơ ngày xưa bị coi là bí hiểm thật ra không phải là vì tư tưởng hay cảm xúc của tác giả có điều gì sâu xa, khác lạ mà thường là vì việc vận dụng điển cố, điển tích quá cầu kỳ, quá lắt léo.

Ở Việt Nam ta cũng có hàng chục định nghĩa về thơ. Chẳng hạn, theo Tố Hữu: “Thơ là tiếng nói đồng tình, đồng ý, tiếng nói đồng chí” và “Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy”; còn Chế Lan Viên: “Thơ là gì? Là thơ lơ mơ”; Nguyễn Đình Thi: “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi động chạm tới cuộc sống (…). Văn xuôi lôi cuốn người như dòng nước, đưa ta đi từ điểm này qua điểm khác. Thơ, chỉ chọn một ít điểm chính, bấm vào những điểm ấy thì toàn thể động lên theo. Thơ là tống hợp, kết tinh. Văn xuôi cho phép không hoàn toàn, nhưng thơ thì luôn đòi hỏi

sự toàn bích” [64].; Sóng Hồng “Thơ hay nhất phải là thơ thiết thực. Thơ là một hình thái nghệ thuật cao quý tinh vi. Người làm thơ phải có tình cảm mãnh liệt thể hiện sự nồng cháy trong lòng. Nhưng thơ là tình cảm và lý trí kết hợp một cách nhuần nhuyễn và có nghệ thuật. tình cảm và lý trí ấy được diễn đạt bằng những hình tượng đẹp đẽ qua những lời thơ trong sáng vang lên nhạc điệu khác thường” (Sóng Hồng, Thơ, Nxb Văn học, tr.180).

Nhà thơ dù lớn hay nhỏ, tự mình cũng phải xác định thơ là gì khi cầm bút sáng tác ra thơ, (dĩ nhiên là sự xác định này không ai giống ai). Nói theo dân gian: trước khi làm phải biết mình làm cái gì thì mới làm được. Hơn nữa, thơ hiện đại luôn đòi hỏi là nhà thơ có tri thức, kể cả tri thức lý luận. Xác định “thơ là gì” theo lối thực dụng thì có công thức 3T: Tình - Từ - Tứ. Thơ trước hết phải có “Tình”, tức là nhà thơ phải có tình cảm mãnh liệt, chân thật và sâu sắc đối với đối tượng trữ tình; phải có rung động (cảm xúc) đột xuất, cao trào và bức xúc để tự “bức bách” mình phải “động thủ” thành thơ. Đồng thời tình cảm và rung động này phải đủ để làm nảy sinh, hòa nhập “quấn quít” với một trí tưởng tượng phong phú, bay bổng.

Nhân ngày thơ, bàn về thơ, Nguyễn Huy Thiệp phát biểu: “Nói về thơ (cũng là về nghệ thuật) có lẽ ít ai nói hay được như A.Rimbaud: “Tôi đặt cái đẹp lên đầu gối tôi/ Và thấy nó cay đắng quá/ Và tôi nguyền rủa nó!”. Cái đẹp của thơ từ xưa đến nay không ai phủ nhận, không phải bàn. Nhưng cái cần bàn là thế nào gọi là thơ đích thực? [70.234]. Có thể thấy, ít có Quốc gia, dân tộc nào lại có hẳn một ngày cho thơ, ưu ái gọi ngày rằm tháng giêng (15 tháng 1 âm lịch hàng năm) là ngày “Quốc thơ” như ở Việt Nam. Chính vì “nhà nhà làm thơ, người người làm thơ”, ai cũng làm được thơ nên Nguyễn Huy Thiệp cảm thấy danh hiệu nhà thơ bị rẻ rúng trước “tình trạng lạm phát thơ”.

Nguyễn Huy Thiệp không gọi những người sáng tác thơ là “nhà thơ” mà ông gọi là “người làm thơ”. Theo ông, có ba loại người làm thơ. Loại một,

đó là những người trẻ tuổi. Bởi “Thơ, đấy phải là của tuổi trẻ, của sáng tạo, của tình yêu, của cái mới, đam mê và khát vọng”. Dẫn chứng là, “trong lịch sử thơ ca, những bài thơ tuyệt diệu nhất đều là của những trai tân, gái tân, những thần đồng (trường hợp của Huy Cận, Tế Hanh, Chế Lan Viên và nhiều tác giả Thơ mới cũng như vậy. Trần Đăng Khoa thời nhí và Vi Thùy Linh thời chưa biết gì đến “mùi đời” cũng như vậy). Thơ của họ như giọt sương mai, nó là cái đẹp, ta cảm nhận được ngay”.

Loại người làm thơ thứ hai mà ông gọi là loại hai, “đấy là khi người ta không còn trẻ nữa, bắt đầu vào đời, lăn lộn trong “chốn giang hồ”, ngày xưa các cụ gọi loại thơ đó là “thi ngôn chí”. Khi bộc lộ chí, tức là đề cập đến một khu vực mạo hiểm và nhạy cảm nhất mà chúng ta vẫn quen gọi là tâm hồn. Tâm hồn là thứ rất cá nhân, nhìn chung nên dấu kín”. Loại thứ ba là thơ chính trị, thơ tâm lý chiến, thơ tầm phào, thơ của “đám giặc già lăng nhăng thơ phú”.

Nguyễn Huy Thiệp phân loại “người làm thơ” hay thơ, theo ba loại như thế chỉ có tính chất tương đối và võ đoán. Không theo một hệ thống tiêu chí nào cụ thể. Theo cảm quan Nguyễn Huy Thiệp, “Thơ nói chung, nhất là thơ tình yêu nên dành cho người trể tuổi. Ngoài loại một, loại hai vốn là thơ đích thực, còn lại là thơ chính trị, thơ tâm lý chiến… chúng ta cần phải có cách nhìn nhận đúng về giá trị chân lý thường nhật” [70,236]. Trong một bài viết khác, Nguyễn Huy Thiệp nói: “Tôi nghĩ thơ là kết quả của trạng thái sáng tạo trong đó Sự Thật biểu hiện” Và người làm thơ là “nhà thơ đứng ở ranh giới giữa hai làn đạn để làm một việc là biểu hiện Sự Thật mà thôi” [70,43]

Một phần của tài liệu Tạp văn và tiểu luận phê bình văn học của nguyễn huy thiệp (Trang 52 - 56)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(117 trang)
w