Giọng tranh luận “gây hấn”

Một phần của tài liệu Tạp văn và tiểu luận phê bình văn học của nguyễn huy thiệp (Trang 91 - 94)

Giọng điệu không chỉ mang nội dung tình cảm mà còn thể hiện thái độ của tác giả về đời sống. Giọng điệu văn chương là một nhân tố cốt yếu tạo nên phong cách nghệ thuật, nó cho phép ta hiểu sâu hơn sự phong phú của chủ thể sáng tạo. Giọng điệu vừa là một hiện tượng nghệ thuật độc đáo của nhà văn vừa là một hiện tượng ảnh hưởng không nhỏ đến các thời đại văn học. Tìm hiểu giọng điệu là một cách tiếp cận văn bản giúp chúng ta thấy rõ hơn và cảm được sâu hơn về con người và tác phẩm mà nhà văn gửi gắm.

Các tiểu luận phê bình và tạp văn mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã tập hợp trong Giăng lưới bắt chim đã thể hiện được giọng điệu riêng độc đáo, vừa phong phú vừa rất thống nhất. Nhiều bài viết có giọng điệu thực sự “gây hấn”, “gây nổ”. Thể hiện tính tranh luận, lập trường, quan điểm của nhà văn khi tạo nên sự “giật gân” ấy. Mỗi bài tiểu luận của ông đều hàm chứa nhiều phát ngôn mà độ đúng sai của nó, dù ở mức độ nào, chưa cần xem xét, cũng đều khía vào nơi hiểm yếu của văn học Việt Nam. Từ chuyện hành trình sáng tạo của nhà văn, chuyện chủ đề, tư tưởng nhà văn, đến chuyện tình hình văn học Việt Nam hiện đại, thời tiểu thuyết hoặc sự nhầm lẫn của nhà văn. Bằng sự quan sát thực tế và chiêm nghiệm của cá nhân, Nguyễn Huy Thiệp đưa ra những quan điểm “tranh biện”, “gây hấn” đối với những ai quan tâm nó.

Bản chất của những quan điểm đó, nằm giữa ranh giới, một bên là ý muốn thức tỉnh những cách nhìn, quan điểm cũ kỹ, bảo thủ với một bên là sự cắp nhặt xâu chuỗi suy nghĩ chủ quan, võ đoán. Ranh giới này không ngừng chấn động với “cái nhìn số phận” của con người, thời cuộc nhưng lại trở nên trơ cứng trước cái nhìn khoa học nghiêm khắc. Tư tưởng tiểu luận phê bình của Nguyễn Huy

Thiệp khu biệt ở chỗ, nhìn văn chương và con người văn chương như chính nó vốn có, không thần thánh và không tuyệt đối hóa, coi văn chương là một nghề và người viết văn là người, “còn nghề văn phức tạp hơn nhiều, không phải khỏe cơ bắp là đã chiến thắng” [70,65].

Khi nhìn về lịch sử dân tộc 4000 năm, Nguyễn Huy Thiệp đã nhìn bằng cái nhìn số phận. Nhìn lịch sử dân tộc dưới góc độ bi kịch và tai nạn lịch sử: “Việc dẫn dắt đất nước đi tới con đường ý thức, phát triển và tiến bộ đã diễn ra như thế nào, đầy sai lầm và đắng cay ra sao trong 4.000 năm nay chỉ cần giở sách lịch sử Việt Nam là thấy rõ” [70,32]. Với văn học, ông nhận xét: “Trong lịch sử văn học nước ta, cả dân tộc đã vài lần bị một hai con ranh con hoặc vài ba chú mục đồng thôi miên bởi thứ văn chương ỡm ờ nửa thiên thần nửa quỉ sứ” [70,35]. Nhận xét này đã đưa ra những tranh biện, những “gây hấn”, thức tỉnh những ai quá ca ngợi nền văn chương truyền thống nước nhà, một nền văn chương mà Nguyễn Huy Thiệp “điểm danh” không quá ba tên tuổi lớn. Một nền văn chương mà “Khoảng hơn chục năm trở lại đây, ở Việt Nam không có những nhà văn có phong độ, khí khách lớn” [70,315]. Rồi cũng chính Nguyễn Huy Thiệp thấy cái ngượng, cái buồn cười từ cái danh “đất nước của thơ”. Và ông đưa ra giả thiết: “Rất có thể thơ cũng sinh ra từ lòng vị kỉ hiếu thắng, từ sự dễ dãi mơ mộng và tính hiếu dâm chứ không phải là từ ý thức siêng năng và đức ôn nhu thuần hậu” [70,80], hay là “thơ là một phép màu, một kiểu trị liệu mơn trớn lòng ích kỷ, sự lười biếng, thói hoang tưởng mơ mộng và dục vọng ở người ta. Thường khi yêu đấy là trạng thái dễ nảy sinh ra thơ nhất, bởi vậy người xưa nghiêm khắc từng cho thơ là biểu hiện của sự dâm đãng và tính dục” [70,79]. Giả thiết đó xô ngã “ngôi đền linh thiêng của lời nói” vốn là hình dung từ lâu của chúng ta về vị thế - nguồn gốc thơ ca.

Để làm mọi người thay đổi những quan điểm, những cách nhìn cũ, Nguyễn Huy Thiệp đã tích cực đối thoại với nhiều quan điểm cũ, kể cả những

quan điểm mà từ trước đến giờ vẫn được mọi người xem rất “thiêng liêng”. Chẳng hạn, ông gọi quan điểm của Macxim Gorki là “lỗ mảng” khi nhà văn Nga này cho rằng “nhà văn phải cao hơn điều mình viết” [70,65]. Nguyễn Huy Thiệp lí giải “Nói như thế, nhà văn bị đẩy vào thế buộc phải chứng minh, phải chứng tỏ điều gì đấy (nhất là phải chứng minh, chứng tỏ với trí tưởng tượng của chính mình thì rất mệt, rất dễ quá sức) [70,66]. Kiểu nhà văn trong tiểu luận phê bình Nguyễn Huy Thiệp là kiểu nhà văn hai lần “lột xác”: một lần trong tác phẩm và một lần từ trong tác phẩm ra ngoài cuộc sống. Họ có tư cách nhà văn nhưng đồng thời cũng có tư cách người phàm tục. Cái thiên chức nhà văn, xét ra không có gì quá khác và kì diệu hơn so với những thiên chức khác. Chính Nguyễn Huy Thiệp đã đối thoại một cách thẳng thắn và quyết liệt để nhà văn không bị rơi vào tư thế phải chứng minh cho trí tưởng tượng của mình.

Những quan điểm truyền thống “thiêng liêng” ấy còn được Nguyễn Huy Thiệp “xét cho kỹ, cũng cực kì ghê tởm” bởi nó là “một lối nói biện minh nhằm tránh sự lố bịch, một thứ dầu nhờn bôi trơn cho trò chơi xấu”. Sự “gây hấn”, sự tranh biện ở đây chỉ nhằm mục đích “giải thiêng” cho những quan niệm cũ kỹ và lạc hậu ấy.

Giọng điệu tranh luận, “gây hấn” của tiểu luận phê bình Nguyễn Huy Thiệp là một giá trị cần thiết đối với tinh thần đối thoại, dân chủ trong phê bình, lí luận văn học hiện nay. Trên thực tế, những tranh luận xoay quanh một số bài viết trong tập sách này đã chứng tỏ tính ứng dụng báo chí mà tác giả mong muốn. Thực tế, Nguyễn Huy Thiệp tranh biện, “gây hấn” cũng chỉ nhằm mục đích đưa ra một cái nhìn mới đầy đủ và khách quan về văn học nước nhà. Qua đó thức tỉnh những ai còn quá yêu chuộng cách nhìn văn chương với cái nhìn truyền thống, lạc hậu. Đồng thời kêu gọi mỗi cá nhân đều có quyền tham gia vào địa hạt tranh luận để văn học Việt Nam tiến xa hơn nữa.

Đọc các tiểu luận phê bình và tạp văn của Nguyễn Huy Thiệp, người đọc nhận ra lối “tư duy kiểu truyện ngắn” của nhà văn. Nhờ lối tư duy truyện ngắn cho phép Nguyễn Huy Thiệp trình bày các luận điểm của mình dưới các câu chuyện, dạng câu chuyện: đó là giọng kể, giọng nói. Khi hàm lượng ngôn ngữ khái niệm chuyên ngành sụt giảm, ngôn ngữ đời thường lấn át và tổ chức thành giọng điệu chủ yếu thì kể chuyện là cách giúp người đọc cảm nhận nhanh nhất và hiểu quả nhất. Các câu văn ngắn, nhanh và gọn; kết cấu của mỗi bài viết rất gần với kết cấu ba phần của bài làm văn phổ thông đảm bảo tính đơn nhất của giọng điệu.

Khác với Nguyễn Minh Châu trong Trang giấy trước đèn, Đỗ Chu trong Tản mạn trước đèn thường nghiêm trang và chuẩn mực, giọng trầm điềm tĩnh; khác Trần Đăng Khoa trong Chân dung và đối thoại với giọng lém lỉnh, vần điệu, Nguyễn Huy Thiệp với Giăng lưới bắt chim luôn có kiểu giọng “gây hấn”, tranh luận, thậm chí rất lạnh lùng. Với giọng điệu riêng như vậy, tiểu luận phê bình và tạp văn của Nguyễn Huy Thiệp, ít nhất cũng làm người nghe phải “gai” tai. Khả năng “gây hấn” từ các bài viết này trước nhất là ở giọng điệu tranh luận.

Một phần của tài liệu Tạp văn và tiểu luận phê bình văn học của nguyễn huy thiệp (Trang 91 - 94)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(117 trang)
w