Hiện thực được phản ánh qua hồi ức và thường đậm tính chủ quan

Một phần của tài liệu Hồi kí trong văn học việt nam từ sau cách mạng tháng tám 1945 đến nay (Trang 26 - 29)

Với cảm hứng hồi cố, hồi thuật, hồi kí kể về “người thật việc thật” thuộc về quá khứ. Do vậy, người viết hồi kí chỉ tái dựng mảng hiện thực nằm trong miền kí ức, gắn với những ấn tượng, kỉ niệm riêng. Những gì được viết ra thường đậm tính chủ quan, thể hiện cái nhìn cá nhân của người viết. Điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định. Lại Nguyên Ân nhấn mạnh tính chủ quan như một đặc trưng của hồi kí: “Người viết hồi kí chỉ tái hiện cái phần hiện thực thường nằm trong tầm nhìn của mình, anh ta thường chỉ căn cứ chủ yếu vào những ấn tượng và hồi ức của bản thân mình; bởi vậy khắp nơi trong tác phẩm cái nổi lên hàng đầu chỉ hoặc là bản thân anh ta, hoặc là cái nhìn của anh ta vào tất cả những gì được kể lại, tả lại” [33]. Phạm Khải lưu ý đến

cái nhìn chủ quan của tác giả hồi kí: “Trong cuộc đời con người, không phải tất cả mọi điều đều được các tác giả lưu giữ đầy đủ trong kí ức, và không phải tất cả đều cần thiết được phơi trải trên trang sách. Và vì mục đích của mỗi người khi thực hiện cuốn hồi kí hoặc tự truyện là khác nhau, cho nên mọi tình tiết được nêu ra đều có “chọn lọc” và chắc chắn không thể thoát được cái nhìn chủ quan của người viết” [62]…

Một yêu cầu của thể loại kí nói chung là sự chân thật. Ở mức độ cao hơn còn là sự xác thực. Chân thực, xác thực trong hồi kí cũng tính đến yếu tố chủ quan. Tác giả hồi kí luôn có ý thức tôn trọng người thật việc thật nhưng viết về nó, thể hiện nó theo trí nhớ và cái nhìn cá nhân. Các sự kiện trong quá khứ được kể lại không khỏi chịu tác động bởi sự “không biết hết”, “không nhớ hết”, quy luật “quên lãng” và “làm méo lệch” của cơ chế hồi ức. Nếu quá khứ càng lùi xa thì sự tác động này càng gia tăng. Do đó, hồi kí khó tạo dựng một hiện thực hoàn toàn trùng khít với sự thật khách quan. Điều này đôi khi do khả năng của người viết, nhận thức và kinh nghiệm của anh ta đưa lại. Nhà văn viết sự thật như mình biết, như mình nghĩ và tin đó là sự thật. Như vậy, hồi kí có sự thật khách quan và cả sự thật qua lăng kính chủ quan, qua kiểm chứng cá nhân của người viết.

Sự thật khách quan là sự thật tự nhiên và xã hội diễn ra đúng như ta chứng kiến. Các tác giả đều có mong muốn tái hiện sự thật khách quan nhưng có nhìn ra, đạt đến sự thật đó hay không còn phụ thuộc vào tài năng và cả bản lĩnh của người viết. Dù nhà văn có tài năng và bản lĩnh dám nói sự thật, thì kí ức họ cũng không thể là nơi lưu giữ đầy đủ mọi điều và tất cả cũng không nhất thiết phải phơi trải trên trang sách. Tuỳ mục đích viết, nhu cầu và cá tính của mỗi nhà văn mà các chi tiết sự thật được đưa ra có chọn lọc và sắp xếp khác nhau. Tính chân thực của các chi tiết, sự kiện lúc này được xem xét ở góc độ nó có tải được ý đồ nghệ thuật của nhà văn hay không. Đặng Thị Hạnh cho rằng: “Tôi hiểu tính chân thực trong tự thuật và hồi kí theo cái nghĩa miễn sao tác giả xây dựng được diện mạo người cùng thời, và qua chuyện của mình mà phác họa ra cả thời đại là tốt rồi” [66]. Nhà thơ Phạm Tiến Duật nhấn mạnh sự thật của ý tưởng và tâm linh trong các dạng thức hồi kí, tự truyện: “sự thật của cuộc sống được đề cập trong những cuốn tự truyện cũng không thể hiểu theo nghĩa “trần trụi” được… cái “trục từ trường” của sự thật quan trọng hơn chi tiết. Mọi chi tiết trong một cuốn sách cũng đều đóng vai trò chứng minh cho một dòng chảy chính

mà tác giả muốn đề cập đến. Bản thân mỗi chi tiết, có thể là sự thật 100% đấy nhưng chưa chắc đã nói lên điều gì. Vậy nên, sự thật của ý tưởng và tâm linh mới là điều quan trọng nhất” [18]. Như vậy, sự thật khách quan đi vào hồi kí trở nên phong phú, đa dạng hơn, có thể thiên về góc độ này hay góc độ khác, lĩnh vực này hay lĩnh vực kia, có cả lịch sử một thời đại, một cộng đồng đến lịch sử đời sống một cá nhân...

Sự thật khách quan, bản thân nó đã có sức hấp dẫn nhưng tính chất “sống” của hiện thực cũng rất quan trọng, cái tôi người kể cũng hấp dẫn không kém. Nguyễn Kiên cho rằng: “Một số hồi kí sở dĩ đọc chán ngắt vì đại khái toàn kể những chuyện người đọc đã biết rồi. Ngược lại, những cuốn hồi kí mà tôi thích thường có cái sinh động của những chi tiết đời thường… Nếu không có cái vẻ sinh động của đời sống hàng ngày thì còn ai cần đến hồi kí nữa” [66]. Nhà văn không chỉ đưa vào hồi kí những chi tiết sự thật diễn ra hàng ngày mà ai cũng biết, không chỉ là nhân chứng trung thành với tư liệu lịch sử ở thời điểm mà mình nhắc tới, họ còn có nhu cầu khám phá đời sống, nói đến cái sinh động của những chi tiết đời thường, nói về thời cũ theo “cái biết” của mình… Tất cả làm cho hiện thực trong hồi kí trở nên cá biệt hơn, riêng tư hơn và có sức hấp dẫn hơn. Như vậy, có một sự thật chủ quan trong hồi kí: sự thật phụ thuộc vào suy nghĩ và hành động của con người mà chúng diễn ra nhiều khi không như ta nhìn thấy. Sự thật này được tạo nên bởi những yếu tố cá nhân, phi chính thức và chính nó đã gia tăng sự cuốn hút cho hồi kí. Do đó, hồi kí dù viết về quá khứ song giá trị và khả năng cảm hoá của nó lại được xác lập bởi góc nhìn hiện tại, dù tái hiện người thật việc thật nhưng cái người đọc muốn kiếm tìm không chỉ là những giá trị tư liệu lịch sử chính thống. Có thể nói, trung thực, xác thực là yếu tố sống còn của một cuốn hồi kí nhưng hồi kí chân thực theo cách: nhà văn vừa cố gắng nói ra sự thật, tôn trọng sự thật như nó vốn có, vừa rất trung thực với chính mình, thể hiện người thật việc thật gắn với nhu cầu khám phá đời sống, tìm đến cái sinh động của nó, bộc lộ cái nhìn đa chiều về cuộc đời và con người. Đó là nét đặc trưng của sự thật trong hồi kí cũng là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn riêng của thể loại này. Điều này giải thích vì sao nhiều hồi kí cùng viết về các sự kiện như “chính sử”, nhưng nó tạo được sức thu hút người đọc hơn “chính sử”.

Trong khi bàn về tính chân thực trong hồi kí, các nhà nghiên cứu đưa ra một số yêu cầu, chuẩn mực đối với tác phẩm hồi kí sao cho vừa đảm bảo tái hiện người thật việc thật vừa tôn trọng yếu tố chủ quan như một đặc trưng thể loại.

Nguyễn Chí Tình đòi hỏi tác phẩm hồi kí phải coi trọng sự trung thực: “yêu cầu hàng đầu đặt ra ở đây là sự trung thực, nghĩa là yêu cầu nói lên sự thật như nó đã diễn ra, như người viết được biết một cách có kiểm chứng, như người viết tin chắc rằng đó là sự thật với tất cả lương tri của người đang thực hiện giao lưu với công chúng… Nếu yêu cầu này không được tính đến thì chức năng khôi phục sự thật của quá khứ cũng như các chức năng khác sẽ chẳng còn ý nghĩa gì” [140]. Nhà văn Tô Hoài, một “cây” hồi kí xuất sắc cũng cho rằng người viết hồi kí phải tôn trọng sự thật, phải có cái nhìn khách quan: “Viết hồi kí là một cuộc đấu tranh tư tưởng để thấy ra sự thật. Nhưng thấy ra sự thật được hay không còn tuỳ vào khả năng của người viết… Nhiều người muốn khoe mình thì giữ cái nhìn khách quan là rất khó” [50]. Nguyễn Văn Dân nói đến quyền được sáng tạo của người viết để đảm bảo tính nghệ thuật của tác phẩm hồi kí: “Hồi kí không hư cấu nhưng vẫn có tính nghệ thuật. Hiệu ứng nghệ thuật của nó được hình thành từ kĩ thuật bố cục, cấu trúc của tác phẩm, từ lời văn và nghệ thuật kể chuyện… Và mặc dù về cơ bản nó không cho phép hư cấu, nhưng người viết có thể thêm bớt các chi tiết phụ nếu như các chi tiết đó không làm sai lệch sự chân thực của các sự kiện…” [14]. Với Nguyễn Kiên và Đặng Thị Hạnh thì một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của hồi kí là nhu cầu khám phá đời sống, cái nhìn đa chiều của người viết: “Trong khi kể chuyện, người viết đóng vai trò một nhân chứng. Sự trung thành với tài liệu ở thời điểm mà mình nhắc tới tự nó đã có sức mời gọi người đọc. Còn nếu như giờ đây mình nghĩ khác đi về chuyện xảy ra hồi trước thì lại càng thú vị. Ta có quyền viết ra cả hai, nhưng hai chuyện phải tách bạch cho rõ ràng”, “Đã từ lâu chúng ta có thói quen cho rằng chân lí là duy nhất, và chỉ có một số người (trong đó có ta) nắm được chân lí đó. Một khi có cách nghĩ ngược lại, thì hồi ức của con người như được giải phóng, tạo nên rất nhiều hào hứng” [66].

Như vậy, ở thể hồi kí, người viết “tái hiện sự thật” theo trải nghiệm và kiểm chứng cá nhân. Cái khung “phi hư cấu” của thể loại không hạn chế khả năng khám phá đời sống của các tác giả. Với góc nhìn cá nhân, những suy ngẫm sâu sắc về quá khứ và bản lĩnh nghệ thuật, nhà văn đã tạo nên một hiện thực tươi mới, sống động, chứa nhiều thông tin thẩm mĩ, nhân sinh. Đây là một phương diện cho thấy sức hấp dẫn riêng của thể loại.

Một phần của tài liệu Hồi kí trong văn học việt nam từ sau cách mạng tháng tám 1945 đến nay (Trang 26 - 29)